VNR Content
Pearl
Vào mùa thu năm 1999, Sam Raimi bước vào văn phòng của Sony Pictures trong một bộ vest đen hoàn hảo, cố thuyết phục hãng cho phép ông đạo diễn phim Spider-Man. Thực tế, ông có rất ít kỳ vọng điều đó thành hiện thực. “Người đại diện của tôi, Josh Donen, nói rằng, ‘Họ muốn thành thật với anh. Có khoảng 18 đạo diễn khác mà họ có thể chọn thay vì anh’”. Raimi nhớ lại. “Ời, nói với họ là tôi là số 19 đấy”. Khi Raimi đến buổi gặp mặt, ông thấy trong phòng có CEO Sony Pictures John Calley, Chủ tịch Columbia Pictures Amy Pascal, Giám đốc Marvel Studios Avi Arad, Giám đốc hãng phim Sony Matt Tolmach và nhà sản xuất Spider-Man, Laura Ziskin (Calley và Ziskin đã mất năm 2011). Để làm không khí bớt căng thẳng, Raimi bắt đầu nói về lý do tại sao ông lại yêu thích Spider-Man đến vậy. Ông nói về những bức tranh người nhện treo trên tường phòng ngủ khi còn là một đứa trẻ. Ông nói nhân cách thật của Spidey, Peter Parker, là nhân vật đầu tiên truyền cảm hứng cho một đứa mọt sách như Raimi mong muốn thành siêu anh hùng chứ không phải một tên phụ tá vớ vẩn nào đó. Ông nói về cách mà đồng tác giả Spider-Man, Stan Lee, đã mang lại sức sống cho một nhân vật vốn có những yếu điểm cũng như thất bại cay đắng, chứ không chỉ sở hữu sức mạnh vô đối và sự dũng cảm khiến tử thần cũng phải nể sợ.
Đạo diễn Sam Raimi đứng sau thành công của 'Spider-Man' Và sau đó, một cách bất ngờ, Raimi ngừng nói. “Cuộc gặp đang diễn ra rất tích cực” - Tolmach nhớ lại. “Và bất ngờ, Sam liếc nhìn đồng hồ rồi đứng dậy và nói, ‘Cảm ơn các ngài rất nhiều vì đã bỏ thời gian lắng nghe. Tôi trân trọng sự chào đón của các ngài”. Hóa ra, Raimi cho biết ông được dặn chỉ được giới hạn thời gian cuộc gặp trong một tiếng thôi, và ông tôn trọng điều đó. “Tôi biết rõ là họ không muốn nhận tôi” - vị đạo diễn nói. “Nên tôi thực sự không muốn ở lại quá lâu” Nhưng đời không phải lúc nào cũng bi quan như bạn nghĩ. Raimi được chỉ định vào ghế đạo diễn. Thành công vang dội của Spider-Man - doanh thu 825 triệu USD trên toàn cầu và là phim siêu anh hùng có doanh thu cao nhất mọi thời đại tính đến thời điểm đó - là chất xúc tác cho sự trỗi dậy của một dòng phim mà trong suốt hai thập kỷ qua, luôn là thế lực thống trị phòng vé thế giới. Không có Spider-Man, sẽ không có MCU, không có Avengers: Endgame, không có The Dark Knight, và chắc chắn còn lâu mới có Spider-Man: No Way Home. Nhưng trong bài phỏng vấn với những cá nhân đóng góp đáng kể trong khâu sản xuất Spider-Man nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20, Variety đã khám phá ra nhiều thông tin thú vị, giải thích tại sao siêu phẩm này có thể đạt đến những cột mốc khó tin như chúng ta đã biết.
Sam Raimi (ở giữa) cùng Tobey Maguire và Kirsten Dunst trên phim trường 'Spider-Man' Theo Avi Arad, cựu Chủ tịch và CEO Marvel Studio, không studio nào có hứng thú với Spider-Man. Cứ gọi cho một studio nào đó, họ sẽ ngay lập tức từ chối, với lý do rằng “nhân vật này cũ rích rồi”. Hiển nhiên, đối với Marvel thì đây có thể xem là tài sản lớn nhất của họ, được định giá cả tỷ đô-la - nhưng hóa ra con số này là quá thấp. Nhà biên kịch David Koepp thì nói phim siêu anh hùng không nhận được sự chào đón nồng nhiệt bởi chưa tạo ra liên kết với văn hóa đại chúng, và trước Spider-Man, đã có quá nhiều sản phẩm rẻ tiền, nếu không muốn nói là nhảm nhí. Người ta cho rằng truyện tranh là thứ dành cho lũ nhóc, và chi phí khổng lồ để làm ra những bộ phim như vậy, có bao nhiêu khán giả sẽ ra rạp tận hưởng để hoàn vốn, chứ chưa nói đến sinh lời? Ngày nay, siêu anh hùng là thể loại phim phổ biến bậc nhất, với nhóm người xem từ trẻ em, teen, đến người trưởng thành - chúng đơn giản là phục vụ tất cả mọi người, mọi nhà. Quá đáng tiếc cho những studio không thể nhận ra tầm vóc vĩ mô của bộ phim này - Arad nói. Thành công của Blade do hãng New Line Cinema sản xuất vào năm 1998 phần nào mang lại sự tự tin cho các studio, rằng một nhân vật Marvel hoàn toàn có thể mang lại lợi nhuận cho phim, và Fox