Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 2

Năm 2017, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump xem Trung Quốc là một “cường quốc của chủ nghĩa xét lại” và các báo cáo của chính phủ bắt đầu mô tả các chính sách đất hiếm của Trung Quốc là “hành vi xâm lược kinh tế” – bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng lên án hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và thao túng tiền tệ.
Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 1
Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 2
Mỏ đất hiếm Mountain Pass, California (Ảnh: MP Materials)

Trung Quốc trở thành nguồn cung đất hiếm lớn nhất thế giới​

Nhưng như Wilson đã giải thích, “Không một ai [ở Trung Quốc] từng nghĩ rằng trong 30 năm nữa họ sẽ nắm trong tay một con dao găm vào huyết mạch của hệ thống kinh tế toàn cầu”. Đúng hơn là vào thời điểm xảy ra vụ trộm có chủ đích của Trung Quốc, đất nước này chỉ vừa đi qua cuộc Cách mạng Văn hóa. Trung Quốc lúc này đang tụt hậu xa so với các công nghệ quan trọng và việc xử lý đất hiếm đòi hỏi phải có kiến thức kỹ thuật chuyên sâu. Tương tự hầu hết các ngành công nghệ thời kỳ hậu Mao Trạch Đông, các chính sách của Trung Quốc không phải để “xâm lược”, mà là mong muốn có thể bắt kịp.
Trong thập niên 80, sự quan tâm của Trung Quốc đối với đất hiếm bắt nguồn từ ngành công nghiệp điện tử và máy tính còn non trẻ của nước này, họ đã nhận thức được giá trị của đất hiếm. “Đây là thứ mà Trung Quốc đã có và có thể góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực máy tính cá nhân mới nổi”, Wilson cho biết. Nhân vật đã giúp Trung Quốc một tay vượt qua được rào cản công nghệ là nhà hóa học Từ Quang Hiến, hay còn được biết đến với tên gọi “cha đẻ của ngành nghiên cứu đất hiếm Trung Quốc”. Năm 1951, ông đã quay trở lại Trung Quốc sau khi hoàn thành chương trình Tiến sỹ ngành Kỹ sư Hóa tại Đại học Columbia. Ông nhiều lần được đề nghị ở lại để giảng dạy nhưng đã từ chối vì tinh thần yêu nước. “Khoa học không có biên giới, nhưng những học giả thì có đất nước của chính họ”, ông nói.
Ở thập niên 50, Trung Quốc giàu mỏ đất hiếm, nhưng lại nghèo nàn về mặt ứng dụng. Tân Hoa Xã từng viết rằng “Trung Quốc chỉ có thể xuất khẩu quặng đất hiếm với giá rẻ và nhập khẩu trở lại khi chúng đã lên giá”. Trong những thập kỷ tiếp theo, giáo sư Hiến đã làm việc không ngừng nghỉ cùng với chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm “xoay chuyển sự lạc hậu của ngành công nghiệp đất hiếm Trung Quốc”. Giáo sư đã tìm ra hơn 100 công thức hóa học liên quan đến quá trình phân tách đất hiếm và truyền lại cho một thế hệ các nhà luyện kim trong nước, mà nay là những người đứng đầu trong lĩnh vực này.
“Bên ngoài Trung Quốc, không có nhiều người được đào tạo về kỹ thuật luyện kim thủy lực đất hiếm. Trên thế giới, số người có bằng tiến sỹ về luyện kim thủy lực hiện chưa đến 20 người”, Wilson nói.
Năm 1990, sau khi cán cân thương mại bắt đầu đảo chiều, chính phủ Trung Quốc tuyên bố “khoảng sản là tài nguyên chiến lược và được bảo vệ”. Giáo sư Từ Quang Hiến đã được truyền thông nhà nước tôn vinh và nhận nhiều giải thưởng do đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình trao tặng. Nhưng Trung Quốc không thể tự mình vươn lên trong lĩnh vực đất hiếm. Các khoản trợ cấp của nhà nước hỗ trợ và vị trí địa lý thuận lợi là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng là vì phương Tây sẵn lòng nhường chiếc ghế này lại cho Trung Quốc.

