Sau 4 năm "bặt vô âm tín tại Việt Nam", hãng điện thoại Trung Quốc OnePlus tiếp tục có sự trở lại mạnh mẽ với mẫu flagship OnePlus 8T 5G nhằm đối đầu với các đối thủ sừng sỏ như iPhone 12, Galaxy Note 20.
Vào hồi cuối tháng 8 vừa qua, OnePlus đã có màn "comeback" rầm rộ tại thị trường Việt Nam sau 4 năm vắng bóng bằng mẫu flagship OnePlus 8 Pro 5G với mức giá 23,99 triệu đồng cùng sản phẩm cận cao cấp OnePlus Nord 5G (13,99 triệu). Chưa đầy 2 tháng sau, hãng điện thoại Trung Quốc tiếp tục đưa mẫu flagship OnePlus 8T 5G về Việt Nam, chỉ ít ngày sau khi có sự kiện ra mắt trực tuyến tại thị trường quốc tế.
OnePlus 8T 5G hiện có giá 17,49 triệu đồng, bán độc quyền tại hệ thống Thế Giới Di Động.
Thiết kế trở lại với mặt lưng kính bóng, màn hình phẳng, không còn khả năng chống bụi, chống nước
OnePlus 8T có sự thay đổi lớn về thiết kế so với 8 Pro. Máy trở lại với mặt lưng kính bóng Gorilla Glass 5 truyền thống thay vì kính mờ như đàn anh dù vẫn sử dụng tông màu xanh ngọc lạ mắt và khung kim loại cứng cáp. Cũng nhờ tông màu sáng sủa này nên dù lưng bóng nhưng OnePlus 8T không để lộ vết mồ hôi, dấu vân tay, giúp máy giữ được sự sạch sẽ, bóng bẩy.
Cụm camera mặt sau cũng chuyển sang dạng "bếp từ", trông nguy hiểm hơn hẳn cụm camera hiền lành xếp dọc chính giữa trên 8 Pro. Tuy vậy, cảm giác cầm nắm của 8T không chắc chắn và đầm tay như 8 Pro. Máy cũng không còn khả năng chống bụi, chống nước IP68.
Một điểm đặc trưng trên các máy OnePlus là nút gạt chuyên dụng để chuyển nhanh giữa các chế độ Rung – Chuông hay Im Lặng vẫn tiếp tục xuất hiện trên OnePlus 8T. Đây vốn là chi tiết được OnePlus học hỏi iPhone nhưng biến tấu đi đôi chút khi gạt theo chiều dọc và có 3 nấc thay vì gạt chiều ngang và chỉ 2 nấc như điện thoại của Apple.
Nút gạt sẽ tỏ ra hữu dụng nếu bạn thường xuyên phải làm việc, họp hành trong những môi trường yên tĩnh cần chuyển nhanh sang chế độ im lặng hay rung để không làm phiền những người xung quanh nếu có cuộc gọi đến hay thông báo. Và khi xong việc hay về nhà, bạn có thể chuyển lại chế độ chuông.
Tương tự nhiều smartphone hiện nay, OnePlus 8 Pro không có cổng 3.5mm mà sử dụng luôn cổng USB C để xuất âm thanh. Máy được trang bị loa kép, kết hợp giữa loa ngoài ở cạnh dưới và loa thoại cạnh trên để tạo hiệu ứng stereo. Chất lượng loa kép của 8T khá ấn tượng với âm lượng lớn, đủ để lấp đầy căn phòng 30 mét vuông, hiệu ứng đa kênh stereo rõ ràng. Âm thanh trầm ấm, không bị rè hay méo tiếng khi vặn lớn tối đa, mang tới trải nghiệm thú vị khi nghe nhạc, xem phim, chơi game. ;
Công nghệ âm thanh Dolby Atmos vẫn xuất hiện để tự tối ưu âm thanh cho nội dung khác nhau như phim ảnh hay âm nhạc.
OnePlus 8T hỗ trợ 2 SIM và sử dụng khay SIM hai mặt, có cả kết nối 5G thế hệ mới nhưng không có khe cắm thẻ nhớ mở rộng.
