Sự thật về thông tin chấn động ngành bán dẫn "Trung Quốc đã tự làm được máy quang khắc 8nm"

A-Train The Seven
A-Train The Seven
Phản hồi: 0

A-Train The Seven

...'cause for once, I didn't hate myself.
Trong dịp nghỉ lễ Trung thu vừa qua, thông tin Trung Quốc đã tự phát triển thành công thiết bị quang khắc (DUV) với công nghệ nội địa, cho phép sản xuất chip bán dẫn ở tiến trình 8nm, đã gây xôn xao dư luận. Tin tức ban đầu được đăng tải trên các trang tin và mạng xã hội Trung Quốc, sau đó nhanh chóng lan truyền sang nhiều phương tiện truyền thông Đài Loan, Hồng Kông và một số tờ báo Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sự thật phũ phàng là thông tin này hoàn toàn sai lệch. Nguồn cơn bắt nguồn từ việc diễn giải sai thông số kỹ thuật của một thiết bị quang khắc do Trung Quốc sản xuất, được liệt kê trong danh sách phổ biến thiết bị công nghệ quan trọng năm 2024 do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) công bố hồi đầu tháng 9. Sự việc được cho là xuất phát từ tâm lý nóng vội muốn chứng minh khả năng tự chủ công nghệ trong bối cảnh bị Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lệnh cấm vận nghiêm ngặt.

Vụ việc này cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty khởi nghiệp về chip AI tự xưng là "Nvidia của Trung Quốc" liên tục sụp đổ. Những công ty này đã thổi phồng công nghệ để thu hút vốn đầu tư nhưng cuối cùng không thể cho ra sản phẩm thực tế, dẫn đến phá sản hoặc bị buộc phải rời khỏi thị trường chứng khoán.

"Bước đột phá công nghệ" hay chỉ là hiểu lầm?​

1729912725443.png


Tâm điểm của sự nhầm lẫn đến từ thông số kỹ thuật của một thiết bị quang khắc ArF do Trung Quốc sản xuất, được đề cập trong tài liệu của MIIT. Tài liệu ghi nhận thiết bị này có "độ phân giải 65nm hoặc thấp hơn và độ chính xác chồng lớp dưới 8nm". Một số trang tin đã hiểu sai cụm từ "độ chính xác chồng lớp dưới 8nm" thành khả năng sản xuất chip ở tiến trình 8nm. Thiết bị này được cho là do Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE), một nhà sản xuất thiết bị bán dẫn quốc doanh phát triển.

Thiết bị quang khắc có chức năng chiếu tia laser lên tấm bán dẫn wafer để khắc mẫu mạch điện tử với độ chính xác ở cấp độ nanomet, siêu nhỏ đến mức chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi điện tử. Thông số độ phân giải tối đa 65nm có nghĩa là thiết bị có thể khắc được các mạch điện tử có độ dày 65nm.

Độ chính xác chồng lớp (overlay accuracy) là một khái niệm xuất hiện khi chồng nhiều lớp mạch điện tử lên nhau trên tấm bán dẫn wafer. Nó đo lường mức độ lệch của các lớp mạch so với vị trí chuẩn khi được khắc chồng lên nhau. Trong trường hợp này, độ chính xác chồng lớp dưới 8nm nghĩa là thiết bị có thể giảm thiểu sai số lệch vị trí của các lớp mạch xuống dưới 8nm.

Giới chức Trung Quốc đã công bố thông số kỹ thuật này và tự hào tuyên bố đây là "một bước đột phá công nghệ đầy ý nghĩa". Tuy nhiên, dựa trên những gì được công bố, thiết bị này có thông số kỹ thuật tương đương với model DUV đời đầu "Twinscan XT:1460K" mà ASML, nhà sản xuất thiết bị quang khắc hàng đầu thế giới của Hà Lan, đã ra mắt từ năm 2009. Trong khi đó, các thiết bị DUV hiện đại nhất của ASML có độ phân giải dưới 38nm và độ chính xác chồng lớp nhỏ hơn 1.3nm.