lúc bấy giờ cũng đang phát triển một bộ phim X-Men, chủ yếu vì thành công của series phim hoạt hình cùng tên. Tuy nhiên, Spider-Man, như đã nói ở trên, vẫn là viên ngọc quý của Marvel. Năm 1998, Sony Picture dưới chỉ đạo của Calley, cuối cùng cũng mua được bản quyền làm phim với giá chỉ 7 triệu USD, trong đó Marvel sẽ được chia 5% lợi nhuận và 50% doanh thu từ bán các sản phẩm nhượng quyền. Vào đầu thập niên 1990, James Cameron từng viết một kịch bản dài 80 trang cho phim Spider-Man với ác nhân chính là Electro. mở đầu bằng cảnh Peter Parker đã nổi tiếng với vai trò Spider-Man. Khi Sony bắt tay vào làm phim, Cameron đã từ bỏ ý tưởng của mình, nhưng kịch bản đó thì đi kèm với bản quyền làm phim và có một số ý tưởng khá táo bạo. Ví dụ, ông đưa ẩn ý về quá trình phát triển sinh dục vị thành niên vào với cảnh Peter thức dậy trên giường, tơ nhện đang quấn đầy người anh - giống như bị mộng tinh. Koepp, một trong những nhà biên kịch được chào đón nhất trong thập niên 1990, với các siêu phẩm như Công viên kỷ Jura và Nhiệm vụ bất khả thi, đã được mời tham gia phát triển Spider-Man. Nhằm tận dụng những ý tưởng rất thú vị của ông, bao gồm quá trình xây dựng mối quan hệ giữa Peter Parker với người phụ nữ mà về sau anh sẽ cưới trong truyện, Mary Jane Watson. “Ý đồ của tôi là Peter Park sẽ mất khá lâu mới thành Người Nhện. Cậu ta sẽ không khoác lên bộ trang phục đó trong 45 phút đầu phim. Đó là một câu chuyện về nguồn gốc rất mạnh mẽ, chúng tôi cần phải khai thác tối đa nó. Và vấn đề là cặp đôi này sẽ không bên nhau ở cuối phim - họ phải rời xa nhau, đó mới là lãng mạn. Chúng tôi đang cố làm điều gì đó khác biệt”.
Khi Raimi bắt đầu lao vào cuộc tìm kiếm, The Cider House Rules - bản chuyển thể năm 1999 từ tiểu thuyết của John Irving về một cậu trai trẻ lớn lên trong viện mồ côi vào thời kỳ Đệ nhị Thế chiến - gây chú ý với hàng loạt giải thưởng lớn. Ngôi sao của bộ phim này, Tobey Maguire, 24 tuổi, là người gần giống với Peter Parker nhất mà Raimi có thể hình dung ra. Người ta đánh giá rằng Tobey là một diễn viên đáng khen ngợi và hội tụ đủ mọi phẩm chất Peter Parker cần có - anh nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Raimi. Khi đã tập hợp đủ dàn cast - bao gồm Kirsten Dunst vai Mary Jane, Cliff Robertson vai Bác Ben, Rosemary Harris vai Dì May, James Franco vai Harry Osborn, Willem Dafoe vai Norman Osborn, và J.K. Simmons vai J. Jonah Jameson - việc tiếp theo là tìm cách để mang Spider-Man ra đời thực sao cho chuẩn comic nhưng không lạc lõng khỏi thế giới thực. Một số thiết kế trang phục khá phức tạp, như mũ của Green Goblin. Một thách thức khác là công đoạn pre-vis cảnh Người Nhện đu tơ quanh Manhattan - mọi chuyện khá dễ dàng ngày nay, nhưng cách đây 20 năm thì công nghệ CGI như vậy vẫn còn khá mới mẻ. Arad cho biết một trong những khoảnh khắc thú vị nhất của quá trình làm Spider-Man là cho Stan Lee lần đầu xem CGI Spider-Man đang bay: “bố già” Marvel sau khi xem đã hỏi một câu có vẻ khá thất vọng là “Vậy thôi hả?”, bởi hóa ra ông không biết đó chỉ là một cảnh pre-vis thôi. Quả thực sau khi xem đoạn CGI hoàn chỉnh, Stan Lee đã vỡ òa trong nước mắt khi thấy đứa con tinh thần của mình lên hình tuyệt vời như thế nào. Tiếp đó là cách bắn tơ của Spider-Man. Trong comic, Peter tự phát minh ra máy bắn tơ. Nhưng kịch bản của Cameron là biến tơ thành một phần của cơ thể Peter - một thay đổi khá lớn so với nguyên tác, Raimi đã giữ lại điều này. Thông tin này bị rò rỉ lên mạng trước cả khi bắt đầu ghi hình, và các fan đã lập ra cả một forum để bày tỏ sự không hài lòng của họ. “Tôi đã lường trước được điều này, và rõ ràng đó không phải là điều làm tôi thấy vui. Tôi không nhận được sự chào đón nồng nhiệt lắm từ các fan” - Raimi nói - “Tôi không nghĩ các fan cho tôi là người phù hợp để đạo diễn Spider-Man. Và rồi khi xảy ra vụ việc bắn tơ từ cơ thể, họ tìm cách loại tôi ra khỏi phim”. Nhưng theo Koepp thì ý tưởng bắn tơ từ cơ thể thực sự rất thú vị, cuối cùng bộ phim đã đi theo hướng này.