Tại sao Tết Trung thu luôn đi với đèn kéo quân, bánh trung thu...?

Đoàn Thúy Hà

Editor
Thành viên BQT
Đã đến lúc treo đèn lồng, chia nhau ăn bánh trung thu và bóc bưởi – Tết Trung thu đã đến.

Vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, lễ hội này chủ yếu được tổ chức ở Việt Nam và các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á và là thời điểm các gia đình tụ họp để thưởng thức các sản phẩm thu hoạch mùa thu, thắp đèn lồng và chiêm ngưỡng hiện tượng được cho là trăng tròn nhất trong năm.

Năm 2024, Tết Trung thu, hay Tết trông trăng, rơi vào ngày 17/9. Sau đây là một số thông tin thú vị về Tết Trung thu có thể bạn chưa biết.
1726534547652.png

Mọi người đi thuyền lúc chạng vạng để thả đèn lồng giấy cầu may trong Tết Trung thu ở Hội An.

Tết Trung thu là gì? Bắt nguồn khi nào?​

Không có một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi sự kiện thường niên này bắt đầu khi nào và như thế nào. Nhiều người tin rằng lễ hội này lần đầu tiên được nhắc đến trong “Sách Lễ”, một tác phẩm kinh điển của Khổng Tử về chế độ quan liêu và nghi lễ được viết cách đây hơn 2.400 năm. Ngày này được mô tả là ngày để các hoàng đế ăn mừng vụ thu hoạch trong năm bằng cách dâng lễ vật lên mặt trăng và tổ chức một bữa tiệc lớn.

Ngày nay, Tết Trung thu là một dịp đoàn tụ gia đình vô cùng quan trọng – đó là thời điểm “người và trăng đoàn tụ tạo thành một vòng tròn trọn vẹn”, như câu nói xưa. Tết Trung thu được coi là "ngày của trẻ em" ở Việt Nam và các lễ kỷ niệm bao gồm hội chợ đèn lồng giấy và diễu hành múa lân.

Giống như nhiều lễ hội văn hóa khác, Tết Trung thu được bao phủ trong huyền thoại. Một trong những câu chuyện dân gian được yêu thích nhất – và bi thảm nhất – kể về câu chuyện một người phụ nữ tên là Hằng Nga đã trở thành nữ thần mặt trăng.

Theo truyền thuyết, sau khi cung thủ huyền thoại Trung Quốc Hậu Nghệ dũng cảm bắn hạ chín mặt trời dư thừa - chỉ để lại một mặt trời, bảo vệ thế giới khỏi bị thiêu rụi hoàn toàn - anh đã được thiên đường ban tặng một loại thuốc tiên. Vợ của Hậu Nghệ là Hằng Nga đã uống hết thuốc tiên trong khi bảo vệ nó khỏi một tên học trò tham lam, nhưng bà trở nên nhẹ bẫng đến nỗi bay lên tới mặt trăng. Nhớ vợ, hằng năm vào ngày trăng tròn, Hậu Nghệ đều chuẩn bị tiệc linh đình với hy vọng được nhìn thấy bóng dáng của vợ.

Tại sao Tết Trung thu luôn đi với đèn kéo quân, bánh trung thu?​

1726534614400.png


Tết Trung thu (Mid Autumn Festival) ở Việt Nam còn gọi là Tết thiếu nhi, gắn với đèn lồng, đèn kéo quân. Nguồn gốc đèn kéo quân bắt nguồn từ hai truyền thuyết về chàng trai nghèo khó tên là Lục Thức mồ côi cha, ở với mẹ rất hiếu thảo.

Truyền thuyết kể rằng, trong lần nhà vua tổ chức hội thi làm đèn, Lục Thức nằm mơ thấy có một vị thần hiện ra bảo cho cách làm chiếc đèn dâng nhà vua. Lục Thức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm đèn. Khi chiếc đèn làm xong, ngày rằm tháng Tám cũng vừa đến. Chàng trai vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động cho nên rất vừa lòng.

Khi vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Thức tâu rằng: “Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu trạng thái cảm xúc của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay được cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức”.
1726535116547.png

Còn thuyết thứ 2, dân gian kể, Lục Thức vừa đi học, vừa đi làm xa, để lại mẹ già ở nhà cô quạnh. Thương mẹ, ông làm ra đèn kéo quân để mỗi khi thắp sáng, đèn lại hiện bóng hình quân lính chạy đi chạy lại. Bà nhìn vào đó để vơi nỗi nhớ con. Trẻ con trong xóm thấy thế kéo nhau đến xem đèn, chơi với bà cụ, từ đó trong nhà đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ.

Một hôm nhà vua vi hành qua thấy nhà tranh vách đất dột nát mà rộn rã tiếng cười, liền hỏi thăm người dân. Họ cho biết đó là nhà của Lục Thức, một chàng trai hiếu thảo đã làm ra chiếc đèn để mẹ già được khuây khoả lúc thanh vắng. Nhà vua vào xem thấy đèn làm tinh xảo, nét mặt bà mẹ vui tươi, mãn nguyện bên đám trẻ. Vua cho rằng Lục Thức là người hiếm có, đức độ liền ban khen tấm lòng hiếu thảo. Vua lệnh truyền bá rộng rãi trong nhân dân từ nay trở đi, cứ đến Tết Trung thu, Nguyên đán, Nguyên tiêu, mọi nhà làm đèn kéo quân trước là để hoa đăng trưng bày, sau là để giáo dục tấm lòng hiếu thảo cho con cháu noi theo tấm gương của Lục Thức. Từ đó, mỗi khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Thức, người dân lại làm ra những chiếc đèn màu rực rỡ với nhiều hình vẽ phong phú.

Cũng từ 2 truyền thuyết đó mới có sự ra đời của 2 loại đèn kéo quân 4 cạnh và 6 cạnh. 4 cạnh tượng trưng tứ thân phụ mẫu còn 6 cạnh tượng trưng cho trạng thái cảm xúc của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Câu chuyện về lòng hiếu thảo cứ thế được truyền đến ngày nay cùng với chiếc đèn kéo quân qua mỗi mùa Trung thu.

Ngoài bài học về đạo làm con đối với bậc sinh thành, chiếc đèn kéo quân còn gợi niềm tự hào về quê hương, đất nước qua những câu chuyện được kể từ các hình cắt hay còn gọi là “quân” phản chiếu trên tấm giấy mờ của đèn như: Phù Đổng Thiên Vương; Con Rồng cháu Tiên; Sơn Tinh, Thủy Tinh, Chử Đồng Tử... cho đến hình ảnh con lợn Âm dương, chú bé thổi sáo trên lưng trâu... vốn quen thuộc, gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Bánh Trung thu (bánh nướng, bánh dẻo) của nước ta thường được làm với hình tròn hoặc hình vuông thay cho lời cảm ơn của những người nông dân đến trời đất và thiên nhiên đã ban cho họ một vụ mùa thuận lợi và tốt đẹp.

Về sau này, Rằm tháng 8 dần trở thành Tết đoàn viên để mọi người tặng nhau những chiếc bánh với ý nghĩa chúc cho mọi điều trong cuộc sống được tròn đầy, viên mãn.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top