Ở mặt trước, OnePlus 8T sở hữu màn hình 6.55 inch nhỏ hơn so với 8 Pro (6.78 inch). Viền màn hình dạng phẳng không còn bo mép cong 3D như "tiền bối" và nhiều smartphone cao cấp hiện nay nhưng vẫn đảm bảo độ mỏng gọn, cho nội dung hiển thị thoáng đãng. Nhiều người không thích màn hình cạnh cong trên các mẫu flagship do dễ cảm ứng nhầm, và nếu là một trong số đó, màn hình phẳng của OnePlus 8T có lẽ sẽ là lựa chọn phù hợp với bạn.
Phụ kiện đi kèm OnePlus 8T vẫn có đầy đủ củ sạc và cáp USB, không bị cắt giảm để "bảo vệ môi trường" như cách Apple mới làm trên dòng iPhone 12. Tuy nhiên, máy vẫn không có tai nghe, giống các điện thoại của Xiaomi hay Realme (và tất nhiên là mới có cả Apple nữa).
Việc lược bỏ tai nghe thường là cách được các hãng điện thoại Trung Quốc sử dụng để cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nhưng với Apple, họ tuyên bố cắt giảm tai nghe với lý do "giảm thiểu những tác hại xấu với Trái đất" dù không hiểu sao Táo Khuyết vẫn cung cấp cáp sạc USB-C sang Lightning sẵn trong hộp.
OnePlus 8T không có ốp lựng nhựa trong như 8 Pro dù loạt tài liệu hướng dẫn sử dụng, các thông tin bảo hành, kỹ thuật hay thư ngỏ của CEO OnePlus, Pete Lau…vẫn đầy đủ. Chúng cũng được in tông màu đỏ trắng đặc trưng của hãng này cùng kiểu dáng thon dài tương tự phần vỏ hộp.
Màn hình không có gì để phàn nàn, độ sáng cao, màu sắc tươi tắn, hiển thị mượt mà
Giống như 8 Pro, 8T vẫn sử dụng màn hình Fluid AMOLED nốt ruồi với tần số quét 120Hz, hỗ trợ HDR10+, vân tay trong màn hình nhưng độ phân giải giảm xuống mức FHD+ thay vì QHD+ như trên 8 Pro. Cảm biến vân tay của 8T là dạng quang học, cho tốc độ nhận diện nhanh, chính xác.
OnePlus tuyên bố màn hình của 8T là màn hình phẳng đầu tiên đạt xếp hạng A+ từ tổ chức DisplayMate với chỉ số chênh lệch màu sắc (JNCD) chỉ 0,3. Đồng thời, hãng khẳng định màn hình của 8T có độ sáng tối đa có thể lên đến 1.100 nits, cho hình ảnh hiển thị rõ ràng ngay cả dưới ánh nắng gắt.
Thực tế trải nghiệm cho thấy màn hình của OnePlus 8T cho chất lượng tốt, hình ảnh sáng rõ, trong trẻo, màu sắc tươi tắn, tương phản cao, góc nhìn rộng, mang tới trải nghiệm xem video, chơi game "đã" mắt. Tần số quét 120Hz giúp việc cuộn trang, đóng mở ứng dụng, chuyển đổi đa nhiệm rất mượt mà. Màn hình này cũng có độ sáng tốt, nhìn rõ ngoài trời nắng gắt mà không gặp vấn đề gì. Độ phân giải Full HD+ trên kích thước 6.55 inch vẫn đảm bảo độ nét, chi tiết tốt.
Giống nhiều điện thoại hiện nay, màn hình của 8T được dán sẵn tấm dán màn hình dạng film mỏng để chống xước nhưng sẽ gây cấn tay khi vuốt mép vì không bao được hết các phần mép cong. Nếu không quá lo lắng về các vết trầy xước bạn nên tháo tấm dán màn hình này để trải nghiệm vuốt mép êm tay hơn.
Máy cung cấp khá nhiều tùy chỉnh màu sắc màn hình. Ngoài các chế độ quen thuộc như Sống động, Tự nhiên, còn có thể tinh chỉnh màu theo chuẩn sRGB hay DCI P3. Máy cũng có thể tự động tăng cường màu sắc và tương phản khi xem video. Nếu thích tông màu rực rỡ, nịnh mắt, bạn có thể thử bật tính năng này lên. Tính năng làm mượt hình ảnh chuyển động từng có trên 8 Pro đã không còn được trang bị trên OnePlus 8T.
