Nằm trong dòng sản phẩm laptop gaming của MSI nhưng trên thực tế, mẫu Stealth 15M sẽ là cái tên hàng đầu cho những người dùng đang tìm kiếm sự cân bằng giữa làm việc và giải trí, cùng một thiết kế "khó đụng hàng".
"Gaming Ultrabook" đang ngày càng trở thành một thuật ngữ phổ biến, còn những chiếc laptop gaming cồng kềnh hàng vài kg thì dần lùi vào dĩ vãng, nhờ sự phát triển không ngừng của công nghệ. Một trong những cái tên đình đám nhất thị trường gaming ultrabook chính là MSI với dòng Stealth của mình, và mới đây, hãng đã cho ra mắt biến thể mới nhất trang bị chip Intel Core I thế hệ thứ 11 có tên gọi Stealth 15M, cũng là nhân vật chính của bài viết này.
Có mức giá khoảng 32 triệu đồng, MSI Stealth 15M sẽ cạnh tranh với những cái tên như Asus ROG Zephyrus GA502IV, Lenovo Legion 5P hay Dell G5 5500. Nếu tính cả hàng xách tay, nhập khẩu, Razer Blade Stealth cũng là một cái tên mà MSI Stealth 15M cần lưu ý.
Cơ thể "trắng ngần", "mi nhon" đáng ghen tỵ
Khác với đa số laptop gaming trên thị trường sở hữu thiết kế hầm hố, tông màu đen chủ đạo, Stealth 15M được MSI khoác trên mình lớp vỏ trắng ngần mà hãng gọi là Pure White. Các góc cạnh máy được bo cong mềm mại, nên nhìn tổng thể, MSI Stealth 15M trông giống một chiếc ultrabook cho dân văn phòng hơn là laptop gaming.
Toàn bộ lớp vỏ của máy đều được làm từ hợp kim nhôm-magie, phủ một lớp carbon chống xước. Nhờ đó, MSI Stealth 15M có trọng lượng chỉ 1,69 kg, một con số đáng nể với một laptop gaming 15.6 inch có card đồ họa rời. Độ dày của MSI Stealth 15M là 16mm, nhỉnh hơn các đối thủ Asus ROG Zephyrus GA502IV (19mm), Lenovo Legion 5P (25.8mm), Dell G5 5500 (24.95mm) và chỉ chịu thua Razer Blade Stealth (15.3mm) nhưng chiếc laptop này chỉ có màn hình 13 inch.
Màu trắng của MSI Stealth 15M đẹp và độc đáo, nhưng cũng rất tốn công sức để giữ gìn. Những vệt mồ hôi dễ thấy hơn và sẽ lưu lại nếu không xử lý nhanh chóng, và vỏ máy tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với những bề mặt có chứa bụi dù chỉ là nhỏ nhất.
Bản lề của MSI Stealth 15M được đặt ra ngoài cùng mép máy, một phương án người viết đánh giá không thực sự tối ưu khi chúng có thể bị tác động bởi ngoại lực. Nắp máy có thể mở theo góc 180 độ với thân cho nhu cầu chia sẻ nội dung khi hội họp, và người dùng có thể mở máy bằng một tay dễ dàng.
Với kích thước mỏng nhẹ như vậy, MSI Stealth 15M được dành rất nhiều diện tích máy cho mục đích tản nhiệt. Bên trong máy là hệ thống tản nhiệt Cooler Boost 5 độc quyền của MSI, còn bên ngoài là những lỗ thoát nhiệt dạng tổ ong xuất hiện ở cả mặt trên và dưới. Cùng lúc, hai bên hông máy là các hốc thoát nhiệt, và thú vị là MSI thiết kế chúng vuông vắn giống hệt như cổng USB-A, và bản thân người viết cũng đã cắm nhầm chuột vào hốc này vì… nhầm.
Số lượng cổng kết nối của MSI Stealth 15M cũng không được "trù phú", khi đây là thứ đầu tiên phải chấp nhận hy sinh để có thiết kế mỏng nhẹ, và MSI đã dành lượng lớn diện tích cho tản nhiệt. Ở bên trái, chúng ta có một cổng USB-A 3.2 gen 1, jack combo 3.5mm, khe thẻ microSD và cổng sạc. Phía bên kia, MSI Stealth 15M có thêm một cổng USB-C tích hợp Thunderbolt 4 mới nhất, một cổng USB-A 3.2 Gen 1 và một cổng HDMI 2.0. Việc máy vẫn giữ cổng HDMI là một điểm cộng, khi nếu bạn cần chỉnh sửa ảnh thì có thể kết nối với màn hình rời.
