Việt Nam chặn gần 1.000 website vi phạm bản quyền bóng đá trong 1 năm

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Theo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, đã có gần 1.000 website bóng đá lậu như xoilac.1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net... bị ngăn chặn truy cập.
Số liệu trên vừa được ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT chia sẻ tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số”.
Việt Nam chặn gần 1.000 website vi phạm bản quyền bóng đá trong 1 năm
Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ tại tọa đàm.
Ông Phạm Hoàng Hải cho biết hiện nay vi phạm bản quyền tại Việt Nam diễn ra hết sức phức tạp, có hàng loạt website lậu đăng phát các giải bóng đá và phim. Theo thống kê, hiện có khoảng 70 website bóng đá lậu với hơn 1,5 tỷ lượt view và hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng.
Đặc biệt, thời gian gần đây còn phát hiện ra một số website lậu đã chuyển sang hình thức truyện tranh Anime của Nhật. Theo ông Hải, việc ăn cắp vi phạm bản quyền truyện tranh cũng đã nhận được sự phản ứng rất gay gắt của các đơn vị chủ sở hữu ở Nhật Bản về việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Đặc điểm chung của nhiều trang web vi phạm bản quyền là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ấn giấu thông tin; hoạt động công khai, thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Các đơn vị quản lý web lậu thường gắn quảng cáo độc hại, cá độ, cờ bạc trên những trang này.
Việt Nam chặn gần 1.000 website vi phạm bản quyền bóng đá trong 1 năm
Hình thức vi phạm điển hình của các web vi phạm bản quyền là ngay sau khi chủ sở hữu quyền phát sóng, đăng tải nội dung trên các nền tảng như OTT, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh.., các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách live stream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, đăng tải nội dung.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+, cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu (theo số liệu của Media Partners Asia). Vi phạm trên các nền tảng số hiện là hình thức vi phạm chủ yếu.
Về tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết trong thời gian qua việc ngăn chặn truy cập vào website vi phạm bản quyền đã phát huy tác dụng nhất định. Tuy vậy, đại diện này cho biết việc chặn truy cập đến các website lậu vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP). Có ISP chặn ngay lập tức khi được yêu cầu nhưng có ISP chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn. Vì vậy, hiệu quả ngăn chặn chưa triệt để khi các website lậu liên tục thay đổi tên miền mới.
Từ phía nhà đài, bà Phạm Thanh Thủy cho biết ngoài các biện pháp kỹ thuật thông thường như DRM, vân tay, chữ ký ảnh (watermark) và khóa mã (token key), việc chống vi phạm bản quyền truyền hình và phim ở nhiều quốc gia hiện đang áp dụng hai cách phổ biến là chặn website và “Knock & Talk” (Gõ cửa và nói chuyện).
Knock & Talk là bước đầu tiên nhằm xem xét khả năng đóng cửa một web lậu. Theo đó, các chủ sở hữu nội dung phim hoặc bản quyền bóng đá phối hợp các đơn vị điều tra để truy tìm tung tích những người vi phạm và cử đại diện đến làm việc với người này yêu cầu họ giao lại quyền quản lý trang web. Nếu thỏa thuận thành công, trang này sẽ hiện thông báo là đã bị đánh sập vì vi phạm bản quyền, đồng thời chuyển hướng người truy cập sang những nội dung hoặc nền tảng hợp pháp.
Tỷ lệ thành công của Knock & Talk là 95%, theo ông Jan Van Voorn, chủ tịch Liên minh Sáng tạo và Giải trí (Alliance for Creativity and Entertainment - ACE). Những trường hợp xử lý theo hình thức Knock & Talk không thành công sẽ được xem xét đẩy lên mức xử lý nghiêm trọng hơn là xử lý hình sự.
Việt Nam chặn gần 1.000 website vi phạm bản quyền bóng đá trong 1 năm
Với hình thức chặn website, đại diện K+ cũng đề xuất Việt Nam nên áp dụng mô hình chặn chủ động như ở Anh. Cụ thể, sau khi được yêu cầu chặn trang web nào đó, ISP sẽ chủ động chặn tiếp các tên miền và địa chỉ IP mới liên quan đến website lậu ngay khi nhận được thông báo từ chủ sở hữu quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần phải thực hiện lại các thủ tục hành chính mất thời gian.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top