Startup Trung Quốc chạy đua sản xuất thịt từ thực vật

nhhgiap

Pearl
Trung Quốc là quốc gia có lượng thịt tiêu thụ lớn nhất thế giới, ước tính chiếm gần một nửa tổng số thịt trên toàn cầu. Theo nghiên cứu gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ, chỉ tính riêng năm 2021, đất nước này sản xuất 7,05 triệu tấn thịt bò và 43,75 triệu tấn thịt lợn.
Những cải thiện về mức sống và mức lương trong những thập kỷ gần đây là nguyên nhân đẩy mức tiêu thụ lên cao, đưa Trung Quốc đứng đầu trong nhiều bảng xếp hạng về tiêu thụ thực phẩm thịt. Tuy nhiên, xu hướng ăn lành mạnh và tác động xấu của ngành công nghiệp thịt lên môi trường đã dẫn đến sự sụt giảm tiêu thụ.
Dù phần còn lại thế giới có làm gì thì với một số người tiêu dùng Trung Quốc, thịt vẫn là nhu yếu phẩm không thể thiếu. Đầu năm nay, Quan Hiểu Đồng - một nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng - đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội khi công khai quảng cáo cho một công ty khởi nghiệp tên Plant Plus, chuyên về thực phẩm xanh.
Cùng thời điểm, tạp chí Time cho xuất bản bài báo có tựa đề “Chỉ cần loại bỏ thịt ra khỏi thực đơn, Trung Quốc có thể thay đổi cả thế giới". Global Times - một trang báo mạng của chính phủ Trung Quốc - sau đó bác bỏ luận điểm của Time và cho rằng họ đang cố duy trì tiêu chuẩn kép, “che đậy” con số tiêu thụ thịt thực tế ở phương Tây, vốn cao hơn Trung Quốc rất nhiều khi tính bình quân đầu người.
Giảm tiêu thụ thịt là một nhiệm vụ khó khăn. Dù vậy số lượng các công ty khởi nghiệp trong nước cùng với các công ty nước ngoài ngày càng tăng mang đến hy vọng thành công cho sứ mệnh đảo ngược xu hướng tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Startup Trung Quốc chạy đua sản xuất thịt từ thực vật

Vesta - chìa khóa cho ngành công nghiệp thịt Trung Quốc

“Tôi nghĩ rằng ở Trung Quốc, yếu tố kích thích hành vi người tiêu dùng là mối quan tâm cả về sức khỏe và môi trường”, trích lời của Zihan Xie, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty Vesta có trụ sở tại Bắc Kinh.
Vesta đã hoàn thành vòng gọi vốn 2,3 triệu USD vào năm ngoái với sự đầu tư từ Xuerong Biotech - một tập đoàn hướng tới phát triển các sản phẩm từ thực vật nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng Trung Quốc. Sở hữu trong tay các chuyên gia hàng đầu về ẩm thực như các nhà khoa học, kỹ sư thực phẩm và đầu bếp ba sao Michelin, Xuerong Biotech hướng tới phát triển sản phẩm giàu protein được làm từ đậu nành có nguồn gốc tự nhiên, không biến đổi gen.
Tuy nhiên, người tiêu dùng tại đất nước này không phải những thực khách dễ thỏa mãn. “Họ mong đợi rất cao vào chất lượng, giá cả, hương vị và cả kết cấu thực phẩm mình ăn”, Xie cho biết.
Không giống như hamburger, các món thịt chủ lực của Trung Quốc không dễ mô phỏng trong phòng thí nghiệm và cũng không dễ dàng thay thế trên thị trường.
Chẳng hạn như việc tạo ra những chiếc bánh bao nhân thịt lợn hấp truyền thống chỉ với các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật là một nhiệm vụ dường như bất khả thi. Đó phải là sự hòa trộn hoàn hảo giữa hương vị, kết cấu và tính nhất quán, nếu thỏa mãn những yếu tố trên thì mới có khả năng người tiêu dùng chuyển qua sử dụng thịt thay thế.
Theo Xie, giải được đề bài trên là điều không đơn giản cho tất cả các công ty trong ngành. Nhưng nếu làm được thì công ty đó sẽ giành được “miếng bánh thị phần” rất lớn. Trong lúc nhiều đối thủ đang nghiên cứu giải pháp về hương vị món ăn, Vesta lại khẩn trương làm việc với các bên cung cấp để giới thiệu sản phẩm của mình đến nhiều đối tượng khách hàng.
Đầu tháng 9, công ty hợp tác với chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Fatburger của Mỹ, có nhiều chi nhánh đặt tại Trung Quốc. “Trong mười ngày đầu tiên, sản phẩm của chúng tôi chiếm hơn 10% tổng số bánh mì kẹp thịt mà họ bán ra tại hai cửa hàng thử nghiệm ở Bắc Kinh”, một kết quả đầy hứa hẹn, Xie cho biết. Hãng cũng nỗ lực đàm phán với những chi nhánh khác nhằm đạt được thỏa thuận cung cấp sản phẩm trong toàn bộ chuỗi Fatburger tại đất nước này.
Hiện tại, Vesta đang tăng cường mở rộng năng lực sản xuất, đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường đông dân nhất thế giới. Bên cạnh đó là đầu tư cho đội ngũ R&D và bán hàng của mình.