Chất lượng hiển thị: Chú trọng vào gaming
MSI Stealth 15M trang bị màn hình 15,6 inch, độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel), tấm nền IPS tỷ lệ 16:9 truyền thống. Về tần số quét, máy có hai phiên bản 60Hz và 144Hz, tất nhiên là game thủ chúng ta sẽ muốn mua phiên bản tần số quét cao để trải nghiệm cuộn vuốt tốt hơn, cũng như giảm hiện tượng bóng mờ. Độ sáng của màn hình là 250 nit với một lớp phủ matte để hạn chế hình ảnh phản chiếu giúp bạn tập trung vào chơi game.
Hiển thị nội dung, MSI Stealth 15M cho màu sắc tươi tắn, góc nhìn rộng, không bị biến dạng màu khi nhìn chếch, tuy nhiên độ lệch màu rộng – tấm nền chỉ bao phủ khoảng 60% không gian màu sRGB nên không phù hợp để chỉnh sửa ảnh và video, dù sao thì đây cũng không phải tác vụ chính của MSI Stealth 15M. Tần số quét 144Hz phát huy tối đa tác dụng khi chơi những tựa game tiết tấu nhanh như CSGO, Apex Legends, nhưng ngay cả những tựa game MOBA như Liên Minh Huyền Thoại cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt.
Viền màn hình của MSI Stealth 15M không "siêu mỏng" như các ultrabook hiện nay, đặc biệt là viền dưới dày, nhưng đó là dụng ý của nhà sản xuất, khi nội dung hiển thị ở các góc dưới sẽ không bị che chắn bởi tay bạn lúc thao tác trên bàn phím. Phía cạnh trên có webcam độ phân giải HD 720p, không có tính năng đặc biệt như Windows Hello nhận diện khuôn mặt, nhưng người dùng có thể tắt webcam khi không sử dụng bằng phím tắt trên máy.
Về âm thanh, MSI Stealth 15M sử dụng loa kép tổng công suất 4W, chuẩn Hi-Res Audio tích hợp công nghệ Nahimic 3. Trải nghiệm thực tế, cặp loa này có âm lượng lớn, chất âm trong trẻo, nhưng để chơi game nghiêm túc thì bạn vẫn nên đầu tư một bộ tai nghe "xịn xò".
Bàn phím đẹp, LED RGB lung linh, trải nghiệm gõ tốt
Do phải hy sinh diện tích cho phần tổ ong tản nhiệt, bàn phím MSI Stealth 15M khá hẹp so với kích thước 15,6 inch của máy. Các phím xếp san sát nhau, hành trình di chuyển khi gõ ngắn hơn nhưng lại dễ bị nhấn nhầm. Phím Control trái được làm to gấp đôi bình thường, trong khi phím Function lại bị giảm nửa kích thước và đặt sang bên phải, tiện lợi cho việc chơi game nhưng sẽ có chút phiền toái khi thao tác sử dụng hàng ngày.
Phông chữ trên keycap của MSI Stealth 15M gọn gàng, bên dưới là các bóng đèn LED RGB mà người dùng có thể tùy biến thông qua ứng dụng Mystic Light trong Dragon Center của MSI. Ở độ sáng tối đa, đèn LED RGB vẫn dịu mắt, không gây chói khi sử dụng ban đêm. Đáng tiếc rằng chúng chỉ là LED một vùng, không thể tùy biến màu cho từng phím.
Về trải nghiệm gõ phím, MSI Stealth 15M có hành trình phím khoảng 1mm, độ nảy tốt, có thể cảm nhận được "khấc" phản hồi (tactile) dù không cứng và chắc như bàn phím HP Spectre hay Lenovo ThinkPad mà mềm hơn. Nếu phải so sánh, nó giống với trải nghiệm gõ trên các laptop của Asus như ZenBook hay VivoBook.
Trackpad của máy tuy có kích thước nhỏ và nhiều khả năng ít được sử dụng (là game thủ chân chính, chúng ta dùng chuột rời!) vẫn cho cảm giác mượt mà, chính xác nhờ được phủ kính và hỗ trợ đầy đủ driver Windows Precision.
Hiệu năng mạnh mẽ, tản nhiệt hiệu quả
Đừng để bị đánh lừa bởi thân hình mỏng nhẹ, MSI Stealth 15M sở hữu cấu hình phần cứng đáng nể với CPU Intel Core i7-1185G7 Tiger Lake, 16GB RAM Dual Channel (có thể nâng cấp lên 32GB), 512GB SSD NVMe cùng card đồ họa GTX 1660Ti Max-Q. Chưa rõ trong thời gian tới MSI có ra mắt phiên bản dùng chip xử lý Ryzen hay không.
