Tai nghe open-back và closed-back là gì? Nên mua tai nghe nào?

Chọn tai nghe ưng ý không đơn giản như bạn nghĩ đâu! Những thuật ngữ như "open-back" hay "closed-back" sẽ khiến bạn bối rối, nhưng đừng lo, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tai nghe tốt phải đem lại cả trải nghiệm thoải mái lẫn âm thanh ấn tượng, vậy open-back hay closed-back sẽ là lựa chọn đúng đắn?
Cả hai loại tai nghe đều có thể "đỉnh", tùy thuộc vào cách bạn sử dụng và sở thích cá nhân. Hãy cùng tìm hiểu những điểm khác biệt giữa tai nghe open-back và closed-back để chọn ra "chân ái" nhé!

Closed-back: Âm nhạc riêng tư, "thế giới" của riêng bạn

Bose 700, Sony MDR-7506, và beyerdynamic DT 770 Pro đều nổi tiếng về độ bền bỉ, và đều là tai nghe closed-back. Vậy closed-back là gì?
Tai nghe open-back và closed-back là gì? Nên mua tai nghe nào?
Đơn giản là phần chụp tai của loại này có thiết kế kín, tạo thành một lớp vỏ cứng bên ngoài. Thiết kế này không chỉ đẹp mà còn có tác dụng quan trọng: ngăn âm thanh lọt ra ngoài và giúp bạn "đắm chìm" trong âm nhạc, tạm thời cách ly với tạp âm xung quanh. Tuyệt vời cho không gian riêng tư phải không? Nhưng hãy nhớ, chính thiết kế kín này đôi khi tạo ra một chút áp lực lên tai hoặc cảm giác ù ù nhẹ.
Mặc dù tai nghe closed-back đều có khả năng cách âm ở một mức độ nào đó, nhưng không phải loại nào cũng có công nghệ chống ồn chủ động. Tai nghe chống ồn là một "cấp độ" khác khi nó sử dụng công nghệ đặc biệt để triệt tiêu tiếng ồn bên ngoài.

Open-back: "Lạc trôi" giữa không gian âm nhạc

Khác với closed-back, tai nghe open-back có các lỗ thông hơi hoặc khe hở trên chụp tai. Điều này tạo ra sự khác biệt "trời vực" trong trải nghiệm âm nhạc! Thay vì "nhốt" âm thanh và cách ly bạn khỏi thế giới, tai nghe open-back cho phép âm thanh tự do "chảy" theo cả hai hướng. Bạn sẽ cảm nhận được chất âm tự nhiên hơn, như thể âm nhạc đang phát ra từ khắp căn phòng vậy!
Tai nghe open-back và closed-back là gì? Nên mua tai nghe nào?
Hiệu ứng "sân khấu âm thanh rộng" này mang lại cảm giác như âm nhạc đang bao quanh bạn chứ không chỉ vang lên trong đầu. Open-back "hi sinh" khả năng cách âm: Bạn vẫn nghe được người bên cạnh, mà họ cũng sẽ nghe được đoạn nhạc bạn đang đắm chìm đấy!
Thiết kế này cũng khiến tai nghe open-back "thoải mái" hơn. Bạn sẽ không còn cảm giác ù ù nhẹ ở tần số thấp như đôi khi vẫn gặp ở tai nghe closed-back. Nhưng, điều này cũng khiến open-back mỏng manh hơn, dễ bị hỏng do độ ẩm hoặc bụi bẩn lọt vào qua các lỗ thông hơi.

Vậy chọn loại nào mới đúng?

Tất cả phụ thuộc vào nơi bạn sử dụng, mục đích nghe và thời gian đeo tai nghe.
Tai nghe open-back và closed-back là gì? Nên mua tai nghe nào?
Tai nghe open-back tạo cảm giác đắm chìm trong không gian âm nhạc rộng mở, cực kỳ thích hợp cho các "audiophile" (người đam mê âm thanh) hoặc những ai làm việc với âm nhạc, cần chất âm sắc nét, tự nhiên. Chúng hoàn hảo cho việc phối âm ("mixing") và làm chủ âm thanh ("mastering"). Tuy nhiên, nếu bạn muốn thưởng thức playlist của mình trên chuyến tàu đông đúc hoặc cần sự yên tĩnh giữa văn phòng ồn ào, open-back không phải là lựa chọn lý tưởng. Khi đó, một chiếc closed-back sẽ phù hợp hơn khi bạn làm việc, học tập, hay thậm chí là khi "quẩy" nhạc như một DJ thực thụ!
Đừng quên nghĩ đến sự thoải mái khi phải đeo tai nghe trong thời gian dài. Open-back có lợi thế hơn một chút vì không quá nóng hoặc tạo cảm giác nặng nề trên tai, khiến bạn ít bị mệt mỏi khi nghe lâu. Open-back thường có giá thành cao hơn, trong khi closed-back đa dạng và vừa túi tiền hơn.
Nói tóm lại, closed-back hấp dẫn đại đa số người dùng, bất kể bạn có ngân sách eo hẹp, cần sự riêng tư hay thích âm trầm (bass) được thể hiện mạnh mẽ hơn. Vì vậy, trước khi "chốt đơn", hãy nhớ rằng không chỉ có chất âm quan trọng, mà còn câu hỏi: Tai nghe này phù hợp thế nào với cuộc sống của mình?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top