Tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android đều thua xa trên iOS?

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Rất nhiều người yêu thích điện thoại Android - từ những thiết bị giá rẻ, cấu hình thấp, đến những mẫu cao cấp hơn với đủ loại tính năng độc đáo. Nhưng tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android mãi vẫn chưa thể tốt như các ứng dụng tương tự trên iOS?
Vào tháng 1 năm nay, trang PetaPixel đã đăng tải loạt bài viết về các ứng dụng chụp ảnh tốt nhất dành cho Android trong năm 2022. Tuy nhiên, trái ngược với bài viết về các ứng dụng chụp ảnh tốt nhất dành cho iPhone, họ nhận thấy rằng những lựa chọn của người dùng Android dường như kém hơn khá nhiều.
Hóa ra, không phải vì các nhà phát triển Android không lắng nghe mong muốn từ người dùng, mà bởi họ phải đối mặt với nhiều hạn chế trong quá trình phát triển, gây cản trở lớn cho việc tích hợp những tính năng thú vị vào ứng dụng.
Harshit Dwivedi, nhà sáng lập Aftershoot, một phần mềm lọc ảnh bằng AI dành cho các nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm “vọc” hệ điều hành Android và API, đã chia sẻ suy nghĩ của anh về những khó khăn mà các nhà phát triển phải đối mặt khi tạo ứng dụng cho người dùng Android, và tại sao người dùng Android luôn có cảm giác đi sau một bước - hay thậm chí là nhiều bước - so với một nhiếp ảnh gia sử dụng iPhone.

Thị trường Android quá đa dạng

Dwivedi đánh giá những vấn đề mà các thiết bị Android gặp phải so với iOS cũng tương tự như việc mang ứng dụng lên macOS so với Windows. Trong cả hai trường hợp, phân mảnh chính là nguồn gốc vấn đề.
Ví dụ, mọi thiết bị macOS và iOS hiện có trên thị trường ngày nay chỉ có một số kích cỡ màn hình nhất định.
Tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android đều thua xa trên iOS?
Microsoft Surface Duo 2.
Bạn sẽ không tìm được một chiếc điện thoại iOS với màn hình 10-inch hay tỉ lệ màn hình kỳ quặc, nhưng với Android thì có đấy” - Dwivedi nói.
Nếu một nhà phát triển xây dựng ứng dụng cho điện thoại Android, họ không thể đảm bảo nó sẽ hoạt động giống hệt nhau trên mọi điện thoại Android - vấn đề này có thể xảy ra với cả những ứng dụng quản lý ảnh đơn giản, chủ yếu bởi một metadata quy định hướng hiển thị của ảnh, cho thiết bị biết có nên lật ảnh lại hay không.
Metadata này có giá trị khác nhau trên điện thoại Samsung, Pixel, Xiaomi... Kể cả khi dùng cùng mã nguồn, một bức ảnh hiển thị kiểu đứng trên một chiếc điện thoại Samsung vẫn có thể bị ngược trên điện thoại Xiaomi. Điều đó mang lại cả tá rắc rối cho cả các nhà phát triển Android lẫn người dùng smartphone chạy hệ điều hành này.
Android còn là hệ điều hành nguồn mở. Có nghĩa là một nhà phát triển có thể lấy những gì Google đã làm và thêm vào các tính năng của riêng họ, qua đó gián tiếp thay đổi chức năng cơ bản và cho phép hệ điều hành hoạt động theo ý muốn của từng nhà sản xuất.. Nhưng điều đó không có nghĩa mọi ứng dụng sẽ luôn hoạt động như nhau trên mọi thiết bị Android.
Ví dụ, Xiaomi có chế độ tiết kiệm pin, trong đó tắt mọi chức năng chạy nền đối với mọi ứng dụng. Nếu một người dùng đang chạy Whatsapp ở chế độ tiết kiệm pin, họ sẽ không nhận được bất kỳ thông báo nào trừ khi ứng dụng đã được mở lên. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy các ứng dụng có thể hoạt động theo những cách khác nhau bởi những thay đổi mà nhà sản xuất đã thực hiện.
Một số công ty sẽ cung cấp cho các nhà phát triển một thứ gọi là “hook”. Hook sẽ giúp các lập trình viên thêm vào những mã tùy biến nhằm thay đổi hành vi của một chương trình. Dwivedi lấy LG Wing làm ví dụ. Mẫu smartphone này sử dụng màn hình kép, trong đó màn hình phía trên sẽ xoay theo phương ngang để làm lộ ra màn hình nhỏ hơn nằm bên dưới.
Tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android đều thua xa trên iOS?
LG Wing
Tôi chắc chắn rằng họ có các hook cho các nhà phát triển sử dụng nhằm biết được khi nào form factor của điện thoại đã thay đổi hoặc khi nào điện thoại đã làm một thứ gì đó cụ thể, nhưng có vấn đề với cách làm này” - Dwivedi nói. “Dưới tư cách là một nhà phát triển, có điều gì khuyến khích tôi phải hỗ trợ chiếc điện thoại này hay không? Nếu là tôi, thì không - tính năng đó chỉ là thứ để lòe thôi”
Bạn không thể vừa là nhà sản xuất phần cứng, vừa là nhà sáng tạo phần mềm. LG không có đủ nguồn lực để làm mọi thứ - công ty này không thể cứ thế mà làm ra mọi ứng dụng cho những chiếc điện thoại của họ. Thay vào đó, họ cần cho phép các nhà phát triển giúp một tay”
Tương tự, nếu Apple nói “các nhà phát triển không được phép, chúng tôi sẽ tự làm mọi ứng dụng cho iPhone”, người dùng sẽ chỉ có một kho ứng dụng bé tẹo so với hiện nay.
Vấn đề này càng khiến người ta cảm thấy lo ngại cho những mẫu điện thoại Android đã được cấp bằng sáng chế, hoặc đã ra thị trường, với thiết kế độc lạ, như điện thoại mô-đun của Xiaomi, smartphone màn hình gập của Fujifilm, Huawei, và Samsung...
Tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android đều thua xa trên iOS?
Huawei Mate X2
Dù những điện thoại này có thể trông bắt mắt và đậm chất tương lai, người dùng vẫn cần cẩn trọng và cân nhắc những ưu tiên khi mua điện thoại Android. Nếu chất lượng camera là thứ quan trọng nhất, liệu họ có chọn những điện thoại với thiết kế phi truyền thống? Tương tự, trải nghiệm sử dụng trong thực tế, và các dịch vụ hỗ trợ, cần thiết đến mức nào?
Trong trường hợp của LG Wing, tình hình cực kỳ éo le. Năm 2021, LG đã công bố sẽ từ bỏ mảng điện thoại, khiến người dùng LG Wing bị “đem con bỏ chợ”!

