“Vòng luân hồi” margin – căng margin - call margin - force sell…

Phiên giao dịch ngày 25.4.2022 không phải là lần đầu thị trường chứng khoán cho thấy sự sụp đổ nhanh chóng khi bị bán giải chấp cổ phiếu trên diện rộng sau khi dồn ứ tình trạng căng margin dẫn đến call margin rồi force sell (bán giải chấp).

Hơn 11,7 tỉ USD “bay hơi” vì bán giải chấp

Trước phiên ngày 25.4, thị trường chứng khoán với VN-Index đã có nhiều phiên giảm điểm mạnh, và 2-3 tháng gần đây chỉ số diễn biến trong tình trạng lình xình kéo dài. Nhưng vào khoảng thời gian trên, đề cập tới nguyên nhân, vấn đề margin chưa bao giờ được nêu ra như một nguyên nhân chính cho dù những dấu hiệu cũng như nguy cơ tiềm ẩn của nó không khó để nhận ra, và cũng có những phiên nó góp phần kéo giảm chỉ số khá rõ rệt. Tuy nhiên, các yếu tố như biến động địa chính trị với cuộc chiến Nga – Ucraina; việc Mỹ, EU và NATO cấm vận Nga; dịch COVID-19 gây phong tỏa một số thành phố ở Trung Quốc ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng… mới được cho là nguyên nhân chủ yếu. Còn trong nước, tâm lý thị trường thận trọng, thiếu ổn định trong nhiều phiên khi xảy ra hoảng loạn bán tháo sau khi xảy ra các vụ bắt bớ những đối tượng bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và gian lận trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Một phần chưa thể “bắt tận tay, day tận mặt” yếu tố margin cũng vì, thực tế các cuộc call margin hay force sell trước đó chỉ ở qui mô nhỏ, lẻ tẻ, với chủ yếu các nhà đầu tư nhỏ, quy mô vốn đầu tư ít hoặc không quá nhiều. Còn trong phiên ngày 25.4 vừa qua, force sell đã gọi tên danh mục của những nhà đầu tư lớn, thậm chí được gọi là “cá mập”. Danh mục cổ phiếu của “cá mập” không phải mã nào cũng bị call margin mà chỉ bị một phần trong số đó. Tuy nhiên “rút dây động rừng”, bán cổ phiếu này cũng có thể ảnh hưởng lan truyền đến cổ phiếu kia trên thị trường khi sắc đỏ dần lan tỏa rộng và chỉ số VN-Index ngày càng giảm sâu gây lo lắng, hoảng loạn trong tâm lý nhà đầu tư. Cũng không ít trường hợp, mã cổ phiếu bị call margin do thiếu thanh khoản, hoặc do nhà đầu tư muốn dùng các mã cổ phiếu khác có thanh khoản hơn hoặc giá giảm ít hơn để bán ra cứu các mã đang bị call margin trong danh mục. Tình trạng này được gọi là call margin chéo và force sell chéo, rất phổ biến trên thị trường chứng khoán. Chính vì thế, cứ 1 mã cổ phiếu bị call margin và force sell có thể tác động đến 1-2 mã cổ phiếu khác buộc phải force sell chéo, kéo theo sự lan tỏa force sell càng lây lan, dẫn đến tình trạng bán tháo trên diện rộng, càng khiến chỉ số sụp đổ nhanh chóng. Phiên giao dịch ngày 25.4.2022 là một trong số ít ỏi những phiên từ trước tới nay chỉ số VN-Index giảm sâu trên 68 điểm, với giá trị vốn hóa sàn HSX “bay hơi” nhanh chóng hơn 11 tỉ USD.
“Vòng luân hồi” margin – căng margin - call margin - force sell…

“Vòng luân hồi” của nhà đầu tư chứng khoán

Các đợt thị trường chứng khoán lao dốc mạnh do bán giải chấp cổ phiếu đều cho thấy một điểm chung: những nhà đầu tư càng muốn lãi lớn càng phải vay margin nhiều để giao dịch, và khi thị trường giảm mạnh kéo dài nhiều phiên thì khó tránh khỏi tình trạng bán giải chấp. Bài học rút ra là, càng tham thiệt hại càng nặng. Vay giao dịch ký quỹ (margin) không có tội vì được pháp luật cho phép. Vấn đề này thuộc về riêng từng nhà đầu tư và một chút liên quan với phía môi giới trong cách tư vấn. Nếu không biết điểm dừng hợp lý và cân bằng danh mục nhằm bảo đảm tính an toàn, rủi ro xảy ra không chỉ “liếm sạch” lợi nhuận mà còn dẫn đến lỗ nặng vốn của nhà đầu tư. Nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ cũng cần có khả năng quản trị, tính toán về chỉ số an toàn của tài khoản và danh mục đầu tư, nếu không sẽ rất dễ rơi vào “vòng luân hồi” margin – căng margin - call margin - force sell…, để rồi cuối cùng chỉ có lỗ lã, và chỉ có công ty chứng khoán là được hưởng lợi từ lãi suất và phí môi giới từ các giao dịch mua, bán, vay của nhà đầu tư. Phiên giao dịch ngày 26.4 thị trường đã hồi phục với phiên tăng trở lại hơn 30 điểm, tình trạng force sell được cho rằng đã qua nhưng cũng rất có thể, một “vòng luân hồi” mới vay margin – căng margin – call margin – force sell lại được bắt đầu nhen nhóm trở lại. Để rồi đến một thời điểm nào đó, làn sóng bán tháo vì force sell nổ ra lại nhấn chìm chỉ số VN-Index và tất cả thành quả lợi nhuận của nhà đầu tư cùng với một lượng “khủng” vốn hóa thị trường cũng bị “bay hơi” theo. Thực tế này đã xảy ra trong phiên giao dịch ngày 26.4, chính không ít mã cổ phiếu và nhà đầu tư bị force sell đã vay margin trở lại để giao dịch, và thậm chí mua lại chính mã cổ phiếu vừa bị bán giải chấp ngày hôm trước (tất nhiên lúc này đã giảm giá khá sâu). Đầu tư chứng khoán cũng cần biết đủ là đủ, biết điểm dừng nghỉ hợp lý để giữ cái đầu lạnh thay vì cái đầu luôn nóng chuyện tìm kiếm lợi nhuận, qua đó phân tích, đánh giá thấu đáo hơn trước khi quay trở lại thị trường. Để tránh “vòng luân hồi” vay margin – căng margin – call margin – force sell, nhà đầu tư chứng khoán trước hết phải áp chế được lòng tham của chính mình. Nói một cách bài bản, nhà đầu tư cần biết “sợ hãi và tham lam” nhưng phải quản trị được lòng tham của mình, hay nói đúng hơn là biết tham lam một cách hợp lý để tránh “vòng luân hồi” do chính lòng tham của mình gây ra. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top