Thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Đoàn Thúy Hà
Đoàn Thúy Hà
Phản hồi: 0

Đoàn Thúy Hà

Editor
Thành viên BQT
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), tác động của biến đổi khí hậu thậm chí còn diễn biến nhanh hơn so với dự kiến, chính vì vậy cần phải có những đánh giá hiện trạng, dự báo chính xác để từ đó có những giải pháp phù hợp cho ứng phó với biến đổi khí hậu thích hợp, tránh được những tác động tiêu cực giảm những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. BĐKH là vấn đề có tính toàn cấu, Việt Nam đã cam kết với thế giới cùng nỗ lực giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, tận dụng cơ hội này để chúng ta cùng phối hợp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH, biến thách thức thành cơ hội do BĐKH gây ra.
2. Thực trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
a) Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới ngành lĩnh vực
Biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn biến phức tạp, thực tiễn diễn ra trong những năm vừa qua cho thấy biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với dự kiến, nhìn lại đối chiếu với những nhận định trước đây, thời điểm trước năm 2010, khởi đầu của nhiều nghiên cứu về thiệt hạ của biến đổi khí hậu trên thế giới, nước ta vẫn là quốc gia chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong một nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển của Ngân hàng thế giới đưa ra những nhận định dự báo từ năm 2007 cho thấy Việt Nam là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, căn cứ vào kịch bản nước biển dâng một trong những yếu tố cơ bản của biến đổi khí hậu, thể hiện rõ nhất thông qua biểu đồ hình 1 dưới đây của tác giả Đỗ Nam Thắng dựa trên nghiên cứu của Dasgupta et al 2007 cho thấy so sánh với 10 nước đang phát triển chịu tác động của biến đổi khí hậu thì Việt Nam là quốc gia chịu thiệt hại tính trên GDP cao nhất.
Hình 1. Dự báo tác động của dâng mực nước biển 1 m đến GDP (tỷ lệ thiệt hại GDP)
Thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Nguồn: Đỗ Nam Thắng trích từ nghiên cứu của Dasgupta et al. 2007.ư
Theo kịch bản phân tích đối với BĐKH. Kết quả tính toán dự báo thể hiện thông qua bảng 1 dưới đây cho thấy nếu mực nước biển dâng caothêm 1m sẽ có 10,8 triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng, có khoảng 10,21% GDP, 7,14% diện tích đất nông nghiệp, 28,67% diện tích đất ngập nước và 10,74% diện tích đô thị sẽ bị ảnh hưởng.
Thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm, chẳng hạn năm 2017 là năm có số lượng các cơn bão ảnh hưởng tới nước ta nhiều bất thường (16 cơn bão), theo tính toán của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và tổng cục thống kê thiệt hại khoảng 38,7 nghìn tỷ đồng tương đương 2,7 tỷ USD.
Ảnh hưởng của BĐKH đến hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với ngành nông nghiệp. Ở Việt Nam với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, trong sản xuất nông nghiệp, lúa là loại cây trồng chủ lực, ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất lúa hàng năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, theo tính toán của tổng cục thống kê năm 2018 trung bình cho giai đoạn 2011-2016 khoảng 66,1% . Riêng năm 2016 hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 527,7 nghàn ha lúa bị thiệt hại, trong đó khoảng 44% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Đối với các loại cây trồng khác như hoa màu, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của BĐKH. Ảnh hưởng của BĐKH còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thủy sản…, như vậy đối với sản xuất nông nghiệp cần phải có một cách nhìn nhận mới và toàn diện hơn đặt trong bối cảnh hoàn động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của BĐKH.
Biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng tới hoạt động giao thông vận tải, theo nghiên cứu của kịch bản BĐKH nếu mực nước biển dâng cao 1m có khoảng 9% hệ thống đường quốc lộ, 12% hệ thống đường tỉnh lộ, 4% hệ thống đường sắt sẽ bị ảnh hưởng, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu long chiếm 28% đường quốc lộ và 27% đường tỉnh lộ của cả nước, tiếp đến là các tỉnh ven biển miền Trung và đống bằng sông Hồng.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển đô thị, các khu công nghiệp và nhà ở, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào từng vùng, từng địa phương và từng vị trí theo địa hình phân bố. Nghiên cứu tổng thể cho thấy khu vực ven biển chịu tác động chính của bão, vùng miền núi chịu tác động của lũ quét, lốc xoáy, sạt lở, vùng trung du và đồng bằng chủ yếu là ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng…và nhiều hoạt động kinh tế khác trực tiếp hay gián tiếp. Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của BĐKH.
Đối với công nghiệp, ảnh hưởng của BĐKH khí hậu sẽ tác động đến ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến những sản phẩm nông nghiệp. Trong trường hợp nhiệt độ tăng sẽ làm tăng tiêu thụ năng lượng kéo theo nhiều hoạt động khác tăng theo như tăng công suất nhà máy phát điện, tăng sử dụng các thiết bị làm mát, ảnh hướng tới an ninh năng lượng quốc gia. Những nghiên cứu theo kịch bản nước biển dâng cho thấy, nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ làm cho hầu hết các khu công nghiệp ven biển bị ngập,mức thấp nhất trên 10% diện tích, mức cao nhất khoảng 67% diện tích.
Đối với bình đẳng giới, những nghiên cứu gần đây cho thấy BĐKH ảnh hưởng tới công việc của phụ nữ, nữ giới là nhóm dễ bị tổn thương do BĐKH, ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế hộ gia đình và vấn đề di cư. Thực trạng này đã và đang thể hiện ngày càng rõ ở những vùng chịu nhiều tác động của BĐKH như vùng ĐBSCL và khu vực ven biển, khu vực nông thôn.
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH, chúng ta cũng phải nhìn nhận toàn diện hơn đối với những ảnh hưởng có tính tích cực, chẳng hạn trong sản xuất nông nghiệp đối với lượng mưa, bên cạnh những tác động tiêu cực, cũng sẽ có những vùng có tác động tích cực. Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ do BĐKH cần phải được phân tích kỹ lưỡng để thầy được những mặt tích cực và tiêu cực lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí cơ bản để đánh giá.
b) Biến đổi khí hậu ảnh hưởng theo lãnh thổ.
Do đặc điểm địa lý, mỗi khu vực có vị trí Địa lý và địa hình khác nhau, mức độ chịu ảnh hưởng của BĐKH đối với mỗi vùng cũng khác nhau, dựa trên tiêu chí cơ bản về nước biển dâng, đặc trưng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể chia thành ba địa bàn lãnh thổ gồm đồng bằng, ven biển và miền núi.
Đối với vùng đồng bằng, nước ta có hai vùng đồng bằng lớn đó là Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đối với ĐBSCL là vùng chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, theo tính toán kịch bản BĐKH, đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển tăng thêm 1m sẽ có khoảng 40% diện tích đất bị ngập vĩnh viến, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất, thêm vào đó BĐKH diễn ra ở ĐBSCL kéo theo hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở và nhiều hệ lụy đi kèm như đã từng diễn ra những năm gần đây.
  • Đối với ĐBSH, với kịch bản nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21, ĐBSH sẽ có 240.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, dự báo năng suất lúa giảm 8%-15% vào năm 2030 và lên tới 30% vào năm 2050. Nếu tính tỷ lệ diện tích đất bị ngập nước khi nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21 có khoảng 3% diện tích bị ngập, trong đó 1,4% diện tích trồng lúa, 0,6% khu dân cư bị ảnh hưởng. Những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Thái Bình, diện tích đất bị mất khoảng 31,2%, Nam Định 24% và thành phố Hải phòng 17,4%. So với ĐBSCL, ĐBSH ngập lụt ít hơn và ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn thấp hơn, tuy nhiên tính chất cực đoan và tính dị thường của BĐKH và rủi ro cao hơn, nhất là gió bão sẽ tác động mạnh hơn so với ĐBSCL.