Tham vọng ở hiện tại​

Trung Quốc mong muốn gì với ngành đất hiếm hiện nay? Theo Dudley Kingsnorth, chuyên viên tư vấn về đất hiếm tại Úc, Trung Quốc muốn nâng cao chuỗi giá trị. “Pháp sẽ bán cho bạn một chai rượu, nhưng họ sẽ không bán vườn nho”, ông trả lời tờ Sydney Morning Herald hồi năm trước. Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát quá trình sản xuất đầu cuối rộng hơn, để nuôi tham vọng bán ra những sản phẩm cuối cùng như xe điện và điện thoại di động ra thị trường toàn cầu. Tất cả đòi hỏi phải có sự chuyển hướng từ khai thác sang tận dụng các chuyên gia luyện kim đã được Giáo sư Từ Quang Hiến đào tạo từ thập niên 80 và 90.
Đồng thời, việc từ bỏ ngành khai thác mỏ cũng là nỗ lực giảm thiểu sự tàn phá môi trường và chú trọng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên hơn. Năm 2011, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và tăng trữ lượng đất hiếm hiện có, vì chi phí khai thác đất hiếm hiện đã bắt đầu lớn hơn giá trị chúng mang lại. Từ năm 1990 đến năm 1997, tỷ lệ tử vong do ung thư tại vùng thảo nguyên Nội Mông thuộc khu quận Bạch Vân Ngạc Bác Khoáng Khu (nơi cung cấp hầu hết lượng đất hiếm trên toàn cầu hiện nay) đã tăng 50%. Ba nguyên nhân tử vong hàng đầu tại khu vực này là ung thư, ngộ độc và tai nạn không xác định, và tử vong ở trẻ sơ sinh. Đập nước thải Bao Đầu, nơi thu gom nước thải từ quá trình luyện kim, đã phát triển từ cuối thập niên 50 cho đến nay và nó được mệnh danh là “hồ địa ngục” của thế giới.
Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 2
Đập nước thải Bao Đầu tại vùng Nội Mông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Trong suốt những năm 2000, Trung Quốc thuê công ty ngoài sản xuất đất hiếm. Từ đỉnh 98% vào năm 2020, hiện tại Trung Quốc chỉ còn sản xuất 63% đất hiếm thô. Theo một số ước tính, hiện Trung Quốc nhập khẩu quặng đất hiếm nhiều hơn lượng xuất khẩu. Theo Adamas Intelligence, khoảng một nửa nguồn cung đất hiếm nặng cho Trung Quốc đến từ Myanmar, phần còn lại đến từ một số nước Đông Nam Á như Malaysia và Việt Nam.
Khi lượng dự trữ của Trung Quốc ngày càng cạn kiệt, họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Cựu quan chức cấp cao Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Yao Jian đã thể hiện ý kiến rõ ràng nhất vào năm 2010. Tại cuộc họp của Ủy ban Công tác Kinh tế của Chính phủ vào tháng 12/2010, ông nói với các thành viên ủy ban rằng việc duy trì nguồn cung cấp đất hiếm cho toàn cầu là “trách nhiệm chung của các quốc gia trên thế giới. Tôi hy vọng các nước khác sẽ phát triển hơn nữa nguồn tài nguyên đất hiếm”.
Trung Quốc đã đồng thuận với ý kiến này bằng hành động cụ thể. Dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, những nỗ lực tập thể đầu tiên trong giải quyết các vấn đề đất hiếm đã được tiến hành từ năm 2016 thông qua Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO). Trong nhiều năm, các cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc cũng đã cố gắng toàn cầu hóa việc khai thác đất hiếm thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các quan chức của Trung Quốc cũng tiến hành khảo sát và hợp tác trên lĩnh vực địa chất với các quốc gia đối tác, đặc biệt là với các nhà nghiên cứu ở Trung Á và Đông Nam Á. Thậm chí, Trung Quốc còn chia sẻ chuyên môn cho đối tác của mình. Điển hình là tập đoàn Lynas Corporation (Canada), sở hữu một hầm mỏ tại Malaysia, đã thu được lợi nhuận sau khi được các nhà luyện kim Trung Quốc tư vấn. Shenghe Resources, là công ty đất hiếm lớn tại Trung Quốc, đã mua một phần nhỏ cổ phần của nhiều hầm mỏ trên khắp thế giới, cùng với các dự án tại Mỹ, Việt Nam, Greenland và Úc. Công ty này sỡ hữu 8% cổ phần tại MP Minerals, là công ty khai khoáng của Mỹ đang hoạt động tại hầm mỏ Mountain Pass (trớ trêu thay là hầm mỏ này lại được mở cửa trở lại như một vùng đệm trước “mối đe dọa từ Trung Quốc”).
Klinger chỉ ra rằng “Điều này được các phượng tiện truyền thông ở Anh xem là hành vi bất chính”. Số cổ phần nhỏ của Shenghe tại MP Minerals thật sự khiến các nhà khoa học và nhà phân tích của Mỹ khó chịu. Khoản đầu tư của công ty này giúp “duy trì và thậm chí là làm tăng tính dễ tổn thương của Mỹ”, James Kennedy, chủ tịch công ty tư vấn đất hiếm Three Consulting, chia sẻ với Quartz. Khoản đầu tư của Trung Quốc vào các mỏ đất hiếm trên toàn cầu thậm chí đã được Bộ Quốc phòng Mỹ trích dẫn (dưới thời Tổng thống Trump) như một bằng chứng cho “hành vi xâm lược kinh tế” của Trung Quốc.
Tại sao Trung Quốc không vũ khí hóa đất hiếm? - Phần 2
Ảnh: Journal NEO