Ngoài ra, OnePlus 8T có chế độ Đọc để tối ưu hình ảnh khi đọc sách, tự chuyển màn hình thành dạng đen trắng hay màu nhạt để đọc sách đỡ mỏi mắt, gần giống như các màn hình e-ink trên các máy đọc sách chuyên dụng.
Chip không phải mới nhất, mạnh nhất nhưng vẫn thừa đủ để "cân" tốt mọi game nặng hiện nay
Về cấu hình, OnePlus 8T giữ nguyên toàn bộ thông số từ 8 Pro với vi xử lý cao cấp Snapdragon 865, 12GB RAM LPDDR4X và 256 GB bộ nhớ trong chuẩn UFS 3.1, không có khe cắm thẻ nhớ. Snapdragon 865 không phải là vi xử lý mới nhất hay mạnh nhất trong thế giới Android hiện nay (vị trí đó đã thuộc về Snapdragon 865+) nhưng đây vẫn là cấu hình thuộc dạng "đụng nóc". Thực tế trải nghiệm, máy cho tốc độ phản hồi cực kỳ nhanh nhẹn, trơn tru, không có gì để phàn nàn.
Các điểm số benchmark hay hiệu năng khi chơi game đều thể hiện rõ rệt điều này. Tôi đã thử sức OnePlus 8T với gần như mọi tựa game có đồ họa nặng nhất hiện nay trên Android như Call of Duty, PUBG, Fortnite, Liên Quân, Dead Trigger 2, Genshin Impact, Honkai Impact 3, AxE, Black Desert. Tất cả đều được OnePlus 8T cân tốt ở mức thiết lập đồ họa cao nhất, khung hình mượt mà 60fps trong cả những cảnh cháy nổ, đông quái, nhiều hiệu ứng đồ họa phức tạp.
Genshin Impact chơi mượt 60fps ở thiết lập đồ họa cao nhất
Liên Quân Mobile không thể làm khó OnePlus 8T
Call of Duty hoạt động mượt mà ở mức 60fps, thiết lập đồ họa max settings
Dead Trigger 2 cho phép bật 120fps nhưng OnePlus 8T vẫn chỉ cho chạy ở tối đa 60fps
Điểm đáng khen khác là OnePlus 8T cùng với một số smartphone khác của OnePlus như 8, 8 Pro còn chính thức được 2 tựa game PUBG và Fortnite mở khóa khung hình 90fps, mang tới trải nghiệm chơi game đã mắt hơn. Máy chỉ hơi ấm lên đôi chút khi chơi game, kể cả khi chơi PUBG và Fortnite ở 90fps.
Tuy nhiên, một điểm đáng tiếc là ở mọi tựa game khác, OnePlus 8 Pro lại bị khóa khung hình ở 60fps, nên không tận dụng được hết sức mạnh mà màn hình 120Hz mang lại.
OnePlus 8T hỗ trợ mạng 5G thế hệ mới nhưng hiện tại ở Việt Nam, mạng 5G vẫn chỉ mới được thử nghiệm nội bộ tại các nhà mạng nên chúng tôi chưa thể dùng thử tính năng này.
Oxygen OS nhiều cải tiến, một trong những smartphone đầu tiên cài sẵn Android 11
Điểm mấu chốt tạo nên sự nổi tiếng của OnePlus ngoài cấu hình cao, giá hấp dẫn còn ở hệ điều hành Oxygen OS. Đây là hệ điều hành tùy biến dựa vào Android được cộng đồng công nghệ thế giới đánh giá cao về độ mượt mà, gần như ngang ngửa với Android gốc trên các thiết bị Google Pixel trong khi vẫn cung cấp nhiều chế độ tinh chỉnh sâu về giao diện, tính năng. Với OnePlus 8T chính hãng Việt Nam, máy đã được cài sẵn phiên bản Oxygen OS 11 dựa trên Android 11 mới "ra lò".
Oxygen OS 11 được cải tổ lớn với nhiều thay đổi về giao diện thanh thông báo, cài đặt hệ thống, giao diện các app mặc định theo hướng tiện dụng hơn khi dùng một tay, gần giống với One UI của Samsung. Ngoài ra, Oxygen OS 11 bổ sung thêm các tính năng như Always On Display, khả năng tùy biến, đặt lịch, kích hoạt nhanh Dark Mode.