  • Đối với vùng ven biển, nhất là khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, ảnh hưởng của BĐKH lớn nhất là bão, áp thấp nhiệt đới. Đối với khu vực ven biển miền Trung hank hán, lũ lụt, sạt lở đất, thoái hóa đất diễn ra mạnh mẽ hơn. Những vùng ven biểu còn chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Theo tính toán nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, một số khu vực trũng đồng bằng ven biển miền trung sẽ bị ngập như ở Thanh Hóa.
  • Đối với khu vực miền núi, đặc điểm khu vực miền núi của nước ta phân bố nhiều dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp, do vậy ảnh hưởng của BĐKH diễn ra khả năng chống đỡ hạn chế. Ảnh hưởng chính của BĐKH khu vực này là tính dị thường của BĐKH, trong nền chung nhiệt độ tăng sẽ càng trầm trọng hơn thiếu nước về mùa khô, nhất là Tây Nguyên và Tây Bắc, suy giảm đa dạng sinh học, sự thay đổi hệ sinh thái. Nhiệt độ giảm sâu tác động tới chăn nuôi gia súc, gia cầm nhất là đối với trâu bò, thực tiễn những năm vừa qua cho thấy, khi nhiệt độ giảm sâu một lượng lớn trâu bò ở miền núi phía Bắc chết nhiều. Ảnh hưởng của BĐKH gây ra lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá là những hiện tượng khá phổ biến. Khu vực miền núi Bắc Trung Bộ với nền nhiệt tăng, cùng với khô hạn dễ dẫn đến cháy rừng, suy giảm đa dạng sinh học tác động tới đời sống nhân dân.
Ảnh hưởng BĐKH tùy thuộc vào mỗi địa bàn lãnh thổ như đã nêu không giống nhau, do vậy phải có những giải pháp phù hợp theo vùng, nhất là trong bối cảnh mới tình hình diễn biến phức tạp, tính rủi ro của BĐKH ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó cũng có những vùng, do ảnh hưởng của BĐKH bên cạnh những tác động tiêu cực cũng có những tác động tích cực, chẳng hạn nhiệt độ tăng, giờ nắng nhiều là cơ hội cho phát triển năng lượng mặt trời, có những vùng bị tác động tiêu cực, nhưng cũng có nơi tác động tích cực. Như vậy đòi hỏi phải có một nhìn nhận có tính toàn diện ảnh hưởng của BĐKH theo vùng, phân bố theo không gian lãnh thổ.
3. Những giải pháp cần có đối với ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu.
Nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và tận dụng những mặt tích cực của BĐKH dựa trên cơ sở đánh giá khách quan và những dự báo có tính dài hạn để từ đó có những giải pháp phù hợp.
Thứ nhất, tăng cường phổ biến, truyền thông, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của BĐKH cho mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành nhất là những diễn biến trong bối cảnh mới. Sau đại dịch Covid-19, cần có cách thức mới để người dân thấy được BĐKH cũng là nguyên nhân tác động tới sức khỏe và ảnh hưởng tới hệ sinh thái, con người gắn bó với hệ sinh thái và phải chống chịu, thích ứng.
Thứ hai, BĐKH đã được khẳng định là một nhân tố ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, do vậy về quan điểm chúng ta chấp nhận những ảnh hưởng này để có những giải pháp phù hợp, trong đó có những ảnh hưởng tiêu cực nhưng đồng thời cũng có những ảnh hưởng có tính tích cực, biến những thách thức của BĐKH thành những cơ hội để chủ động giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn thế của thiên nhiên được đặt lên hàng đầu.