1729912737802.png


Mặc dù vậy, nhiều trang tin và mạng xã hội Trung Quốc vẫn đăng tải rầm rộ những thông tin như "Trung Quốc đã chế tạo thành công thiết bị quang khắc 8nm nội địa", "khẳng định năng lực khoa học kỹ thuật của Trung Quốc trong bối cảnh bị phương Tây độc quyền công nghệ", hay thậm chí là "nâng cao năng lực tự chủ chip bán dẫn của Trung Quốc và thay đổi cục diện khoa học công nghệ toàn cầu".

Song, sự thật đã sớm được phơi bày. Không chỉ các trang tin công nghệ phương Tây mà ngay cả giới chuyên môn trong nước cũng nhanh chóng lên tiếng chỉ ra đây là một "sự nhầm lẫn tai hại". Mặc dù SMEE được xem là nhà sản xuất thiết bị quang khắc tiên tiến nhất Trung Quốc, sự việc này vô tình cho thấy thiết bị hiện đại nhất mà họ có thể chế tạo chỉ tương đương với sản phẩm mà ASML đã phát triển cách đây 15 năm.

Bài học rút ra là cần phải hết sức thận trọng và kiểm chứng kỹ lưỡng trước những thông tin liên quan đến công nghệ bán dẫn của Trung Quốc. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa tự chủ bán dẫn thành mục tiêu quốc gia và chính phủ Trung Quốc rót vốn khủng thành lập quỹ phát triển ngành bán dẫn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chưa được thị trường kiểm chứng tự ý thổi phồng năng lực công nghệ của mình.

Sự sụp đổ của "Nvidia Trung Quốc"​

Vào cuối tháng 8, thông tin công ty thiết kế chip GPU "ImagineX", từng được mệnh danh là "Nvidia của Trung Quốc", tuyên bố giải thể đã gây chấn động dư luận nước này.

1729912789573.png


ImagineX là một startup được thành lập bởi chuyên gia thiết kế chip bán dẫn Tang Zhimin vào năm 2020 tại Trùng Khánh. Chỉ trong vòng 2 năm, công ty đã lần lượt công bố 2 dòng chip GPU "Tianjun 1" và "Tianjun 2" do chính họ tự phát triển. Giá trị của ImagineX tại thời điểm đó được định giá lên tới 15 tỷ nhân dân tệ (khoảng 300 tỷ yên). Tháng 6 năm nay, thành phố Trùng Khánh đã vinh danh ImagineX là một trong những công ty kỳ lân tiêu biểu của năm.

Chính vì vậy, việc ImagineX bất ngờ tuyên bố giải thể và sa thải toàn bộ 400 nhân viên đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Theo truyền thông Trung Quốc, GPU do ImagineX phát triển không chỉ thua xa Nvidia mà còn kém cỏi hơn cả dòng chip AI Ascend 910 của Huawei, khiến công ty không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nguồn vốn đầu tư ban đầu cạn kiệt, trong khi không thể gọi thêm vốn đã đẩy ImagineX đến bờ vực phá sản. Tất cả cũng chỉ là thổng phồng vượt quá năng lực thực sự.

Bị buộc rời khỏi thị trường chứng khoán​


Vào ngày 28 tháng 6, công ty Beijing Left Hand Technology từng được biết đến với việc phát triển bộ xử lý dữ liệu DPU giúp tối ưu hóa hiệu suất máy chủ trung tâm dữ liệu, đã bị đình chỉ giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vì nghi ngờ gian lận tài chính. Cổ phiếu của công ty này từng có thời điểm tăng phi mã do được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ làn sóng bùng nổ AI toàn cầu và chính sách thúc đẩy ngành bán dẫn của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến tháng 11 năm ngoái, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã tiến hành điều tra và phát hiện Left Hand Technology đã thổi phồng doanh số bán hàng và nhiều số liệu khác. Hàng loạt DPU được ghi nhận là đã bán cho khách hàng trên thực tế vẫn đang nằm chất đống trong kho của công ty. Chẳng có thành tựu công nghệ hay kinh doanh nào là thật cả.

#Cuộcchiếnbándẫn #CuộcchiếnbándẫnMỹTrung
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top