Thịt nhân tạo sẽ thay đổi nền nông nghiệp toàn cầu như thế nào?

Trong năm nay, người Mỹ đã tiêu thụ trên dưới 2 tỉ phần gà viên rán. Loại đồ ăn nhanh này là cách tận dụng những phần thịt còn lại của con gà sau khi phần ức, đùi và cánh được lấy đi từ 9 tỉ con gà được giết mổ mỗi năm tại Mỹ. Cũng như những vấn đề khác trong cuộc sống hiện nay, việc sản xuất gà viên rán được kiểm soát bởi một nhóm nhỏ các công ty lớn, gây ra nhiều hệ lụy về mặt xã hội và sinh thái.
Tương tự những mặt hàng khác được sản xuất trong cùng hệ thống, gà viên tuy chất lượng có phần đáng ngờ nhưng lại có giá thành rẻ, hấp dẫn và dễ tiêu thụ. Thành phần chính của gà viên rán thậm chí không phải là thịt, mà là mỡ và các loại nội tạng (như da, xương, gân…) qua quá trình siêu xử lý để tạo cảm giác ngon miệng. Theo hai nhà kinh tế chính trị Raj Patel và Jason Moore lập luận, loại thực phẩm này có hình thức đồng nhất, kích thước vừa miệng, nó thể hiện cái cách mà chủ nghĩa tư bản đã vắt kiệt giá trị cuộc sống của con người, phi con người và giá trị lao động.
Thịt nhân tạo sẽ thay đổi nền nông nghiệp toàn cầu như thế nào?
Nếu gà viên rán là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản hiện đại, vậy thì đã đến lúc biểu tượng này bị phá vỡ. Có lẽ đối thủ của nó là một loại thịt hoàn toàn khác: mô ăn được được nuôi cấy trong ống nghiệm từ tế bào gốc của động vật, một quá trình được gọi là nông nghiệp tế bào. Điểm nhấn bán hàng của công nghệ này là một chiêu bài kinh điển của các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicone: loại bỏ một công nghệ lỗi thời (ở đây là động vật) và nhận được sự chấp nhận của xã hội thông qua thông điệp nhân đạo.
Ngành chăn nuôi thâm canh, nơi sản xuất gà viên và hầu hết các loại thịt trên thị trường Mỹ hiện nay, giữ giá thịt ở mức thấp nhờ hoạt động ở quy mô khổng lồ, và chuyển chi phí sản xuất này sang con người, động vật và hành tinh của chúng ta. Ngành chăn nuôi phá rừng để lấy đất canh tác, thải ra hàng triệu tấn khí nhà kính mỗi năm, môi trường làm việc trong các lò mổ tồi tàn và động vật trong trang trại bị đối xử *******. Tất cả đều được bù đắp bằng việc ấn định giá, vận động hành lang để bãi bỏ các quy định về môi trường và lao động, thúc đẩy các đạo luật vi hiến nhằm chống lại người tố cáo.
Vấn đề là chúng ta thích ăn thịt, tốc độ sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng ổn định và chỉ có một bộ phận rất nhỏ người ăn chay thuần. Điều này khiến ngành chăn nuôi thâm canh trở thành một vấn đề nan giải: một thứ dù có hại, nhưng lại quan trọng về mặt chính trị và xã hội, do đó những người tiên phong cải cách sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tế bào dường như sẽ là một cuộc cải cách công nghệ xã hội tiềm năng: nó có thể loại bỏ thiệt hại do hệ thống cũ gây ra mà không yêu cầu người tiêu dùng ngừng ăn thịt.
Từ khoa học viễn tưởng cho tới triết học, ngành nông nghiệp tế bào đã nhanh chóng phát triển và trở thành sự thật. Tháng 12/2020, công ty thực phẩm Eat Just có trụ sở tại San Francisco đã thương mại hóa sản phẩm thịt nuôi cấy nhân tạo đầu tiên trên thế giới tại hộp đêm 1880 (Singapore). Sản phẩm này được phục vụ dưới dạng gà viên, một phần là biểu tượng, một phần cho thấy công nghệ này chưa đủ khả năng để thay thế hoàn toàn phần thịt ức, đùi hay cánh gà. Tuy nhiên, toàn bộ ngành chăn nuôi đã đến lúc cần thay đổi. Nguyên mẫu sản phẩm thịt nuôi cấy từ tế bào đầu tiên được giới thiệu trước công chúng là thịt miếng burger do một nhóm nghiên cứu tại Đại học Maastricht tạo ra năm 2013. Từ dự án đó, công ty Mosa Meat được thành lập và đang thúc đẩy đưa ra thị trường sản phẩm thịt bò nuôi cấy nhân tạo. Một startup của Israel có tên Aleph Farms đã có thể in 3D một miếng dẻ sườn bò. Công ty Shiok Meats của Singapore đã có thể tạo ra thịt tôm mà không cần tôm. Công ty Finless Foods tại Berkeley đang tìm cách tạo ra thịt cá ngừ vây xanh, loài cá đang có nguy cơ tuyệt chủng. Và công ty Vow của Úc đang thực hiện đa dạng hóa các loại thịt nhân tạo nhằm thay thế cho các loài động vật ăn được như ngựa vằn, bò Tây Tạng và kangaroo.
