Từ “siêu doanh nghiệp” đến siêu ảo tưởng

Cuối cùng, “trò đùa” thứ 3 – “siêu doanh nghiệp” vốn điều lệ đăng ký lên tới 500.000 tỉ đồng – cũng lộ rõ sự siêu ảo tưởng của người sáng lập. Hoặc giả, đó là chiêu thành lập doanh nghiệp vốn 500.000 tỉ đồng trên giấy để gây chú ý của dư luận. 1. “Siêu doanh nghiệp” đó là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh là người đại diện pháp luật, đồng thời kiêm nhà sáng lập và CEO của công ty. Còn nhớ vào tháng 5/2021, thông tin doanh nghiệp này thành lập được biết đến với số vốn điều lệ lên đến 500.000 tỉ đồng, đã khiến dư luận ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau sự ngạc nhiên chính là sự bày tỏ thái độ không tin, cho rằng doanh nghiệp này đăng ký số vốn nhằm gây chú ý dư luận hoặc thậm chí chỉ là trò đùa, nghịch ngợm. Song xét về luật, không ai có thể cấm cản và ngăn chặn cho dù có đến hơn 99,99% cho thấy “siêu doanh nghiệp” này khó có thể hình thành được với số vốn trên trong thời hạn pháp luật cho phép. Giờ thì “siêu doanh nghiệp” đã trở thành trò đùa, đúng như những gì dư luận đã bình luận và nghi ngờ trước đây. Tuy nhiên, câu chuyện “siêu doanh nghiệp” vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng những tháng qua đã bị chôn vào quên lãng, song thông tin doanh nghiệp này vừa bị giải thể lại thêm một lần nữa khiến người ta phải phì cười. 500.000 tỉ đồng vốn điều lệ mà “siêu doanh nghiệp” này đăng ký được so sánh bằng với 6% GDP quốc gia của Việt Nam, và lớn hơn vốn điều lệ của bất cứ công ty, tập đoàn nào tại Việt Nam. Ngay khi vừa công bố thành lập, sáng lập viên của “siêu doanh nghiệp” đã bị hỏi vặn lấy đâu ra nguồn tiền vốn lớn đến thế. Khi đó ông Nguyễn Vũ Quốc Anh – CEO của “siêu doanh nghiệp” - vẫn đầy ắp ảo tưởng: “Hiện tại, bên tôi phát triển 1,4-1,6 triệu khách hàng, chủ yếu giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Ví dụ khi phân phối một sản phẩm cho doanh nghiệp lấy giá 1 triệu đồng/tháng, vốn hóa công ty mình đã rất khủng”. Theo thông báo của Auto Investment Group, lý do giải thể là "các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua" như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu, hoàn toàn trái ngược với những phát ngôn mạnh miệng của vị CEO “siêu doanh nghiệp” này dạo tháng 6/2021: “Ngày xưa tôi toàn làm cho những tập đoàn lớn, xuất thân từ Central Group, Vingroup, SCI Group, K-Group nên quen biết nhiều. Tôi không thiếu vốn”. Auto Investment Group gồm có 3 cổ đông, trong đó ông Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.998 tỉ đồng, tức chiếm tới 99,996% vốn điều lệ. Vậy với lý do giải thể nêu trên, cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua là ai? Mặt khác, Auto Investment Group liệu đã “có bột” để “gột nên hồ” chưa mà có cổ phần để bán ra?
Từ “siêu doanh nghiệp” đến siêu ảo tưởng
Ông chủ của "siêu doanh nghiệp" đăng ký vốn 500.000 tỉ đồng vừa giải thể đang ở nhà cấp 4. 2. Xã hội Việt Nam xưa nay có những người giàu ngầm; có những người giàu từ gốc gác ông bà, cha mẹ để lại nhiều tiền bạc và của cải. Nhưng thời nay, những người giàu nứt đố đổ vách ít nhiều cũng có quá trình kinh doanh. Hoặc nếu có mối quan hệ rộng để huy động được nguồn vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng trở lên (chứ chưa nói là hàng trăm ngàn tỉ đồng), người đó cũng phải là thương nhân, được không ít người biết đến, ít nhiều để lại những vết tích về mối quan hệ hay giao dịch kinh doanh trên thương trường chứ không thể đùng một cái từ dưới đất chui lên hay từ trên trời rơi xuống được. Nếu có những ai chui từ đất lên hoặc rơi từ trời xuống thì càng đáng ngờ. 3. Bây giờ, câu chuyện tiếp theo là “siêu doanh nghiệp” của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sẽ bị chế tài như thế nào khi khai khống số vốn đăng ký doanh nghiệp và quá thời hạn vẫn không huy động đủ, đúng số vốn đăng ký. Tất nhiên, vị CEO của “siêu doanh nghiệp” này hoàn toàn có thể lường trước được mức phạt tiền đối với hành vi của mình và cũng cho rằng “chẳng đáng bao nhiêu” để phải lo lắng. Chỉ trong một tuần, trên thị trường “nổ” ra liên tiếp 3 “trò đùa” gây rúng động, từ vụ bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết đến vụ bỏ cọc gần 600 tỉ đồng rút lui khỏi lô đất đã trúng đấu giá trị giá 24.500 tỉ đồng của Tân Hoàng Minh, và mới nhất là giải thể “siêu doanh nghiệp” trên giấy vốn điều lệ đăng ký 500.000 tỉ đồng. Thẳng thắn mà nói, “trò đùa” thứ 3 và cũng là mới nhất dù gì cũng chưa hoặc ít gây ra hệ lụy hơn 2 “trò đùa” còn lại, song "mua vui cũng được một vài trống canh" khiến dư luận phải bàn tán. Tuy nhiên, từ “trò đùa” thứ 3 này lại thêm một lần nữa cho thấy các chiêu trò lách luật nhằm mục đích riêng thật muôn hình vạn trạng mà những quy định hiện hành chưa thể bắt kịp. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top