Người dùng Android phải đối mặt với những điều bất ngờ không mong muốn

Mua điện thoại Android là một điều không hề dễ dàng. Những chiến lược marketing thông minh có thể che đậy đi nhiều điểm mà người dùng thông thường không hề biết đến, kể cả khi họ đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng.
Ví dụ, mua một chiếc Samsung Galaxy S21 ở Mỹ sẽ khác với mua chiếc điện thoại này ở châu Âu và Ấn Độ. Người mua ở Mỹ sẽ được trên tay Galaxy S21 dùng chip Snapdragon, nhưng ở châu Âu và Ấn Độ thì là chip Exynos - một con chip “nhà trồng” của Samsung. Kết quả là, khả năng xử lý hình ảnh của hai mẫu máy có sự khác biệt nhất định.
Tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android đều thua xa trên iOS?
Samsung Galaxy S21 và S21+
Dwivedi nói rằng anh không đổ lỗi cho người dùng vì họ không chịu tìm hiểu, mà bởi trách nhiệm của các công ty là phải quảng cáo đúng sự thật.
Tương tự, nếu một người dùng thấy một chiếc điện thoại được quảng cáo là có ống kính zoom quang học 10x, họ lẽ ra chẳng phải quan tâm đến công nghệ ẩn bên dưới . Thay vào đó, họ chỉ cần thông tin về sản phẩm được công ty công bố một cách chính xác và dễ hiểu mà thôi. Những không phải lúc nào mọi chuyện cũng dễ dàng như vậy, và trong thế giới Android, không có bất kỳ tiêu chuẩn chung nào được đặt ra cho một loạt các thiết bị, giống như các thiết bị chạy iOS.

Điện thoại Android nào tốt nhất dành cho các nhiếp ảnh gia?