Hầu hết những kết quả tiến bộ trên được thực hiện bởi các startup công nghệ mới nổi, tập trung tại các trung tâm công nghệ của thế giới. Những startup này được hỗ trợ bởi một mạng lưới các nhà đầu tư thuộc giới siêu giàu và các nhà đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới, chỉ riêng thịt nuôi cấy nhân tạo đã thu hút số tiền đầu tư lên đến 900 triệu USD. Một số nhà đầu tư là tỉ phú và họ có đam mê về công nghệ như Richard Branson, Bill Gates…; hay Maastricht Burger được tài trợ bởi Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google. Bên cạnh đó, cũng có những tập đoàn lớn bắt đầu lấn sân sang một cuộc chiến mới, như công ty dược phẩm Merck đã đầu tư vào Mosa Meats, hay công ty thực phẩm Tyson Foods đã mua lại cổ phần của Upside Foods.
Nguồn vốn tư nhân đang đẩy nhanh việc thu hẹp diện tích canh tác thông qua công nghệ sinh học tổng hợp, đó là tất cả những gì người ủng hộ hay các nhà phê bình cần biết về công nghệ này. Những người lạc quan về công nghệ hướng về một tương lai mà “thịt sạch” được bày bán rộng rãi, với những điểm vượt trội về sinh thái và đạo đức so với thịt chăn nuôi, tương tự như điện mặt trời vậy. Những người phản đối cho rằng thịt do công ty sản xuất trong phòng thí nghiệm sẽ dễ dàng tham gia vào hệ thống thực phẩm đậm tính tư bản vốn đã rệu rã.
Cả hai ý kiến đều có lý của nó, tuy nhiên họ đều đưa ra giả định sai khi xác định trước kết quả. Trong suốt một thế kỷ qua, không có bất kỳ tiền nhận định nào về động lực thúc đẩy cơ giới hóa hệ thống lương thực thực phẩm, khai thác lực lượng lao động và hủy hoại môi trường. Chúng chỉ xuất hiện vì sự lựa chọn của chính trị, tập thể và cá nhân. Tương tự, chúng ta không cần trở thành tù nhân của các đế chế công nghệ tạo ra những “tảng thịt” xám xịt trên bàn ăn. Điều chúng ta cần làm là phân tích các tiềm năng của ngành nông nghiệp tế bào với các chính sách và nguồn đầu tư phù hợp để có thể mang lại nguồn lợi cho người tiêu dùng, công nhân, động vật và cả môi trường.

Ngành chăn nuôi hiện đại đang dần rệu rã

Để làm rõ được kỳ vọng lẫn nguy cơ của ngành nông nghiệp tế bào, chúng ta cần hiểu rõ hệ thống mà nó có thể sẽ thay thế. Các chính sách và hiện trạng ngành chăn nuôi hiện tại đang gây thiệt hại lớn, và để thay đổi được nó sẽ cần một nỗ lực to lớn, nhưng lịch sử cho thấy rằng hệ thống này có thể thay đổi rất nhanh chóng, thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn chỉ trong một thế hệ.
