Tại sao game thủ căm thù crypto, còn fan âm nhạc thì không?

Blockchain đang thay đổi thế giới, và nó đã len lỏi vào ngành công nghiệp giải trí, mà cụ thể ở đây là gaming và âm nhạc. Nhưng bạn có biết rằng hai nhóm người hâm mộ của gaming và âm nhạc lại có những phản ứng trái chiều về các sản phẩm dựa trên blockchain?
Hãy bắt đầu với các game thủ. Ngoài những tựa game play-to-earn như Axie Infinity, thái độ thù địch đối với crypto trong cộng đồng gaming dường như rất mạnh mẽ. Một trong những câu chuyện phổ biến nhất mà bạn đã và đang được nghe trong hai tháng trở lại đây là việc một nhà phát triển game nào đó công bố tích hợp NFT vào tựa game sắp ra mắt, sau đó bị phản ứng kịch liệt, để rồi phải tạm hoãn dự án và lên tiếng xin lỗi các khách hàng của mình.
Mới đây nhất là màn “quay xe” của Electronics Arts (EA). Ba tháng trước, CEO Andrew Wilson nói rằng NFT và blockchain gaming là “tương lai của ngành công nghiệp game”. Nhưng trong một cuộc họp cổ đông hôm thứ ba, Wilson lại cho biết EA hiện “chưa đi sâu vào các dự án crypto”.
Bình luận của Wilson về NFT và blockchain gaming được đưa ra chỉ một thời gian ngắn sau khi Team17, đội ngũ phát triển loạt game Worms trứ danh, huỷ bỏ kế hoạch thực hiện dự án NFT “MetaWorms”. Sau khi nhận cả rổ gạch đá từ fan, họ dường như không còn lựa chọn nào khác. “Chúng tôi đã lắng nghe các đối tác và cộng đồng game của mình, và những quan ngại mà họ bày tỏ, và do đó đưa ra quyết định lùi bước khỏi thị trường NFT” - công ty nói.
Tại sao game thủ căm thù crypto, còn fan âm nhạc thì không?
Quartz, dự án NFT của Ubisoft
Trên thực tế, những vụ việc như thế này diễn ra mỗi ngày. Tài khoản Twitter của Valorant - tựa game bắn súng đối kháng từ Riot Games - từng đăng tải hình ảnh nhân vật Killjoy đứng xem một tác phẩm nghệ thuật có thật trong bảo tàng; hoá ra, người hoạ sỹ tạo ra bức hình đó bán các tác phẩm của anh dưới dạng NFT. Đội ngũ Valorant, khi phát hiện ra điều đó, đã đăng ngay một tweet thanh minh như thể cả thế giới sắp sụp đổ đến nơi: “Chúng tôi không biết hình ảnh đó là một NFT. Không bao giờ chúng tôi định đưa NFT trở thành một phần trong công việc và sở thích của Killjoy cả”. May cho Valorant là tweet này được đến 3.500 lượt thích, và họ không phải hứng chịu thêm chỉ trích nào từ cộng đồng.
Ngay cả Troy Baker, một trong những diễn viên lồng tiếng được yêu thích nhất trong ngành công nghiệp game, cũng không thoát khỏi “cái dớp” liên quan NFT. Anh từng công bố tham gia một dự án gọi là VoiceVerse, trong đó phát hành các “NFT giọng nói” được tích hợp “một bản đồ giọng nói độc nhất do AI tạo ra”. Có lẽ phần nào đoán trước được chỉ trích, Baker đón đầu bằng cách tweet “Bạn có thể ghét. Hoặc bạn có thể sáng tạo. Bạn chọn cái nào?”. Fan của anh chọn...ghét, thể hiện qua 13.000 lượt trích dẫn tweet với vô số lời chửi rủa, và đến thứ hai vừa qua, Baker phải huỷ bỏ kế hoạch.
Tại sao lại đến nông nỗi này?
Đọc qua những bài viết đầy tức giận trên mạng xã hội, chúng ta có thể rút ra một số giả thuyết. Đầu tiên, các game thủ và nhà phát triển luôn đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài từ năm này qua tháng nọ, xoay quanh việc làm sao để kiếm tiền từ game. Các game thủ nói chung muốn bỏ ra một khoản tiền nhỏ vừa đủ để được chơi game vĩnh viễn; các nhà phát triển thì không ngừng thử nghiệm những mô hình tài chính mới lạ để gia tăng lợi nhuận. Các game thủ đã phát cáu khi phải chấp nhận bỏ tiền để mua DLC; các hình thức trả phí theo tháng, giao dịch vi mô, và đập hộp vật phẩm ngẫu nhiên càng bị chỉ trích nhiều hơn nữa.