Cạnh tranh an toàn​

Những vấn đề đa phương, như khai thác đất hiếm, được tái định hình trong sự biến đổi của địa chính trị chiến lược không phải là ngoại lệ duy nhất ở thời đại này. Nó xảy ra thường xuyên đối với vấn đề biến đổi khí hậu, khi các quốc gia tranh giành nhau giảm mức ấn định tỷ lệ phát thải của họ. Ngoài ra, nó cũng diễn ra trong đại dịch Covid-19, khi Mỹ chọn tự phát triển và phân phối vaccine không cần thông qua cơ chế Covax của Liên hợp quốc. Điều đáng chú ý là trong những trường hợp trên, cũng như với đất hiếm, dường như Trung Quốc đã dài tay hơn Mỹ.
Không hẳn hành động này của Trung Quốc thể hiện sự vị tha: việc ổn định nguồn cung đất hiếm bên ngoài Trung Quốc giúp thúc đẩy quá trình thống trị ngành xe điện và điện tử tiêu dùng của nước này. Nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ những nỗ lực của Trung Quốc phù hợp với mong muốn của thế giới, đó là loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc. Klinger cho biết “Động lực thúc đẩy là sự quan tâm thật sự trong phòng tránh những tác động từ việc thiếu hụt gây mất ổn định trên toàn cầu”. Sự cạnh tranh công nghệ giữa các nước là không thể tránh khỏi, nhưng nó không cần phải trả giá bằng cả Trái Đất và toàn bộ nhân loại. Đảm bảo nguồn cung của một loại hàng hóa quan trọng duy trì ổn định là góp phần đảm bảo sự cạnh tranh giữa các cường quốc diễn ra một cách an toàn hơn.
Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác đất hiếm. Tại Liên hợp quốc hồi tháng 9/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết đạt mức phát thải tối đa trước năm 2030 và đạt mức carbon trung bình trước năm 2060. Khi đặt mục tiêu giảm phát thải carbon ở mức tham vọng hơn, quá trình sản xuất đất hiếm sẽ chậm lại. “Trong 5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự giảm thiểu phát thải, giữ các thành phố trong sạch và tất cả những thứ khác nữa”, Kwasi Ampofo, trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại và khai thác tại BloombergNEF, cho biết. “Và cũng trong 5 năm tới, chúng ta đã và đang chứng kiến sự thúc đẩy tích cực mà chính phủ đang nói đến về việc đạt mức sản lượng tối đa đối với hầu hết những kim loại này, đơn giản là vì họ phải đáp ứng được các mục tiêu giảm thiểu phát thải”.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn còn phải giữ vai trò “ông kẹ” trong những cuộc tranh luận về đất hiếm của phương Tây. Tháng 3/2021, Bộ Năng lượng Mỹ đã ban hành một sáng kiến trị giá 30 triệu USD cho việc nghiên cứu đảm bảo chuỗi cung ứng đất hiếm cho nước này. Tuần trước, một dự luật lưỡng đảng của Hạ viện Mỹ cũng đưa ra các ưu đãi về thuế để hồi sinh ngành sản xuất nam châm từ đất hiếm trong nước. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ngay lập tức kiểm tra vấn đề liên quan đến đất hiếm sau khi ông nhậm chức và áp dụng điều mà chính quyền tiền nhiệm đã làm: phân tán các nguồn cung gặp khó khăn trong nước.
