Vì sao Vingroup 3 lần “đóng cửa” nhiều mảng để tập trung cho xe điện?

VinFast (và cũng là Vingroup) mới đây thông báo rằng đến cuối năm 2022 sẽ chỉ còn sản xuất xe điện. Hiện nhà sản xuất ôtô này đã ra mắt một số dòng xe điện và cũng đã cho người tiêu dùng đặt hàng trước.

3 lần “đóng cửa”

Chỉ còn sản xuất xe điện nghĩa là VinFast sẽ trở thành hãng ôtô sản xuất thuần xe điện. Nghĩa là VinFast đóng cửa mảng sản xuất xe xăng. Như vậy, đây là lần “đóng cửa” thứ ba của Vingroup đối với nhiều mảng kinh doanh của họ. Lần thứ nhất Vingroup tái cơ cấu với việc từ bỏ mảng bán lẻ, nông nghiệp và hàng không để tập trung cho 2 lĩnh vực mới là ôtô và điện thoại, tivi. Với mảng bán lẻ, trước đó Vingroup đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng mua lại chuỗi Viễn Thông A đình đám một thời để làm đòn bẩy phát triển lên, nhưng rồi đột ngột từ bỏ. Trong khi đó, mảng hàng không dù Vin đã lấy được giấy phép nhưng cũng ngừng rất đúng lúc “hay không bằng hên”. Nếu không, mảng hàng không của Vin có lẽ đã phải ôm lỗ không ít trong 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành khiến bao hãng hàng không trong nước và trên thế giới lỗ lã nặng nề. Lần thứ hai Vin tái cấu trúc là từ bỏ mảng điện thoại, tivi để tập trung nguồn lực cho ôtô. Song có thể nói, tại thời điểm đó, bài toán tập trung cho ôtô cũng đã ít nhiều hé lộ một phép giải: mũi nhọn là xe điện, đúng hơn là ôtô điện, nghĩa là có thể từ bỏ cả mảng xe máy điện. Cho đến bây giờ, 3 lần chuyển hướng chiến lược của Vin vẫn đang gây ra nhiều ý kiến, dư luận trái chiều nhau. Tôi có dịp trao đổi với không ít phóng viên chuyên viết về ôtô, điện thoại, hàng điện tử, và nhiều người bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào năng lực thành công của Vin trong các mảng đó. Thêm vào đó, nỗi lo lắng của khách hàng sau khi Vin tuyên bố sẽ từ bỏ các mảng trên, đặc biệt là ôtô chạy xăng, chủ yếu là ở khâu bảo hành, chăm sóc khách hàng về sau. Song cũng cần khách quan nhìn nhận rằng, tâm lý lo lắng, thái độ nghi ngờ đó là có thể hiểu được, và có thể thông cảm được. Bởi sự chuyển hướng chiến lược của Vin diễn ra khá dày, và trải trên nhiều lĩnh vực, lại được quyết định trong một khoảng thời gian không quá dài, khiến cho dư luận, nhiều người tiêu dùng, và nhiều người trong giới chuyên môn về các lĩnh vực đó, cũng bất ngờ.
Vì sao Vingroup 3 lần “đóng cửa” nhiều mảng để tập trung cho xe điện?
VinFast công bố chiến lược trở thành hãng xe thuần điện tại CES 2022.

Tự đóng và tự mở

Cho tới thời điểm này, việc đóng cửa một số mảng và mở ra một số mảng sản xuất, kinh doanh mới là do chính Vin tự thực hiện trong tầm nhìn nắm bắt xu thế. Suy cho cùng, cơ hội lớn nhất của một cá nhân, tập thể, doanh nghiệp chính là tự mình biết quyết liệt khép lại một cánh cửa và tự mở ra một cánh cửa mới. Tôi cho rằng 3 lần chuyển hướng chiến lược của Vin cũng chính là những cuộc kiếm tìm. Lần thứ nhất tưởng đã tìm ra “đất hứa” nhưng lao vào rồi nhìn lại mới thấy, dư địa đã không nhiều mà còn lắm chông gai vì nhiều đối thủ cứng cựa và sừng sỏ đã và đang chiếm “phần sư tử” thị phần. Lần thứ hai, cũng tưởng đã “định cư” vững chắc ở mảng ôtô. Cho dù doanh số bán ôtô của VinFast tại Việt Nam là khả quan song nếu nhìn rộng ra, để có được vị thế ở khu vực, để trở thành một “ông lớn” ở Đông Nam Á cũng đã không đơn giản chứ đừng nói là Châu Á và trên phạm vi thế giới. Dự địa trên thị trường ôtô truyền thống (chạy xăng/dầu) cũng không còn nhiều, thậm chí đã quá chật chội, và cơ may theo đó cũng ít hơn. Và lần thứ ba, với tất cả những gì quyết đoán và quyết liệt nhất từ người đứng đầu tập đoàn Vin, tất cả những lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới của Vin trong 5 năm trở lại đây đã được dồn lại, kết tinh cho một VinFast ôtô điện. Tới thời điểm này, ôtô điện và hệ sinh thái đi cùng đang là mảng kinh doanh lớn nhất được Vingroup kỳ vọng bên cạnh lĩnh vực cốt lõi truyền thống xưa nay là bất động sản.

