Twitter không bán cho Musk thì bán cho ai, hay cứ để lình xình?

Tỉ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk rất nhanh từ thời điểm mua 9% cổ phần Twitter đã tiến đến chào mua toàn bộ với mức giá 54,2 USD/cổ phần, tính ra tổng số tiền Musk phải chi để mua là khoảng 41 tỉ USD.

Mua giá bèo?

Nên nhớ rằng, trước vụ Musk chính thức chào mua Twitter khoảng 7 năm, tức vào tháng 4/2015, cũng đã từng có tin đồn Google muốn thâu tóm Twitter để phát triển và cạnh tranh với Facebook. Thời điểm đó, người viết bài này có quan điểm ủng hộ thương vụ, song rất tiếc là nó đã không diễn ra trên thực tế. Khi đó, mức giá được đồn rằng Google chào mua Twitter với mức 50 tỉ USD và giá trị thị trường của Twitter là khoảng 33 tỉ USD, so với mức giá Elon Musk chào mua cao hơn khoảng 7 tỉ USD. Còn trong bối cảnh hiện nay, mức giá Elon Musk đưa ra được cho là khó mà thuyết phục được những người sáng lập và các nhà đầu tư lớn của Twitter. Vì những người này nghĩ rằng, Twitter đáng giá cao hơn khá nhiều, thậm chí có thông tin ban lãnh đạo định giá mạng xã hội này lên tới 70 tỉ USD. Chính vì thế, sau sự chào mua của Musk, thị trường dường như chẳng có chút rung động nào ngoài việc giá cổ phiếu Twitter hưởng lợi tăng mạnh. Đó là chuyện thường tình. Còn nhớ tháng 4/2015 và tháng 9/2016, hai lần thông tin Google muốn thâu tóm Twitter rộ lên thì giá cổ phiếu của mạng xã hội này đều tăng rất mạnh. Cùng với đó, ban lãnh đạo Twitter đã có động thái ngăn trở vị tỉ phú giàu số 1 hành tinh vào thời điểm hiện tại thâu tóm thêm cổ phiếu của mạng xã hội này. Tuy nhiên, một khi thương vụ không thành, hoặc đổ bể, cùng với đó là tình hình làm ăn kinh doanh của Twitter cũng chẳng có gì nổi bật (như nhiều năm qua vậy) thì sự tăng giá cổ phiếu cũng chẳng thể kéo dài, thậm chí có thể còn bị xẹp xuống rất nhanh. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Twitter cũng khó có thể ngăn cản được Elon Musk mua thêm cổ phiếu Twitter một cách công khai trên thị trường chứng khoán.
Twitter không bán cho Musk thì bán cho ai, hay cứ để lình xình?
Dường như, ban lãnh đạo và các nhà đầu tư lớn của Twitter hoàn toàn có thể bán doanh nghiệp này, vấn đề cấn cá có lẽ là ở mức giá Elon Musk đưa ra không làm nhiều người có tiếng nói quyết định đến thương vụ cảm thấy hài lòng. Musk cho rằng, việc chào mua Twitter là để thay đổi mạng xã hội này. Và tôi nghĩ, những người ủng hộ phương án bán Twitter có lẽ cũng muốn thấy một làn gió mới của sự thay đổi mạng xã hội này, từ các tính năng, những quy định về nội dung cho tới cách thức phát triển kinh doanh để gia tăng nguồn thu. Nhưng tất cả những cái lợi cho mạng xã hội này (nhìn về tương lai) đều không thể vượt qua được cái lợi trước tiên của những người sáng lập và nhà đầu tư lớn. Họ chỉ bán khi thấy mức giá chào mua đủ hấp dẫn.

Musk cũng gây nghi ngại

Những tuyên bố của Elon Musk sau khi sở hữu 9% cổ phần tại Twitter, cho rằng mạng xã hội này cần phải thay đổi, tất nhiên được nhiều người đồng tình và ủng hộ. Bởi cả chục năm qua, Twitter khá ì ạch. Lượng người dùng tăng trưởng không như mong đợi, thậm chí có lúc chững lại. Phương thức nội dung mỗi tweet hơi ngắn vừa mang tính đặc trưng bản sắc nhưng có đồng thời cũng là điểm yếu để thu hút lượng người dùng có nhu cầu nội dung có dung lượng dài hơn, phong phú hơn với nhiều tính năng đa dạng thiết thực hơn nữa cho người dùng. Ai chơi Twitter rất dễ có cảm nhận, nó không gây thích thú, thu hút hay nghiện ngập được như Facebook. Hàng chục năm, Twitter không vượt lên được chính mình, thiếu sự cách tân mạnh mẽ, cũng có nghĩa có thể sẽ đối mặt với thời điểm thoái trào sớm hơn. Tuy nhiên, Elon Musk dường như đã vướng tiếp vào một “vạ miệng” khi thương vụ còn chưa tới đâu, là phát ngôn cho rằng muốn biến Twitter thành công ty tư nhân sau khi mua lại. Mạng xã hội vốn dĩ là nền tảng dành cho nhiều người, tạo sự tương tác đa dạng, phi tập trung, sẽ chẳng ai cảm thấy hứng thú nữa sau khi Twitter bán mình sẽ trở thành công ty tư nhân trong tay một người. Hơn nữa, Musk có thể là một người nổi tiếng giàu có, nổi tiếng với tài năng sáng tạo công nghệ và kinh doanh, thậm chí còn là một “siêu fluencer” trên mạng xã hội (Twitter, Facebook); nhưng việc đầu tư kinh doanh hay quản lý một doanh nghiệp mạng xã hội là câu chuyện rất khác. Musk không có đủ hiểu biết và kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực này, nhưng lại muốn tập quyền mạnh mẽ, thì liệu sau khi Twitter về tay Musk sẽ đi về đâu? Hơn nữa, một người hay có những phát ngôn thất thường, va chạm trên mạng xã hội như Elon Musk, lại trở thành người có quyền sinh quyền sát đối với mạng xã hội Twitter, các antin-fans chắc chắn sẽ không cảm thấy vui. Sự phản ứng với Musk, nếu biến thành hành động tẩy chay và từ bỏ đối với Twitter, chẳng phải “quýt làm cam chịu” sao? Đường hướng phát triển Twitter là vấn đề quan trọng và cũng là câu chuyện dài hơi hơn so với thương vụ Elon Musk chào mua đang “rình rang” trong dư luận. Tính ưu tiên Twitter nên đặt ra lúc này, có lẽ không phải là bán mình mà là sự thay đổi: Thay đổi để thu hút hơn, hấp dẫn hơn, từ đó đạt tăng trưởng về lượng người dùng mạnh mẽ hơn. Còn nếu kết hợp được sự thay đổi với việc bán mình thì càng tốt chứ sao. Nhưng xem ra, để tìm được phương án kết hợp này không hề đơn giản. Hơn 14 năm trước, Microsoft chính thức ra giá 44,6 tỉ USD để mua lại Yahoo! Ban lãnh đạo với CEO cứng đầu Yerry Yang không chịu, những năm sau Yahoo! dần lụn bại và Yang cũng bay ghế. Hãy chờ xem, liệu Twitter có đi vào vết xe đổ của Yahoo! ngày trước hay không. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top