Đối với bất kỳ ai nghiêm túc với nhiếp ảnh chuyên nghiệp và đang tìm kiếm một chiếc điện thoại Android, thay vì đầu tư vào DSLR hay mirrorless, Dwivedi khuyến nghị tìm hiểu những mẫu smartphone mới nhất của Sony là Xperia Pro I hoặc Xperia Pro.
Tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android đều thua xa trên iOS?
Sony Xperia Pro-I
Sony đã và đang làm nhiều điều ấn tượng với máy ảnh của họ, và nhiều điện thoại Samsung cũng đang sử dụng cảm biến Sony. Dù là một thị trường nhỏ hẹp, nhưng đó lại là thị trường Sony luôn theo đuổi”
Đối với những người dùng đại trà muốn có ảnh chụp đẹp, Dwivedi khuyến nghị điện thoại Google Pixel - như Pixel 6 Pro - vốn được trang bị nhiều công cụ AI để cải thiện hình ảnh nhanh gọn lẹ.
Tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android đều thua xa trên iOS?
Google Pixel 6 Pro
Nói về điện thoại Android tầm trung, Dwivedi nhấn mạnh máy ảnh của chúng không tốt lắm. Một số điện thoại có nhiều camera sau, nhưng hiệu năng không cao và “chủ yếu để lòe
Ví dụ, sau khi sử dụng qua một chiếc điện thoại Android tầm trung với 3 camera và sau đó là một chiếc smartphone Google Pixel với chỉ 1 camera, Dwivedi ngay lập tức nhận ra sự khác biệt lớn về chất lượng giữa hai máy, và phần thắng thuộc về Google Pixel.
Bạn nhét được bao nhiêu ống kính vào mặt sau không quan trọng” - anh giải thích.
Ngoài ra, người dùng những chiếc điện thoại đó thường không ưu tiên chất lượng máy ảnh. Thay vào đó, họ chú ý đến thời lượng pin hoặc làm sao sử dụng nhiều ứng dụng mà không bị lag. Vì vậy, dễ hiểu khi các nhiếp ảnh gia cảm thấy khó chịu với chất lượng hình ảnh trên smartphone tầm trung, và tại sao các công ty không chú trong chất lượng hình ảnh trên các thiết bị này.
Ngay khi bạn thử và sử dụng một ứng dụng máy ảnh của bên thứ ba, bạn sẽ thấy nó thiếu những tính năng nổi trội, như xử lý HDR” - Dwivedi. “Đó là nhược điểm lớn nhất mà tôi để ý thấy đối với Android, trong khi trên iOS, bất kể bạn sử dụng ứng dụng nào, chất lượng hình ảnh luôn đỉnh”
Đánh giá của anh trùng với quan điểm của Josh Haftel, giám đốc quản lý sản phẩm của Adobe. Anh cũng nói rằng máy ảnh smartphone Android là một “cơn ác mộng” - theo Dwivedi.

Tương lai của máy ảnh trên smartphone Android

Để biết được câu trả lời, chúng ta phải nhìn vào những vấn đề vẫn còn tồn tại. Từ góc nhìn của một nhà phát triển, Dwivedi nói rằng nếu anh đảm nhận tạo ra ứng dụng máy ảnh tốt nhất cho điện thoại Samsung, anh có thể làm tốt. Nhưng nếu phải làm ra một ứng dụng máy ảnh tốt nhất cho mọi điện thoại Android, thì việc hơi “khoai” một chút.
Để phát triển một ứng dụng máy ảnh bên thứ ba, các nhà phát triển phải sử dụng API Android Camera - phiên bản đầu tiên, Camera1, hỗ trợ các thiết bị Android Lollipop trở về trước, phiên bản hai, Camera2, chỉ được hỗ trợ trên các thiết bị Lollipop trở về sau. Tuy nhiên, cả hai đều có hạn chế. Ví dụ, Camera1 quá cơ bản và thiếu chức năng, trong khi Camera2 thì cực kỳ khó sử dụng - Dwivedi cho biết.
Tại sao các ứng dụng chụp ảnh trên Android đều thua xa trên iOS?
Để giải quyết tình trạng này, các OEM của Samsung đã tạo ra các API dành cho nhà phát triển, như cho Snapchat, và hướng dẫn họ bỏ qua API của Google để sử dụng API của hãng. Tuy nhiên, có một vấn đề là các ứng dụng được phát triển theo cách này chỉ hoạt động được trên điện thoại Samsung mà thôi.
Điều đó có nghĩa là các nhà phát triển cần phải chuẩn bị 2 phương án trong mã ứng dụng: nếu đó là một chiếc điện thoại Samsung, thì kích hoạt chức năng này, nếu là một chiếc điện thoại khác, kích hoạt chức năng khác. Và như vậy, mọi chuyện nhanh chóng trở nên rắc rối.
Tôi không nói đó là lỗi của các OEM. Đó là lỗi của Google” - Dwivedi nói. “Việc của Google là phải phát triển một API tận dụng được mọi chức năng và cho phép các nhà phát triển dễ dàng gọi lên một chức năng nào đó, như cách iPhone làm ấy”
May thay, Google đang đi đúng hướng. Năm ngoái, họ đã tạo một API mới là CameraX, hứa hẹn khắc phục được mọi vấn đề trong các ứng dụng camera Android từ trước đến nay, như xử lý HDR. Tuy nhiên, API này vẫn ở trạng thái chưa ổn định và chỉ được khắc phục từ tháng 7/2021 trở đi.
Cho đến thời điểm hiện tại, API CameraX mới ra phiên bản ổn định đầu tiên chưa đầy một năm, do đó mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Nhiều ứng dụng lớn như TikTok, Snapchat, và Instagram thậm chí còn chưa đụng đến API này bởi họ chỉ sử dụng một API ổn định để tránh lỗi và rủi ro tiềm ẩn - Dwivedi nói.
Anh tin rằng không lâu nữa, nhiều ứng dụng Android sẽ chuyển sang CameraX, vốn đã ổn định hơn, từ đó cho ra chất lượng hình ảnh tốt hơn.
Dwivedi lạc quan rằng khoảng cách giữa chất lượng hình ảnh từ các ứng dụng camera giữa Android và iOS sẽ gần hơn bao giờ hết, nhưng thành thực mà nói, anh cho rằng người dùng nên kiên nhẫn chờ đợi thêm một thời gian nữa.
Tham khảo: PetaPixel
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top