Vì sao Samsung, SK Hynix cất máy móc gia công bán dẫn vào kho chứ không thanh lý để "thu hồi vốn"?

Theo nguồn tin từ Financial Times, các ông lớn sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix đang cất giữ lại những cỗ máy gia công bán dẫn thế hệ cũ đã qua sử dụng thay vì bán thanh lý chúng trên thị trường. Động thái này xuất phát từ lo ngại rằng nếu bán những cỗ máy này, chúng có thể rơi vào tay các công ty của Trung Quốc hoặc Nga thông qua những biện pháp né tránh phức tạp, dẫn đến vi phạm các lệnh cấm vận mà Mỹ và châu Âu áp đặt cho hai quốc gia này.
Năm 2022, Washington đã đưa ra những quy định hạn chế xuất khẩu thiết bị, phần mềm và giải pháp liên quan đến công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc, nhằm mục đích làm chậm lại tốc độ nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn của nước này. Ngay từ thời điểm đó, các đơn vị gia công chip đã chọn cách cất giữ máy móc thế hệ cũ thay vì bán chúng trên thị trường thứ cấp.
Một thương nhân buôn bán máy gia công bán dẫn second-hand sống tại Hàn Quốc cho biết: "Vài đơn vị mua từ Trung Quốc đã và đang bán thiết bị bán dẫn cho Nga, nên các nhà sản xuất chip rất e ngại việc bán thanh lý thiết bị cũ, lo sợ việc vi phạm quy định cấm vận của Mỹ."
Vì sao Samsung, SK Hynix cất máy móc gia công bán dẫn vào kho chứ không thanh lý để thu hồi vốn?
Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang thúc đẩy các đồng minh ở châu Âu và châu Á tiếp tục thắt chặt quy định cấm vận sau khi Huawei và SMIC công bố đã sản xuất thành công chip xử lý trên tiến trình 7nm và 5nm, bất chấp việc cả hai đều nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Trước đó, các nhà sản xuất bán dẫn Hàn Quốc thường gom thiết bị đã qua sử dụng để thanh lý qua trung gian, tổ chức đấu giá để bán cho các công ty khác. Nhu cầu lớn nhất thường đến từ Trung Quốc, nơi có những công ty sản xuất chip tiến trình cũ phục vụ thiết bị gia dụng, điện tử và xe hơi.
Một môi giới thiết bị bán dẫn tại Nhật Bản cho biết, những thiết bị từng được các tập đoàn Hàn Quốc sử dụng để gia công chip cho smartphone và máy tính sẽ được refurbish và lắp đặt ở những nhà máy tại Trung Quốc, hầu hết được dùng vào mục đích gia công những chip xử lý phục vụ những mảng không bị Mỹ kiểm soát. Tuy nhiên, những cỗ máy đã có tuổi đời lên tới 10 năm, ví dụ những thiết bị quang khắc chip logic và chip nhớ, cũng có thể được phía Trung Quốc sử dụng để gia công những chip xử lý cao cấp.
Hồi tháng 2, chính quyền tổng thống Joe Biden đã áp lệnh cấm vận cho 17 công ty ở Hong Kong và đại lục vì vi phạm quy định cấm vận, bán thiết bị gia công chip xử lý cho phía Nga.
Nguồn tin thứ ba của FT cho biết, SK Hynix vì hết chỗ chứa trong kho, đã tiếp tục bán thanh lý thiết bị bán dẫn đã qua sử dụng. Nhưng những cỗ máy do các công ty Mỹ sản xuất, ví dụ như máy mài wafer thì vẫn chưa được bán.
Gregory Allen, giám đốc trung tâm AI và công nghệ cao Wadhwani nhận định: "Hàn Quốc biết rằng, nếu những thiết bị gia công bán dẫn của Samsung hay SK Hynix rơi vào tay của những fab Trung Quốc bị Mỹ cấm vận như SMIC hay YMTC, thì mối quan hệ ngoại giao giữa họ và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng."
Hiện tại, Samsung và SK Hynix vẫn còn vài nhà máy gia công chip nhớ tại Trung Quốc, sản lượng chiếm khoảng một nửa lượng chip họ sản xuất hàng năm. Trước đó, chính quyền Mỹ cũng đã cấp giấy phép đặc biệt để hai tập đoàn này mua và đem thiết bị gia công bán dẫn vào lãnh thổ Trung Quốc để tiếp tục hoạt động. Những cỗ máy đã qua sử dụng tại những nhà máy của họ ở Trung Quốc giờ cũng phải cất vào kho, không dám bán thanh lý. Thậm chí nếu như Washington rút lại giấy phép hoặc có những quy định mới thắt chặt cấm vận chip đối với Trung Quốc, Samsung và SK Hynix hoàn toàn có thể phải dùng thiết bị đời cũ để tiếp tục sản xuất.
Các quan chức tại nhà máy của SK Hynix ở Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng giấy phép nhập khẩu thiết bị vào Trung Quốc có thể bị Mỹ rút lại. Họ cho biết hiện tại có ba lựa chọn: bán máy cũ, cất chúng vào kho hoặc cho ra bãi rác tái chế. Tuy nhiên, cách thứ ba là không khả thi vì đây là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cỗ máy với giá trị hàng triệu USD. Vì vậy, họ đang chọn cách thứ hai là cất giữ những cỗ máy móc đã qua sử dụng vào kho thay vì bán thanh lý.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top