Trung Quốc tuyên bố kim loại đất hiếm thuộc sở hữu nhà nước

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Trung Quốc vừa công bố danh sách các quy định về đất hiếm nhằm bảo vệ nguồn cung vì lý do an ninh quốc gia, đặt ra các quy định về khai thác, tinh chế và buôn bán các vật liệu quan trọng dùng để sản xuất sản phẩm từ nam châm trong xe điện đến thiết bị điện tử tiêu dùng.

1719797270511.png

Các quy định do Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành hôm 29/6 nói rằng tài nguyên đất hiếm thuộc về nhà nước và chính phủ sẽ giám sát sự phát triển của ngành xung quanh đất hiếm, một nhóm gồm 17 khoáng sản mà Trung Quốc gần đây trở thành nhà sản xuất thống trị thế giới, chiếm gần 90% sản lượng tinh chế toàn cầu.

Từ ngày 1/10/2024 khi các quy định có hiệu lực, chính phủ Trung Quốc sẽ vận hành cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc đất hiếm để đảm bảo có thể kiểm soát việc khai thác, sử dụng và xuất khẩu các kim loại này. Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 60% kim loại đất hiếm của thế giới và là nguồn cung cấp khoảng 90% đất hiếm tinh chế trên thị trường.

Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm và tinh chế đất hiếm. Vào tháng 1/2024, nước này đã cấm xuất khẩu gali và gecmani, cả hai đều được ngành công nghiệp chip máy tính săn đón.

Những lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát ngành đất hiếm có thể phá vỡ chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng, ô tô và năng lượng tái tạo, đã làm dấy lên một cuộc chạy đua nhằm củng cố nguồn cung từ các nhà cung cấp thay thế. Cả Mỹ và EU đều đã nỗ lực thu mua đất hiếm trong và ngoài nước, bao gồm cả ở Việt Nam, Brazil và Australia.

Một năm trước, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố xây dựng nhà máy tinh chế đất hiếm quy mô lớn đầu tiên bên ngoài châu Á, đặt tại Estonia. Bà cho biết động thái này sẽ "tăng cường khả năng phục hồi và an ninh nguồn cung đất hiếm của châu Âu".

Một phân tích năm 2022 của Nghị viện Châu Âu cảnh báo rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp độc quyền là rủi ro lớn đối với Châu Âu. EU nhập khẩu 93% magie từ Trung Quốc, 98% borat từ Thổ Nhĩ Kỳ và 85% niobi từ Brazil. Nga sản xuất 40% palladium của thế giới.

Những quy định của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng việc hạn chế nguồn cung đất hiếm có thể làm gia tăng căng thẳng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nước cáo buộc Trung Quốc sử dụng biện pháp ép buộc kinh tế để gây ảnh hưởng đến các nước khác. Bắc Kinh phủ nhận yêu sách này.

Các quy định về đất hiếm của Trung Quốc cũng được đưa ra khi EU chuẩn bị áp dụng thuế quan tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc để bảo vệ khối 27 quốc gia khỏi cái mà họ cho là làn sóng xe điện được sản xuất bằng trợ cấp nhà nước không công bằng, mặc dù cả hai bên đều cho biết họ có kế hoạch đàm phán về mức thuế đề xuất.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top