Điểm chung của chúng là không làm game trở nên thú vị hơn; chúng chỉ khiến việc chơi game trở nên đắt đỏ thêm. Và do đó khi Ubisoft tuyên bố sẽ tích hợp NFT vào tựa game Ghost Recon Breakpoint, các fan của họ liền nổi loạn. Bạn có thể cho rằng NFT trong game đơn giản chỉ là các vật phẩm sưu tập mang tính làm đẹp nhân vật, như những chiếc mũ hay áo khoác ảo. Nhưng sẽ ra sao nếu Ubisoft biến NFT thành “chìa khoá” cho phép game thủ truy cập những nội dung game hạn chế? Lúc đó, NFT có khác gì một lớp giao dịch vi mô khác chồng lên trên lớp giao dịch vi mô hiện hữu?
Điều đó, cùng với những quan ngại phổ biến đối với crypto - ví dụ, gây ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường, lừa đảo... - đã giải thích cho chúng ta biết nguồn gốc sự thù hận crypto của các game thủ. Họ xem crypto như một công cụ làm méo mó ngành công nghiệp gaming, biến nó thành một thứ ít tính giải trí hơn và khó tiếp cận hơn. Với tình hình hiện nay, không khó để khẳng định cộng đồng game thủ sẽ làm bất kỳ điều gì để chặn đứng kế hoạch tích hợp blockchain/NFT/crypto vào các tựa game yêu thích của họ!
Còn thế giới âm nhạc thì sao? Mọi thứ dường như êm đềm hơn nhiều. Lấy ví dụ ca sỹ R&B nổi tiếng John Legend: anh có 21 triệu người nghe mỗi tháng trên Spotify, 13,8 triệu người theo dõi trên Twitter, và sở hữu một nền tảng NFT của riêng mình, mang tên OurSong. Nền tảng này là kết quả hợp tác giữa Legend với Chris Lin (điều hành dịch vụ nhạc số KKBOX của Đài Loan), Kevin Lin (đồng sáng lập Twitch), và Matt Cheng (công ty đầu tư Cherubic Ventures); cho phép nghệ sỹ kiếm tiền từ tác phẩm của họ thông qua các NFT là chứng nhận tác quyền số có thể mua hoặc bán. Legend là Giám đốc tác động (CIO) của OurSong, đảm nhiệm thu hút sự tham gia của các nghệ sỹ mới nổi và fan của họ.
Legend chưa tweet về nền tảng này, nhưng anh từng tweet về một dự án NFT khác, và phản ứng nói chung khá tích cực. Một số người tuyên bố cạch mặt anh, nhưng số khác cho rằng ý tưởng NFT rất hay, và cho đến lúc này, Legend chưa phải huỷ bỏ các dự án crypto của mình để duy trì được hình ảnh với fan.
Một ví dụ khác là Coachella, đại nhạc hội âm nhạc đình đám nhất dành cho giới trẻ tại Mỹ. Công ty mẹ của nó, AEG, công bố sẽ đấu giá 10 vé trọn đời vào sáng thứ 6 tuần trước trong khuôn khổ dự án lấn sân sang mảng NFT. Một số NFT Coachella có thể được đổi sang vật phẩm như poster hay sách ảnh - một sáng kiến thú vị, khi nó cho thấy những món đồ ảo vẫn có thể mang lại lợi ích ngoài đời thực.
Coachella đăng tweet công bố kế hoạch nêu trên vào tuần qua, và dù có một số ý kiến trái chiều, tình hình có vẻ êm ả hơn rất nhiều so với những gì các nhà phát triển game phải trải qua. Rất nhiều fan dường như hào hứng trước cơ hội trúng vé trọn đời. “Chính những người trong năm 2022 này còn nói NFT là lừa đảo, sau này sẽ tự hỏi thế quái nào họ đã bỏ lỡ vé Coachella trọn đời khi nó được tung ra dưới dạng NFT” - một người phản hồi như vậy.
Điều quan trọng ở đây là kế hoạch của AEG vẫn diễn ra như dự kiến. Không có đám đông cuồng nộ, và cuộc đấu giá vẫn theo đúng lộ trình. Sẽ có một số người tẩy chay Coachella vì điều này, nhưng đại đa số phản hồi cho thấy hoặc các fan chẳng hề quan tâm, hoặc cực kỳ phấn khích. Các nhà phát triển game hẳn ước được một lần như vậy!
Tại sao game thủ căm thù crypto, còn fan âm nhạc thì không?
Giữa NFT game và NFT âm nhạc có gì khác biệt? Vì sao phản ứng của fan lại trái chiều?
