Thái Lan: Chức Thủ tướng vẫn còn là ẩn số

Ngày 14/5 vừa qua, 52 triệu cử tri Thái Lan đã đi bầu Quốc Hội, kết quả cho thấy: Hai đảng đối lập ủng hộ dân chủ - Move Forward và Pheu Thai - đã thắng áp đảo trước các đảng bảo thủ, bảo hoàng và ủng hộ Quân đội. Người dân hy vọng một chính phủ dân chủ mới lên cầm quyền. Nhưng câu hỏi, chức Thủ tướng sẽ về tay đảng nào? Đó vẫn còn là ẩn số. 1-Trong cuộc bầu cử vừa qua, có 75,22%, cử tri Thái tham gia bỏ phiếu, thấp hơn một chút so với cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2019. Đảng Move Forward (Hướng về phía trước), một đảng chính trị của giới trẻ Thái giành được chiến thắng áp đảo khi có được gần 14 triệu phiếu bầu, chiếm hơn 113 ghế đại biểu Quốc Hội, bao gồm toàn bộ số ghế đại biểu của Bangkok; Đảng đối lập truyền thống là Pheu Thai (Đảng vì người Thái) về nhì, có được hơn 10 triệu phiếu ủng hộ; Đảng Quốc gia Thái thống nhất của Thủ tướng mãn nhiệm Chan-o-Cha, chỉ giành được 4,6 triệu phiếu. Số phiếu trên cho thấy ước nguyện của người dân Thái muốn đất nước sang trang mới sau gần một thập niên do Quân đội cầm quyền. Điểm chung của lãnh đạo hai đảng đối lập đang nổi lên này là họ còn trẻ, mới bước chân vào chính trường.
Thái Lan: Chức Thủ tướng vẫn còn là ẩn số
Lãnh đạo đảng Move Forward - Pita Limjaroenrat - trong chiến dịch vận động bầu cử ở Bangkok, ngày 12-5. Ảnh: AFP Đảng Move Forward của Pita Limjaroenrat là hậu thân của Future Forward, một đảng có xu hướng tiến bộ nổi nên trong cuộc bầu cử 2019, nhưng không được bao lâu sau đó đã bị giải tán. Trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, cử tri nhìn thấy ở Pita Limjaroenrat sự trẻ trung, can đảm, dám thách thức giới quân sự đầy quyền lực. Doanh nhân 42 tuổi này đã học ở New Zealand và Mỹ, được giới trẻ hâm mộ, đôi khi đến mức cuồng nhiệt như đối với một ngôi sao ca nhạc. Sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, Pita khởi nghiệp kinh doanh tại Mỹ, nhưng ông đã trở về nước khi 25 tuổi để tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình vì cha qua đời. Ông quản lý Công ty vận tải và giao đồ ăn Grab bằng ứng dụng công nghệ số tại Thái Lan. Năm 2012, ông kết hôn với nữ diễn viên truyền hình Thái sau đó đã ly hôn năm 2019. Họ có với nhau một con gái, 7 tuổi. Đảng Move Forward của Pita chủ trương phản đối điều luật 112 về “tội khi quân”, được cho là “hà khắc nhất trên thế giới”. Tội phạm thượng khi quân là vấn đề gây nhiều tranh cãi và cực kỳ nhạy cảm, từ lâu nay vẫn được cho là “vùng cấm” không được phép động tới trong nền chính trị của Thái Lan. Thế nhưng ông Pita vẫn khẳng định với báo chí khi biết kết quả bầu cử, rằng: “Dù thế nào, chúng tôi cũng sẽ làm áp lực để cải cách điều luật của Hoàng gia về tội khi quân”. Đảng Pheu Thai, dưới sự lãnh đạo của Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, bị đảo chính quân sự lật đổ hồi năm 2006, đang sống lưu vong. Bà gây ấn tượng mạnh với cử tri Thái Lan trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Họ không quên hình ảnh Paetongtarn Shinawatra, một phụ nữ 36 tuổi có nụ cười rạng rỡ, bụng mang dạ chửa đến sát ngày sinh nở vẫn xuất hiện trên các diễn đàn vận động tranh cử cho đảng của mình. Chỉ vài ngày sau sinh con thứ hai, bà đã trở lại ngay với các diễn đàn phủ kín màu đỏ, với tham vọng đưa gia tộc Shinawatra nổi tiếng trở lại chính trường Thái. Bà mẹ trẻ kêu gọi cử tri, “cùng nhau đem lại dân chủ, thịnh vượng”. Paetongtarn Shinawatra, ở Thái được gọi với tên thân mật là “Ung Ing”, là người “chập chững” bước vào chính trị. Bà mẹ trẻ này đến năm 2022 mới được chỉ định là lãnh đạo Pheu Thai, đảng do cha Thaksin lập ra từ năm 2000 và không ít lần bị ngành tư pháp Thái đe dọa giải tán. Năm ngoái, “Ung Ing” vẫn còn làm quản lý khách sạn trong tập đoàn do cha lập ra. Chưa đầy một năm sau, bà trở thành gương mặt nổi bật đại diện cho dòng họ Shinawatra, có hai đời thủ tướng-Thaksin và Yingluck. Nhưng cả hai đều đã bị bị giới quân sự lật đổ và phải lưu vong ở nước ngoài. Paetongtarn là con thứ 3 của ông Thaksin, theo học ngành khách sạn tại Anh. Năm 2019 bà kết hôn với một phi công, hiện có 2 con. Bà có hơn nửa triệu người theo dõi trên mạng Instagram.