Đối với người tiêu dùng, hệ thống lương thực thực phẩm hiện tại có nguồn sản phẩm phong phú và giá rẻ. Người Mỹ chỉ chi trả khoảng 10% thu nhập khả dụng của bản thân cho thực phẩm, tỉ lệ thấp nhất trên thế giới, và họ có thể mua tới 122kg thịt mỗi năm, trong đó có khoảng 55kg thịt gà. Để so sánh, con số ở Anh cũng thấp nhưng lại không bền vững, mỗi người chỉ có thể mua 80kg thịt, trong đó có 32kg thịt gà. Tuy nhiên, để có giá rẻ thì cần phải đánh đổi. Ngày nay, hàng tỷ con gà không thể phân biệt về mặt di truyền đang sinh sống và chết đi trong điều kiện khốn cùng trong những cơ sở chăn nuôi được tối ưu hóa lợi nhuận với chi phí thấp. Tại thị trường Mỹ, ba công ty chế biến gồm Tyson, Perdue và Koch kiểm soát phần lớn thị phần thịt gà. Ngành công nghiệp này hoạt động theo hình thức bán độc quyền, với một lượng nhỏ người mua áp đặt giá cả và điều kiện lên nhà sản xuất, hoặc trong một số trường hợp diễn ra theo chiều dọc, có nghĩa là bộ ba công ty trên trực tiếp kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi giá trị.
Cấu trúc này mang lại quyền lực kinh tế cho ngành này để chèn ép nông dân, công nhân và người tiêu dùng. Các chủ trang trại có hợp đồng với các công ty chế biến lớn buộc phải cạnh tranh gay gắt với nhau đến nỗi nhiều người nông dân cảm thấy may mắn khi có thể hòa vốn. Quá trình giết mổ diễn ra *******, nhân công rẻ mạt, họ phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm trên dây chuyền giết mổ tốc độ cao có thể xử lý đến 140 con gà mỗi phút. Báo cáo của Oxfam năm 2015 về ngành chăn nuôi cho biết những người công nhân phải mặc bỉm khi làm việc vì họ không được đi vệ sinh, nhiều người còn bị thương tật vĩnh viễn do những thao tác lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Trong khi đó, các công ty khổng lồ, như Tyson và Pilgrim’s Pride, gần đây đã phải xử lý các vụ kiện với thiệt hại lên đến hàng trăm triệu USD do ấn định giá đối với các siêu thị, nhà hàng và khách hàng cá nhân. Quy mô và sự giàu có của các công ty này đã mang lại quyền lực chính trị đáng kể. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất thể hiện điều này là hồi tháng 4/2020, với sự thúc đẩy của ngành chăn nuôi, nguyên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tiếp tục cho phép các cơ sở giết mổ hoạt động, ngay cả khi hàng nghìn công nhân đang mắc Covid-19.
Thịt nhân tạo sẽ thay đổi nền nông nghiệp toàn cầu như thế nào?
Gà viên được làm từ thịt nuôi cấy nhân tạo bán tại một nhà hàng ở Singapore năm 2020 (Ảnh: Eat Just/AFP)
Trong khi đó, việc nhồi nhét gia súc, gia cầm vào các trang trại của nhà máy và dọn trống khu đất để trồng thêm cây làm thức ăn gia súc đã làm tăng nguy cơ gây bùng phát các bệnh truyền nhiễm như cúm lợn, cúm gia cầm, hay thậm chí là Covid-19. Hệ thống này khiến nhiều người bị tàn tật và tử vong nhiều hơn do các loại bệnh không lây nhiễm: trong 60 năm qua, sự thay đổi trong chế độ ăn uống khiến số người bị tiểu đường, béo phì và các bệnh tim mạch tại Mỹ tăng cao bất thường.
Có hai nguyên nhân khiến chúng ta rơi vào tình huống nghiệt ngã này. Đầu tiên là trong suốt 2 thế kỷ qua, chúng ta được đào tạo rằng lợi nhuận thúc đẩy hiệu quả ngày càng cao của ngành nông nghiệp. Thứ hai là có ngày càng nhiều chính sách nông nghiệp, đặc biêt là tại Mỹ, tạo ra các nguồn trợ cấp vô tận, nhưng lại không có bất kỳ quy định nào về người lao động hay môi trường. Toàn bộ hệ thống được thiết kế chủ yếu vì lợi ích của chủ sở hữu đất nông nghiệp, các công ty lớn với nguồn tiền tiêu dùng của cộng đồng.
