Smartphone thoái trào, tồn kho cao, hàng ế ẩm, đến iPhone cũng phải bán lỗ

Thị trường smartphone Việt lâm vào tình trạng “dò đáy” doanh số từ cuối năm 2022 đến hết quý 1/2023. Đáy năm ngoái rơi vào quý 4 khi smartphone tiêu thụ chỉ đạt 2,6 triệu máy, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2021, trong khi đây là giai đoạn mua sắm nhộn nhịp nhất năm. Kể từ mốc khủng hoảng nguồn cung quý 3/2021 do những tác động của đại dịch Covid-19, đây là lần đầu thị trường chứng kiến mức sụt giảm sâu như vậy.
Tình trạng ảm đạm tiếp tục kéo sang quý 1 năm nay khiến các hãng điện thoại phải thay đổi chiến lược kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giảm giá để bán hàng giữ thị phần và đẩy hàng tồn kho.
Trên các tuyến phố tập trung nhiều đại lý bán lẻ smartphone nhất Hà Nội như Thái Hà, Cầu Giấy…, băng rôn về các chương trình khuyến mại tặng kèm sản phẩm hoặc giảm giá đến 30-50% liên tục được làm mới. Tuy vậy, các cửa hàng không tránh được tình cảnh đìu hiu.
Hương, nhân viên của hệ thống phân phối lớn trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết từ Tết đến nay, số lượng khách hàng vào tìm hiểu và mua điện thoại suy giảm. Khách chủ yếu vào hỏi bao da, ốp lưng điện thoại hoặc thay pin, ép màn hình… Ngoài ra, cửa hàng cũng tiêu thụ các thiết bị công nghệ khác như chuột, bàn phím, loa bluetooth… nhiều hơn là smartphone.
Trong tình cảnh này, việc ra mắt sản phẩm mới là điều “cực chẳng đã” với các thương hiệu điện thoại, đặc biệt ở phân khúc cao cấp.
Smartphone thoái trào, tồn kho cao, hàng ế ẩm, đến iPhone cũng phải bán lỗ
Oppo Find N2 Flip là 1 trong các smartphone ra mắt trong quý 1/2023 tại Việt Nam
“Sức mua của thị trường giảm khiến các hãng rất hạn chế ra mắt điện thoại cao cấp mới. Bởi điều này khiến họ thiệt đơn thiệt kép. Đầu tiên, hãng phải bỏ chi phí truyền thông lớn quảng bá sản phẩm trong khi không thể bán với giá cao, khiến lợi nhuận thu về không nhiều. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh của các hãng điện thoại khác ở phân khúc cao cấp với Apple, Samsung cũng rất hạn chế, tỷ lệ thành công thấp”, đại diện một hệ thống phân phối điện thoại chia sẻ.
Trong năm nay, hai “ông lớn” Oppo và Vivo sẽ không ra mắt dòng điện thoại cao cấp chủ lực của hãng là Vivo X90 Pro+ và Oppo Find X6 tại Việt Nam. Đây là hai sản phẩm đã ra mắt toàn cầu và thông thường sẽ được đưa về Việt Nam bán chính hãng không lâu sau. Trong khi đó, Realme cũng tạm dừng kế hoạch mang dòng máy cao cấp GT về Việt Nam. OnePlus, Asus cũng không làm chương trình bán hàng rầm rộ sản phẩm flagship của hãng.
Chuyên gia Minh Tiến nhận định: “Từ đầu năm, chỉ lác đác điện thoại mới ra mắt tại Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây không phải nhu cầu của khách hàng lúc này, trong khi công nghệ smartphone vốn chạm ngưỡng và bão hoà vài năm gần đây. Nếu phải trình làng sản phẩm theo kế hoạch truyền thông dài hạn, các hãng cũng tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn cách làm phù hợp hoàn cảnh, tiết kiệm chi phí”.
Cuối tháng 3, sự kiện ra mắt điện thoại quy mô hoành tráng với chuỗi trải nghiệm sản phẩm được tổ chức nhiều tỉnh thành được đánh giá là “của hiếm” khi Oppo giới thiệu Find N2 Flip. Theo các chuyên gia, Oppo muốn nhắc lại hình ảnh thương hiệu của hãng với người dùng Việt sau thời gian dài im ắng. Ngoài ra, điện thoại màn hình gập Find N2 Flip cũng là dòng sản phẩm hoàn toàn mới của hãng, hứa hẹn tiếp cận nhóm khách hàng và đem về doanh thu mới.
Theo thông tin từ hệ thống FPT Shop, Find N2 Flip có giá niêm yết 19,9 triệu đồng kèm quà tặng 5 triệu đồng, được bán chính hãng từ ngày 8/4. Như vậy, sản phẩm của Oppo không được xếp vào phân khúc cao cấp bởi sử dụng chip MediaTek, định vị thấp hơn dòng Find X, Find N Fold. Nhờ đó, Find N2 Flip tránh đụng độ phân khúc smartphone giá trên 20 triệu đồng do Apple và Samsung nắm giữ.
Smartphone thoái trào, tồn kho cao, hàng ế ẩm, đến iPhone cũng phải bán lỗ
Thế hệ iPhone 14 được các đại lý giảm giá để xả hàng tại Việt Nam

Nhu cầu mua sắm điện thoại có thể tiếp tục giảm sút

Từ nhiều năm qua, Apple và Samsung thống trị phân khúc điện thoại cao cấp, tầm giá trên 20 triệu đồng. Tỷ lệ áp đảo với 70% của Apple, khoảng 25% của Samsung khiến các hãng điện thoại còn lại như Oppo, Xiaomi, Vivo, Sony, Asus, OnePlus “chán nản” tranh nhau 5% còn lại.
Ngoài ra, sức mua đi xuống khiến chính “hàng hot” iPhone 14 của Apple cũng đang ế ẩm, phải giảm giá để xả hàng tồn từ các đại lý. Vì thế, khả năng thành công của các flagship mới nếu ra mắt thời gian này gần như bằng 0.
iPhone 14 giảm giá trong khi Samsung cũng “làm hết sức” để bán Galaxy S23. Thay vì tặng các gói quà bảo hành, đồng hồ, tai nghe như những thế hệ trước, thương hiệu này giảm giá trực tiếp 5 triệu đồng cho người dùng. Tương tự, giá niêm yết của dòng Xiaomi 13 cũng khá cao từ 23-30 triệu đồng. Sau mở bán, một số đại lý áp dụng thêm chương trình thu cũ giảm 6 triệu đồng để tăng doanh số cho mẫu máy cao cấp từ Xiaomi.
Đánh giá về thị trường smartphone năm 2023, ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc khối viễn thông di động hệ thống FPT Shop cho biết, đây là quãng thời gian khó đoán định vì nhu cầu mua sắm điện thoại có thể tiếp tục giảm sút theo đà ảnh hưởng từ tình hình kinh tế nói chung. Khách hàng rất cân nhắc khi xuống tiền mua điện thoại mới. Tiêu chí quan trọng cho quyết định mua sắm là sản phẩm phù hợp với nhu cầu và có mức giá cạnh tranh.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top