1. Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Sa?
Tào Tháo là một trong những nhân vật xuất hiện sớm nhất và được miêu tả kỹ nhất trong Tam quốc diễn nghĩa. Trong hồi 4 của tác phẩm, La Quán Trung viết, Tào Tháo sau khi ám sát hụt Đổng Trác, lập tức bỏ trốn khỏi kinh thành, đi đến Tiêu Quân thì bị quân canh phòng bắt được, đem nộp cho quan huyện là Trần Cung.Trước mặt Trần Cung, Tào Tháo tỏ ra là người chính trực, muốn về quê tập hợp nhân tài, khởi binh giết Đổng Trác trừ họa cho nhà Hán. Trần Cung khâm phục, không những không đem Tào Tháo nộp cho Đổng Trác, còn tình nguyện từ chức quan huyện, theo phò tá Tào Tháo.
2 người đi đến Thành Cao, nương nhờ một người bà con của Tào Tháo là Lã Bá Sa và được tiếp đón nhiệt tình. Khi Lã Bá Sa rời khỏi nhà mua rượu thết khách, Tào Tháo sinh nghi, bèn cùng với Trần Cung giết cả nhà người đã có lòng tốt che chở cho mình. Giết người xong, Tào Tháo và Trần Cung mới phát hiện người nhà Lã Bá Sa bị oan, hối hận thì đã muộn.
Trên đường bỏ chạy, Tào Tháo gặp Lã Bá Sa trên đường. Ông ta lừa Lã Bá Sa quay lưng lại rồi chém không thương tiếc. Hành động này cho thấy bản chất đa nghi và thâm độc của nhân vật Tào Tháo trong tiểu thuyết của La Quán Trung.
Theo Sohu, ở Trung Quốc thời phong kiến, những người quân tử luôn hành động dựa theo nguyên tắc "quang minh chính đại", chỉ kẻ tiêu nhân mới tấn công người khác từ sau lưng. Đối phó với một ông già như Lã Bá Sa, Tào Tháo xuất thân là võ tướng, tay cầm vũ khí, lại có thể thực hiện hành động đáng coi thường như vậy, quả thật khiến người đọc phẫn nộ.
Tam quốc diễn nghĩa viết, khi bị Trần Cung vặn hỏi về việc giết Lã Bá Sa, Tào Tháo tuyên bố "ta thà phụ người chứ không để người phụ ta". Trần Cung thấy được bản chất tiểu nhân của Tào Tháo, liền rời bỏ ông ta. Về sau, Trần Cung trở thành một mưu sĩ đắc lực dưới trướng Lã Bố và từng nhiều lần bày kế đánh cho Tào Tháo thất điên bát đảo.
Sự kiện Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Sa cũng là nguồn gốc của câu nói "đa nghi như Tào Tháo" mà dân gian thường truyền tụng. Về vụ án Lã Bá Sa, Trần Thọ – sử gia thời Hán, Tấn – cũng có đề cập trong bộ chính sử Tam quốc chí của ông.
Theo đó, năm 189, Đổng Trác dẫn quân vào kinh, phế bỏ Hán Thiếu Đế Lưu Biện, lập Lưu Hiệp (Hán Hiến Đế) lên ngôi. Đổng Trác được phong làm Tướng quốc, quyền lực lấn át cả vua. Nghe danh Tào Tháo là người tài giỏi, Đổng Trác mời ông ra làm quan. Tào Tháo vốn căm ghét Đổng Trác, liền thẳng thừng từ chối.
"Thái Tổ (Tào Tháo) ngẫm Trác cuối cùng sẽ thất bại, không đến gặp mà trốn về quê nhà", Tam quốc chí viết. Theo Tam quốc chí, Tào Tháo chạy tới Thành Cao, muốn gặp Lã Bá Sa nhưng Lã Bá Sa không có ở nhà. Con cháu và người nhà Lã Bá Sa muốn cướp đoạt ngựa, tài sản của Tào Tháo, bị Tào Tháo giết chết.
Trong Tam quốc chí, Trần Thọ cũng nhắc đến 2 tài liệu khác viết về vụ án ở nhà Lã Bá Sa là "Thế Ngữ" và "Tạp ký". Theo 2 tài liệu này, Tào Tháo đang trốn chạy khỏi Đổng Trác, đến nhà Lã Bá Sa nhưng Lã Bá Sa không có nhà. Người nhà Lã Bá Sa chuẩn bị tiệc thết đãi, bị Tào Tháo nghi ngờ nên mất mạng.
Các tài liệu lịch sử trên cho thấy 3 vấn đề: Thứ nhất, Tào Tháo có chủ mưu gây ra thảm án ở nhà Lã Bá Sa hay không vẫn còn là điều tranh cãi. Thứ 2, người nhà Lã Bá Sa chưa chắc đã bị Tào Tháo giết oan. Cuối cùng, Tào Tháo không hề giết Lã Bá Sa như Tam quốc diễn nghĩa đề cập. Theo Sohu, tình tiết Tào Tháo giết Lã Bá Sa trong Tam quốc diễn nghĩa khá vô lý khi Tào Tháo vừa gây ra án mạng, lại "tình cờ" gặp Lã Bá Sa trên đường mua rượu về.