Không ngành nào có thể thấy rõ điều này hơn ngành chế biến thịt. Các lò giết mổ gia súc, gia cầm được công nghiệp hóa từ cuối thế kỷ 19 bởi các công ty đóng gói thịt, nơi có đến 40 nghìn lao động người da đen và dân nhập cư với thu nhập thấp. Họ đã giết mổ hàng triệu con gia súc, gia cầm mỗi năm trên một mô hình gọi là “dây chuyển tháo rời”. Mô hình này yêu cầu đầu vào phải được tiêu chuẩn hóa – từ động vật cho đến loại ngũ cốc chúng ăn – để phù hợp cho chế biến công nghiệp. Chính phủ Mỹ ủng hộ quyết định này. Nhà sử học Deborah Fitzgerald cho biết vào khoảng đầu thế kỷ 20, chính phủ đã triển khai các công trình nghiên cứu, giảm thuế và thúc đẩy công nghệ nhằm tạo điều kiện cho nông nghiệp thâm canh, biến mọi trang trại thành nhà máy.
Tất cả những động lực đó đã dẫn đến sự bùng nổ của các trang trại-nhà máy sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Thịt gà trước đây không phải là loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của người Mỹ, nhưng loại gia cầm này đã thể hiện mình đặc biệt phù hợp với quá trình công nghiệp hóa vì khả năng sinh sản nhanh, kích thước và tốc độ đẻ trứng cũng có thể dễ dàng thay đổi thông qua quá trình nhân giống. Các công ty chế biến thịt bắt đầu xây dựng thị trường dành cho thịt gà thông qua các chương trình quảng cáo liên tục, và các trang trại-nhà máy cũng nhanh chóng lan sang mô hình chăn nuôi lợn và ảnh hưởng đến các mô hình chăn nuôi gia súc lớn khác. Học giả về sức khỏe môi trường Ellen Silbergeld miêu tả đây là dự án “chickenisation” của ngành nông nghiệp.

Thịt nhân tạo sẽ thay đổi nền nông nghiệp toàn cầu như thế nào?
Các nhà khoa học giới thiệu mẫu thịt nuôi cấy nhân tạo trong phòng thí nghiệm tại Đại học Maastricht năm 2011 (Ảnh: François Lenoir/Reuters)
Đã có khá nhiều y kiến đóng góp thông minh và tiến bộ về hệ thống này, nhưng hầu hết đề ra các giải pháp thay thế liên quan đến việc phá vỡ thế bán độc quyền của các công ty thực phẩm khổng lồ và thu nhỏ hoặc đa dạng hóa các loại hình trang trại tại Mỹ. Nhưng chỉ riêng chính sách chống độc quyền không thể giải quyết được những tác hại đối với động vật, người lao động và môi trường do ngành chăn nuôi hiện đại gây ra. Có thể việc chia tay với các công ty lớn chỉ dẫn đến sự xuất hiện của nhiều công ty và các trang trại-nhà máy nhỏ hơn, có tốc độ sản xuất chậm hơn mà thôi. Về mặt lý thuyết, các trang trại nhỏ mang tính nông nghiệp toàn diện hơn, bền vững với môi trường hơn, bảo vệ việc làm và cung cấp nguồn hàng tươi ngon như những quả cà chua mọng nước, hay những miếng thịt bò được nuôi trong môi trường nhân đạo. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống nông nghiệp xung quanh những người nông dân có hiệu quả kinh tế và mang lại lợi ích cho phần đông dân số có thể là một yêu cầu quá cao. Nhiều người dân không muốn, không thể chi trả hoặc không thể tiếp cận với các sản phẩm thịt thuần tự nhiên, chăn nuôi thả rông, thực phẩm đi thẳng từ trang trại đến bàn ăn. Thứ họ có thể mua được là thịt viên. Và những người ủng hộ nền nông nghiệp quy mô nhỏ phải chật vật với việc giải quyết vấn đề triển khai ý tưởng này ở quy mô đủ lớn và có mức giá đủ thấp để chống lại cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra trong khoảng thời gian cho phép.
Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia về tác động môi trường đến hệ thống lương thực đều đồng ý rằng lượng thịt chúng ta tiêu thụ ngày càng ít đi. Một số đề xuất giải pháp sử dụng chế độ ăn chay và ăn thuần chay. Và thậm chí có những đề xuất cắt giảm sản lượng thịt, như đề xuất của Ủy ban EAT-Lancet khuyến khích cắt giảm mạnh, đặc biệt là ở khu vực Bắc bán cầu, và đề xuất loại bỏ mô hình chế biến thịt ở các trang trại-nhà máy. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có sự chuyển biến ngoại trừ những lệnh cấm sản phẩm thịt từ trang trại-nhà máy có thể đạt được ở mức độ nào đó, và đến hiện tại, quá trình này không dành cho những tay mơ về chính trị.
