Truy vấn lãnh đạo tỉnh đã bật ra điều gì?

Ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang - nơi tình hình dịch Covid có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Qua những câu truy vấn của người đứng đầu Chính phủ với lãnh đạo hai tỉnh đã bộc lộ những lỗ hổng trong phòng chống dịch và năng lực lãnh đạo của họ.

Lơ mơ và ông nói gà, bà nói vịt​

Có lẽ hàng triệu khán giả truyền hình đã chứng kiến buổi làm việc và kiểm tra của Thủ tướng Phạm Minh Chính - vị “Tổng Tư lệnh” chiến dịch phòng chống Covid, diễn ra ngày 13/9 được kết nối trực tuyến tới 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn thuộc hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang. Vì hai tỉnh này, nhiều xã, phường, thị trấn phải chuyển từ "vùng xanh", sang "cam" rồi thành " vùng đỏ". Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh và một số phường tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang) như: Số ca mắc Covid trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày? Điều này rất quan trọng vì tốc độ xét nghiệm mà chậm hơn tốc độ lây lan thì không ngăn chặn được dịch. Tại những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các Công điện của Thủ tướng hay chưa? Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, kiêm Trưởng ban phòng chống dịch của tỉnh, thừa nhận: Còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, "chặt ngoài, lỏng trong". Ông nói tỉnh cũng mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn. Nhưng khi Thủ tướng đặt câu hỏi: “Ngày hôm qua trong cộng đồng các anh xét nghiệm ra bao nhiêu ca mắc Covid?”. Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang sau một hồi ấp úng trả lời: "Hôm qua tổng số có 154 ca F0", Thủ tướng hỏi tiếp "ở đâu?", vị lãnh đạo này liên tục lật tìm báo cáo - các bạn có thể xem lại hình ảnh này trên VTV- và một lần nữa ông ta lại ấp úng: “Chờ tôi đã... Báo cáo Thủ tướng không nhớ nổi”.
Truy vấn lãnh đạo tỉnh đã bật ra điều gì?
Với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài các câu hỏi gần như với Kiên Giang, Thủ tướng hỏi kỹ hơn về số ca tử vong trên địa bàn tỉnh. Ông Vĩnh nêu được một số lý do khiến có nhiều ca tử vong, như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỷ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức Covid-19. Thủ tướng hỏi thêm, Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa? Chủ tịch Tiền Giang trả lời: “Tỉnh đã có hai xã triển khai điều trị F0 tại nhà”. Đúng là “ông nói gà bà nói vịt”. Buộc Thủ tướng phải “gắt” lên: “điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là hai việc khác nhau”. Phó chủ tịch phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, “loay hoay tìm đọc tài liệu”, Thủ tướng nhắc nhở ngay: “Nếu không biết thì cũng nói là không biết, mang sách ra đọc thì nói làm gì. Anh đừng nhìn vào sách đọc tôi xem nào”. Bí thư Đảng ủy phường 3, TP Mỹ Tho, Tiền Giang nói: “Tụi em đang họp bàn với ban chỉ đạo”, Thủ tướng phê ngay: “Chủ trương thì cả tháng nay rồi, cho đến bây giờ vẫn chưa tìm được địa điểm triển khai trạm xá lưu động thế này. Nếu như nó xảy ra nữa thì coi như là bị động”.

