Thịt làm từ thực vật thì ai cũng nghe rồi, nhưng đây là... thực vật làm từ thịt

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Một nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Yonsei đã phát triển một loại gạo lai theo đúng nghĩa đen – được “nhồi” đầy thịt bò. Những hạt gạo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã được truyền tế bào cơ và mỡ của bò, khiến chúng trở thành thứ "nửa thực vật, nửa thịt". Loại gạo này cũng mang một màu hồng tươi hấp dẫn.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ cung cấp một nguồn protein rẻ hơn và bền vững hơn, có lượng khí thải carbon thấp hơn đáng kể so với quy trình sản xuất thịt bò truyền thống. Nó cũng sẽ tiết kiệm thời gian cho những người thưởng thức món cơm thịt bò - vì bò nay đã ở trong cơm.
Để biến món ăn kỳ lạ này thành hiện thực, các nhà nghiên cứu đầu tiên phủ từng hạt gạo trong gelatin cá để làm chất kết dính cho các tế bào thịt. Tiếp theo, họ đưa các tế bào gốc cơ và mỡ của bò vào từng hạt gạo, sau đó nuôi cấy các tế bào này trong đĩa petri. Kết cấu bên trong xốp nhưng có tổ chức của hạt gạo thực sự mô phỏng các "giàn giáo sinh học" được tìm thấy trong các tế bào thịt. Vì vậy, những hạt gạo cung cấp cả cấu trúc hỗ trợ để các tế bào phát triển và cả các phân tử dinh dưỡng thiết yếu.
Thịt làm từ thực vật thì ai cũng nghe rồi, nhưng đây là... thực vật làm từ thịt
Các tế bào thịt phát triển cả trên bề mặt hạt gạo và cả bên trong nó. Sau khoảng mười ngày, chúng trở thành sản phẩm hoàn thiện. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Matter cho biết những hạt gạo này có vị giống như sushi thịt bò - cũng hợp lý nếu xét nguyên liệu đầu vào.
“Hãy tưởng tượng chúng ta có thể thu được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết từ gạo protein nuôi cấy tế bào,” tác giả chính Sohyeon Park nói trong một thông cáo báo chí. "Gạo vốn đã giàu tinh bột, nhưng việc bổ sung các tế bào từ gia súc càng nâng cao giá trị dinh dưỡng của nó hơn nữa."
Đội ngũ nghiên cứu kỳ vọng một viễn cảnh trong tương lai khi gia súc có thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi quy trình. Họ mong muốn phát triển một dòng tế bào liên tục phân chia và phát triển trong thời gian dài để có nguồn cung thay vì chiết xuất trực tiếp từ các con bò. “Sau đó, chúng ta có thể tạo ra một hệ thống thực phẩm bền vững”, Park chia sẻ với SciNews.
Rõ ràng, công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, vì vậy cơm thịt bò hồng sẽ không xuất hiện trong thực đơn nhà hàng một sớm một chiều. Nhóm nghiên cứu đang tinh chỉnh quy trình để sản xuất những hạt gạo chứa nhiều giá trị dinh dưỡng hơn. Họ cũng hy vọng sẽ cải thiện thêm về hương vị, kết cấu và màu sắc. “Trong tương lai, loại thực phẩm này có thể đóng vai trò cứu trợ nạn đói, khẩu phần ăn quân sự, hoặc thậm chí là thực phẩm du hành vũ trụ”, Park nói.
Đây chỉ là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết thảm họa sinh thái đang diễn ra do ngành sản xuất thịt. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, gia súc nuôi để giết mổ thải ra 6,2 tỷ tấn khí carbon dioxide vào khí quyển mỗi năm. Đó là gần 12% lượng khí thải carbon do con người gây ra.
Do đó, có nhiều dự án đang được triển khai để tạo ra thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ngon miệng và tiết kiệm, từ cốm gà nuôi cấy đến bít tết được tạo ra bằng hệ thống “giàn giáo sinh học” gelatin – tương tự như dự án "cơm thịt bò" đã nói. Côn trùng cũng đang nổi lên như một nguồn protein khả thi để cung cấp dinh dưỡng cho con người.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top