Về phần Trần Cung, Tam Quốc chí ghi nhận ông là người Duyện châu (khu vực thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay). Năm 190, Trần Cung đầu quân cho Tào Tháo. Là người giỏi mưu lược, ông được Tào Tháo tín nhiệm và có công lớn khi giúp Tào Tháo chiếm được Duyện Châu, từng bước củng cố lực lượng. Không có chuyện Trần Cung cùng Tào Tháo trốn chạy và ra tay giết cả nhà Lã Bá Sa như Tam quốc diễn nghĩa đề cập.
2. Tào Tháo tàn sát dân lành, lấy oán báo ơn?
Hồi 10 Tam quốc diễn nghĩa viết, Tào Tháo sau khi thu được Duyện Châu, bắt đầu gây dựng lực lượng, dần dần có binh hùng tướng mạnh trong tay. Sau khi Đổng Trác chết, Tào Tháo lấy danh nghĩa bảo vệ nhà Hán, chiêu mộ binh sĩ dẹp loạn Lý Thôi, Quách Dĩ (2 viên tướng của Đổng Trác) và hùng cứ ở đất Sơn Đông. Bấy giờ, ông mới cho người đón cha là Tào Tung về phụng dưỡng.Khi đoàn xe của Tào Tung đi qua Từ Châu, quan trấn thủ Từ Châu là Đào Khiêm vì e sợ Tào Tháo, nên tiếp đón Tào Tung rất nồng nhiệt. Đào Khiêm còn đặc biệt cử viên tướng dưới quyền là Trương Khải hộ tống Tào Tung đến Duyện Châu. Giữa đường, Trương Khải nổi lòng tham, giết chết Tào Tung và cướp hết tài sản. Tào Tháo hay tin cha chết, đổ cho Đào Khiêm là thủ phạm và quyết tâm "giết sạch" Từ Châu.
Trong tác phẩm của mình, La Quán Trung nhấn mạnh, Tào Tháo đánh Từ Châu, "đi đến đâu cũng cho quân tàn hại dân chúng, đào mồ cuốc mả người ta, ai ai cũng sợ". Đào Khiêm không địch lại Tào Tháo, phải mời Khổng Dung, Lưu Bị đem quân tới ứng cứu. Ở Duyện Châu, Lã Bố bất ngờ tập kích sào huyệt của Tào Tháo, Tháo hoảng sợ buộc phải rút quân về.
Tình tiết này trong Tam quốc diễn nghĩa khiến nhiều độc giả cho rằng Tào Tháo là kẻ lấy oán báo ơn. Cố ý đổ lỗi cho Đào Khiêm – người từng giúp đỡ cha mình – để chiếm Từ Châu và tàn sát dân lành. Tuy nhiên sự thực dường như không phải vậy.
Về sự kiện Tào Tháo đánh Từ Châu, Trần Thọ viết: "Trước đây, cha Thái tổ là Tung sau khi từ quan thì lui về quê ở ẩn. Đến lúc Đổng Trác làm loạn, Tung đến quận Lang Da lánh nạn thì bị Đào Khiêm hại. Do vậy, Thái tổ quyết đánh báo thù". Để có cái nhìn khách quan hơn về lý do Tào Tháo đánh Đào Khiêm, sử gia Trần Thọ cũng dẫn 2 tài liệu khác là sách "Thế ngữ" và "Ngô thư".
Theo Thế ngữ, Tào Tháo lệnh cho Ung Thiệu hộ tống Tào Tung về Duyện Châu. Ung Thiệu chưa tới kịp, Đào Khiêm đã sai hơn ngàn kỵ binh tới bắt Tào Tung. Quân Đào Khiêm đến, giết cha và em Tào Tháo là Tào Tung và Tào Đức. Ung Thiệu biết sự việc, sợ Tào Tháo trách tội bèn bỏ trốn.
Theo Ngô thư, Tào Tung đến Duyện Châu, mang theo tài sản hơn trăm xe. Đào Khiêm cử đô úy là Trương Khải dẫn 200 quân hộ tống. Trương Khải nổi lòng tham, giết Tào Tung và cướp tài sản.
Tam quốc chí chép, mùa thu năm 194, Tào Tháo dẫn quân đến đánh Đào Khiêm, hạ liên tiếp 5 thành. Đào Khiêm cùng Lưu Bị hợp sức cũng không phải đối thủ của Tào Tháo, liên tục bị đánh bại. Tào Tháo chiếm đất đến Đông Hải, gặp đúng lúc Lã Bố làm phản tấn công Duyện Châu, phải lui binh.
Những ghi chép từ Tam quốc chí cho thấy, Đào Khiêm chưa chắc đã là người vô can trong sự việc cha của Tào Tháo là Tào Tung bị sát hại. Trong Tam quốc chí, sử gia Trần Thọ khẳng định người hại Tào Tung là Đào Khiêm. Các tư liệu lịch sử cũng không đề cập đến việc Tào Tháo lạm sát người vô tội hay "đào mồ cuốc mả" trong cuộc chiến ở Từ Châu.
Theo Sohu, Tam quốc diễn nghĩa là tác phẩm văn học sáng giá, viết về một thời kỳ có thật trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều tình tiết của Tam quốc diễn nghĩa do La Quán Trung phóng tác, không dựa trên sự kiện có thật. La Quán Trung cần một nhân vật phản diện cho tác phẩm của mình, xui xẻo cho Tào Tháo khi ông là người bị nhắm đến.