Nghi ngờ năng lực lãnh đạo​

Với câu trả lời “Không nhớ nổi” của vị Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, Thủ tướng chỉ chê lãnh đạo tỉnh “lơ mơ, không nắm được số ca mắc cộng đồng”. Cái sự lơ mơ bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời quá dễ dàng với mọi người - tệ quan liêu đã ăn vào máu họ rồi! Và không phải là sự suy diễn, hàm hồ nữa - đó chính là sự vô trách nhiệm. Việc riêng của mình sẽ không có gì bị quên hoặc lẫn cả, còn việc thuộc chức trách công vụ mà lại quên, hoặc nhớ lơ mơ thì đích thị là thiếu trách nhiệm, có còn xứng đáng là người đứng đầu? Với ông Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng hỏi một đằng trả lời một nẻo, người đứng đầu Chính phủ phải “gắt” lên giải thích: “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là hai việc khác nhau” và Thủ tướng còn nhắc lại, “Tôi đã nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo tỉnh và nói phải kiểm soát hàng ngày, để xem số ca nhiễm Covid trong cộng đồng tăng hay giảm và hiện nay xét nghiệm đã theo đúng hướng dẫn của cấp trên và Bộ Y tế chưa?”. Đã nhắc nhở trước đó rồi mà người đứng đầu tỉnh còn trả lời lạc đề. Sự lạc đề ấy có nguyên nhân từ đâu? Câu trả lời cũng vẫn là sự quan liêu và có thể ví đó là “một học trò yếu kém, không hiểu nổi một câu hỏi đơn giản”. Vậy còn xứng đáng là người đứng đầu? Điều này cũng làm dư luận đặt câu hỏi nữa: “Những cán bộ như vậy sao lọt qua quy trình 5 bước lựa chọn cán bộ chủ chốt? Đảng, Nhà nước trong các văn bản chỉ đạo đã đặt ra các yêu cầu rõ ràng: Cán bộ các cấp phải nắm thật chắc các chủ trương, biện pháp về phòng chống dịch, quán triệt nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả tới các cấp và tới người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra: Trung ương kiểm tra tỉnh, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, cấp dưới kịp thời báo cáo, đề xuất cấp trên; Tăng cường tương tác qua lại giữa các cấp để phát hiện, điều chỉnh kịp thời những yếu kém, khó khăn, bất cập; Đồng thời với việc chống dịch hiệu quả thì phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng tình hình để trục lợi, nhất là trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm…Các cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu sai phạm phải kịp thời phát hiện, vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay. Những câu trả lời lúng túng, bị động, lạc đề do chưa nắm chắc tình hình của lãnh đạo hai tỉnh và một số xã, phường còn cho chúng ta thấy công tác phòng chống dịch còn rất nhiều lỗ hổng và chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo “có vấn đề”: Người đứng đầu một số nơi chưa nắm chắc tình hình, chưa quán triệt đầy đủ các chủ trương, giải pháp thực hiện; Việc dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát thực tế dẫn tới không có biện pháp chặt chẽ, khoa học cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại địa phương và bất cập trong quản lý cách ly, di chuyển, điều trị cho bệnh nhân Covid. Đặc biệt vấn đề năng lực cán bộ lãnh đạo ở một số địa phương thực sự đáng lo ngại. Nhiều cán bộ lãnh đạo chỉ giỏi nạt nộ, hạch sách cấp dưới mà không chịu đi nắm tình hình, nghiên cứu tài liệu... Không ít cán bộ lãnh đạo quen tác phong “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo công văn” nên một khi bị cấp trên “truy bài” là bộc lộ ngay sự bất cập. Không ít lãnh đạo, nếu thoát khỏi “bóng” thư ký hay trợ lý là lúng túng. Nếu cứ cách kiểm tra bất ngờ, không báo trước như Thủ tưởng đã từng làm thì sẽ có những vị bộ trưởng hoặc người đứng đầu của một ngành nào đó “lòi ra” sự yếu kém cả về năng lực quản trị hành chính lẫn chuyên môn. Có lẽ đó là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn tồn tại, mặc dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã bao lần chấn chỉnh. Dư luận cũng mong mỏi nhân việc kiểm tra, giám sát đợt phòng chống dịch này, cán bộ dù ở cấp nào không đáp ứng được đúng các yêu cầu như Đảng, Nhà nước đề ra nên “mạnh tay cho nghỉ”. Nhân dân và đất nước cần sự thay đổi cán bộ thiếu năng lực! ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

ThanhND

Pearl
Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang không xứng đáng để lãnh đạo đội ngũ đảng viên, năng lực quản lý kiểu này thì Tỉnh Kiên Giang ko bao giờ phát triển bền vững được
 
Người ta tốn 1 mớ tiền mới ngồi được cái chức chủ tịch tỉnh mà, đang bận kiếm chác gỡ lại vốn với kiếm lời nên đầu có thời gian quan tâm đến dân chúng 😂
 

Gợi ý cộng đồng

Top