Sony tham vọng thâu tóm thị trường giải trí Ấn Độ qua thương vụ 1,6 tỷ USD

nhhgiap

Pearl
Sony sắp tiến hành hợp nhất chi nhánh của mình ở Ấn Độ với một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất tại đây. Tham vọng của hãng, chính là thâu tóm ngành giải trí tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới, trở thành 1 trong những nhà cung cấp nội dung hàng đầu.
Sony tham vọng thâu tóm thị trường giải trí Ấn Độ qua thương vụ 1,6 tỷ USD
Dân số ngày càng tăng khiến Ấn Độ có tiềm năng thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối thập kỷ này, kéo theo thị trường nội dung truyền thông phát triển. Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ dự báo, lĩnh vực truyền thông và giải trí của Ấn Độ sẽ đạt quy mô hơn 30 tỷ USD vào năm 2023, tăng 61% so với năm 2020.
Sony đặt mục tiêu nắm bắt sự tăng trưởng đó thông qua việc mua lại Zee Entertainment. Vào tháng 9, công ty con Sony Pictures Networks India đã tham gia vào một hợp đồng sáp nhập không ràng buộc kỳ hạn với Zee. Sony sẽ đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD cho phần lớn cổ phần kết hợp, được niêm yết công khai tại Ấn Độ. Cả hai bên có thời hạn đến ngày 21/12 để hoàn thành thẩm định và các điều khoản liên quan.

Tập đoàn giải trí truyền thông lớn nhất

Đối với Sony, sáp nhập với Zee là con đường nhanh nhất để mở rộng danh mục kênh truyền hình tại Ấn Độ. Điều này sẽ cho phép công ty tăng cường kho nội dung khu vực, đồng thời thu hút nhiều người dùng hơn.
Hiện tại, Sony có hơn hai chục kênh truyền hình, bao gồm cả những kênh dành riêng cho thể thao, nhưng sau thương vụ kết hợp trên, nó sẽ được gia tăng bởi kho thư viện khổng lồ gồm các chương trình truyền hình cùng nhiều nội dung khác của Zee, đặc biệt là phim Bollywood.
Được thành lập bởi Subhash Chandra vào đầu những năm 90, Zee Entertainment Enterprises là mạng truyền hình lớn nhất của Ấn Độ. Với sự hiện diện trên 170 quốc gia, nó tiếp cận 1,3 tỷ người dùng trên toàn cầu.

Sony tham vọng thâu tóm thị trường giải trí Ấn Độ qua thương vụ 1,6 tỷ USD
Chandra đưa Zee đến Ấn Độ khi khán giả chỉ có Doordarshan do nhà nước quản lý là lựa chọn giải trí duy nhất trên TV. Nhờ kho nội dung giải trí đa dạng, Zee nhanh chóng dành được yêu thích, trở thành nền tảng giải trí hàng đầu.
Vineeta Dwivedi, người đứng đầu bộ phận truyền thông số tại Viện Nghiên cứu và Quản lý S.P. Jain có trụ sở tại Mumbai, cho biết việc sáp nhập Sony-Zee sẽ tạo ra một tập đoàn giải trí khổng lồ bằng tiếng Hindi, với 75 kênh trong nhóm cùng với hai nền tảng phát trực tuyến hàng đầu.
Chi nhánh tại Ấn Độ của Sony năm 2013 đã ra mắt SonyLIV, chỉ có 5,6 triệu người đăng ký trả phí tính đến tháng 4. Còn nền tảng trực tuyến của Zee, được gọi là ZEE5, ghi nhận đến hơn 90 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu tính đến cuối tháng 9. Việc sáp nhập trên sẽ giúp Sony cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn Netflix, Amazon và Disney, vốn đang nỗ lực khai thác thị trường phát trực tuyến đầy hứa hẹn của Ấn Độ.
Bình luận về thương vụ thế kỷ, David Gibson, nhà phân tích Trò chơi và Internet Nhật Bản tại MST Financial ở Sydney, cho biết:
"Ngày càng nhiều nhà cung cấp nội dung tăng cường mua thêm nội dung mới, làm thế nào bạn có thể cạnh tranh trong thị trường khốc liệt này? Bạn cần củng cố và mở rộng những thứ mình phải có, từ đó tạo điều kiện tiếp cận với nhiều khách hàng hơn trên đa thiết bị".

Bành trướng nội dung

Việc mở rộng của Sony tại Ấn Độ phù hợp với chiến lược kinh doanh tổng thể của hãng trong lĩnh vực giải trí. Công ty đã đẩy nhanh việc mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực game, anime và âm nhạc nhằm tăng cường nội dung, đồng thời tận dụng tài sản trí tuệ (IP) sẵn có của mình.
Sony tham vọng thâu tóm thị trường giải trí Ấn Độ qua thương vụ 1,6 tỷ USD
Năm nay, Sony đã hoàn tất thương vụ mua lại dịch vụ phát trực tuyến anime Crunchyroll với giá 1,2 tỷ USD. Nền tảng này có hơn 5 triệu người đăng ký trả phí tại hơn 200 quốc gia và khu vực, mang đến một mạng lưới phân phối mạnh mẽ mà Sony có thể tận dụng. Hãng đã lên kế hoạch quảng bá các nội dung do họ sản xuất như Demon Slayer.
Trong lĩnh vực trò chơi, tập đoàn này cũng đã mua nhiều studio, bao gồm Bluepoint Games của Mỹ, Housemarque của Phần Lan và Firesprite có trụ sở tại Vương quốc Anh. Kế hoạch này được xem như một chiến lược quan trọng nhằm mở rộng đối tượng khách hàng sau khi ra mắt console thế hệ mới PlayStation 5 vào năm ngoái.
Bộ phận phim ảnh bao gồm mạng truyền thông Ấn Độ, phim chiếu rạp, phim truyền hình,... dự báo lợi nhuận sẽ là 108 tỷ yên (941 triệu USD) vào tháng 3/2022. Mặc dù triển vọng lợi nhuận tăng 35% so với một năm trước, nhưng quy mô kinh doanh của phim ảnh vẫn nhỏ hơn các mảng khác của Sony. Phim ảnh đóng góp 10% trong tổng lợi nhuận hoạt động của tập đoàn. Game chiếm đến 30% còn điện tử là 18%.
Như vậy, thương vụ sáp nhập 1,6 tỷ USD không chỉ giúp Sony mở rộng thị trường Ấn Độ để trở thành tập đoàn giải trí lớn nhất, mà còn củng cố cho đơn vị phim ảnh và ngành giải trí nói chung (gồm trò chơi điện tử, phim ảnh, nhạc và anime). Với hàng loạt thương vụ thâu tóm trong ngành giải trí, Sony đang đặt cược để trở thành 1 trong các nhà cung cấp nội dung hàng đầu thế giới.
Nguồn:
Nikkei Asia
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top