“Vua phòng vé” chưa hẳn đã là phim hay, hãy chấp nhận lời chê quốc tế!

Phim Bố Già của Trấn Thành tuần qua lại bị xới lên dư luận cho rằng bị ăn nhiều “cà chua thối” từ các nhà phê bình quốc tế. Cụ thể, 5/7 bài phê bình trên chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes chê “Bố Già” là phim dở. Trong nước “nức nở”, quốc tế chê dở Những sản phẩm là món ăn tinh thần như phim, sách, kịch… nhận được lời khen tiếng chê trái ngược nhau vốn dĩ là chuyện thường tình. Trường hợp phim Bố Già, trong khi giới phê bình trong nước, các cây bút chuyên viết về điện ảnh trên các báo và tạp chí khen “nức nở” (tất nhiên cũng còn nhờ hiệu ứng doanh thu kỷ lục từ phòng vé trên 400 tỉ đồng của phim này) nhưng lại bị các cây bút phê bình quốc tế chê tệ, thì lại có vấn đề của nó. Vấn đề đầu tiên là giới phê bình trong nước có lẽ ít nhiều áp lực từ hiệu ứng doanh thu khi Bố Già ra rạp. Trong thời gian đó, những bài chê Bố Già trên các báo chưa chắc được yên với fans của Trấn Thành. Sự yêu thích hay hâm mộ nhiều khi đến cuồng loạn của các fans làm méo mó những sinh hoạt vốn dĩ bình thường là công tác phê bình sản phẩm điện ảnh, khiến người phê bình có lúc phải giảm nhẹ lời chê để tránh va chạm gay gắt với fans của phía bên kia. Thứ hai là cũng có khả năng, trước doanh thu khổng lồ của Bố Già cây bút nào muốn chê cũng ngại, như có vẻ chịu áp lực lớn vì phải đi ngược với sự đón nhận tác phẩm một cách hiếm thấy xưa nay. Ở đây không chỉ cần sự thẳng thắn mà còn cần hơn chính là sự dũng cảm của người làm công tác phê bình những “món ăn” tinh thần được nhiều người thích thú. Thứ ba là sự phê bình xuê xoa, chê nhưng khen là chính để khuyến khích một sản phẩm điện ảnh Việt thành công về doanh thu, tạo được dư luận bàn tán sôi nổi, và cũng có kế hoạch “ra biển lớn”. Tất cả những điều trên không phải hoàn toàn sai, thậm chí có cái đúng và có lúc cần. Song, yếu tố cần phải đi cùng yếu tố đủ, sự khuyến khích cần song hành với việc chỉ rõ được những khuyết nhược, thiếu chuyên nghiệp, những chỗ hời hợt dễ dãi của tác phẩm. Điều đáng nói, khi các bài phê bình của quốc tế xếp Bố Già vào hàng phim dở về nhiều mặt từ nội dung đến diễn xuất, qua đó cũng giúp làm rõ hơn về thị hiếu của những khán giả Việt “mê mẩn” phim Bố Già: Một mức độ nào đó sự chệch chuẩn trong việc thưởng thức các tác phẩm, sản phẩm điện ảnh; việc đánh giá phim một cách dễ dãi; thị hiếu thích những phim có tính cường điệu về nghịch cảnh và sự khổ sở của nhân vật; dễ dãi với các nội dung và diễn xuất có tính hài hước gây cười một cách hời hợt. Chính vì thế, ở Việt Nam từ lâu đã hình thành một dòng phim thị trường thu hút đông đảo giới trẻ đi xem với nội dung kịch bản dễ dãi xen lẫn các diễn xuất hài và gây cười, được ra mắt tập trung vào các mùa phim Tết.
“Vua phòng vé” chưa hẳn đã là phim hay, hãy chấp nhận lời chê quốc tế!
Bài học gì từ “vua phòng vé”? Như đề cập ở trên, khen chê là chuyện thường tình. Nhưng với “vua phòng vé” Bố Già, doanh thu trong nước hơn 400 tỉ đồng đến khi ra thế giới bị phê bình đánh xuống gần như còn số 0 tròn trĩnh. Nhưng rất đáng chú ý và rất đáng lắng nghe để suy ngẫm với các phê bình từ Variety (tạp chí phê bình nghệ thuật nổi tiếng của Mỹ): Bố Già khiến người xem thất vọng vì nặng hơi hướng phim truyền hình, lạm dụng quá nhiều các cảnh lên gân, căng thẳng, gào thét… làm lu mờ vấn đề là mối quan hệ cha con trong phim (phê bình trên tạp chí nổi tiếng Variety). Hay bài viết trên Deadline cho rằng: Bố Già lạm dụng các tình huống và diễn xuất hài để “thao túng” khán giả, và những bi kịch trong bộ phim bị phóng đại quá mức. Song có điều hai cây bút phê bình “trúng và đúng” này chưa biết rằng, rất nhiều khán giả Việt đặc biệt là khán giả trẻ, lứa tuổi teen lại rất thích các bộ phim được làm, diễn xuất theo cách cường điệu, phóng đại, hài hước, dễ dãi… như vậy. Và nhà sản xuất, muốn trở thành “vua phòng vé” không thể phớt lờ sở thích, thị hiếu đó của tập khách hàng này vốn chi tiền nhiều nhất để mua vé vào rạp xem Bố Già. Một cách sòng phẳng, làm phim là kinh doanh, bài toán đầu tiên là tiền đâu và phải giải quyết chính là thu hút người xem đến rạp, còn người xem đó thành phần như thế nào chưa cần thiết phải quan tâm. Điều này Bố Già đã làm được bằng cách chiều lòng thị hiếu người xem, nhờ đó lấy được sự thương cảm và nước mắt của không ít người xem trẻ tuổi dễ động lòng, sẵn sàng bỏ qua các tiêu chí về chất lượng của một tác phẩm điện ảnh và chỉ cần có được cảm xúc xem vui vui, một chút nước mắt, cảm thương và chia sẻ... Nhìn một cách tích cực, ngay cả cho dù bị các cây bút phê bình quốc tế chê tơi tả thì Bố Già cũng đã đạt được một trong số những yếu tố quan trọng nhất đó là doanh thu, từ đó sẽ có mọi điều kiện để cải thiện/điều chỉnh về cách làm, nội dung kịch bản hay cách diễn xuất (chứ làm ra không ai xem, không có tiền tái đầu tư thì điều chỉnh cái nỗi gì) cho những sản phẩm sau. Doanh thu khủng là quan trọng nhất đối với một dự án kinh doanh. Trấn Thành có thể làm tốt hơn khi đã có doanh thu khủng từ Bố Già để tạo đà cho những dự án phim có cải thiện nhiều hơn về tính chuyên nghiệp. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Câu cuối sai quá sai tác giả ơi. Cái thị hiếu số đông thể hiện dân trí. Nếu như bội thu thì nhà làm phim sẽ khai thác yếu tố thị hiếu mà kiếm doanh số phòng vé chứ chẳng bao giở nghĩ cải thiện chất lượng gì đâu?? Cái sai không nằm ở nhà làm phim mà từ cách cảm nhận và nhìn nhận của các thượng đế thôi!!? Nhà làm phim họ phâm tích đúng thị hiếu số đông thì có cái gì là sai chớ. Trấn Thành có trình độ và giỏi hơn hầu hết fan trung thành của anh ta đó là hiển nhiên. Và nhà làm phim cũng vậy!
 

Gợi ý cộng đồng

Top