Thứ ba, xét trong bối cảnh mới, một trong những điểm nghẽn để giải quyết những vấn đề liên quan đến thể chế đó là “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Giải pháp phù hợp trong ứng phó với BĐKH cần dựa vào tiếp cận thị trường (MBA), trước hết là vai trò của doanh nghiệp và người dân nhằm tạo ra cơ chế tạo nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính. Hiện tại quỹ ứng phó với BĐKH đã và đang vận hành ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như một số nước ở chấu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nếu doanh nghiệp và người dân tiếp cận quỹ này sẽ có được nguồn lực tài chính không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Thị trường Cac Bon là một cơ chế tài chính tốt trên thị trường, Việt Nam nên sớm hình thành và tham gia vào thị trường này.
Thứ tư, cần phải căn cứ vào kịch bản đưa ra do BĐKH, nhất là kịch bản nước biển dâng thêm 1m từ nay đến cuối thế kỷ 21 để có những tính toán đầy đủ và phương án qui hoạch phù hợp đối với hoạt động sản xuất các ngành, lĩnh vực, phân bố dân cư và chuyển đổi phát triển kinh tế theo cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ phù hợp.
Thứ năm, trong qui hoạch và xây dựng chính sách cần phải lồng ghép yếu tố BĐKH để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp với những ảnh hưởng của BĐKH đối với từng ngành, lĩnh vực và từng vùng phù hợp với thực tiễn đang và sẽ diễn ra.
Thứ sáu, cần có những giải pháp cho từng ngành, lĩnh vực và từng vùng đối với ảnh hưởng của BĐKH xét trong bối cảnh mới. Trước hết chú trọng tới ngành nông nghiệp trong việc cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi do những ảnh hưởng của BĐKH không chỉ chống chịu mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với từng vùng, ưu tiên hàng đầu là vùng ĐBSCL, triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Chính phủ để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH. Những vùng khác phụ thuộc vào đặc trưng của mỗi vùng để có những giải pháp phù hợp, đối với vùng ven biển, ưu tiên hàng đầu là ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, đối với vùng miền núi là lũ lụt, lũ quét, hạn hán, lốc xoáy và thoái hóa đất.
Thứ bảy, tăng cường khả năng chống chịu trước ảnh hưởng của BĐKH, phát triển các mô hình kinh tế dựa vào hệ sinh thái (EbA), dựa vào cộng đồng (CbA) và dựa vào tự nhiên (NbS), cho mỗi địa phương, lấy kiến thức bản địa kết hợp với khoa học công nghệ mới đầu tư phát triển, đặt sinh kế và sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Từ những kết quả đạt được, nhân rộng mô hình cho từng địa phương, cho từng vùng.
Thứ tám, biến đổi khí hậu là vấn đề có tính toàn cầu, chỉ một mình Việt Nam sẽ không giải quyết được, chính vì vậy cần có sự phối hợp với các tổ chức, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hơn nữa chúng ta đã cam kết cùng nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chính vì vậy cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, nắm bắt cơ hội để có những chuyển giao về khoa học công nghệ thế hệ mới, đầu tư tài chính và kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với BĐKH.
4. Kết luận.
Ảnh hưởng của BĐKH đối với Việt Nam những năm vừa qua nhanh hơn so với dự kiến. So với kịch bản biến đổi khí hậu, nhất là dự kiến mực nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21 khi mà đến 40% diện tích ĐBSCL bị ngập, cùng với đó là một số khu vực đồng bằng ven biển và ĐBSH. Những ảnh hưởng của BĐKH đối với các ngành, lĩnh vực, nhất là sản xuất nông nghiệp đang báo hiệu một thách thức lớn cho Việt Nam. Trước thực trạng của ảnh hưởng BĐKH xét trong bối cảnh mới cần có những giải pháp phù hợp từ thể chế đến các ngành, lĩnh vực, từng địa phương và từng vùng. Dự báo những ảnh hưởng của BĐKH, nhất là xây dựng kịch bản cho những năm tới đến cuối thế kỷ 21 có ý nghĩa hết sức quan trọng, để đảm bảo tính hiệu quả, chính xác cần mở rộng quan hệ quốc tế và tận dụng nguồn lực bên ngoài, nhất là KHCN thế hệ mới, con người và tài chính./.

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh.
Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường.
Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top