OxygenOS 11 cũng mang đến nhiều hiệu ứng động và cử chỉ mới được tối ưu hóa, cũng như nhiều tùy chỉnh về cả hiệu ứng mở khóa vân tay, sử dụng 2 viền màn hình làm đèn thông báo.
Tính năng Always On Display trên OxygenOS 11 cung cấp tới 11 tùy chọn đồng hồ mới, đáng chú ý nhất là kiểu đồng hồ dạng dòng thời gian lạ mắt, tự động thống kê số lần bạn mở khóa máy theo thời gian thực. Bạn còn có thể dùng ảnh selfie của mình để trang trí cho màn hình Always On Display theo dạng tranh vẽ. Một số tính năng đáng chú ý khác như cải tiến các cài đặt cử chỉ một tay cùng chế độ Zen Mode 2.0.
Điểm mà tôi thấy ấn tượng nhất trên OxygenOS 11 là các hiệu ứng chuyển cảnh, đóng mở ứng dụng đều diễn ra rất nhanh nhẹn, không bị rườm ra như One UI của Samsung. Giao diện hệ thống và các app mặc định như gọi điện, nhắn tin, thư viện ảnh được làm thoáng đãng, trực quan.
Sạc nhanh 65W tốc độ ấn tượng, sạc được cả laptop, pin đủ dùng một ngày với cường độ cao
Tính năng nổi bật nhất của OnePlus 8T có lẽ là sạc nhanh Warp Charge 65 với công suất củ sạc lên tới 65W. Đây là giải pháp sạc nhanh nhất từ trước đến nay của OnePlus. Hãng tuyên bố sạc Warp 65 cung cấp 58% pin chỉ trong 15 phút, và thời gian sạc đầy 100% viên pin 4500mAh của OnePlus 8T cũng chỉ mất 39 phút nhờ sử dụng công nghệ sạc pin đôi (twin-battery charging), chia đôi viên pin thành 2 cell để rút ngắn thời gian sạc.
Trong trải nghiệm thực tế của VnReview, khi sạc từ 0%, tắt máy, sau 15 phút, OnePlus 8T lên được tới 60% pin, và đạt mức 100% chỉ sau 37 phút, nhanh hơn cả tốc độ công bố của OnePlus. Trong quá trình sạc, máy và củ sạc có nóng lên nhưng không đến mức gây khó chịu. Với tốc độ sạc này, tôi không bao giờ phải sạc OnePlus 8T qua đêm. Chỉ cần đầu giờ sáng dậy cắm sạc, đi đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, quay trở lại là máy đã đầy pin.
Giống như nhiều điện thoại khác, nếu trong khi sạc bạn bật màn hình, hoặc vừa sạc vừa chơi game, xem video, tốc độ sạc sẽ giảm xuống. Vì thế, để đạt được tốc độ sạc cao nhất, bạn cần phải tắt màn hình đi, và nếu được là cả tính năng Always On Display và một số kết nối chưa dùng đến như 4G, Bluetooth, GPS.
Thực tế, công nghệ sạc Warp 65 trên OnePlus 8T chính là Super VOOC 2.0 65W tới từ "người bà con" Oppo, từng xuất hiện lần đầu trên mẫu Oppo Find X2 và X2 Pro. Bằng chứng là khi sử dụng củ sạc 65W đi kèm chiếc Find X2, OnePlus 8T vẫn nhận sạc nhanh Warp 65 và cho tốc độ sạc nhanh tương đương.
Điều thú vị là củ sạc Warp 65 trên OnePlus 8T còn tương thích với cả chuẩn sạc Power Delivery 45W nên có thể sạc nhanh cho các điện thoại lẫn laptop tương thích. Tôi đã thử với nhiều điện thoại và laptop như Galaxy Note 20 Ultra, Galaxy Z Fold 2, LG Gram, Asus ROG Zephyrus M15, tất cả đều sạc được bằng củ sạc Warp 65 của OnePlus 8T, rất tiện lợi.
Dù vậy, điểm đáng tiếc là OnePlus 8T không hỗ trợ sạc không dây, nên không thể tận dụng được bộ sạc nhanh không dây 30W Warp Charge 30 Wireless từng có mặt trên OnePlus 8 Pro, vốn có tốc sạc nhanh gần ngang ngửa so với nhiều loại sạc nhanh có dây hiện nay với 30 phút có thể sạc được 50% và sạc đầy 100% chỉ trong 75 phút.