Đó chính là xuất phát điểm của ngành nông nghiệp tế bào. Đây là công nghệ giúp giải quyết được sự cô đặc của hệ thống lương thực của chúng ta thay cho những con gà được chạy thoải mái trên đồng cỏ. Mà đó là những viên thịt được sản xuất với quy mô lớn mà không cần đến một con gà.
Nông nghiệp tế bào hình thành từ những vấn đề của ngành chăn nuôi hiện đại
Năm 1931, Winston Churchill tuyên bố rằng một ngày nào đó, công nghệ sẽ cho phép con người “thoát khỏi sự ngu ngốc khi phải nuôi cả một con gà chỉ để lấy phần ức, hay phần cánh bằng cách nuôi những bộ phận này riêng biệt trong môi trường thích hợp”. Đến cuối thập niên 90, tuyên bố này vẫn còn được xem là một ví dụ cho sự vô bổ của tương lai học. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh học và khoa học y học đã biến ngành nông nghiệp tế bào trở thành hiện thực. Tế bào gốc được tìm thấy từ thập niên 60, là những tế bào cơ bản tạo nên hầu hết các cơ quan của sinh vật. Đến thập niên 70, con người đã có thể nuôi cấy mô cơ trong ống nghiệm, và nghiên cứu đầu tiên được đánh giá bởi hội đồng khoa học ngang cấp về khả năng nuôi cấy mô thịt trong ống nghiệm được công bố vào năm 2005.
Tuy là công nghệ mang tính đột phá, nông nghiệp tế bào thật ra là một quá trình khá đơn giản. Quá trình này bắt đầu với tế bào gốc, thường được lấy từ sinh vật sống thông qua kỹ thuật sinh thiết. Các tế bào sẽ được đặt trong một lò phản ứng sinh học – một thùng thép vô trùng có thể kiểm soát nhiệt độ, áp suất – có môi trường đậm đặc chất dinh dưỡng, về cơ bản là một hỗn hợp nước đường và đạm. Trong điều kiện này, các tế bào tăng sinh và biệt hóa để tạo thành mô. Ngay từ lúc lấy ra khỏi lò phản ứng sinh học, bạn đã có một khối chất có thể ăn được gọi là “thịt tươi” (hay wet mass), dù chưa được ngon miệng lắm. Sau đó, khối chất này sẽ được chế biến để tạo thành thịt viên hay lát thịt băm. Với những miếng thịt phức tạp hơn, như một miếng thịt thăn chẳng hạn, sẽ yêu cầu thêm các kỹ thuật khác như phát triển tế bào cơ và mỡ trên một “giàn giáo” tạo thành từ collagen. Đó là một kỹ thuật xây dựng cấu trúc, nhưng ở mức độ tế bào.
Tiềm năng của công nghệ này có thể mang lại lợi ích trên nhiều vấn đề khác nhau. Hầu hết các phân tích cho thấy quá trình này cần tiêu tốn ít diện tích đất hơn nhiều lần, tiết kiệm nước và tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn so với sản xuất thịt bò và sữa. Nếu được vận hành bởi nguồn năng lượng sạch, công nghệ này có thể giảm tác động đến môi trường so với sản xuất thịt gà và thịt lợn. Ngoài ra, công nghệ nuôi cấy thịt nhân tạo còn ngăn chặn hành vi tra tấn và giết mổ hàng tỉ sinh vật mỗi năm, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người. Việc nuôi cấy thịt cá thậm chí còn có lợi hơn nhiều đối với sinh thái thông qua việc giảm bớt áp lực đối với các hệ sinh thái đang bị đe dọa và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do ngành khai thác thủy sản gây ra.
Thịt nhân tạo sẽ thay đổi nền nông nghiệp toàn cầu như thế nào?
Những con gà đang được chuyển đến nhà máy chế biến tại Mỹ (Ảnh: Rogelio V Solis/AP)
Việc chuyển đổi các lò mổ lỗi thời cũng sẽ chấm dứt nạn lạm dụng sức lao động còn đang tồn tại. Công nghệ mới yêu cầu nguồn lao động kỹ thuật cao và có sự giám sát, duy trì và điều chỉnh lò phản ứng sinh học một cách cẩn thận mà không làm ảnh hưởng đến môi trường vô trùng mong manh mà tế bào cần có. Môi trường làm việc này hoàn toàn khác với hoạt động giết mổ trên dây chuyền tốc độ cao dẫn đến kết quả là cứ mỗi tuần tại Mỹ là có trung bình hai người bị cắt cụt bàn tay, ngón tay, bàn chân hoặc toàn chi. Các nhà máy sản xuất nông nghiệp tế bào sẽ cung cấp việc làm có mức lương cao hơn đáng kể so với lò mổ và có môi trường làm việc an toàn, lành mạnh hơn (mặc dù lực lượng lao động có thể không giống nhau).
