Xu hướng “sống tối giản số”: nhiều thanh niên bắt đầu từ bỏ smartphone

Smartphone đồng nghĩa với sự tiện lợi. Nhưng khi một số ứng dụng hữu ích bắt đầu “lấn sân” để cung cấp cho người dùng những dịch vụ chẳng mấy liên quan đến mục đích ban đầu - ví dụ như ứng dụng giao nhận thức ăn lại cho vay, hay ứng dụng đi xe ké triển khi thêm tính năng… tìm người yêu - Leon nhận ra đã đến lúc phải dừng lại.
Thanh niên 29 tuổi đến từ Vũ Hán đã tắt ngay chiếc iPhone và quyết định từ bỏ smartphone vào tháng 3/2021. Nhà tư vấn sáng tạo này chọn mua một chiếc điện thoại “cục gạch” tên Light Phone 2 để thay thế, và sau đó chuyển sang một chiếc điện thoại khác còn tối giản hơn, Punkt MP02, đồng thời sắm thêm một cuốn sổ tay, và không quên mang theo bên mình thẻ căn cước, vé phương tiện công cộng, đèn pin, thẻ ngân hàng… những thứ vốn từng được tích hợp gọn gàng vào smartphone.
Xu hướng “sống tối giản số”: nhiều thanh niên bắt đầu từ bỏ smartphone
Những chiếc điện thoại tối giản mà Leon sử dụng
Cứ ngỡ chỉ thử nghiệm một tháng rồi thôi, nay Leon đã thay đổi hoàn toàn lối sống.
“Smartphone lẽ ra phải mang lại cho chúng ta sự tiện lợi, nhưng dùng chúng cứ như ăn cơm trộn cát vậy” - Leon nói. “Là một người theo chủ nghĩa tối giản số, mục tiêu của tôi là tìm ra những công nghệ mình thực sự cần sau khi loại bỏ chúng hoàn toàn”.
Quãng thời gian rời xa smartphone kéo dài một năm rưỡi của Leon hiện là một xu hướng đang nổi trong số nhiều thanh niên Trung Quốc muốn theo đuổi “chủ nghĩa tối giản số”, một thuật ngữ được đưa ra vào năm 2019 bởi nhà văn kiêm giáo sư khoa học máy tính người Mỹ Cal Newport. Trong cuốn sách cùng tên, ông đã viết về triết lý sử dụng công nghệ nhằm giúp con người tập trung vào một vài dịch vụ trực tuyến được chọn lọc kỹ càng, trong khi tối ưu phần thời gian còn lại vào những điều được cho là giá trị hơn.
Tại Trung Quốc, trong bối cảnh tình trạng nghiên smartphone đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết - theo một nghiên cứu năm 2021, quốc gia này có số người sử dụng smartphone cao nhất trong 24 quốc gia được khảo sát. Sự bùng nổ của nhiều diễn đàn “chủ nghĩa tối giản số” trên các nền tảng mạng xã hội như Douban cho thấy có hàng chục ngàn người đã lựa chọn hướng đi mới mẻ này. Tại đó, họ cùng chia sẻ những câu chuyện về quá trình “kiêng” mạng xã hội và các hoạt động khác, từ hạn chế thời gian trực tuyến, gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết, đến chuyển sang các thiết bị điện tử đơn giản hơn.
Tôi không còn lướt mạng xã hội mỗi ngày như trước nữa, và tôi không còn cảm giác sợ bỏ lỡ thứ gì nếu không kiểm tra nó thường xuyên” - theo một người dùng Douban đã tắt tính năng mạng xã hội trên ứng dụng nhắn tin WeChat gần 2 năm trước. “Thế giới vẫn tiếp diễn như thường lệ khi tôi không lướt mạng xã hội. Mọi người vẫn bận rộn với công việc của họ”.
Nhưng Leon không chỉ giảm thiểu thời gian dùng smartphone - anh là một trong số ít những người từ bỏ hoàn toàn công nghệ. Anh đang sử dụng một chiếc điện thoại tối giản, chỉ có chức năng gọi điện, gửi tin nhắn, hoặc đặt báo thức, trong suốt 20 tháng qua; từ đó trở thành một kẻ ngoại đạo trong cuộc cách mạng kỹ thuật số của Trung Quốc vốn đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Có nghĩa là anh ít nhiều phải dựa vào những thứ tưởng chừng đã lùi vào quá khứ. Anh sử dụng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng thay cho các dịch vụ thanh toán số như WeChat và Alipay, ngay tại một quốc gia nơi 8/10 người trưởng thành thực hiện các giao dịch trực tuyến vào năm ngoái; anh cũng tự đi đến cửa hàng rau củ để mua lương thực - tất cả những hoạt động thường ngày mà mọi người đã quen làm bằng cách chạm vào màn hình điện thoại!