Trên thực tế, Trung Quốc chưa bao giờ là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về đất hiếm ở các nước phương Tây. Từ thập niên 80 đến thập niên 90, chính phủ các nước chủ trương xuất khẩu các nhành công nghiệp gây ô nhiễm ra nước ngoài để đổi lấy lợi ích; từ những năm 2000 đến 2010, chính phủ các nước bị chia rẽ đã loại bỏ các chính sách công nghiệp vì đó là giải pháp duy nhất. Trong quá trình tư vấn, Wilson đã ghi nhận những thay đổi khi ông ủng hộ ngành công nghiệp đất hiếm tại đất nước của mình. “Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ Úc sử dụng một đòn bẩy chính sách mà bây giờ toàn bộ hệ tư tưởng của chính phủ Úc đều nói rằng họ không làm”, ông nói. “Một người như tôi phải bước vào và nói rằng ‘Chà, nếu các ông không làm, thì các ông sẽ không đạt được nó’”.
Từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, đến Trung Đông, cho đến đất hiếm, cả thế giới có xu hướng phóng đại quá mức kết quả đạt được của Trung Quốc, trong khi lại nhấn mạnh mong muốn tránh tổn thất. Với Trung Quốc, một quốc gia ám ảnh bởi nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, một lệnh cấm vận đất hiếm sẽ thực sự là nước đi “đôi bên cùng thua cuộc”. “Ở đây có rất nhiều mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, vì vậy chúng ta không nên đơn giản hóa thông điệp”, Ampofo cho biết. “Trung Quốc cũng sẽ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của các nước khác ở một mức độ nào đó, vì vậy họ sẽ không bao giờ giải quyết bằng cách đơn giản như một lệnh cấm xuất khẩu hàng loạt”.
Với tất cả sự chú ý thời gian qua dành cho sự hiếu chiến của Trung Quốc, chúng có thể xuất phát từ những nhân vật thận trọng, không tìm kiếm sự chú ý, mà là họ cần phải làm đúng. Năm 2019, vào thời điểm cao trào của cuộc chiến tranh thương mại, Li Pengde, thành viên của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và là Phó Cục trưởng Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc thuộc Bộ Tài nguyên, đã diễn thuyết cho công chúng Trung Quốc về chủ đề đất hiếm. Khi một khán giả yêu cầu ông Li nhận xét về chiến dịch trực tuyến kêu gọi vũ khí hóa ngành đất hiếm của Trung Quốc, ông đã dừng lại và đối diện với đám đông bằng một biểu cảm bình tĩnh đến cương quyết. Sau đó ông dẫn câu nói của Đặng Tiểu Bình về dầu mỏ ở Trung Đông và kết luận “Có quốc gia nào từng cấm khai thác dầu mỏ với phần còn lại của thế giới không? Điều đó là không thể. Đất hiếm cũng vậy”.
Theo SupChina
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top