Bitcoin đang trở nên “độc hại” hơn bao giờ hết

Những người ủng hộ bitcoin cho rằng, việc chuyển các mỏ đào đến Mỹ sẽ giúp giảm lượng phát thải carbon của mạng lưới này. Nhưng một nghiên cứu mới công bố hôm 25/2 cho thấy, sự dịch chuyển của những mỏ đào bitcoin khỏi Trung Quốc thời gian qua thậm chí còn khiến bitcoin “độc hại” hơn.
Một phần nguyên nhân là mức độ sử dụng nhiên liệu hoá thạch tại Mỹ. Tháng 8/2021, lượng phát thải carbon của bitcoin đã tăng 17% so với trung bình năm 2020.
Bitcoin đang trở nên “độc hại” hơn bao giờ hết
Ảnh: Smith Collection/Gado (Getty Images)
Alex de Vries, người điều hành Chỉ số Tiêu thụ năng lượng Bitcoin và là tác giả chính của bài báo mới được xuất bản trên tạp chí Joule, cho biết: “Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà người ủng hộ [bitcoin] tuyên bố”.
De Vries và các cộng sự của mình sử dụng bản đồ thế giới có gắn thẻ vị trí của các mỏ đào bitcoin, dựa trên địa chỉ IP do Trung tâm Cambridge về Tài chính Thay thế cung cấp. Ứớc tính bản đồ này chứa thông tin khoảng một nửa mạng lưới bitcoin toàn cầu. Các nhà nghiên cứu sẽ so sánh vị trí của mỏ đào trong mạng lưới trước hàng loạt lệnh cấm hồi năm ngoái của Trung Quốc, và vị trí của chúng sau đó vài tháng, cụ thể là tháng 8/2021. Kết hợp với dữ liệu về lượng tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch và năng lượng tái tạo của lưới điện tại từng địa phương, họ có thể suy đoán loại nhiên liệu mà mỏ đào bitcoin tại đó đang sử dụng, ngoại suy ra lượng phát thải carbon thô cho cả mạng lưới.
De Vries giải thích, dù Trung Quốc không được gọi là có lưới điện xanh, nhưng khi các mỏ đào tập trung ở quốc gia này, họ có thể tận dụng nguồn thuỷ điện dồi dào, giá rẻ ở Tứ Xuyên và Vân Nam trong mùa hè, chỉ chuyển về các khu vực sử dụng nhiệt điện vào những tháng mùa đông. Việc Trung Quốc ban hành hàng loạt lệnh cấm liên quan đến khai thác và mua bán đồng bitcoin đồng nghĩa với việc, nguồn cung năng lượng tái tạo giá rẻ khổng lồ đã bị cắt giảm. Do vậy, các mỏ đào phải chuyển sang những khu vực khác có nguồn điện giá rẻ và an toàn để vận hành. Từ tháng 4 đến tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã trở thành đích đến hàng đầu của các mỏ khai thác tiền kỹ thuật số, xếp sau đó là Kazakhstan và Nga.
Bitcoin đang trở nên “độc hại” hơn bao giờ hết
Một mỏ đào bitcoin được xây dựng ngay bên cạnh đập thuỷ điện tại Trung Quốc (Ảnh: Imagine China/Reuters)
“Họ không quan tâm quá nhiều đến vấn đề môi trường. Họ chỉ quan tâm đến nguồn năng lượng giá rẻ và ổn định”, de Vries cho biết. “Họ sẽ đi bất kỳ đâu để tìm kiếm điều này”.
Các chi tiết nhỏ liên quan đến những lưới điện mới cũng cần quan tâm. Ví dụ như ở Kazakhstan, nước này chủ yếu sử dụng than cứng để sản xuất điện đốt than và các nhà máy nhiệt điện hoạt động với hiệu suất thấp. Đồng nghĩa với việc nước này phát thải nhiều carbon hơn để tạo ra lượng điện năng tương đương với nhà máy điện có hiệu suất cao hơn và sử dụng loại than khác. Trong khi đó, ở Mỹ, các mỏ đào chủ yếu tập trung tại bang Kentucky, Georgia và Texas. Đây là những bang khuyến khích hoạt động khai thác bitcoin với chính sách thuế và sự ủng hộ của chính quyền. Nhưng đây cũng là những địa phương khai thác nhiều nguồn năng lượng hoá thạch trên lưới điện, đồng nghĩa bitcoin ở Mỹ ngày càng dựa vào nguồn năng lượng “độc hại”.
“Nếu bạn quan sát vị trí của các mỏ đào tại Mỹ, lưới điện ở đó hầu hết đều sử dụng khí tự nhiên. Trước đây các mỏ đào sử dụng năng lượng từ thuỷ điện thì ngày một thay thế bởi khí tự nhiên. Điều đó hoàn toàn trái ngược với việc khiến bitcoin xanh hơn – bạn đang khiến bitcoin phát thải nhiều carbon hơn bằng việc thêm ngày càng nhiều nguồn nhiên liệu hoá thạch vào mạng lưới”, de Vries cho biết.
Một trong những tuyên bố phổ biến của những người thúc đẩy bitcoin là hoạt động khai thác giúp thúc đẩy sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là lý lẽ mà de Vries bác bỏ và cho là gây hiểu lầm.
“Nếu nhu cầu tiêu thụ điện tại Texas tăng thêm 2 GW, lượng điện bổ sung không được cung cấp bởi nguồn năng lượng tái tạo. Những nguồn năng lượng tái tạo đã đứng đầu trên danh sách sử dụng, và bất kỳ nguồn năng lượng nào thêm vào sẽ đến từ nhiên liệu hoá thạch. Bạn không thúc đẩy thêm nguồn năng lượng tái tạo – những nguồn năng lượng đang hoạt động – mà là những nguồn năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch. Họ cần điện ngay ngày hôm nay, chứ họ không cần điện sau 5 năm nữa. Họ sẽ sử dụng bất kỳ thứ gì có sẵn”.
Và những câu chuyện về một vài mỏ đào riêng lẻ hợp tác với nhà máy điện hạt nhân, hay tự xây dựng trang trại điện mặt trời, cũng không thể phủ nhận sự thật rằng nguồn nhiên liệu hoá thạch đang được sử dụng ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu năng lượng mới này.
“Đôi lúc tôi cảm thấy hơi khó chịu với những người ủng hộ [bitcoin]. Họ đang nói về những điều không chính xác, nó thật khó chịu vì mất rất nhiều thời gian để giải quyết chúng. Sự thật là các mỏ đào bitcoin đã chuyển đến Mỹ. Họ sử dụng nguồn điện ở đó vài tháng và nói rằng thật tuyệt khi nguồn năng lượng tái tạo được thêm vào mạng lưới. Chỉ một tuyên bố như vậy đã phải nghiên cứu nhiều tháng trời mới có thể chống lại nó”, de Vries cho biết.
Theo Gizmodo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top