Tại sao tháng Tư âm lịch vẫn còn rét nàng Bân?

"Rét nàng Bân” là đợt rét cuối cùng của mùa đông xảy ra vào tháng Ba âm lịch ở miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, theo dự báo thời tiết, cuối tuần này, tức nửa đầu tháng Tư âm lịch, miền Bắc lại đón một đợt không khí lạnh nữa.
Theo dự báo, thời tiết ngày 9/5, hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước sẽ xảy ra hiện tượng mưa giông xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước, nhất là vào chiều tối.
Riêng miền Bắc tiếp tục mưa kéo dài vài ngày tới, trước khi đón không khí lạnh trái mùa.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đợt không khí lạnh sắp tới sẽ diễn ra từ ngày 13-15/5. Dự báo nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc bộ có thể xuống dưới 16 độ, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm Hà Nội) được dự báo thấp nhất từ 20-23 độ.
Tại sao tháng Tư âm lịch vẫn còn rét nàng Bân?
Ảnh minh họa
Đây là một trong những đợt không khí lạnh hiếm gặp vào tháng 5 trong khoảng 40 năm qua, tính từ năm 1981. Theo số liệu quan trắc lịch sử của trạm Láng (Hà Nội), vào ngày 4/5/1981 nhiệt độ trung bình ngày ghi nhận 19.6 độ và ngày 5/5/1994 là 19.8 độ.
Ngoài nhiệt độ giảm sâu còn kèm theo mưa to đến rất to từ ngày 13/5, đặc biệt là ở vùng núi Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra đa thiên tai lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh; sạt lở, lũ lụt ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định như sau:
Áp cao lục địa tiếp tục suy yếu, thiết lập rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25-28 độ Vĩ Bắc. Sau đó từ ngày 10-13/5 rãnh áp thấp này có xu hướng bị nén và đẩy dịch dần xuống khu vực Bắc Bộ bởi áp cao lạnh lục địa tăng cường ở phía Bắc. Từ ngày 14/5, rãnh áp thấp có khả năng tiếp tục bị đẩy dịch xuống phía Nam sau đó mờ dần đi.
Rãnh áp thấp phía Nam có trục ở khoảng 4-7 độ Vĩ Bắc hoạt động yếu và mờ dần đi. Từ khoảng ngày 12-13/5, gió Tây Nam có xu hướng thiết lập ở khu vực phía Nam.
Trên cao, từ ngày 10-12/5 áp cao cận nhiệt đới có xu hướng lấn dần về phía Tây sau có cường độ ổn định. Riêng giai đoạn từ ngày 09-11/5, vùng hội tụ gió lên đến 5000m còn hoạt động yếu ở khu vực Bắc Bộ. Từ khoảng ngày 13/5, áp cao cận nhiệt đới suy yếu.
Thực ra, đây là hiện tượng thời tiết hiếm gặp, chứ không phải là không thể xảy ra. Ở ta không khí lạnh thường bắt đầu từ trung tuần tháng 9 năm trước đến trung tuần tháng 6 năm sau, nhưng mạnh nhất vào các tháng chính đông, ảnh hưởng trực tiếp là khu vực phía bắc.
Không khí lạnh là hiện tượng thời tiết khi khối không khí rất lạnh từ lục địa châu Á di chuyển xuống khu vực nước ta, nơi đang có khối không khí ấm, gây ra gió đông bắc mạnh trời trở rét và thời tiết xấu, thời gian đặc trưng là vào thời kỳ gió mùa mùa đông nên còn gọi là "gió mùa đông bắc".
Khối không khí lạnh này có nguồn gốc cực đới, tràn qua lục địa châu Á dưới dạng front lạnh, xuống đến nước ta trong nhiều trường hợp không còn thể hiện rõ tính chất điển hình của một front lạnh nên ta gọi chung là "không khí lạnh".
Tại sao tháng Tư âm lịch vẫn còn rét nàng Bân?
Ảnh chụp vệ tinh
Khi không khí lạnh tràn về, đẩy không khí nóng chuyển động lên cao, tạo thành một dải chuyển tiếp, người ta vẽ một đường phân cách giữa 2 khối không khí, khác nhau cơ bản về nhiệt độ và độ ẩm, được gọi là front lạnh (thuật ngữ này do Bjerknes (người Nauy) đưa ra lần đầu vào lúc chiến tranh thế giới thứ nhất đang đi đến hồi kết nên ông "lấy hứng" đặt là "front" (mặt trận) và được giữ nguyên trong mọi thứ tiếng).
Căn cứ vào mức độ thay đổi thời tiết trước và sau khi không khí lạnh ảnh hưởng mà phân chia ra hai loại ảnh hưởng chính: Gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường.
Gió mùa đông bắc là không khí lạnh ảnh hưởng có kèm theo font lạnh hoặc đường đứt, khi xâm nhập đến nước ta làm thay đổi hoàn toàn hệ thống gió trước đó bởi hệ thống gió mùa đông bắc (gió có thành phần bắc), làm biến đổi thời tiết mạnh mẽ, nhiệt độ giảm mạnh đột ngột và thay đổi trạng thái thời tiết từ nóng, ấm sang lạnh hoặc rét. Gió mùa đông bắc đôi khi kèm theo gió giật, tố, lốc xoáy, dông hoặc mưa lớn.
Không khí lạnh tăng cường là khối không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong điều kiện trước đó khu vực chịu ảnh hưởng đang bị một khí không khí lạnh khống chế, với hệ thống gió thành phần bắc đã suy yếu. Không khí lạnh tăng cường không kèm theo front. Khi ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu làm tốc độ gió tăng trở lại ở ngoài khơi và trong đất liền, có thể làm giảm nhiệt độ, điểm sương hoặc ít thay đổi về nhiệt độ. Trong một vài trường hợp không khí lạnh tăng cường làm giảm lượng mây, do đó có thể làm tăng nhiệt độ ban ngày.

>> Hà Nội sắp đón đợt không khí lạnh hiếm gặp trong 40 năm

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top