Siêu tàu dài nhất thế giới thành hàng "đồng nát sắt vụn"

Sasha

Moderator
Dài hơn cả chiều cao tháp Eiffel và tòa nhà Empire State gộp lại, Seawise Giant - siêu tàu chở dầu với chiều dài kỷ lục 458m - từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp đóng tàu thế giới, nay đã trở thành đống sắt vụn. Hành trình của "gã khổng lồ" này là câu chuyện đầy thăng trầm, đánh dấu những nỗ lực phi thường và cả những biến động khốc liệt của ngành vận tải biển.

Câu chuyện về Seawise Giant bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi công ty Sumitomo Heavy Industries (Nhật Bản) nhận đơn đặt hàng đóng một siêu tàu chở dầu từ một thương gia Hy Lạp. Tuy nhiên, vị thương gia này bất ngờ rút lui khi con tàu gần hoàn thành, để lại một khoảng trống lớn cho Sumitomo.

May mắn thay, Tung Chao Yung, chủ tịch hãng vận tải biển OOCL, đã xuất hiện và bày tỏ mong muốn sở hữu siêu tàu chở dầu. Yung yêu cầu Sumitomo gia tăng kích thước con tàu và cái tên Seawise Giant ra đời.

1719839631143.png

Tàu Seawise Giant chuyên vận chuyển dầu mỏ trên biển. (Ảnh: Orbitshub)

Với sức chở lên tới 564.000 tấn hàng, Seawise Giant lớn đến mức một thủy thủ cần diện tích trống rộng bằng 7.042 km2 để có thể xoay chuyển con tàu. Để dừng hẳn "gã khổng lồ" này khi đang di chuyển với tốc độ tối đa, thuyền trưởng phải cho tàu đi thêm 9km.

Trong 7 năm tiếp theo, Seawise Giant trở thành "con át chủ bài" của OOCL, vận chuyển dầu thô giữa Mỹ và Trung Đông. Tuy nhiên, biến cố đã ập đến vào năm 1988, khi chiến tranh Iran-Iraq nổ ra. Trong một cuộc không kích của Không quân Iraq, Seawise Giant bị trúng bom và chìm xuống đáy biển.

1719839662871.png


Dù chịu tổn thất nặng nề, OOCL quyết định bỏ lại Seawise Giant dưới đáy biển vì chi phí trục vớt và sửa chữa là quá lớn. Tuy nhiên, công ty Normal International của Na Uy đã nhìn thấy cơ hội từ đống đổ nát này. Họ đã trục vớt và sửa chữa con tàu với chi phí hàng triệu USD, đặt tên mới là Happy Giant.

Happy Giant sau đó được bán lại cho ông trùm vận tải biển Na Uy Jørgen Jahre với giá 39 triệu USD và được đổi tên thành Jahre Viking, tiếp tục hành trình vận chuyển dầu trên biển.

Tuy nhiên, những thay đổi trong ngành vận tải biển đầu những năm 2000 đã khiến những con tàu khổng lồ như Jahre Viking trở nên lỗi thời. Kích thước quá khổ khiến con tàu khó di chuyển qua các tuyến đường biển quan trọng, trong khi chi phí vận hành và tiêu hao nhiên liệu lại cao hơn so với những con tàu hiện đại.

Jahre Viking sau đó được bán cho First Olsen Tankers, đổi tên thành Knock Nevis và được sử dụng làm kho chứa dầu trước khi bị "khai tử" vào năm 2009.

Hành trình của Seawise Giant chính thức khép lại tại một xưởng tháo dỡ tàu ở Ấn Độ, để lại niềm tiếc nuối cho những người yêu mến "ông vua biển cả" một thời. Phần duy nhất còn sót lại của con tàu là chiếc mỏ neo nặng 36 tấn, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng hải Hong Kong.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top