Còn nhiều dư địa cho xe điện

Tôi cho rằng, Vingroup đã có tầm nhìn xa chiến lược và đã đưa ra những quyết định táo bạo và quyết đoán. Chọn xe điện là đường dài, VinFast chọn thị trường Mỹ để ra mắt, chọn thị trường thế giới để cho đặt hàng trước, chứ không riêng gì chỉ thị trường Việt Nam. Đủ thấy trong tầm nhìn đó, cho dù thị trường Việt Nam chỉ trong vài giờ đồng hồ số lượng đặt hàng xe điện VinFast đã vượt 11.000 chiếc, thì cũng cần thực tế rằng, xe điện chưa thể hoàn toàn khớp được với đường sá và bối cảnh thị trường, tiêu dùng tại Việt Nam. Chính vì thế, việc “đánh thẳng” vào thị trường Mỹ, Châu Âu hay các khu vực có kiến thức tiêu dùng về ôtô phát triển và văn minh hơn, chính là đòn bẩy tạo ra dung lượng thị trường rộng mở. Điều đó cũng gắn chặt và hỗ trợ cho cuộc IPO mà VinFast định thực hiện tại Mỹ, với định giá doanh nghiệp có thể lên tới 60 tỉ USD và huy động vốn ít nhất 3 tỉ USD. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận xe điện VinFast. Bởi suy cho cùng, dư địa cho thị trường này còn quá rộng lớn. Trung Quốc là quốc gia có tỉ trọng doanh số xe điện lớn nhất thế giới hiện nay, chiếm khoảng 10% doanh số ôtô bán ra hàng năm trong 3 năm qua. Tỉ trọng đó tại Mỹ chỉ khoảng 2%. Còn Châu Âu, Châu Á ngay cả Nhật Bản, tỉ trọng này còn thấp hơn. Vậy thì tính chung trên toàn thế giới, tỉ trọng xe điện trên tổng doanh số ôtô bán ra hàng năm cũng như tổng lượng ôtô điện đang lưu hành là rất thấp. Tính toán theo lẽ thường tình, dư địa lớn thì cơ hội và cơ may cũng sẽ lớn hơn. Còn việc VinFast sẽ bảo đảm chế độ hậu mãi đối với khách hàng mua điện thoại, ôtô chạy xăng, theo tôi tất yếu sẽ được doanh nghiệp này tính tới chứ không thể có chuyện bỏ lơ. Vì suy cho cùng, những người đang sử dụng điện thoại của VinSmart và ôtô chạy xăng của VinFast cũng là khách hàng tiềm năng của xe điện và hoàn toàn có thể trở thành khách hàng mua xe điện của Vin trong tương lai, hà cớ gì lại bỏ lơ. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
1 năm sau Vin sẽ đóng cánh cửa xe ô tô điện và mở cửa máy bay lai ô tô để Việt Nam đỡ gánh nặng tắc đường cũng nên!!! Vin đang làm mất niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam là sự thật khó bác bỏ.
 
Mình thì thấy tuy tỷ trọng xe điện tại các nước tuy còn thấp nhưng lại phản ảnh đúng quy luật cung cầu của thị trường. Không phải đùng cái mọi người đều bỏ xe xăng để mua xe điện mà nó sẽ diễn ra từ từ. Ngay TQ dùng xe điện từ cách đây 10 năm mà giờ đâu phải chỗ nào cũng dùng xe điện. Tại sao các hãng xe ô tô nổi tiếng lại đặt ra kế hoạch dài hơi (có hãng mãi tận 2030) để chuyển đổi hoàn toàn từ xe xăng sang xe điện trong khi họ có nhiều kinh nghiệm, vốn hơn Vinfast, vì họ hiểu nhu cầu của thị trường. Mạnh như Tesla cũng chỉ bàn giao 936.172 xe điện trong khi Toyota bán riêng tại Mỹ là 2.332.262 ô tô. vấn đề không phải Tesla không có khả năng sản xuất nhiều xe hơn nếu muốn mà vì nhu cầu thị trường đối với xe điện chưa cao. Rất nhiều người chưa thể từ bỏ thói quen xe xăng sang xe điện vì nhiều lý do. Về Vinfast, do hãng thay sản phẩm kinh doanh như thay áo đã tạo cho khách hàng cảm giác không yên tâm và không tin cậy, kiểu như họ sẵn sàng làm ăn kiểu chụp giật, vì túi tiền của họ mà bỏ rơi khách hàng cùng sản phẩm của họ giữa đường.Câu chuyện rùm beng của Vinfast về xe điện bán ở Mỹ cũng như IPO ở đó theo tôi cũng chỉ là một chiêu trò mà thôi. Đem chuông đi đánh xứ người hoàn toàn không giản, đặc biệt là ở Mỹ. Mình nghĩ Vinfast hãy nghĩ đến những thị trường dễ tính như Đông Nam Á đã.
 
Top