Xe hybrid thành công đã khiến Nhật Bản mờ mắt, giờ thì họ tụt hậu giữa làn sóng xe điện

Các hãng ô tô Trung Quốc và phương Tây hiện kiểm soát khoảng 90% thị trường ô tô điện (EV) toàn cầu, trong khi thị phần của các đối thủ đến từ Nhật Bản - những kẻ thống trị một thập kỷ trước - đã sụt giảm chỉ còn chưa đến 5%.
Khoảng cách đáng quan ngại đó giữa Nhật Bản và phần còn lại của thị trường xuất phát một phần từ thành công vang dội của các mẫu ô tô hybrid - niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô đất nước mặt trời mọc - và sự thật rằng Nhật Bản chẳng hề có tham vọng cạnh tranh trên lĩnh vực EV.
Dựa trên dữ liệu từ công ty thông tin thị trường MarkLines, các hãng ô tô Trung Quốc nắm trong tay 40% thị phần thị trường EV, trong khi Mỹ và châu Âu lần lượt là 30% và 20%.
Doanh số EV toàn cầu tính từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay là 6,8 triệu xe - tăng 50% so với năm 2021. Số lượng EV bán ra trong năm 2022 chiếm 10% tổng số ô tô nói chung, so với chỉ 6% vào năm ngoái.
Các hãng ô tô Trung Quốc, như BYD, đã bán được tổng cộng 2,9 triệu EV trong năm nay. BYD còn tấn công các thị trường châu Á thay vì chỉ quẩn quanh ở sân nhà Trung Quốc, vốn là thị trường EV lớn nhất thế giới. Các hãng EV Mỹ, dẫn đầu bởi Tesla, đã bán được khoảng 2,1 triệu EV. Về phía châu Âu, với những tên tuổi như Volkswagen và Renault, số lượng EV bán ra là khoảng 1,2 triệu chiếc.
Trong khi đó, các hãng ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda, và Nissan, chỉ bán được khoảng… 200.000 EV trong năm 2022 - tương đương với từ 2 - 3% tổng số EV bán ra thị trường - và nhiều khả năng sẽ khép lại năm 2022 dưới mức 5%.

Xe hybrid thành công đã khiến Nhật Bản mờ mắt, giờ thì họ tụt hậu giữa làn sóng xe điện
Ô tô điện Toyota bZ Compact SUV Concept tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2022
Nhưng vào năm 2010, bức tranh từng rất khác biệt, khi mà doanh số EV toàn cầu chỉ khoảng vài ngàn hoặc vài chục ngàn xe mỗi năm. Nhật Bản lúc bấy giờ kiểm soát khoảng 70 - 90% thị trường. Năm 2009, Mitsubishi Motors tung ra mẫu i-MiEV, được xem là mẫu EV được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới. Năm 2010, Nissan tiếp bước với mẫu Leaf.
Tại sao họ lại hụt hơi, để rồi nhìn Trung Quốc và Mỹ chiếm lấy thị trường? Một lý do là giá trị nhìn nhận của EV, loại xe có động cơ không phát thải carbon dioxide, ngày càng được đề cao trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh nỗ lực chống biến đổi khí hậu. EV còn có cơ cấu đơn giản với ít thành phần hơn ô tô chạy xăng truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho các tên tuổi mới nổi như Tesla và BYD xâm nhập thị trường.
Lý do thứ hai là sự quay lưng của thị trường đối với các mẫu xe hybrid. Trước năm 2015, động cơ diesel với khả năng tiết kiệm nhiên liệu tiên tiến được xem là một giải pháp hữu hiệu để giảm phát thải. Nhưng scandal của Volkswagen ngay trong năm này đã nhanh chóng đẩy các hãng ô tô về phía EV.
Các hãng ô tô ngoài Nhật Bản cũng tránh cạnh tranh trong thị trường hybrid, nơi những ông lớn như Toyota đã dẫn đầu với một khoảng cách đáng kể. Chính phủ các nước châu Âu "chống lưng" cho xu hướng EV, và lập tức ban bố nhiều quy định nhằm xóa sổ ô tô động cơ xăng, bao gồm các mẫu hybrid, khỏi thị trường vào năm 2030.
Cùng lúc đó, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc triển khai các chương trình ưu đãi thuế cho các phương tiện phát thải thấp, bao gồm hybrid, EV, và các phương tiện dùng pin nhiên liệu.
Các hãng ô tô Nhật Bản nhìn nhận hybrid có thể là một chiến lược hiệu quả hơn EV xét về mặt doanh số, một phần vì chi phí sản xuất pin EV lúc bấy giờ còn khá cao. Và vì Nhật Bản chậm chân hơn nhiều so với châu Âu trong ứng dụng năng lượng tái tạo, ý tưởng sạc pin EV bằng điện từ các nhà máy năng lượng than của Nhật Bản chắc chắn chẳng giúp ích cho mục tiêu giảm phát thải ròng carbon của nước này.
Dù sao đi nữa, Nhật Bản cũng chỉ chiếm khoảng 5% thị phần thị trường ô tô toàn cầu. Nếu các hãng ô tô nước này tập trung vào hybrid để phục vụ thị trường nội địa, họ sẽ đứng trước nguy cơ bỏ lỡ xu thế toàn cầu. Và đó là lý do mà đến nay, các công ty Nhật Bản mới muộn màng chuyển sang EV, trong đó Honda dự tính sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn ô tô chạy xăng vào năm 2040.
EV hiện chiếm khoảng 10% số lượng ô tô bán ra trên toàn cầu, so với chỉ chưa đầy 1% vào năm 2010, khi Nhật Bản còn là một vị vua kiêu hãnh.

Tham khảo: Nikkei
>> Hãng xe máy lớn nhất thế giới "tất tay" vào xe điện: đầu tư 40 tỷ USD cho phát triển, điện khí hóa toàn bộ ô tô lẫn xe máy
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top