Đầu tiên, lĩnh vực giải trí sôi động từ lâu đã là một thị trường béo bở của các món hàng sưu tập; game thì không. Rất nhiều người mua áo thun khi đi xem liveshow; và điều đó cũng tương tự như việc họ sẵn sàng bỏ tiền mua một vật phẩm số độc nhất. Nhiều NFT được bán với hứa hẹn có thể trở thành một khoản đầu tư trong tương lai; các dự án như của Legend hay Coachella thì giống như quà lưu niệm.
Thực ra một số game thủ vẫn mua quà lưu niệm liên quan các game họ đang chơi. Nhưng hiển nhiên doanh số các món đồ đó không thể nhiều như áo thun ở liveshow được. Và các món lưu niệm về game, dù là poster hay tượng nhân vật, thường tách biệt khỏi game, không tác động đến trải nghiệm chơi game. Đó là yếu tố quan trọng.
Thứ hai, NFT âm nhạc có thể được xem là một hình thức hỗ trợ nghệ sỹ. Có thể bạn chưa nghe đến startup Royal, được lập ra để giúp các nhạc sỹ bán album dưới dạng NFT. Thông thường, các công ty băng đĩa thu một phần hoa hồng khá lớn từ lợi nhuận bán đĩa của một nghệ sỹ; sẽ ra sao nếu các nghệ sỹ có thể nâng cao thu nhập bằng cách bán trực tiếp đến fan? Bạn có thể không muốn mua NFT từ Legend hay một trong các nghệ sỹ hợp tác với anh trong dự án - nhưng liệu bạn có nổi điên với anh chỉ vì anh muốn bán thứ gì đó trực tiếp đến các fan của mình?
Trong khi đó, các nhà phát triển game thường là các tập đoàn lớn, siêu lợi nhuận, và mối quan hệ giữa họ với fan đơn thuần là con buôn với người mua hàng. Và chẳng công ty nào bán NFT game lại tuyên bố làm điều đó vì lợi ích của người hoạ sỹ - vô tình càng khiến thiện ý của họ bốc hơi nhanh hơn.
Thứ ba, các dự án NFT âm nhạc hầu như chỉ mang tính chất phụ trợ. Bạn vẫn có thể stream nhạc của Legend trên Spotify mà chẳng cần mua NFT của anh; bạn vẫn có thể đến Coachella mà không cần thắng vé trọn đời. Ngành công nghiệp âm nhạc xem crypto như một con đường để bán vật phẩm cho các fan cứng của nghệ sỹ, và nếu các fan cứng đó không phản ứng tiêu cực, tại sao fan thông thường phải khó chịu? Họ yêu thích người nghệ sỹ; họ yêu thích đại nhạc hội. Nếu một số người muốn vung tiền vào đó, thì có vấn đề gì đâu?
Trong khi đó, các game thủ thì luôn lo ngại một ngày nào đó phải đối đầu với những đối thủ bỏ thêm tiền để có bộ skin hầm hố và vũ khí khủng trong một tựa game bắn súng, hay được tiếp cận với những bản đồ mới lạ, có các đặc quyền cao cấp hơn...nhờ crypto. NFT lúc này không còn là thứ có thể bỏ qua được - chúng sẽ bóp méo toàn bộ trải nghiệm game của tất cả mọi người.
Bạn có thể thấy phần nào tình hình trong game Fortnite, nơi người chơi có thể bỏ tiền mua skin hay các vật phẩm trang trí. Nhưng Fortnite là game miễn phí, và nhiều món đồ đó có thể tìm được thông qua quá trình cày cuốc; còn hầu hết các kế hoạch NFT mà các nhà phát triển game đã công bố cho đến nay thì không.
Tại sao những vấn đề đó lại quan trọng?
Hầu hết các dự án crypto tồn tại đều có một mục tiêu là thuyết phục bạn mua crypto. NFT, DAO, game play-to-earn... - cốt lõi đều nằm ở chỗ bạn phải mua Ethereum hay một số coin khác, qua đó làm tăng giá trị của chúng và cuối cùng là giúp những người nắm giữ có thể bán ra để thu lợi nhuận.
Với NFT âm nhạc, có gì đó vượt khỏi mô hình nói trên. Vé đại nhạc hội, tranh ảnh số, áp lực đặt lên các công ty băng đĩa - chúng đều có ứng dụng thực tế. Và ít nhất thì trong mắt công chúng, những dự án mới mẻ này có cơ hội thành công.
Thế giới mà người ta gọi là “Web3” đến nay vẫn là một đống hỗn lộn. Nhưng những gì cộng đồng người hâm mộ game và âm nhạc thể hiện đã cho chúng ta thấy thứ họ muốn từ blockchain, và cả những thứ họ không muốn nữa. Sẽ rất thú vị khi chứng kiến những thứ hữu ích hoặc có tính giải trí cao mà các startup có thể xây dựng nên trong tương lai một khi họ lắng nghe những ý kiến đó.
Tham khảo: TheVerge
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top