Vũ trụ có thể đang chứa 40 nghìn tỷ hố đen, gấp 6 lần số hạt cát trên Trái Đất

Hố đen vũ trụ (black hole) thực ra không phải là một cái hố như tên gọi của nó, nó là một vùng không gian mà lực hấp dẫn mạnh đến mức cả ánh sáng cũng không thể lọt ra ngoài. Hố đen vũ trụ được cho là tạo ra từ các vụ nổ của những ngôi sao lớn, bất cứ vật chất nào lại gần hố đen đều bị hút trọn và chịu chung một số phận. Vậy có thể tính toán được số lượng hố đen trong vũ trụ không, câu trả lời có thể khiến bạn phải "rùng mình."
Các nhà thiên văn học đã sử dụng một phương pháp mới để ước tính số lượng hố đen trong vũ trụ có thể quan sát được, con số lớn khủng khiếp có thể vượt ra ngoài những gì bạn nghĩ. Các nhà nghiên cứu đến từ Ý và Anh đã sử dụng một mô hình máy tính tiên tiến và ước tính có khoảng 40 nghìn tỷ hố đen, gấp 6 lần số hạt cát trên Trái đất. Cùng với những phát hiện khác về hố đen cũng như vai trò của chúng trong sự hình thành vũ trụ, những nghiên cứu mới có thể thay đổi những hiểu biết của chúng ta về vũ trụ rộng lớn.

Tính toán số lượng hố đen vũ trụ như thế nào

Các nhà khoa học đã ước tính có khoảng 7 nghìn tỷ hạt cát trên tất cả các bãi biển trên Trái đất cộng lại, con số này có thể khiến bạn sửng sốt nhưng số lượng hố đen trong vũ trụ còn lớn gấp nhiều lần như thế. Có một thực tế là một hố đen có thể làm hành tinh của chúng ta "bốc hơi" trong giây lát, chúng còn được tìm hiểu để xem khả năng trong việc kích hoạt các ngôi sao lớn chuyển thành siêu tân tinh. Nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng so với vũ trụ bao la, con người thực sự vô cùng nhỏ bé.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các mô hình máy tính phức tạp có tính đến tốc độ hình thành và khối lượng của các ngôi sao cũng như tính kim loại của các thiên hà để đạt được con số ước tính về lỗ đen của vụ trụ, kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Vật lý Thiên văn.
Nhà nghiên cứu Alex Sicilia, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, đang công tác tại SISSA cho biết: "Đặc điểm sáng tạo của công trình này nằm ở sự kết hợp giữa mô hình chi tiết về sự tiến hóa sao và nhị phân, trong đó có những công thức tiên tiến để tìm hiểu việc hình thành các ngôi sao và tính kim loại trong các thiên hà riêng lẻ. Đây là một trong những phép tính đầu tiên, và là một trong những tính toán mạnh mẽ nhất về lượng hố đen trong lịch sử vũ trụ."

Tiết lộ những bí ẩn của vũ trụ

Các nhà khoa học đã so sánh số lượng hố đen trung bình trên mỗi megaparsec (đơn vị đo chiều dài thiên văn học) diện tích khoảng 34.700.000.000.000.000.000.000.000 năm ánh sáng. Họ phát hiện ra rằng trung bình có khoảng 3 triệu hố đen trên mỗi megaparsec, nhân lên để lấp đầy thể tích của toàn bộ vũ trụ có thể quan sát được. Chúng ta đều hiểu đó là những con số lớn đáng kinh ngạc, nhưng các nhà nghiên cứu chỉ có thể cung cấp một con số ước tính sơ bộ.
Mặc dù là ước tính nhưng kết quả nghiên cứu này được cho là sẽ ảnh hưởng đến vô số các nghiên cứu khác trong lĩnh vực vật lý thiên văn cũng như thiên văn học. Chẳng hạn, vào hồi đầu tháng, các nhà vật lý thiên văn từ Đại học Yale, Đại học Miami và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã đề xuất một giả thuyết rằng các hố đen nguyên thủy được tạo ra trong những khoảnh khắc đầu tiên sau vụ nổ lớn có thể là vật chất tối (loại vật chất không phát sáng, không được nhận dạng). Vì thế đối với vũ trụ, những ước tính dù sơ sài nhất cũng có thể cung cấp cho chúng ta một loạt các phép so sánh quan trọng để thay đổi hoàn toàn những hiểu biết vốn có về vũ trụ.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top