Trung Quốc đã bơm cho BYD ít nhất 3,7 tỷ USD để thắng cuộc đua xe điện

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Theo một nghiên cứu mới của Đức, Trung Quốc đã trợ cấp rất nhiều tiền cho các lĩnh vực công nghệ xanh, trong đó hãng xe điện BYD được xem là công ty ưu tiên, nhận được khoản trợ cấp “ít nhất” là 3,7 tỷ USD.

Theo nghiên cứu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức được hãng Bloomberg đưa tin, BYD đã nhận được số tiền trợ cấp khổng lồ này dưới dạng trợ cấp trực tiếp của chính phủ. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm dẫn đầu thế giới về xe điện và các công nghệ sạch khác.
1718868451259.png

Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức báo cáo BYD đã nhận được 220 triệu euro trợ cấp chính phủ vào năm 2020 và tăng lên 2,1 tỷ euro chỉ hai năm sau đó. Về cơ cấu doanh thu, nguồn trợ cấp trực tiếp đã tăng từ 1,1% vào năm 2020 lên 3,5% vào năm 2022. Ngoài ra, các tác giả nghiên cứu cho biết BYD nhận được phí hỗ trợ mua ô tô điện ở Trung Quốc cao hơn đáng kể so với các nhà sản xuất trong nước khác như GAC hoặc các công ty nước ngoài sản xuất tại nước này, chẳng hạn như các liên doanh của Tesla hay VW.

Tất nhiên, châu Âu không hài lòng với những gì đang diễn ra, đặc biệt khi các công ty xe điện và công nghệ xanh của Trung Quốc nổi lên như những đối thủ cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu. Từ tháng 10 năm 2023, EU đã mở cuộc điều tra chính thức về ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, khi các công ty châu Âu đang phải vật lộn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu.

Ủy ban Châu Âu (EC) đã đến thăm BYD, Geely và SAIC để thu thập thông tin tình báo, như một phần trong cuộc điều tra về những gì họ cho là các chiến dịch trợ cấp và cho vay ngân hàng từ Bắc Kinh đã thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc ở Trung Quốc. Châu Âu lo ngại rằng Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy xe điện vượt xa mức cần thiết với nhu cầu trong nước. Sau nhiều tháng điều tra, EC mới đây đã công bố tăng thuế tới 38,1% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào khu vực này.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Trung Quốc đã trợ cấp trực tiếp cho hầu như tất cả các công ty trong các lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng mặt trời và đường sắt. Tổng số tiền viện trợ của chính phủ Trung Quốc cho các doanh nghiệp của nước này cao gấp 9 lần so với số tiền mà các nước EU và Mỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Mỹ và Châu Âu đang thắt chặt các quy định đối với ô tô và phụ tùng xe điện Trung Quốc được bán ở nước họ, với mức thuế ở Mỹ cao đến mức Trung Quốc phải chuyển trọng tâm sang các khu vực khác, cụ thể là Nam Mỹ, Châu Á và Châu Âu. Ngoài ra, Liên minh châu Âu đã thành lập quỹ đổi mới trị giá 40 tỷ euro để cạnh tranh với Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố cuộc điều tra trợ cấp của EU là một động thái bảo hộ của châu Âu, nói rằng các nhà sản xuất ô tô của họ đang thắng vì họ tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Tất nhiên, ngay cả tác giả của nghiên cứu cũng nói rằng việc áp dụng nhanh chóng công nghệ xanh ở châu Âu nói riêng phần lớn là do hàng hóa giá rẻ đến từ Trung Quốc.

Dirk Dohse, giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chính sách trợ cấp của Trung Quốc là một vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm. Các ngành công nghiệp châu Âu thường gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối tác Trung Quốc về giá cả. Tuy nhiên, nếu không có công nghệ trợ cấp của Trung Quốc, các sản phẩm quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh của Đức cũng sẽ trở nên đắt hơn và khan hiếm hơn”.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top