Bên cạnh đó, hiện cũng có một sự thúc đẩy phát triển các sản phẩm thay thế động vật có nguồn gốc từ thực vật. Với khả năng sản xuất bằng công nghệ hiện có và nguyên liệu là các loại cây trồng phổ biến, đồng thời có thể mở rộng quy mô và giảm chi phí một cách nhanh chóng, có lẽ đây là lựa chọn tốt hơn để thách thức ngành nông nghiệp chăn nuôi thông thường trong ngắn hạn. Thị trường thịt thực vật và sữa thực vật được dự báo sẽ đạt quy mô 75 tỉ USD trên toàn cầu trong 5 năm tới. Các công ty đứng sau thị trường này đang đưa ra những sản phẩm thay thế cho thịt một cách đầy nghệ thuật và hy vọng người dùng sẽ lựa chọn chúng thay cho thịt. Nông nghiệp tế bào sản xuất ra thịt thật, cho phép nó vươn lên dẫn đầu thị trường thịt toàn cầu trị giá 1.000 tỉ USD. Theo Good Food Institute, một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy thay thế các loại đạm thông thường, cho biết công nghệ này có thể làm được điều đó với mục tiêu “loại bỏ vấn đề đạo đức” dựa trên cơ chế thị trường và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Và điều đó có thể làm tăng cơ hội chuyển đổi các trang trại-nhà máy.

Tiềm năng của nông nghiệp tế bào​

Tầm nhìn của nền nông nghiệp tế bào dường như chỉ là một chiêu bài truyền cảm hứng và khai thác người tiêu dùng mà Thung lũng Silicon rất thích. Đối với số người phản đối ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp đã đánh vào “chủ nghĩa giải quyết vấn đề” với một niềm tin ngây thơ rằng công nghệ có thể vượt qua các vấn đề chính trị và xã hội. Đối với những người nghiên cứu công nghệ, nông nghiệp tế bào là một công trình khác liên quan đến “sự lạc quan của các công ty về công nghệ”. Như nhà địa lý Erik Jönsson của Đại học Uppsala đã nói, họ thật mù quáng trước sự thật là “hiện đại hóa đã kéo theo những tác động rất thực tế, và đôi khi là *******, đối với con người và xã hội được hiện đại hóa”. Nhiều người sẽ ủng hộ nếu chỉ đơn thuần là chuyển sang ăn chay hoặc ăn thuần chay.
Có những lo ngại về việc các công ty công nghệ và thực phẩm có thể sử dụng những công nghệ như nông nghiệp tế bào để thắt chặt chuỗi cung ứng lương thực và “tẩy trắng” cho nền nông nghiệp tư bản độc hại. Hiện tại, công nghệ nuôi cấy thịt và chuỗi tế bào gốc là tài sản trí tuệ có giá trị cao, được bảo vệ bởi một quân đoàn luật sư và các thỏa thuận ngầm. Bên phản đối lo ngại rằng ngành công nghiệp mới này sẽ lại tạo ra một phiên bản thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm như chính ngành công nghiệp mà nó thay thế. Đối với họ, nông nghiệp tế bào bao gồm những phần tồi tệ nhất của chế độ thực phẩm hiện tại: sản xuất hàng loạt với quy mô lớn, những viên thịt đầy nghi ngại về độ dinh dưỡng được bán ở các cửa hàng thức ăn nhanh.
Có ba khả năng xảy ra đối với vấn đề này. Đầu tiên là tiềm năng của nông nghiệp tế bào vượt có trội hơn vấn đề chi phí hay không. Nếu công nghệ có thể làm giảm đáng kể việc sản xuất và tiêu thụ thịt thông thường, thì nó vẫn phù hợp hơn về mặt đạo đức và sinh thái so với hiện trạng. Ngay cả khi nó sử dụng các công cụ của chủ nghĩa tư bản nông nghiệp tân tự do được tài chính hóa. Suy cho cùng thì các công ty chế biến thịt như Tyson và Cargill cũng không phải là tổ chức từ thiện. Nói cách khác, đặt một thế giới ăn thịt nuôi cấy với một trang trại-nhà máy lên bàn cân so sánh với nhau là không phù hợp trong hệ thống lương thực thực phẩm.