Với viên pin 4500 mAh, OnePlus 8T cho thời lượng sử dụng tốt với khoảng 6 – 7 tiếng onscreen, cường độ sử dụng cao, WiFi, 4G, GPS bật liên tục. Các bài test pin tiêu chuẩn của VnReview ở màn hình 120Hz đều cho kết quả khả quan với 16h30 phút xem phim, 6h51 phút chơi game và 10h25 phút lướt web, ngang ngửa với các đối thủ như Galaxy S20 FE hay Xiaomi Mi 10T Pro. Nếu chuyển về tần số quét 60Hz, bạn có thể kéo dài thời lượng pin thêm một chút. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phải hy sinh độ mượt mà màn hình 120Hz mang lại.
Camera gây bất ngờ về khả năng xóa phông
Về camera, dù có thiết kế bếp từ nguy hiểm hơn đàn anh nhưng 4 ống kính mặt sau trên OnePlus 8T lại bị giảm mạnh thông số. Cụ thể, camera chính 48MP chỉ có cảm biến Sony IMX586 thay vì Sony IMX689 như của 8 Pro. Camera góc siêu rộng độ phân giải giảm xuống mức 16MP, không rõ cảm biến của hãng nào. Trong khi, 8 Pro có camera siêu rộng 48MP cảm biến Sony IMX586. Máy cũng không còn camera tele và lọc màu như 8 Pro. Thay vào đó là camera macro 5MP lấy nét cố định và camera đơn sắc 2MP để thu độ sâu.
Duy nhất camera selfie nốt ruồi được giữ nguyên thông số 16MP, cảm biến Sony IMX471.
Giao diện camera tương tự 8 Pro với tính năng quét tay từ dưới lên trên để gọi menu chuyển đổi chế độ tiện lợi, đỡ mất thời gian phải lướt qua từng chế độ, phù hợp với những người dùng nâng cao, cần truy cập nhanh vào chế độ chụp đêm hay chụp chuyên nghiệp. Máy cho phép nhấp đúp nút nguồn để mở nhanh camera giống với các smartphone Samsung.
Dù thế, lỗi dịch thuật vẫn xuất hiện trên camera của OnePlus 8T khi chế độ chụp chân dung xóa phông (Potrait) lại được dịch thành chế độ Dọc.
OnePlus 8T có tốc độ lấy nét, lưu ảnh nhanh. Chất lượng ảnh thu được trong điều kiện đủ sáng lẫn thiếu sáng đều đáp ứng kỳ vọng ở một thiết bị flagship với độ nét, chi tiết tốt, màu sắc tươi tắn, dải sáng rộng, tương phản cao.
Máy cũng có chế độ chụp đêm chuyên dụng, hoạt động cả với camera chính và camera góc siêu rộng giúp cải thiện đáng kể chi tiết, các vùng sáng tối khi chụp ảnh trong những khung cảnh cực kỳ thiếu sáng, mắt thường cũng không nhìn rõ.
Ảnh chụp thiếu sáng ở chế độ tự động bằng ống kính góc siêu rộng
Ảnh chụp thiếu sáng ở chế độ ban đêm bằng ống kính góc siêu rộng
Ảnh chụp thiếu sáng ở chế độ tự động bằng ống kính 48MP
Ảnh chụp thiếu sáng ở chế độ ban đêm bằng ống kính 48MP
Khả năng chụp xóa phông của OnePlus 8T khá ấn tượng khi cho kết quả bóc tách chủ thể tốt. Phông nền được xóa vừa phải, tự nhiên, không quá "ảo", chủ thể tách bạch, không bị lem nhem với phông kể cả ở những chi tiết khó như viền tóc, cầu vai, cánh tay.
Dù không có camera tele nhưng OnePlus 8T vẫn tự động zoom vào khoảng 2X khi chụp xóa phông, tạo nên được bố cục tự nhiên. Bạn vẫn có thể chọn mức zoom 1X khi cần chụp góc rộng hơn. Điểm có thể gây hụt hẫng là 8T không cho phép phép tùy chỉnh độ mờ phông nền trước hay sau khi chụp, và cũng không có các hiệu ứng tùy biến phông nền nào.
