Số người mắc bệnh sa sút trí tuệ trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050

Đây chắc chắn là một con số đáng lo ngại đối với sức khỏe của con người và làm tăng thêm gánh nặng cho nền y tế tại các quốc gia thu nhập thấp.
Số người mắc bệnh sa sút trí tuệ trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet Public Health ước tính rằng, số người trưởng thành mắc chứng sa sút trí tuệ trên toàn thế giới sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng ba thập kỷ tới. Con số này tương đương mức tăng từ 57 triệu người vào năm 2019 lên 153 triệu người vào năm 2050.
Sự gia tăng các trường hợp sa sút trí tuệ do tình trạng tăng dân số và già hóa dân số, đồng thời còn có các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, béo phì và lượng đường trong máu cao.
Sa sút trí tuệ là nguyên nhân thứ bảy gây tử vong trên toàn thế giới và là một trong những nguyên nhân chính gây tàn tật và phụ thuộc ở người lớn tuổi. Ngoài ra tình trạng này dường như ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Vào năm 2019, chi phí toàn cầu liên quan đến việc điều trị chứng sa sút trí tuệ ước tính lên tới hơn 1 ngàn tỷ USD.
Emma Nichols, một nhà nghiên cứu tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington, Mỹ và là một trong những tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra những dự báo cải thiện về chứng sa sút trí tuệ trên quy mô toàn cầu cũng như cấp quốc gia, giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia y tế cộng đồng có những hiểu biết mới để hiểu được nguyên nhân của những sự gia tăng này, dựa trên những dữ liệu tốt nhất hiện có. Những ước tính này sẽ hỗ trợ chính phủ nhiều quốc gia trong việc đảm bảo các nguồn lực và hỗ trợ luôn sẵn có cho các cá nhân, người chăm sóc và hệ thống y tế trên toàn cầu”.
Số người mắc bệnh sa sút trí tuệ trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050
Theo Nichols và các đồng nghiệp của cô, các trường hợp sa sút trí tuệ sẽ gia tăng ở mọi quốc gia, trong đó mức tăng lớn nhất ước tính ở Bắc Phi và Trung Đông (367%), phía đông Châu Phi cận Sahara (357%). Các khu vực có thu nhập cao ở Châu Á Thái Bình Dương và Tây Âu ước tính có mức tăng nhỏ nhất (lần lượt là 53% và 74%).
Bốn yếu tố nguy cơ chính dẫn tới chứng sa sút trí tuệ là hút thuốc, béo phì, lượng đường trong máu cao và trình độ học vấn thấp. Trong khi những cải thiện trong tiếp cận giáo dục toàn cầu dự báo sẽ làm giảm 6,2 triệu ca mắc chứng sa sút trí tuệ vào năm 2050, béo phì, hút thuốc và lượng đường trong máu cao có thể sẽ góp phần làm tăng thêm 6,8 triệu ca sa sút trí tuệ trên toàn thế giới.
Chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào việc phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ trước khi chúng dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Nichols cho biết, ngay cả những tiến bộ khiêm tốn trong việc ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ hoặc trì hoãn sự tiến triển của nó cũng sẽ mang lại lợi ích đáng kể.
Nichols đề xuất: “Để có tác động lớn nhất, chúng ta cần giảm tiếp xúc với các yếu tố rủi ro hàng đầu ở mỗi quốc gia. Điều này có nghĩa là cần mở rộng các chương trình phù hợp với các địa phương, chi phí thấp nhằm hỗ trợ chế độ ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục nhiều hơn, bỏ hút thuốc và tiếp cận giáo dục tốt hơn. Nó cũng có nghĩa là tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu để xác định các phương pháp điều trị hiệu quả giúp ngăn chặn, làm chậm hoặc ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ”.
Nguồn: Earth
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top