Sự thật về thị trấn yên tĩnh nhất nước Mỹ

V
VNR Content
Phản hồi: 0
National Radio Quiet Zone (Vùng tĩnh lặng sóng radio quốc gia, NRQZ) là nơi hạn chế các thiết bị giao tiếp không dây. Nhưng khi đi sâu vào trung tâm của nó, vùng Green Bank (Tây Virginia), mọi chuyện dần trở nên thú vị.
17 chiếc ăng-ten nhô ra từ nóc chiếc bán tải Dodge Ram 2500 của Chuck Niday khiến bạn nhớ đến chiếc xe săn ma trong phim Ghostbuster, và mục đích của Niday cũng không khác phim là bao. Ma quỷ tồn tại quanh ta - ít nhất là ở dạng sóng bức xạ điện từ vô hình phát ra từ những đường dây điện và router Wi-Fi, bay xuyên qua những bức tường lạnh lẽo và bắn thẳng lên bầu trời; công việc của Niday là săn lùng chúng. Hàng ghế sau của xe đã bị tháo ra, thay vào đó là một bộ nhận tín hiệu, hệ thống Doppler, và máy phân tích dải sóng. Ăng-ten chính trên xe ông bắt được tín hiệu từ 25MHz đến 4GHz, trong khi những ăng-ten nhỏ hơn đóng vai trò thiết bị tìm hướng. “Nhờ một số phương pháp mà tôi tin là có chút ma thuật ở đây, nó sẽ chỉ ra hướng của tín hiệu mà chúng tôi đang tìm kiếm” - ông nói.
Niday đang đi tuần ở Green Bank, Tây Virgina, để theo dõi nhiễu sóng có thể gây xung đột cho nửa tá kính thiên văn hình đĩa khổng lồ đặt tại đài quan sát radio liên bang lâu đời nhất đất nước. Sử dụng các thiết bị điện từ trong phạm vi 16 km quanh đây được xem là bất hợp pháp nếu chúng làm gián đoạn hoạt động của các kính thiên văn, và hình phạt có thể lên đến 50 USD/ngày. Bao quanh đài quan sát là NRQZ, một khu vực rộng 33.670 km vuông, lớn hơn cả vùng Connecticut và Massachusetts gộp lại - nơi các dịch vụ di động và mọi loại hệ thống giao tiếp không dây bị hạn chế. Về lý thuyết, chỉ cần bạn bật smartphone lên khi ở trong thị trấn này, Niday sẽ phát hiện ra ngay.
Sự thật về thị trấn yên tĩnh nhất nước Mỹ

Thị trấn yên tĩnh nhất nước Mỹ​

Đường Mountain Turnpike uốn lượn như một con rắn xuyên qua những rặng núi chia tách Virginia và Tây Virginia. Trong một ngày trời quang, khi đi trên con đường này về phía nam của Rừng quốc gia Monongahela, bạn sẽ thấy một cấu trúc như khối Lego khổng lồ màu trắng mọc lên giữa một rừng cây cối xanh um.
Đó cũng là lúc điện thoại của bạn mất sóng. Đài radio trên xe thì rè rè vì không thể bắt được bất kỳ trạm phát nào. Bạn có thể lắc điện thoại bao nhiêu cũng được, nhưng không ích gì đâu. Nếu đã quen với điều kiện sóng sánh dạt dào ở vùng đô thị, có lẽ bạn sẽ phát hoảng.
Tiếp tục lái về hướng cấu trúc đặc biệt kia, bạn sẽ đến Green Bank, dân số 143, nổi tiếng với biệt danh “Thị trấn yên tĩnh nhất nước Mỹ”, nơi các thiết bị di động và không dây bị cấm tiệt, và sử dụng chúng sẽ khiến bạn bị xử lý theo pháp luật.
Công nghệ đang liên tục thay đổi cách chúng ta sống và giao tiếp. Nhưng tại Green Bank, sự hiện diện của một trong những công nghệ tinh vi bậc nhất hành tinh lại đang giúp thị trấn xa xôi này bảo tồn được lối sống giản đơn của ngày hôm qua.
Đây là nơi bạn có thể bỏ lại đằng sau những bon chen của cuộc sống thành thị. Tại đây, khái niệm liên tục kết nối không hề tồn tại. Ngay cả lò vi sóng cũng bị các nhà khoa học sống trong khu vực ghẻ lạnh.
Tuy nhiên, lý do không phải mọi người đang đi lùi hay sợ hãi công nghệ. Hoàn toàn ngược lại!
Các nhà nghiên cứu ở Green Bank đang làm một công việc vĩ đại: lắng nghe những thiên hà đang phát nổ ở rìa vũ trụ - một tín hiệu cực kỳ yếu ớt, chỉ khoảng 1 phần tỷ của 1 phần tỷ của 1 phần triệu watt.
Một chiếc điện thoại phát ra tín hiệu điện từ 3 watt và có thể lấn át âm thanh đang giúp các nhà thiên văn học hiểu được cách dải ngân hà hình thành và vẫn đang tiến hoá ra sao. Do đó, hành vi sử dụng điện thoại bị hạn chế ở NRQZ.
Sự hạn chế này càng gay gắt hơn khi bạn tiến gần đến Green Bank, ngôi nhà của kính thiên văn radio xoay được lớn nhất thế giới - kính thiên văn Green Bank Robert C. Byrd, điều hành bởi Đài quan sát Thiên văn Radio Quốc gia.
Kính thiên văn chính nặng 8.500 tấn, rộng 0,8 héc-ta, và cao đến 148 mét. Nhiều kính thiên văn nhỏ hơn đặt xung quanh nó trong khu vực rộng hơn 1.000 héc-ta. Nó có thể nghe được âm thanh từ cách xa hàng trăm triệu dặm và do đó thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới.
“Nếu bạn muốn nghe được những tiếng động nhỏ nhất, bạn cần phải hạ thấp tiếng ồn xuống” - theo Jay Lockman, nhà khoa học đang nghiên cứu tại đây. “Trong 5.000 năm qua, loài người đã sinh sôi mà không cần điện thoại. Do đó đối với tôi, thật lạ khi người ta thấy thiếu vắng điện thoại là một điều gì đó đáng phải bàn cãi”
Kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 1958, đài quan sát này đã phát hiện ra nhiều hố đen, vành đai bức xạ, và sóng trọng lực. Nằm giữa thung lung, những rặng núi xung quanh không khác gì một rào chắn tự nhiên trước những tiếng ồn từ thế giới bên ngoài. Nhưng chừng đó là chưa đủ.
Khi lần đầu xây dựng, chính quyền liên quan cũng đã thiết lập khu vực xung quanh là một NRQZ, nơi “tín hiệu di động, Wi-Fi và các tiếng ồn điện tử khác bị giám sát và giới hạn nghiêm ngặt” - theo nhà báo Stephen Kurczy trong cuốn sách “The Quiet Zone: Unraveling the Mystery of a Town Suspended in Silence” ra mắt hôm 3/8.

