Tin vui, Mỹ coi Việt Nam là quốc gia hàng đầu để viện trợ phát triển bán dẫn

TienCM

Pearl
Theo hãng tin Nikkei, Mỹ chuẩn bị bơm vốn vào lĩnh vực chip của Việt Nam để củng cố chuỗi cung ứng. Giúp người cũng là giúp mình. Động thái giúp Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn còn nhằm giúp Mỹ giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tin vui, Mỹ coi Việt Nam là quốc gia hàng đầu để viện trợ phát triển bán dẫn
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez gặp gỡ và làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ đang nhắm mục tiêu vào bảy quốc gia trong Đạo luật Khoa học và CHIPS, trong đó có khoản đầu tư 500 triệu USD dùng để cải thiện đào tạo chất bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh.
Jose Fernandez nói với hãng tin Nikkei Asia rằng Việt Nam nên hành động trước khi quá muộn để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng như năng lượng sạch và khoáng sản, những ngành có thể sử dụng cho xe điện và pin.
Mỹ sẽ phân bổ khoản viện trợ nước ngoài theo Đạo luật CHIPS dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến vào tháng Hai. OECD sẽ nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp các nước như Việt Nam cần gì để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
“Chúng tôi đã xem qua danh sách các quốc gia mà chúng tôi cảm thấy có tiềm năng hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chúng tôi và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến”, Jose Fernandez nói với hãng tin Nikkei Asia.
Việt Nam là nước xuất khẩu hàng điện tử, quần áo và thực phẩm và là nút thắt quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho thấy Việt Nam đứng thứ hai trên toàn cầu về trữ lượng kim loại đất hiếm, chỉ sau Trung Quốc, mặc dù chưa rõ có thể khai thác được bao nhiêu.
Mỹ đặt mục tiêu xây dựng lại sự hiện diện của mình tại thị trường đất hiếm đang bị thống trị bởi hoạt động sản xuất giá rẻ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Chất hiếm hiện là một điểm yếu chiến lược của Mỹ tron cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. Mỹ không sản xuất đất hiếm kể từ năm 2017. Mới đây, Mỹ đang khôi phục lại các mỏ khai thác đất hiếm của mình, đã ký thỏa thuận phối hợp hỗ trợ tài chính và ngoại giao về khoáng sản với 13 quốc gia và đề nghị giúp Việt Nam khảo sát trữ lượng đất hiếm của mình.
“Có một cơn đói lớn trên thế giới đối với các khoáng sản quan trọng. Lợi thế cạnh tranh của Mỹ và các đối tác là khai thác mỏ mang lại lợi ích cho cộng đồng, không làm suy thoái môi trường và mang lại thêm công nghệ và đầu tư”, Jose Fernandez nói.
Khi được hỏi về việc đầu tư của Mỹ rời khỏi Trung Quốc, ông nói: "Đây là một cơ hội. Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất lớn hơn nữa".
Ông nói thêm rằng lực lượng lao động trẻ của Việt Nam là một tài sản và ông đã nói với các sinh viên trong chuyến thăm của mình rằng: “Hãy tận dụng lợi thế này vì nó có thể không tồn tại mãi mãi”.
Sau khi rời Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez sẽ đến Philippines vào thứ Hai (29/1), sau đó là Hàn Quốc.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top