Bên trong phần mềm Dragon Center, người dùng có thể lựa chọn thiết lập hiệu năng cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình (Extreme Performance, Balanced, Battery Saving,…). Trong phần đánh giá hiệu năng, người viết luôn để máy ở tùy chọn Cân bằng (balanced), cắm sạc để đảm bảo hiệu năng.
Với phần mềm đo hiệu năng render CPU Cinebench R23, MSI Stealth 15M đạt 1.486 điểm đơn nhân và 6.242 điểm đa nhân
PCMark 10 đo hiệu năng tổng thể của máy. MSI Stealth 15M đạt 5.414 điểm
3DMark giả lập hiệu năng khi chơi game. Người viết chọn hai bài test là FireStrike Extreme (2K DX11) và TimeSpy (2K DX12). Với FireStrike Extreme, MSI Stealth 15M đạt 2.825 điểm hỗn hợp (combined score), còn Time Spy thì máy đạt 5.490 điểm CPU và 3.853 điểm đồ họa. Theo ước tính của 3D Mark, những con số này tương đương với khả năng chơi Battlefield V ở độ phân giải 2K Ultra với fps trung bình trên 45
GeekBench 5 đo hiệu năng CPU và GPU. Core i7-1185G7 của MSI Stealth 15M đạt 1.536 điểm đơn nhân và 5.499 điểm đa nhân, trong khi GPU GTX 1660Ti Max-Q đạt 16.744 điểm
Về lưu trữ, MSI Stealth 15M trang bị SSD 512GB NVMe PCIe. Khi đo bằng phần mềm Crystal Disk Mark, SSD này sở hữu tốc độ đọc/ghi tuần tự lên tới 2167 MB/s và 1128 MB/s. Các tác vụ từ khởi động Windows đến truy xuất ứng dụng nặng Photoshop, Lightroom, chơi game đều được hoàn thành một cách nhanh chóng, gần như không có độ trễ.
Card đồ họa GTX 1660Ti Max-Q về cơ bản có thể chơi được gần như mọi tựa game ở thời điểm hiện tại với độ phân giải Full HD. Do thời gian trải nghiệm có hạn, người viết tranh thủ ghi lại quá trình chơi game Liên Minh Huyền Thoại với Nvidia Shadowplay. Thiết lập đồ họa cao nhất, bản đồ ARAM giao tranh liên tục không thể làm khó được MSI Stealth 15M, và số khung hình trên giây còn cao hơn khi không ghi hình.
MSI Stealth 15M tích hợp hệ thống tản nhiệt Cooler Boost 5 độc quyền của MSI, gồm 2 quạt tản nhiệt và 5 ống đồng dẫn nhiệt. Khi chơi game nặng hay render, nhiệt độ của các linh kiện như CPU hay GPU có thể lên cao, nhưng chúng sẽ hạ xuống một cách nhanh chóng khi quạt tản nhiệt bắt đầu hoạt động mà không cần phải hạ xung quá nhiều, đánh đổi bằng tiếng ồn khá lớn.
Thời lượng pin trung bình, sạc nhanh
Với một cỗ máy cấu hình mạnh, hiển nhiên chúng ta sẽ không chơi game trên pin mà sẽ cắm sạc để đảm bảo hiệu năng tối đa. Dù vậy, với những nhu cầu nhẹ nhàng khi chúng ta cần mang máy ra ngoài, MSI Stealth 15M vẫn trang bị viên pin 52 Whr, đủ để sử dụng từ 3-4 tiếng.
Đi kèm máy là adapter sạc có công suất lên tới 150W, trong khi các ultrabook hiện nay chủ yếu có công suất 60W. Tính riêng công suất tiêu thụ của chiếc GPU 1660Ti Max-Q đã là 60W, công suất sạc cao như vậy là cần thiết. Ở trạng thái máy nghỉ, để sạc đầy cho MSI Stealth 15M chỉ mất chưa tới một tiếng.
Tổng kết
Một trong những laptop gaming mỏng nhẹ nhất hiện nay, MSI Stealth 15M còn gây ấn tượng với thiết kế tông màu trắng tinh tế khó "đụng hàng", màn hình tần số quét cao và hiệu năng mạnh mẽ trong tầm giá. Có những điểm mà MSI có thể làm tốt hơn, chẳng hạn như cho phép tùy biến LED từng phím hay màn hình độ sáng cao hơn, nhưng nhìn chung thì chúng không ảnh hưởng tới trải nghiệm tổng thể quá nhiều hay làm lu mờ đi các điểm mạnh rõ rệt của MSI Stealth 15M.
Hoàn Đặng