Thách thức bao trùm cuộc đổi ngôi “dân số đông nhất thế giới” giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm sau

nhhgiap

Pearl
Dự đoán vào năm sau, Trung Quốc sẽ phải nhường vị trí quốc gia có dân số đông nhất thế giới cho Ấn Độ. Vào ngày đó, sự thay đổi đối với 2 quốc gia sẽ mang cả tính biểu tượng và tâm lý.
Thách thức bao trùm cuộc đổi ngôi “dân số đông nhất thế giới” giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm sau
Trung Quốc sẽ vẫn là cường quốc kinh tế lớn hơn, thách thức vị thế của Mỹ trên mọi mặt trận kinh tế - xã hội, nhưng không thể tự hào gọi bản thân là quốc gia đông nhất thế giới nữa.

Trung Quốc cố gắng làm giàu trước khi già đi

Theo xu hướng hiện nay, khoảng cách dân số sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng, nhưng điều đó có tác động như thế nào đối với vị thế của họ trên trường thế giới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như đầu tư và chính trị, chứ không chỉ riêng mỗi nhân khẩu học.
Tuy nhiên, thời điểm chiếc gậy của cuộc chạy đua được trao cho Ấn Độ, nó sẽ gieo một hạt giống nghi ngờ về những kỳ tích mà Trung Quốc còn có thể tạo ra như trong thế kỷ 21 hay không. Lợi thế dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc dự kiến sẽ sớm bắt đầu lao dốc với tốc độ ngày càng tăng.

“Giả định ban đầu là dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2028, nhưng viễn cảnh đó bây giờ đã đến sớm hơn dự kiến, và nó là một sự thay đổi rất lớn đối với cục diện toàn thế giới”, Ian Bremmer, chủ tịch kiêm người sáng lập của Eurasia Group, một tổ chức nghiên cứu rủi ro chính trị cho biết.
“Trung Quốc đang phải đối mặt với sự suy giảm dân số lớn hơn nhiều so với bất cứ thứ gì mà Nhật Bản hay Hàn Quốc đã từng trải qua, nhưng khác với hai quốc gia kia, họ vẫn chỉ là một nền kinh tế có thu nhập trung bình nên việc đối mặt sẽ là một thách thức cực lớn”, ông cho biết thêm.
Thách thức bao trùm cuộc đổi ngôi “dân số đông nhất thế giới” giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm sau
Không chỉ dân số Trung Quốc sẽ giảm, mà độ tuổi dân số của họ cũng thay đổi. Chỗ phình ra sẽ không còn là nhóm tuổi lao động nữa mà sẽ chạy dần lên nhóm người cao tuổi. Số lượng công dân Trung Quốc trên 65 tuổi được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050, từ 150 triệu lên 330 triệu. Sẽ ngày càng có ít người đủ sức khỏe để chăm lo cho thế hệ người già tiếp theo.
Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể xoay sở để tìm cách nhấn phanh của đoàn tàu già hóa dân số, ví dụ như tăng năng suất làm việc của nhóm tuổi lao động, nhưng chắc chắn nó cần nhiều vốn cùng lộ trình bài bản, và số tiền này cũng phải tăng theo thời gian. Đất nước tỷ dân đang trong cuộc chạy đua, cố gắng làm giàu trước khi già đi.
Dù khó khăn như vậy nhưng việc Trung Quốc vẫn chi tiêu mạnh cho quân sự với hy vọng sẽ sớm đủ khả năng để uốn nắn một phần lớn thế giới theo ý muốn để nước này có đặc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên, được lý giải là nước đi đầy rủi ro.
Nếu vụ cá cược trên thất bại, Bắc Kinh sẽ phải hối hận rất nhiều, số tiền đáng lẽ có thể dùng để điều chỉnh lại nền kinh tế của họ trước những giới hạn sắp tới, nay lại đổ sông đổ bể, khiến đất nước mắc kẹt trong đầm lầy thu nhập trung bình.