Camera macro 5MP lấy nét cố định chỉ là tính năng "vui vẻ". Ảnh thu được từ camera này thường có màu sắc nhợt nhạt, nhiễu hạt, dễ mờ nhòe, mất nét do phải căn nét thủ công. Sử dụng camera chính, sau đó zoom số 2 hoặc 3X còn ấn tượng hơn nhiều.
Ảnh chụp bằng camera macro 5MP
Ảnh chụp bằng camera chính 48MP zoom số 2X
Ảnh chụp bằng camera macro 5MP
Ảnh chụp bằng camera chính 48MP zoom số 2X
Việc thiếu vắng camera tele thực tế lại không phải là thiếu sót quá lớn trên OnePlus 8T. Chất lượng zoom số 2X, 3X của máy vẫn rất ổn trong điều kiện đủ sáng. Và như đã đề cập ở trên, bạn hoàn có thể sử dụng các mức zoom này để chụp ảnh cận cảnh, macro, hay chụp xóa phông với chất lượng tốt.
Ảnh chụp bằng camera chính 48MP
Ảnh chụp zoom 2X từ camera 48MP
Chất lượng ảnh selfie từ camera "nốt ruồi" 16MP trên OnePlus 8T cho màu sắc tươi tắn, độ nét, chi tiết tốt, không hề có xu hướng "cà" mặt như những người bàn con Oppo hay Vivo. Nếu cần che bớt các nếp nhăn, nốt mụn hay những khuyết điểm khác trên khuôn mặt, bạn có thể sử dụng chế độ làm đẹp với 3 mức khác nhau. Khả năng xóa phông trên camera selfie cũng hoạt động hiệu quả, tạo ra những bức ảnh selfie "lung thị linh" hơn.
Tổng kết
Có thể thấy OnePlus 8T là một chiếc smartphone gần như toàn diện khi thể hiện tốt ở nhiều mặt từ thiết kế bóng bẩy, màu sắc lạ mắt. Màn hình phẳng không gây chạm nhầm hay các hiệu ứng khúc xạ ánh sáng khó chịu của màn hình cong. Máy cầm dễ chịu, ít lộ mồ hôi, dấu vân tay, cụm camera bếp từ vừa phải, không quá lồi so với mặt lưng.
Chất lượng màn hình của 8T thuộc loại đầu bảng hiện nay với màu sắc tươi tắn, độ sáng cao, nhìn rõ ngoài trời, tần số quét 120Hz mượt mà. Kết hợp cùng hệ thống loa kép âm lượng lớn, trong trẻo, việc giải trí, chơi game, xem video trên chiếc máy này mang lại trải nghiệm thú vị.
Máy cho hiệu năng nhanh nhẹn, gánh tốt mọi tựa game nặng nhất hiện nay. Hoạt động mát mẻ, chỉ hơi ấm lên đôi chút khi chơi game liên tục trong thời gian dài. Tốc độ sạc là điểm ấn tượng nhất trên 8T với thời gian sạc đầy chỉ khoảng 39 phút, sau 15 phút sạc đã đầy gần 60% pin. Củ sạc của máy còn sạc được cả laptop và sạc nhanh được cho nhiều smartphone hỗ trợ chuẩn PD. Thời lượng pin của 8T đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng cao trong một ngày.
Vấn đề của OnePlus 8T là mức giá 17,49 triệu đồng. Ở tầm giá này, 8T hiện đang gặp phải đối quá mạnh là Xiaomi Mi 10T Pro (12,99 triệu đồng). Sản phẩm của OnePlus có ưu thế hơn ở màn hình AMOLED, viền mỏng, thiết kế gọn nhẹ, tốc độ sạc cao 65W, nhưng đối thủ Xiaomi có màn hình tần số quét cao hơn (144Hz), camera độ phân giải lớn 108MP, pin 5000 mAh.
Một đối thủ sừng sỏ khác của OnePlus 8T là Galaxy S20 FE (15,99 triệu đồng). Dù cấu hình không mạnh bằng (Exnynos 990), thiết kế cũng kém hấp dẫn hơn (lưng nhựa, viền màn hình dày) nhưng S20 FE lại có camera nhỉnh hơn với zoom quang 3X, khả năng chống bụi chống nước IP68.
Thành Đạt