Tiền và quyền là lý do chính khiến Apple vẫn dùng cổng Lightning trên iPhone 13

Dù đã trang bị cổng USB-C cho những chiếc iPad Pro 2018 nhưng Apple vẫn dùng cổng Lightning trên iPhone 13 và không hề có ý định thay đổi. Tuy nhiên, trước áp lực từ dự thảo của liên minh châu Âu (EU) về việc buộc tất cả smartphone phải sử dụng chung cổng USB-C để sạc và truyền dữ liệu, có lẽ Táo Khuyết sẽ phải nghĩ lại.
Tiền và quyền là lý do chính khiến Apple vẫn dùng cổng Lightning trên iPhone 13
Vào ngày 23/9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất các quy định mới, thống nhất sử dụng chung một chuẩn kết nối USB-C trên các thiết bị điện tử, từ smartphone, máy tính bảng, máy ảnh, loa di động đến máy chơi game cầm tay.
Họ cho biết điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa rác thải điện tử. Hiện tại, iPhone là dòng điện thoại thông minh phổ biến nhất không sử dụng cổng USB-C. Nếu chính sách mới này có hiệu lực, Apple sẽ là công ty chịu tổn thất nhiều nhất.
Bên cạnh lợi nhuận không hề nhỏ, lý do lớn khiến Apple vẫn đắm đuối cổng sạc Lightning trên iPhone là quyền kiểm soát. Việc sử dụng cổng sạc độc quyền như Lightning mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà Táo.
Apple kiếm được số tiền khổng lồ từ việc cấp phép các thông số kỹ thuật của cổng Lightning cho những nhà sản xuất phụ kiện. Khi bắt đầu chương trình MFi (sản xuất cáp sạc riêng cho iPod, iPhone, iPad…), Táo khuyết thu về doanh số "đáng gờm" thời điểm đó với cổng sạc Lightning 30 chân dùng trên iPhone 4, iPod… Mô hình kinh doanh "béo bở" này tiếp tục được Apple phát triển khi họ chuyển sang sử dụng loại Lightning ít chân hơn cho iPhone và iPad từ năm 2012. Sau 9 năm trôi qua và MFi vẫn là một cỗ máy in tiền khá lớn.
Tiền và quyền là lý do chính khiến Apple vẫn dùng cổng Lightning trên iPhone 13
Những phụ kiện ngoài đều phải đạt được tiêu chuẩn MFi của Apple thì mới tương thích trên các thiết bị của công ty. Do vậy, nếu iPhone sử dụng cổng sạc USB-C, Apple sẽ không thể quản lý được chất lượng của những phụ kiện này.
Việc chuyển sang cổng sạc USB-C trên iPhone đồng nghĩa với Apple sẽ phải từ bỏ một phần quyền kiểm soát của mình với các công ty sản xuất phụ kiện đến từ bên thứ 3, đồng thời mất đi một nguồn thu đáng kể từ việc cấp phép MFi. Do đó, Apple kiên quyết phản đối chính sách mới của Ủy ban châu Âu.
Ngoài ra, Apple cho biết việc thay thế cổng sạc trên iPhone sẽ rất lãng phí vì người dùng phải mua sạc và adapter (đầu chuyển) hoàn toàn mới. Táo khuyết cũng khẳng định điều này có khả năng gây ra lượng rác thải điện tử lớn hơn.
Về mặt lý thuyết, quy định mới của Ủy ban châu Âu sẽ buộc Apple phải sử dụng cổng USB-C trên iPhone. Tuy nhiên, Táo khuyết hoàn toàn có thể “lách luật” bằng việc sản xuất ra những chiếc iPhone hoàn toàn không có cổng sạc.
Thay vì đưa cổng USB-C lên iPhone, công ty có thể loại bỏ hoàn toàn các cổng để hướng khách hàng sang sử dụng các phương pháp sạc độc quyền như MagSafe (sạc không dây).
Trên thực tế, một chiếc iPhone phải dùng sạc không dây MagSafe (hoặc một tiêu chuẩn sạc không dây khác) là một đề xuất khó hiểu. Điều này sẽ buộc hàng triệu người dùng phải chuyển sang bộ sạc mới, tạo ra thêm hàng tấn chất thải điện tử.
Ngoài ra, việc thay thế cổng sạc Lightning bằng MagSafe cũng khiến khả năng truyền dữ liệu trở nên chậm hơn. Đồng thời, các thiết bị sạc không dây hiện nay đều khá cồng kềnh và có thể gây bất tiện cho những người dùng thường xuyên phải di chuyển.
Theo The Verge
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top