Thái Lan: Chức Thủ tướng vẫn còn là ẩn số
Bà Paetongtarn Shinawatra cùng chồng và con tại Bangkok, trước bầu cử Trong suốt chiến dịch tranh cử, Paetongtarn đã thể hiện được bản lĩnh, năng lượng tuổi trẻ tràn đầy. Bà biết cách nói chuyện với các cử tri thuộc tầng lớp bình dân bằng những lời giản dị. Paetongtarn đã thu hút mạnh mẽ cử tri nông dân ở miền Đông Bắc Thái Lan, thành trì tuyển cử đã được cha bà tạo dựng từ những năm đầu thập niên 2000, khi bắt đầu tham gia chính trường. Ngày 9/5 vừa qua, khi chiến dịch tranh cử đi vào chặng cuối, ông Thaksin Shinawatre đã đánh tiếng muốn từ nay đến tháng 7 được trở về mảnh đất quê nhà, sau 17 năm buộc phải sống lưu vong. Cựu thủ tướng 73 tuổi, nói : “Một lần nữa tôi xin phép được về thăm các cháu mình trước ngày sinh nhật tới (26/7). Tôi đã “già rồi”. Ông Thaksin đang mang án tù 12 năm, hy vọng vào chiến thắng của con gái trong cuộc bầu cử lần này để có thể thay đổi số phận. 2- Giới phân tích cho rằng, dù giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử qua, nhưng không có gì cho thấy con đường đưa hai người trẻ - ông Pita Limjaroenrat, hoặc bà Paetongtarn Shinawatra - đến chức thủ tướng là đơn giản. Các quy định bầu cử ở Thái Lan khá phức tạp, buộc các đảng đối lập phải có được một đa số tuyệt đối hoặc là phải thành lập một liên minh để có thể lên cầm quyền. Việc trước mắt của Pita Limjaroenrat là phải tập hợp được một liên minh đủ để có thể lấn át được số phiếu bầu của số thượng nghị sĩ do Quân đội chỉ định, cũng sẽ tham gia cùng các dân biểu mới vào việc bầu chọn tân thủ tướng Thái Lan. Liên minh đầu tiên của Move Foward sẽ là với đảng Pheu Thai. Hai đảng vừa giành chiến thắng trên có đồng quan điểm về tình trạng suy yếu kinh tế của đất nước đòi hỏi phải có những cải cách mạnh mẽ, nhưng lại bất đồng với nhau về nhiều vấn đề xã hội… Một yếu tố “đột biến” có thể xóa đi nhanh chóng kết quả bầu cử - đó là đảo chính. Chính trường Thái Lan thường xuyên đối mặt với những cuộc đảo chính. Từ năm 1932, Thái Lan đã trải qua 12 cuộc đảo chính quân sự, trung bình cứ 6-7 năm lại có một cuộc đảo chính do Quân đội tiến hành. Tuy nhiên, việc sử dụng “đảo chính” như là một công cụ có nguy cơ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Thái. Do vậy, đây luôn là công cụ sau cùng của Quân đội để đối phó với các đảng chính trị đối lập. Tình hình chính trị xã hội ở đất nước này còn luôn bất ổn với liên tiếp các phong trào biểu tình phản kháng và giải thể các đảng phái chính trị từ Tòa Hiến Pháp. Một công cụ pháp luật tinh vi để phe tướng lĩnh và bảo hoàng “vô hiệu hóa” các đảng đối lập mà không cần tiến hành đảo chính, như đưa ra các cáo buộc tham nhũng hay vi phạm luật bầu cử. Đảng của ông Thaksin, cha của bà Paetongtarn Shinawatra, đã ba lần bị giải thể. Năm 2014, việc bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, từ chối từ nhiệm theo phán quyết của Tòa Hiến Pháp đã dẫn đến cuộc đảo chính cho phép Quân đội cầm quyền trong vòng gần 10 năm qua, Đảng bị giải thể còn lãnh đạo bị cấm ra tranh cử trong vòng 10 năm. Hiện đang có những cáo buộc gian lận nhắm vào Đảng Move Forward. Vài ngày trước cuộc bầu cử, Tham mưu trưởng Quân đội Thái Lan cảnh báo, có thể can thiệp nếu các chính trị gia không tôn trọng các nền tảng cơ bản của Thái Lan. Hãy chờ xem chính trường Thái Lan sẽ ra sao? ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top