Sử dụng những công cụ với chức năng đơn giản có thể khiến tôi nhận thức rõ hơn mục đích của hành vi mình đang thực hiện” - anh nói. “Nếu tôi muốn làm thứ gì đó, tôi sẽ chỉ sử dụng công cụ được thiết kế cho tác vụ đó”.
Nhưng anh thừa nhận rằng đó là một trải nghiệm “mệt mỏi” trong đoạn video chia sẻ trên website Bilibili hồi tháng 5 vừa qua - Leon sử dụng camera để ghi lại video, và dùng laptop để đăng chúng lên website này, và hiếm khi xem các nội dung khác. Không bị làm mất tập trung bởi những thứ trực tuyến, Leon cho biết bản thân để ý nhiều hơn đến môi trường xung quanh.
“Ban đầu, tôi không có ý định ngừng sử dụng smartphone trong hơn một năm, mà chỉ định thử một tháng thôi” - anh nói, nhấn mạnh thêm rằng thay vì vọc điện thoại, nay anh sử dụng thời gian rảnh rỗi để làm những việc tưởng “nhàm chán” như cho chim ăn trên khung cửa sổ, sửa một chiếc máy ảnh phim hay một máy đánh chữ đã qua sử dụng, hoặc đơn giản là chỉ nằm nghỉ ngơi.
Tôi chuyển từ sợ bị lỡ mất mọi chuyện sang tận hưởng cảm giác bỏ lỡ mọi chuyện - tôi trở nên ít quan tâm đến những thành tựu và tính hiệu quả” - anh nói. “Tôi bỏ lỡ vài tin nhắn, hoặc tốn thời gian hơn với việc nhắn tin, nhưng điều đó không thực sự quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của tôi”.
Xu hướng “sống tối giản số”: nhiều thanh niên bắt đầu từ bỏ smartphone
Anh thay thế smartphone bằng những thứ truyền thống.
Tuy nhiên, hệ thống ngăn chặn virus được Trung Quốc số hóa để truy tìm và theo dấu người nhiễm COVID-19 đã gây nên nhiều thách thức với những người không có smartphone. Hầu như ai cũng cần mã sức khỏe điện tử với các màu như đèn giao thông để có thể đến nơi công cộng, sử dụng phương tiện công cộng, và thậm chí là test PCR, đồng thời phải dùng một mã riêng để ghi nhận lịch sử di chuyển.
Leon nói rằng anh tìm cách “lách” bằng cách sử dụng thẻ căn cước để test PCR và in mã sức khỏe để tiện sử dụng. Anh cũng biến chiếc iPod touch - một sản phẩm đã hết đát của Apple - để kết nối Wi-Fi và hiển thị mã sức khỏe của mình, vốn là yêu cầu phải có nếu muốn di chuyển bằng máy bay hoặc tàu lửa.
Đại dịch khiến cuộc sống không có smartphone trở nên khó khăn hơn” - anh nói. “Chiếc iPod mang lại cho tôi cảm giác an toàn khi phải đối mặt với những tình huống bất ngờ trong các chuyến công tác đến các thành phố và các tỉnh khác, những nơi áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát virus khác nhau”.
Hiện tại, Leon chưa có dự định quay lại với smartphone. Anh vẫn tìm đủ mọi cách để thay thế mọi tính năng mà các thiết bị hiện đại mang lại - và may thay chuyện diễn ra khá suôn sẻ.
Tôi không bị thu hút và đánh lừa bởi thiết kế gây nghiện của smartphone nữa. Chủ nghĩa tối giản số bản thân nó không quan trọng. Quan trọng là đối mặt với chính bạn và biết được những công nghệ nào thật sự cần thiết cho bạn”.
Tham khảo:
SixthTone
>> Ét-Ô-Ét: "Nghiện smartphone" có thể làm suy kiệt sức khỏe tinh thần các "bông tuyết" Gen Z
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top