VnReview
Hà Nội

Nhật Bản tham vọng đưa người lên sao Hỏa định cư

Trước bối cảnh làn sóng quan tâm của dư luận nổi lên đối với lĩnh vực du hành vũ trụ, Nhật Bản đã cho thành lập một trung tâm nghiên cứu khoa học vũ trụ và chính thức gia nhập vào cuộc đua khám phá không gian.

Trong các bộ phim khoa học viễn tưởng lấy đề tài về việc con người sinh sống trên sao Hỏa, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh một cấu trúc kỳ lạ mọc lên từ sa mạc đỏ cằn cỗi. Nơi đó có con người sinh sống cùng những tòa nhà, thực vật cây cối xanh tương, đầy cỏ và những con thuyền lướt trên làn nước xanh biếc mát mẻ.

Tất cả những hoạt cảnh đó đã được tái hiện tại buổi khai trương Trung tâm Vũ trụ học Con người (HSC) của Đại học Kyoto, cho thấy tầm nhìn triển vọng về việc sống trên sao Hỏa.;

Hàng loạt các chương trình đã được vạch ra trong một năm trở lại đây, như sứ mệnh Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), mong muốn phóng chuyến bay chở phi hành đoàn đầu tiên của Mỹ lên Mặt Trăng kể từ sau loạt nhiệm vụ Apollo.

Đó là chưa kể việc gần đây, hàng loạt các công ty hàng không vũ trụ tư nhân nổi lên, như Virgin Galactic của Richard Branson, Blue Origin của Jeff Bezos, hay SpaceX của Elon Musk. Tất cả đều có chung một mục tiêu là đưa con người tiến gần hơn đến lĩnh vực du hành không gian, HSC viện dẫn để cho thấy việc con người tồn tại trên sao Hỏa là hoàn toàn thuyết phục.

Theo Nikkei, HSC được thành lập vào tháng 10 năm ngoái và chính thức đi vào hoạt động sau 8 tháng, tức tháng 6 vừa qua, với mục đích thúc đẩy sự đóng góp của Nhật Bản trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến cần thiết để loài người không chỉ dừng lại ở việc phiêu lưu, khám phá vũ trụ mà còn sống xa Trái đất.

Viễn cảnh xây dựng công trình ngoài Trái Đất là một trong năm lĩnh vực nghiên cứu chính của trung tâm. Đó là thiết lập môi trường sống với trọng lực nhân tạo giống với Trái Đất, được xem như thách thức lớn mà HSC đang thực hiện với nhà thầu nghiên cứu Kajima.

Trọng lực thấp của Mặt Trăng và sao Hỏa, tương ứng với 1/6 và 1/3 so với trọng lượng Trái Đất, khiến cho việc duy trì và xây dựng khối lượng cơ, xương của cơ thể trở nên khó khăn hơn. Trung tâm sẽ theo đuổi nhiều ý tưởng khác nhau để giải quyết bài toán này. Có vậy, các nhà du hành vũ trụ nói riêng và nhân loại nói chung mới có thể thích nghi khi tiến ra ngoài bề mặt Trái Đất.

Các chủ đề nghiên cứu của trung tâm cũng bao gồm việc sử dụng gỗ trong không gian, tác động của bức xạ, giáo dục không gian và công nghệ khám phá vũ trụ và trái đất.

Theo Giám đốc trung tâm Yosuke Yamashiki, những lĩnh vực này được lựa chọn dựa trên "tiềm năng tận dụng thế mạnh công nghiệp của Nhật Bản trong lĩnh vực không gian". Vốn là quốc gia chưa thực hiện bất kỳ sứ mệnh độc lập nào ngoài không gian, các trường đại học và ngành công nghiệp Nhật Bản sẽ hợp lực để khám phá con đường phù hợp để tham gia vào cuộc đua với các nước lớn.

Hiện tại, các thành viên của trung tâm vũ trụ Nhật Bản bao gồm các quan chức từ NASA, bên cạnh các phi hành gia Nhật Bản Naoko Yamazaki và Takao Doi, giữ vai trò cố vấn chuyên môn.

Ngoài nghiên cứu và phát triển, một lĩnh vực quan trọng khác mà HSC hướng đến là nuôi dưỡng các tài năng, nguồn nhân lực non trẻ. Chương trình đào tạo không gian sẽ bao gồm cả bài giảng và giáo dục thực hành.

Năm 2019, Đại học Kyoto đã tổ chức hội trại về vũ trụ kết hợp cùng Đại học Arizona ở Mỹ cho các học viên. Song đại dịch Covid-19 buộc kế hoạch phải được tiến hành riêng biệt ở Nhật Bản và Mỹ trong năm 2020. Ở đó, các sinh viên chưa tốt nghiệp từ cả hai bên bờ Thái Bình Dương sẽ dành thời gian tại một vùng sinh quyển trên cạn để nghiên cứu xem liệu môi trường Trái Đất có thể được tái tạo và mang ra ngoài sao Hỏa hay không.

Nhìn chung, khi Nhật Bản tăng cường thúc đẩy nghiên cứu để đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề chinh phục Mặt Trăng và sao Hỏa, chúng ta có thể bắt đầu thấy sự trở lại không gian sâu thẳm của nhân loại sẽ dệt nên giấc mơ đa văn hóa về sự thịnh vượng chung cho toàn cầu. Đồng thời, lĩnh vực nghiên cứu khoa học ngày càng được củng cố, đảm bảo an toàn trong việc quản lý sức khỏe con người, cũng như tìm kiếm các phương tiện hữu ích để giúp nhân loại có thể cùng lúc sinh sống ở hai hành tinh.

Ngọc Diệp (Theo Nikkei)

Chủ đề khác