Ấn Độ - kẻ bị "ép" nhận gậy trên đường đua dân số

Cây gậy khi được truyền lại cho Ấn Độ cũng mang đến khó khăn nhất định cho vị vua dân số tương lai. Sẽ có nhiều người trẻ trong độ tuổi lao động của Ấn Độ làm việc để chu cấp cho bố mẹ già của họ, còn lãnh đạo đất nước sẽ phải nhanh chóng tận dụng lợi thế nhân khẩu học trước khi nó bị quốc gia nào đó lấy mất.
“Lợi tức nhân khẩu học không tự động xảy ra, bởi vì nhóm lớn những người trẻ trong độ tuổi lao động cần có việc làm và họ cần phải làm việc thực sự hiệu quả”, Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội và nhân văn tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi, cho biết.
Thách thức bao trùm cuộc đổi ngôi “dân số đông nhất thế giới” giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm sau
Một số quốc gia đã nắm bắt thành công lợi tức mà nhân khẩu học mang lại, như Hàn Quốc và Singapore. Hai quốc gia trên không phải đối mặt với thách thức gia tăng nhóm người trẻ không tìm được việc làm, vốn là ngòi nổ của nguy cơ gây bất ổn trong toàn xã hội ở Tunisia, Ai Cập và Syria.
Theo Gietel-Basten, các yếu tố quyết định thành công hay thất bại của lợi tức nhân khẩu học có thể rất nhiều và đa dạng. “Đó sẽ là về tài nguyên, về quản trị, về cơ sở hạ tầng, về địa điểm”, ông nói.
Carla Norrlöf, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, chỉ ra rằng các cường quốc như Mỹ có thể tìm cách gây ảnh hưởng đến sự phát triển tương đối dễ gãy của hai gã khổng lồ dân số. Bước đầu tiên của quá trình kiểm soát là điều chỉnh khả năng tiếp cận với các công nghệ quyết định tốc độ tăng trưởng của 2 quốc gia.

“Mỹ hiện đang thực sự đặt mục tiêu hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, song Ấn Độ có thể tận dụng cơ hội này để phát triển nếu họ không xui xẻo biến mình trở thành mục tiêu của gọng kìm Mỹ”, Norrlöf nói.

Sau châu Á, châu Phi có thể lên chiếm ngôi vua dân số

Đến năm 2050, các xu hướng hiện tại cho thấy, chỉ một số quốc gia sẽ chiếm toàn bộ mức tăng dân số thế giới, hầu hết tập trung ở châu Phi.
Hans Rosling, bác sĩ kiêm học giả người Thụy Điển, cho biết “mã pin” hiện tại của thế giới là 1114, nghĩa là có khoảng 1 tỷ người ở Châu Mỹ, 1 tỷ ở châu Âu và 1 tỷ ở châu Phi, còn châu Á là 4 tỷ người. Song đến năm 2050, mã code sẽ chuyển thành 1145, châu Phi tăng lên 4 tỷ người, còn châu Á tăng lên 5 tỷ người.

Thách thức bao trùm cuộc đổi ngôi “dân số đông nhất thế giới” giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm sau
Sau khi châu Á chạy mệt, chiếc gậy có thể được chuyển cho châu Phi
Có thể các quốc gia như Nigeria hoặc Ethiopia có thể thu được lợi tức và thoát khỏi nước đói nghèo. Dù họ có làm vậy hay không thì tình trạng thiếu đại diện châu Phi nghiêm trọng tại các tổ chức toàn cầu, như Liên Hợp Quốc, sẽ sớm cải thiện.
Stewart Patrick, giám đốc chương trình thể chế và trật tự toàn cầu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết khi dân số lục địa tăng lên, nó sẽ trở thành tâm điểm của các tranh chấp địa chính trị ngày càng nghiêm trọng.

“Đây sẽ là cuộc chiến giành châu Phi lần thứ hai trong lịch sử nhân loại, và chắc chắn nó sẽ không hề dễ dàng với bất kỳ quốc gia nào tham gia. Châu Phi không chỉ nắm giữ một lượng lớn nguyên liệu thô cho sản xuất, bao gồm dầu mỏ, khí đốt, mà còn cả nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xu hướng mà tất cả quốc gia đang hướng đến, điển hình nhất là pin điện”, ông nói. Ngoài ra, tỷ lệ phát triển của châu Phi sẽ tỷ lệ thuận với nhu cầu về khoáng sản của người dân.
Thách thức bao trùm cuộc đổi ngôi “dân số đông nhất thế giới” giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm sau
Bảng thống kê danh sách Top10 quốc gia đông nhất thế giới vào tháng 9/2022
Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ không giảm dù dân số đất nước này có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân là vì phần dân số nhỏ hơn vẫn phải căng thẳng do lối sống của tầng lớp trung lưu, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.
Ngoài ra, khi dân số khu vực phía nam địa cầu tăng còn khu vực phía bắc lại thu hẹp thì độ dốc nhân khẩu học sẽ lớn hơn, kéo theo áp lực di cư tăng cao.
Một số ý kiến đề xuất rằng các quốc gia giàu có ở Bắc Mỹ và Châu Âu nên “nhập khẩu” người trẻ từ những quốc gia nghèo, điều này không những giúp giải quyết bài toán về nguồn lực chăm sóc dân số già của họ mà còn mang lại lợi ích kinh tế, nhưng nó lại vấp phải nhiều chỉ trích. Trong bối cảnh địa chính trị bất ổn như hiện tại, việc nhập khẩu lao động nước ngoài không phải phương án được đồng tình nhiều.

>>>CUỘC GẶP MẶT LỊCH SỬ GIỮA BIDEN VÀ TẬP CẬN BÌNH TRƯỚC G20: BẮT TAY, CƯỜI ĐÙA “GIẢ TRÂN” NHƯNG PHÁT BIỂU VẪN SẶC MÙI "THUỐC SÚNG"
Nguồn: The Guardian
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top