WHO: Huyết áp cao là bệnh gây tử vong lớn nhất thế giới

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Từng được coi là căn bệnh của người giàu, tăng huyết áp hiện ảnh hưởng đến 1/3 số người trưởng thành trên toàn cầu. WHO kêu gọi các quốc gia tìm giải pháp chống lại căn bệnh này.
WHO: Huyết áp cao là bệnh gây tử vong lớn nhất thế giới
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chứng tăng huyết áp ảnh hưởng đến 1/3 người trưởng thành trên toàn cầu. Số người mắc chứng huyết áp cao đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Hiện cả thế giới có 1,3 tỷ người bị huyết áp cao.
Huyết áp cao nghe có vẻ giống như căn bệnh của các quốc gia giàu có, nhưng trong một báo cáo vừa được công bố tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, WHO cho biết 3/4 số người mắc bệnh cao huyết áp sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Gần một nửa trong số đó không biết mình bị huyết áp cao, căn bệnh gây ra các cơn đau tim, bệnh thận và đột quỵ. 80% số người mắc chứng cao huyết áp, bao gồm cả những người được chẩn đoán và những người không biết mình mắc bệnh, không được điều trị đầy đủ để kiểm soát bệnh.
Nếu tình trạng bệnh cao huyết áp có thể được cải thiện thì 76 triệu sinh mạng có thể được cứu từ nay đến năm 2050, WHO ước tính.
“Có một số vấn đề sức khỏe mà chúng ta thiếu kiến thức hoặc công cụ điều trị hiệu quả. Huyết áp cao không phải là một trong số đó. Chúng ta có các công cụ điều trị căn bệnh này. Mỗi quốc gia có thể làm nhiều hơn nữa để sử dụng những công cụ đó”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, cho biết trong buổi họp giao ban ở thành phố New York, Mỹ.
WHO: Huyết áp cao là bệnh gây tử vong lớn nhất thế giới
Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp cao trở nên trầm trọng hơn. Máy đo huyết áp hiển thị hai con số: áp suất bên trong động mạch khi tim đập (chỉ số huyết áp tâm thu) và áp suất giữa các nhịp đập (chỉ số huyết áp tâm trương). Số đo 120/80 mmHg được coi là lý tưởng. Khi con số đầu tiên tăng trên 140 hoặc con số thứ hai nhích lên trên 90, đó là tăng huyết áp. Đó là mức cho thấy áp lực của đường máu có thể làm hỏng động mạch và giảm lượng oxy đến tim.
Huyết áp tăng vì nhiều lý do, có thể khác nhau giữa các nơi trên thế giới: ăn nhiều muối, uống rượu, sử dụng thuốc lá, hít thở không khí ô nhiễm và không tập thể dục. Các biện pháp khắc phục rất đơn giản: điều chỉnh chế độ ăn uống, cung cấp thuốc điều trị giá cả phải chăng, xây dựng hệ thống thông tin và chăm sóc sức khỏe để mọi người có thể được chẩn đoán và theo dõi mà không cần nỗ lực nhiều.
“Điểm mấu chốt ở đây là tình trạng bệnh nguy hiểm nhất thế giới lại bị lơ là, ít được quan tâm nhất”, Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, đồng thời là chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức y tế phi lợi nhuận Resolve to Save Lives, cho biết. “Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, điều trị huyết áp cao đã trở thành tiêu chuẩn chăm sóc y tế ở các nước có thu nhập cao. Tuy vậy, nó vẫn chưa trở thành tiêu chuẩn chăm sóc cho mọi người trên thế giới.”
Kế hoạch của WHO kêu gọi các quốc gia coi việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp là ưu tiên của chính phủ. Các cơ quan y tế cần lên kế hoạch và tổ chức các hệ thống chăm sóc sức khỏe ưu tiên cho tình trạng cao huyết áp. Báo cáo của WHO cho biết Canada và Hàn Quốc là những ví dụ rất tốt cho việc kiểm soát cao huyết áp. Hai quốc gia này đã kiểm soát được bệnh tăng huyết áp ở hơn một nửa số người được chẩn đoán mắc bệnh này.
WHO cũng khuyến nghị đưa ra phác đồ thống nhất để chẩn đoán và điều trị huyết áp cao trên toàn cầu để làm giảm chi phí chữa bệnh. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đưa ra các tiêu chí để các chính phủ có thể mua các loại thuốc cần thiết giá rẻ cho việc điều trị bênh, tạo ra các hệ thống dữ liệu để theo dõi bệnh nhân và phương pháp điều trị.
Các chuyên gia y tế cho rằng tỷ lệ tăng huyết áp trên toàn cầu là bằng chứng cho thấy đây là một căn bệnh của thời hiện đại. “Tôi đến từ Uganda và khi tôi lớn lên vào những năm 80, bệnh cao huyết áp từng được coi là căn bệnh của giới nhà giàu. Nhưng điều đó không còn đúng nữa,” Annet Kirabo, phó giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, người đứng đầu một dự án nghiên cứu về bệnh tăng huyết áp ở Zambia, cho biết. “Châu Phi đang trở nên Tây phương hóa. Một số chế độ ăn uống phổ biến ở đây góp phần gây ra bệnh cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác cũng phổ biến ở khu vực cận Sahara.”
Việc tiêu thụ muối được xem là yếu tố chính làm tăng huyết áp, đặc biệt nguy hiểm ở người da đen, những người có chung đột biến gen khiến họ nhạy cảm hơn với muối. Bên cạnh muối, còn có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến cao huyết áp. Ở những quốc gia kinh tế đang phát triển, mất khả năng tiếp cận chế độ ăn uống truyền thống khi người dân di cư đến thành phố, không thể tập thể dục an toàn và tiếp xúc với các hạt mịn từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch được coi là những vấn đề lớn tác động đến cao huyết áp. Sanjay Rajagopalan, bác sĩ tim mạch và giám đốc Viện nghiên cứu tim mạch tại Đại học New York, cho biết: “Điều này rất phức tạp ở các nước đang phát triển”.
Nguồn: Wired
>> Người cao huyết áp nên ăn gì, kiêng gì?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top