Thứ hai là nền nông nghiệp tế bào, với quy mô đủ lớn, có thể giúp tái cấu trúc đất nông nghiệp đang sử dụng bằng cách giảm nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi. Từ đó mở ra nhiều khoảng không cho những chính sách lương thực tiến bộ hơn. Nếu quỹ đất của chính phủ Mỹ mua lại chỉ một phần nhỏ trong số 320 triệu hecta đất trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, quỹ có thể bán lại hàng triệu mẫu đất kèm các điều khoản có lợi với mục đích sử dụng đất mới như: thành lập trang trại tái sinh lấy nông nghiệp làm nền tảng có lợi cho cộng đồng và các trang trại do nông dân làm chủ; trả lại đất cho người dân thuộc các cộng đồng bị chiếm đất trong lịch sử và không được hưởng quyền sở hữu đất; trao trả đất cho các bộ lạc; thực hiện các sáng kiến bảo tồn và tái hoang dã vùng đất. Nhiều ý tưởng nói trên được những người phản đối thịt chăn nuôi ủng hộ. Những người này thường cho rằng chúng không phù hợp với tính toàn diện và nhạy cảm của một hệ sinh thái phát triển chậm, nhỏ và cục bộ. Nhưng những ý tưởng trên đang trở nên khả thi hơn với “nền nông nghiệp trong phòng thí nghiệm” dần được thương mại hóa.
Cuối cùng, công nghệ nông nghiệp tế bào không có gì đảm bảo sự hứng thú của các nhà đầu tư mạo hiểm, cũng như có chính sách sở hữu trí tuệ hạn chế. Những người muốn nông nghiệp tế bào phát triển hết tiềm năng cao cả của nó không nên quá lo lắng về những tác động tiêu cực của tư bản, mà nên tìm cách hạn chế nó. Điều cần làm là có một tầm nhìn chính trị và năng lượng để giải phóng công nghệ này khỏi sự kìm kẹp của các bên liên quan, và sử dụng nó cho các dự án cấp tiến nhằm cải thiện điều kiện sống của cả con người và động vật trên toàn thế giới.
Thịt nhân tạo sẽ thay đổi nền nông nghiệp toàn cầu như thế nào?
Finless Foods chế biến thịt cá được nuôi cấy nhân tạo trong một sự kiện ở San Francisco năm 2017 (Ảnh: Talia Herman/The Guardian)
Nhưng nếu nông nghiệp tế bào được xúc tiến trên chính hệ thống mà nó đang thay thế, thì các nhà phê bình đã đúng: nó cần phát triển theo cách không làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thực tế tính trên người lao động, người tiêu dùng và môi trường. Có những dấu hỏi lớn về việc liệu sản xuất có thể mở rộng quy mô một cách an toàn và hợp lý hay không, và một số hoạt động nông nghiệp tế bào cần được loại bỏ. Ví dụ như công nghệ sản xuất của nhiều công ty đang sử dụng, bao gồm công nghệ mà Eat Just sử dụng để làm thịt viên tại Singapore, sử dụng huyết thanh bào thai của bò làm môi trường phát triển tế bào, chúng được lấy từ máu của bào thai trong quá trình giết mổ.
Tuy nhiên, mở rộng quy mô lại là một dấu hỏi khác về chính trị, xã hội và cả thuần túy về mặt kỹ thuật. Một số nghiên cứu về nông nghiệp tế bào đã được các trường đại học dân lập triển khai, với sự hỗ trợ của các tổ chức NGO như GFI và New Harvest, dù vậy đa số dự án nghiên cứu và phát triển đều do tư nhân thực hiện. Việc nghiên cứu và thương mại hóa cần một nguồn vốn đáng kể. Nhưng thực tế là các doanh nghiệp tư nhân nhìn thấy tiềm năng của một công nghệ trong khi hầu hết các chính phủ đều bỏ qua, đó chính là vấn đề về chính trị. Chúng ta cần các tổ chức công có thể xây dựng một nền nông nghiệp tế bào và củng cố nó thông qua đầu tư công, chính sách quản lý và cấp phép. Điều này hoàn toàn hợp lý vì các công ty tư nhân có vốn đầu tư mạo hiểm sẽ tìm cách mở rộng quy mô và giảm mạnh chi phí sản xuất và gần như chắc chắn họ sẽ thực hiện điều đó, nhưng là để tối đa hóa giá trị của nhà đầu tư hơn là vì phúc lợi xã hội.