Những cư dân “dị ứng với cuộc sống hiện đại”​

Sự thật về thị trấn yên tĩnh nhất nước Mỹ
Quay trở lại với Niday.
Người kỹ sư của Đài quan sát thiên văn radio quốc gia này đã là tuyến đầu trong công cuộc bảo vệ môi trường khỏi tiếng ồn điện tử từ năm 2011. Khi nghe thấy tiếng xe của Niday bon bon trên những con đường ở Tây Virginia, mọi người hiểu rằng đã đến lúc rút phích cắm lò vi sóng nếu không muốn bị tóm.
Green Bank và các thị trấn lân cận - khu vực có tổng dân số vào khoảng 8.000 người - có thể trông khá tĩnh lặng. Nhưng nó cũng không kém phần kỳ lạ.
Bởi thiếu điện thoại di động, người địa phương tìm đủ mọi cách sáng tạo để liên lạc với nhau. Cửa hàng tiện ích Trents ở Arbovale, khoảng 8 km từ đài quan sát, có hai dải băng chuyền dán đầy giấy ghi chú từ những người mua sắm muốn để lại tin nhắn tại đây cho bạn bè hay gia đình.
NRQZ còn thu hút nhiều người vốn không chỉ muốn tìm kiếm một cuộc sống đơn giản. Trong vài thập kỷ trở lại đây, đã có hàng tá người đến đây để…chuẩn bị cho ngày tận thế, và thậm chí là cả những tên tân phát xít muốn trốn tránh sự chú ý (và những nguy hiểm) trong thế giới số ngày càng rộng lớn. Đây còn là nơi trú ngụ của một nhóm người gọi là “nhạy cảm điện từ” - những người tin rằng iPhone, tủ lạnh, và lò vi sóng đều khiến họ trở nên đau ốm, mặc cho không hề có bất kỳ bằng chứng y học nào chứng minh tình trạng đó có thật.
Bất kể vì lý do gì, họ đều cảm thấy “dị ứng với cuộc sống hiện đại”. Và nhiều người nói rằng họ chẳng còn nơi nào để đến trừ Green Bank.
Giống như mọi thị trấn khác, Green Bank cũng có trường học, bưu điện, cửa hàng tiện lợi, và tiệm cắt tóc. Thư viện của thị trấn này thậm chí còn được vinh danh là thư viện vùng sâu vùng xa số 1 của Mỹ vào năm 2013.
Cả thị trấn có một trạm xăng duy nhất. Không hề có đèn giao thông. Người dân ở đây có máy phát radio dân sự và điện thoại bàn. Họ cũng sử dụng internet thông qua dịch vụ dial-up hoặc cáp Ethernet. Một số ít người thú nhận có sử dụng Wi-Fi, khiến nhiều nhà khoa học tại đài thiên văn khá bực bội. Thay vì gõ cửa từng nhà và đề nghị tắt Wi-Fi, các nhà thiên văn học trước tiên sẽ thử chuyển sang các tần số khác để xem công việc có bị gián đoạn hay không, đồng thời cũng giúp người dân có thể sống thoải mái hơn đôi chút. Chẳng ai muốn kiện cáo ai việc gì.
Trong phạm vi 1,6 km xung quanh kính thiên văn, chỉ xe hơi chạy dầu diesel được phép hoạt động. Công nhân thì giao tiếp bằng máy bộ đàm cầm tay trên những tần số rất đặc biệt. Có khoảng 25-30 ngôi nhà trong phạm vi đài quan sát dành cho các nhân viên, và họ phải ký cam kết không được sử dụng lò vi sóng hay các thiết bị không dây.
Mỗi năm có khoảng 25.000 khách du lịch ghé thăm đài quan sát. Việc kiểm tra họ là một thách thức thật sự.
“Một số người đến đây hết sức hoảng loạn bởi không được sử dụng những thiết bị nhỏ nhắn của họ” - Lockman nói.
Ông và gia đình đã sống tại đây từ 2 thập kỷ trước. Ông yêu sự kết hợp của khoa học công nghệ cao và cuộc sống miền quê. Nhà nghiên cứu này thường xuyên bực bội với nhiều người trên đường khi có việc ra khỏi Green Bank.
“Nói thật, khá là lạ và khó chịu khi thấy người ta cứ hí hoáy với thiết bị của họ và chẳng chú ý gì đến sự việc xung quanh” - ông nói.
Nhiều cư dân ở Green Bank cũng có cảm giác tương tự: như thể, chuyện quái gì đang xảy ra với nước Mỹ vậy, khi mà ai cũng dán mắt vào điện thoại?