Một thị trường "gai góc"

Ngành công nghiệp thịt làm từ thực vật của Trung Quốc có tính cạnh tranh mạnh hơn trong những năm gần đây, tạo thêm thách thức cho các công ty khởi nghiệp trẻ như Vesta. Tuy nhiên, đại dương này vẫn có chỗ cho các công ty trong nước. Công ty nông nghiệp đa quốc gia ADM dự đoán thị trường protein thay thế tại đất nước tỷ dân sẽ tăng từ gần 10 tỷ USD vào năm 2018 lên 14,5 tỷ USD vào năm 2025.
Ngoài Vesta, các công ty Trung Quốc khác như Zhenmeat có trụ sở tại Bắc Kinh và Starfield Food & Science Technology tại Thâm Quyến, gần đây đã nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ các nhà đầu tư mạo hiểm khi họ mạnh mẽ dấn thân vào thị trường ngách này.
Cuộc chơi còn có sự góp mặt của các công ty quốc tế lớn trong lĩnh vực thực phẩm protein có nguồn gốc thực vật như Beyond Meat và Impossible Foods. Trong đó, Beyond Meat nổi tiếng vì là nhà cung cấp cho nhiều chi nhánh Starbucks tại Trung Quốc. Ngoài ra, hãng mới vừa khai trương nhà máy sản xuất đầu tiên nằm bên ngoài nước Mỹ, đặt tại thành phố Jiaxing - gần Thượng Hải.

Startup Trung Quốc chạy đua sản xuất thịt từ thực vật
Eat Just - một công ty chuyên về sản xuất trứng nhân tạo có trụ sở tại San Francisco, vào tháng 1 năm nay đã đạt được thỏa thuận hợp tác với chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Trung Quốc Dicos - đối thủ cạnh tranh hàng đầu trong nước của McDonald's và KFC. Với bản hợp đồng béo bở, Eat Just sẽ thu được lợi nhuận khủng khi đưa được sản phẩm mới “Just Egg” của mình vào menu bánh mì của Dicos .
“Thị trường Trung Quốc phức tạp hơn thị trường phương Tây ở chỗ người dân đã quen sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật từ lâu, điển hình như đậu phụ. Người tiêu dùng có thể lựa chọn nó thay cho thịt hơn là tin vào chúng tôi”, Giám đốc điều hành Vesta Zihan Xie thông tin. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng thế mạnh “lâu đời” của đậu phụ vào trong các sản phẩm tương lai mà không để nó áp chế ngược lại thì các công ty như Vesta sẽ tồn tại và phát triển nhanh chóng.

Kỳ vọng vào sự hỗ trợ?

Những tác động tiêu cực của hiện tượng ấm lên toàn cầu và dịch lợn bùng phát là hồi chuông thúc đẩy ban lãnh đạo Trung Quốc cần tập trung cao hơn vào an ninh lương thực.
Bên cạnh tiến hành các biện pháp chống lãng phí và hỗ trợ cho công nghệ nông nghiệp, các nhà chức trách Trung Quốc cũng công bố mục tiêu đầy tham vọng: cắt giảm một nửa lượng thịt tiêu thụ vào năm 2030. Đối với vấn đề môi trường, chính phủ đặt mục tiêu năm 2030 sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất, tiếp theo là trung lập hoàn toàn carbon vào năm 2060.
Trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ rằng “an toàn thực phẩm là nền tảng quan trọng của an ninh quốc gia”. Vì định hướng như vậy, không lạ khi ngành công nghệ thực phẩm trong nước được hưởng lợi đáng kể từ các chính sách và trợ cấp hào phóng của chính phủ. Do đó, sự ra đời của một thị trường thực phẩm an toàn như thịt thay thế không sớm thì muộn cũng sẽ nhận được đãi ngộ tương tự.
Giám đốc điều hành Vesta thừa nhận rằng công ty của ông mới chỉ nhận được mức tài trợ khiêm tốn từ chính quyền các địa phương vì lý do thịt thay thế chưa được thừa nhận là một ngành cụ thể và số lượng công ty tham gia còn ít. “Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều quan tâm cùng hỗ trợ hơn nữa”, ông tâm sự.
Thay vì phải chạy đua để hiện thực hóa những mục tiêu khí hậu phi lý thì các cơ quan chính phủ nên tập trung đầu tư cho các công ty khởi nghiệp sản xuất thịt từ thực vật trong nước như Vesta, một phương án rõ ràng khả thi hơn nhiều.
Mặc dù tiến độ phát triển đôi khi sẽ chậm nhưng nhiều doanh nhân trong ngành vẫn tự tin về con đường phía trước. “Tôi nhận ra đây sẽ là một xu hướng lâu dài và khó lung lay”, Xie nói. Dưới con mắt của công ty khởi nghiệp, họ thấy được tiềm năng vô cùng lớn của mô hình kinh doanh này.
Nguồn: Pandaily
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top