Thương vụ Nvidia mua ARM đã đổ bể

Thương vụ Nvidia mua ARM không thể tiến hành do sự phản đối từ Qualcomm và Microsoft, cũng như sự giám sát kỹ lưỡng của chính quyền các nước EU, Anh, Mỹ.
Theo Nikkei, thương vụ SoftBank bán mảng kinh doanh chip Arm cho Nvidia với giá trị lên tới 66 tỷ USD cuối cùng đã đổ bể. Nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà quản lý Mỹ, Anh và EU lo ngại vụ mua bán này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành bán dẫn toàn cầu.
Thương vụ Nvidia mua ARM đã đổ bể
Vụ mua bán lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chip dự kiến sẽ giúp Nvidia kiểm soát một công ty sản xuất công nghệ lõi cho hầu hết các thiết bị di động trên toàn thế giới. Một số công ty thuộc nhóm Big Tech dựa vào thiết kế chip của ARM, bao gồm cả Qualcomm và Microsoft, đã phản đối việc mua lại. SoftBank sẽ nhận được khoản phí 1,25 tỷ USD tiền bồi thường.
Một nguồn tin cho biết việc thương vụ thất bại có thể dẫn đến những thay đổi trong nhân sự quản lý tại Arm. Đầu tiên là việc thay thế giám đốc điều hành Simon Segars bởi Rene Haas, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ của công ty.
Thỏa thuận ‘sụp đổ’ cũng khiến SoftBank mất một số tiền lớn mà lẽ ra họ có thể kiếm được nhờ vào sự bùng nổ giá cổ phiếu của Nvidia. Giao dịch tiền mặt và cổ phiếu trị giá lên tới 38,5 tỷ USD khi thương vụ này được công bố vào năm 2020. Nhưng giá trị đã tăng vọt khi cổ phiếu của Nvidia cất cánh, đạt mức cao nhất là 87 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái.
Tại Anh, nơi các chính trị gia coi ARM là tài sản chiến lược của quốc gia, thì sự quan tâm dành cho việc sau khi thương vụ được thực hiện thì liệu công ty có IPO tại nước này hay không. Thậm chí, các nhà quản lý còn xem xét cả khía cạnh an ninh quốc gia nếu thương vụ này diễn ra.
Tuy nhiên, những nguồn tin quen thuộc với SoftBank cho biết tập đoàn này thích ý tưởng niêm yết Arm ở New York và sẽ tìm cách chống lại áp lực từ các nhà quản ký Anh. Thị trường Mỹ thường định giá cao hơn cho các cổ phiếu công nghệ nên các công ty thường lựa chọn IPO tại quốc gia này.
Thương vụ Nvidia mua ARM đã đổ bể
Nvidia đã quyết định từ bỏ việc theo đuổi ARM tại cuộc họp hội đồng quản trị trước đó vào thứ Hai. Việc theo đuổi ARM đã đánh dấu một nỗ lực để nâng cao khả năng cạnh tranh trước các đối thủ như Intel và AMD.
Jensen Huang, giám đốc điều hành của Nvidia, hy vọng sử dụng các thiết kế bộ xử lý của Arm để củng cố vai trò ngày càng tăng của công ty ông trong các trung tâm dữ liệu, nơi bộ xử lý đồ họa của họ đã trở thành công cụ quan trọng cho các máy học.
Tuy nhiên, một số công ty Big Tech sử dụng thiết kế của ARM cho chip của riêng họ lập luận rằng Nvidia sẽ có được lợi thế không công bằng khi có quyền đầu tiên đối với công nghệ của Arm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường.
Nvidia đã đề nghị với các cơ quan quản lý cạnh tranh rằng họ sẽ duy trì doanh số bán hàng cho các khách hàng khác của ARM sau khi thương vụ hoàn tất. Tuy nhiên, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường của Vương quốc Anh cho biết, họ không tin rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ có hiệu quả và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã mở một cuộc điều tra sâu về vấn đề này trong năm ngoái.
Theo Nikkei
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top