Những thách thức để đạt được quy mô cần thiết và giá cả nằm trong khả năng chi trả của thị trường là rất lớn. Một phân tích độc lập do Open Philanthropy thực hiện ước tính rằng để có thể bán thương mại, khối lượng “thịt tươi” nuôi cấy cần có giá khoảng 25 USD/kg (~570 nghìn đồng). Các công nghệ nuôi cấy hiện tại đang cho ra mức giá khoảng 37 USD/kg (~840 nghìn đồng). Điều này tạo ra một nghịch lý. Loại thịt nuôi cấy có mức độ phát triển hiện tại phù hợp nhất để thay thế loại thịt chăn nuôi quy mô lớn, được tiêu chuẩn hóa và sẵn có trên thị trường là gà viên. Tuy nhiên, gà viên của Eat Just có giá lên đến 17 USD/phần (~380 nghìn đồng), mức giá này sẽ khiến nó thất bại trên thị trường, và rất có thể đó đã là mức giá được khuyến mãi. Gà viên hiện tại có giá thấp hơn nhiều so với mức 25 USD/kg, với mức giá này, bạn đã có thể mua được thịt bò không nuôi nhốt.
Có lẽ cách tốt nhất để vượt qua những thách thức này là đặt ra những chiến lược tương tự như chính phủ Mỹ từng làm để công nghiệp hóa trang trại ở thế kỷ trước: đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển thông qua các trường đại học công lập, phòng thí nghiệm quốc gia và các khoảng trợ cấp. Giữa cuộc thảo luận về Thỏa thuận Xanh mới (Green New Deal) và tham vọng của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về chính sách chống khủng hoảng khí hậu toàn diện, cơ hội đầu tư công vào các công nghệ có trách nhiệm với môi trường là rất lớn. Nguồn vốn đầu tư đáng kể và liên tục của chính phủ vào nông nghiệp tế bào có thể là bước đầu của việc ban hành các quy định khác. Nói rộng hơn, các chính phủ nên học hỏi từ những nhà kinh tế học như Mariana Mazzucato, ông cho rằng sứ mệnh của đầu tư công vào đổi mới là để phục vụ lợi ích cộng đồng. Singapore và Israel đã có một số loại hình đầu tư chủ động và có những quy định về ngành này.
Tất cả động thái trên có thể giúp giảm đi phần nào những rào cản khi gia nhập thị trường và có thể giúp ban hành các quy định, như cấm sử dụng huyết thanh bào thai bò và thiết lập tiêu chuẩn an toàn trong ngành. Các quy định cũng như giấy phép cũng nên yêu cầu các cơ sở nuôi cấy thịt phải có công đoàn, và nếu có thể, thì nên ưu tiên tuyển dụng công nhân từ ngành chăn nuôi nếu đủ tiêu chuẩn. Quyền sỡ hữu trí tuệ có thể tiếp tục duy trì lòng tin của công chúng.
Hầu hết các tầm nhìn về nông nghiệp tế bào đều chưa chính xác: vô số tập đoàn khổng lồ đang ép buộc một nhóm người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giả thịt. Trớ trêu thay, điều đó lại mô tả hệ thống thực phẩm mà chúng ta đã có. Một thế giới mà thịt viên được nuôi trong các trang trại-nhà máy thay thế bằng thịt viên nuôi trong lò phản ứng sinh học sẽ là một chiến thắng đối với động vật và môi trường. Nếu được gắn với chính sách nông nghiệp và công nghiệp tiến bộ, thì đó cũng có thể là thắng lợi đối với người lao động, đầu tư công, vấn đề sử dụng đất và sự lên ngôi của nông nghiệp bền vững.
Không, đây không phải là một phát súng chí mạng, một viên đạn bạc có thể chữa trị mọi căn bệnh trong hệ thống sản xuất thực phẩm; không có loại thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Nhưng nó sẽ là phát súng mở đầu. Gà viên có thể là sự hiện diện của mọi vấn đề trong hệ thống thức phẩm hiện tại của chúng ta, nhưng gà viên làm từ thịt nuôi cấy nhân tạo sẽ có thể giúp xây dựng một tương lai bền vững hơn.
Nguồn: The Guardian
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top