Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Samsung sớm sản xuất chip ở Việt Nam

TienCM

Pearl
Tại lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung sáng 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn thực hiện việc sản xuất chip ở Việt Nam từ 2023.
Thủ tướng mong muốn Samsung "khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đặt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Thái Nguyên".
"Đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện tử của tập đoàn tại Việt Nam. Việc này đã được đề nghị nhiều lần. Mong Samsung sau khi có trung tâm R&D sẽ sớm tiến hành sản xuất chip tại Việt Nam", ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Samsung sớm sản xuất chip ở Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung sáng 23/12. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 20 tỷ USD. Hoạt động hiệu quả của tập đoàn thời gian qua đóng góp quan trọng cho Việt Nam về doanh thu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, đóng thuế cho ngân sách.
"Trung tâm nghiên cứu và phát triển này sẽ trở thành trung tâm hàng đầu tại Đông Nam Á và trên thế giới, trở thành cứ điểm quan trọng nhất của Samsung trên thế giới", Thủ tướng nhắn gửi đến lãnh đạo tập đoàn Samsung. Ông cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu cần mang lại giá trị tích cực cho cả hai bên, bằng cách thúc đẩy các dự án công nghệ phù hợp với nhu cầu của Samsung và điều kiện, khả năng của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Samsung sớm sản xuất chip ở Việt Nam
Trung tâm R&D của Samsung vừa khai trương ở Hà Nội.
Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511 m2.
Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam sẽ có khoảng 3.000 nhân sự, trong đó khoảng 2.000 người Việt Nam. Trung tâm tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, Big Data, các sản phẩm di động như smartphone và tablet. Samsung Research coi mạng 6G, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghệ camera, phần mềm, chăm sóc sức khỏe và công nghệ truyền hình là các xu hướng công nghệ năm 2022, vì vậy có thể hoạt động của các trung tâm R&D cũng sẽ đi theo các hướng này.
Trước đó, từ tháng 8, trên website của hãng, Samsung cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để thử nghiệm sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ giữa năm sau. Theo Nikkei Asia, chất bán dẫn sẽ đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ ba của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty đang sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.
Trước Samsung, Việt Nam có Intel Products Vietnam (IPV) là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Intel. Trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, IPV không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn có một số đóng góp sáng tạo giúp hãng bù đắp thiếu hụt về chất bán dẫn. Một trong những sáng kiến quan trọng là cải tiến quy trình xử lý chất nền tại nhà máy.
Theo VnExpress/Baochinhphu.vn
>> Vì sao các hãng công nghệ quốc tế đang đổ hàng tỷ USD vào ngành chip ở Việt Nam?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top