Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các nền tảng internet lợi dụng người dùng tuổi teen

Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc mới đây đã công bố một bản dự thảo luật mới, mà nếu được thông qua sẽ khiến các công ty công nghệ lớn, như Tencent Holdings và ByteDance, gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiếm lời từ các dịch vụ video game, live stream, và mạng xã hội nhắm đến hơn 180 triệu người dùng internet dưới 18 tuổi của nước này.
Dự thảo luật mới, công bố vào hôm thứ hai bởi Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), là nỗ lực mới nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới nhằm bảo vệ giới trẻ khỏi sự ảnh hưởng của các dịch vụ internet. Trước đó, Trung Quốc đã cấm hoạt động phụ đạo thu phí ngoài giờ học để giảm tải cho sinh viên, đồng thời hạn chế thời gian chơi game xuống còn 3 tiếng/tuần đối với các game thủ tuổi teen vào các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật.
Bản dự thảo, vốn đang trong giai đoạn tiếp thu phản hồi từ công chúng cho đến ngày 13/4, tiến thêm một bước nữa và nhắm đến tất cả các dịch vụ trực tuyến, bao gồm game, live stream, âm nhạc và video, cũng như mạng xã hội. Theo dự thảo, mọi nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến phải thiết lập một “chế độ người dùng trẻ tuổi” trong sản phẩm của họ, với những giới hạn rõ ràng về thời gian sử dụng, nội dung, cũng như chức năng liên quan.
Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các nền tảng internet lợi dụng người dùng tuổi teen
Một teen Trung Quốc cosplay tại Triển lãm Game và Hoạt hình Quốc tế Thượng Hải 2021
Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ internet phải giới hạn thời gian trực tuyến của nhóm khách hàng trẻ, đồng thời đưa ra hạn mức đối với các giao dịch thanh toán và chi tiêu tích lũy trong ngày.
Theo tờ SCMP, những thay đổi nói trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều báo cáo cho biết người dùng tuổi teen tại Trung Quốc đang chi tiêu quá đà cho các dịch vụ internet, từ việc mua vật phẩm ảo trong các tài khoản game trực tuyến, cho đến tặng tiền tip cho các ngôi sao live stream. Một lượng lớn các đại biểu quốc hội trong cuộc họp chính phủ kéo dài hai phiên vào tuần trước đã lên tiếng ủng hộ nhà nước hạn chế hơn nữa thời gian chơi game đối với nhóm người dùng này.
Theo CAC, mục tiêu của dự thảo luật mới là nhằm “tăng cường trách nhiệm” của các nền tảng internet trong việc “bảo vệ người dùng trẻ tuổi trong các hoạt động trực tuyến”.
Một lý do khác buộc chính phủ Trung Quốc phải cân nhắc thắt chặt quản lý là do cổ phiếu của các công ty video game và live stream nước này đang tuột dốc đáng quan ngại tại Hong Kong mà một phần xuất phát từ sự biến động ngày càng tăng cao của thị trường nói chung.
Tencent, công ty game lớn nhất Trung Quốc, đã mất 10% giá trị vào phiên giao dịch hôm thứ hai tuần này, trong khi NetEase, một gã khổng lồ game khác, mất 8%. Bilibili, một nền tảng live stream, “cắm đầu” đến 19%, còn nhà cung cấp ứng dụng chia sẻ video ngắn Kuaishou Technology giảm 13%.
Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các nền tảng internet lợi dụng người dùng tuổi teen
Nếu dự thảo luật được thông qua (khả năng rất cao), thì các nền tảng internet sẽ phải chú ý đến sức khỏe thể chất lẫn tâm thần của nhóm khách hàng trẻ tuổi khi thiết kế, phát triển, và vận hành các nền tảng của họ. Các công ty cũng cần cung cấp một hệ thống hỗ trợ cho các nạn nhân trẻ tuổi bị lạm dụng trên internet, và phải đưa ra một bản báo cáo trách nhiệm xã hội liên quan mỗi năm.
Có thể thấy, những yêu cầu trong dự thảo luật mới sẽ khiến chi phí xây dựng và phát triển sản phẩm của các công ty công nghệ Trung Quốc tăng cao, nhưng nhiều công ty lớn như Tencent và ByteDance trên thực tế cũng đã đi trước một bước và tung ra những “chế độ người dùng trẻ tuổi” của riêng họ.
Không chỉ các công ty phần mềm, mà các công ty phần cứng, bao gồm các nhà sản xuất smartphone và máy tính, cũng là mục tiêu của dự thảo - họ sẽ cần phải cài đặt phần mềm bảo vệ người tiêu dùng trẻ trước khi ra mắt sản phẩm trên thị trường, hoặc ít nhất cũng phải cung cấp những chỉ dẫn cài đặt rõ ràng và dễ hiểu cho nhóm người dùng này.
Cuối cùng, dự thảo còn nhấn mạnh trách nhiệm và nghĩa vụ của các nền tảng trong việc xây dựng và cải thiện các hệ thống “chống nghiện” đối với nội dung trực tuyến, hệ thống hạn chế hoạt động chi tiêu trực tuyến của nhóm người dùng trẻ, và bảo vệ họ trước “những giá trị không lành mạnh”.
Tham khảo: SCMP
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top