Nảy sinh tranh cãi​

Sự thật về thị trấn yên tĩnh nhất nước Mỹ
Teresa Mullen, cư dân Green Bank, giáo viên trung học, có một chiếc lò vi sóng. Cô cũng có smartphone, Wi-Fi, và biết nên đến đâu để bắt được tín hiệu di động. “Chúng tôi làm gì sống kiểu du mục đâu” 0 cô tiết lộ. Nhưng đó nào phải bí mật. Một ngôi nhà phía bên kia đường, đối diện đài quan sát, có mạng Wi-Fi với tên gọi “Screw you NRAO” (tạm dịch: Tiên sư mày đài thiên văn) - như một ngón tay giữa chĩa thẳng vào lời kêu gọi im lặng của các nhà khoa học. Phòng khám ở Green Bank cũng có Wi-Fi. Trung tâm dưỡng lão cũng có. “Chúng tôi lẽ ra không được có. Nhưng tôi nghĩ mọi câu chuyện về mức độ tiếng ồn kia đều là thêu dệt cả” - theo John Simmons, giám đốc chương trình dưỡng lão, và là cựu uỷ viên của hạt.
Khi được hỏi, nhân viên đài quan sát và các nhà khoa học tuyên bố chắc nịch rằng họ có quyền triệt hạ bất kỳ nguồn nhiễu sóng radio nào trong thị trấn, dù đó là Wi-Fi hay smartphone, lò vi sóng, hay một chiếc chăn điện bị lỗi. Nhưng khi câu hỏi tương tự được đặt ra với các nhà khoa học và quan chức trong cộng đồng thiên văn học nói chung, câu trả lời là: luật chống tiếng ồn radio của Tây Virginia về cơ bản là vô hiệu, có nghĩa Niday không được phép triệt phá Wi-Fi, smartphone, log vi sóng, hay những thiết bị điện tử được cho là “trái luật”.
Anthony Beasley, giám đốc đài quan sát thiên văn radio quốc gia ở Charlottesville, Virginia, người giám sát hoạt động ở Green Bank từ 1956 đến 2016, đồng ý rằng có một sự mập mờ trong quy định của NRQZ. Nhưng những quy định đó trên thực tế cũng khó mà thực hiện, nhất là khi dính đến vấn đề kinh phí hay hậu cần để truy lùng những trang thiết bị không dây quanh thung lũng. Với một đài quan sát đang thiếu tiền để hoạt động, tại sao phải tốn công thuê luật sư đi kiện người dùng Wi-Fi khi mà có thể dùng tiền đó để mua trang thiết bị khoa học, thuê thêm nhân lực, và đầu tư nghiên cứu?
“Đưa ai đó ra toà và rồi có nguy cơ bị kiện tập thể là một điều cực kỳ phí thời gian” - Beasley nói.
Và có vẻ mọi người đồng ý với điều đó. Chặn đứng cuộc cách mạng không dây là điều bất khả thi.
Cuối chuyến đi tuần, máy dò phát hiện ra tín hiệu ngày càng mạnh khi còn cách vài cây số nữa là đến nhà Niday. Ngay cả người đi “săn ma” cũng có Wi-Fi!
Về mặt kỹ thuật thì điều đó không được phép. Nhưng tôi biết cách để phá luật” - ông thú nhận.
Vùng yên tĩnh đã bị phá vỡ. Có lẽ đây là một điều tréo ngoe chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại: một khu vực đứng trước nguy hiểm không phải bởi biến đổi khí hậu hay đô thị hoá, mà bởi chiếc Apple Watch trên cổ tay bạn, chiếc iPhone trong túi quần bạn, bộ phận cảm biến chống va chạm trên xe hơi bạn. Liệu Green Bank có thể lưu giữ sự tĩnh lặng?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top