ChatGPT đã khởi động cuộc đua AI như thế nào?

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Một ngày giữa tháng 11, các nhân viên OpenAI nhận được một chỉ thị bất ngờ: nhanh chóng tung ra chatbot.
Chatbot này, theo một lãnh đạo công ty, sẽ được gọi là “Chat with GPT-3.5”, và sẽ được mở cửa miễn phí cho cộng đồng trong vòng 2 tuần.
Một số nhân viên OpenAI cảm thấy khó hiểu. Cả năm qua, công ty trí tuệ nhân tạo đến từ San Francisco này đã tập trung nghiên cứu và dự định tung ra GPT-4, một mô hình AI mới cực giỏi viết luận, giải quyết các vấn đề lập trình phức tạp, và hơn thế nữa. Sau nhiều tháng thử nghiệm và tinh chỉnh, GPT-4 đã gần sẵn sàng. Kế hoạch là họ sẽ tung nó ra vào đầu năm 2023, cùng với một vài chatbot cho phép người dùng thử qua GPT-4.
Nhưng các lãnh đạo cấp cao của công ty đã thay đổi ý định. Một số lo ngại các công ty đối thủ có thể “hớt tay trên” bằng cách tung ra các chatbot AI riêng trước GPT-4. Chưa kể, việc ra mắt sớm một chatbot sử dụng mô hình cũ có thể giúp OpenAI thu thập phản hồi người dùng để cải thiện mô hình mới.
Do đó họ quyết định lấy một chatbot chưa từng ra mắt, sử dụng phiên bản GPT-3 cải tiến, và cập nhật nó lên. GPT-3 là mô hình ngôn ngữ cũ từng được OpenAI ra mắt năm 2020.
13 ngày sau đó, ChatGPT ra đời.
ChatGPT đã khởi động cuộc đua AI như thế nào?
Sam Altman, CEO OpenAI
Trong vài tháng sau khi xuất hiện, ChatGPT đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Hàng triệu người sử dụng nó để viết thơ, phát triển ứng dụng, và tiến hành các buổi trị liệu tâm lý. Nó cũng được tin dùng bởi các trang tin, các công ty marketing, và lãnh đạo các doanh nghiệp. Và ChatGPT còn thúc đẩy một cuộc chạy đua của các nhà đầu tư tìm cách kiếm lời từ làn sóng bùng nổ tiếp theo trong lĩnh vực AI.
Hiển nhiên, chatbot này vẫn gây tranh cãi. Nhiều người dùng khẳng định ChatGPT có xu hướng đưa ra những câu trả lời thiên lệch, hoặc đôi lúc sai hoàn toàn. Một số nhà nghiên cứu AI thì cáo buộc OpenAI quá liều lĩnh. Không ít trường học trên khắp nước Mỹ, bao gồm thành phố New York, đã cấm ChatGPT trong một nỗ lực ngăn chặn học sinh sử dụng nó để làm bài tập về nhà.
Ấy thế nhưng ít ai nhắc đến nguồn gốc của ChatGPT hay chiến lược đằng sau nó. Trong nội bộ OpenAI, ChatGPT thực sự là một bất ngờ chấn động - không khác tin giật gân lúc nửa đêm là bao, và thành công của nó vừa mang lại cơ hội, vừa gây ra những cơn đau đầu cho tất cả những người trong cuộc.
Trước khi ChatGPT ra mắt, một số nhân viên OpenAI đã hoài nghi về khả năng thành công của dự án. Một chatbot AI mà Meta ra mắt vài tháng trước đó, BlenderBot, đã thất bại thảm hại, và một dự án AI khác của Meta, Galactica, cũng không trụ nổi quá 3 ngày. Một số nhân viên, dường như thờ ơ trước thế sự do thường xuyên tiếp xúc với các hệ thống AI siêu tiên tiến, cho rằng một chatbot xây dựng trên một mô hình AI đã 2 năm tuổi chẳng có gì hấp dẫn.
Nhưng hai tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã có hơn 30 triệu người dùng và gần 5 triệu lượt truy cập mỗi ngày, biến nó thành một trong những sản phẩm phần mềm tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử ngành công nghệ (Instagram mất gần 1 năm mới đạt 10 triệu người dùng đầu tiên).
Sự tăng trưởng thần tốc này dẫn đến nhiều thách thức. ChatGPT thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do cạn kiệt tài nguyên, và người dùng phải chờ đợi để vượt qua những tính năng an toàn của chatbot này. Tần suất ChatGPT xuất hiện trên internet cũng khiến nhiều đối thủ tại các công ty công nghệ lớn hơn khó chịu - họ cay cú chỉ ra rằng công nghệ nền tảng của ChatGPT có gì mới mẻ đâu cơ chứ?
Và hiện nay, ChatGPT là một hố đen nuốt tiền. Nó không có quảng cáo, và dù chi phí trung bình mà công ty phải bỏ ra để cung cấp sức mạnh xử lý cho một cuộc trò chuyện chỉ là “vài xu”, khi tính gộp lại, con số này lên đến hàng triệu USD mỗi tuần. Để bù đắp, tuần qua OpenAI đã công bố sẽ bắt đầu bán gói dịch vụ 20 USD/tháng, gọi là ChatGPT Plus.
Mặc cho những hạn chế, thành công của ChatGPT đã đưa OpenAI vào hàng ngũ những tên tuổi lớn tại Thung lũng Silicon. Công ty mới đây đã đạt được một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với Microsoft, trong đó cha đẻ Windows sẽ tích hợp công nghệ của OpenAI vào bộ máy tìm kiếm Bing và các sản phẩm khác. Google lập tức tung báo động đỏ nhằm phản ứng với ChatGPT, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án AI của chính mình để bắt kịp đối thủ.
Sam Altman, CEO của OpenAI, cho biết mục tiêu của ông tại OpenAI là tạo nên thứ gọi là “trí tuệ nhân tạo phổ quát”, hay AGI, một loại trí tuệ nhân tạo sở hữu trí thông minh ngang ngửa con người, và những lợi ích của nó đối với loài người có thể “tốt đến không thể tin được, rất khó để hình dung ra” (ông cũng nói luôn rằng trong tình huống tệ nhất, AI có thể tiêu diệt tất cả chúng ta).
Trong khi cả thế giới đang phát cuồng với ChatGPT, thì Altman lại có động thái “dìm hàng” sản phẩm hit của chính mình. Ông lo ngại sự hào hứng đối với ChatGPT có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực từ các cơ quan quản lý, hoặc tạo nên kỳ vọng quá lớn vào các sản phẩm tương lai. Trên Twitter, ông đã tìm cách xoa dịu phấn khích khi nói ChatGPT “cực kỳ hạn chế” và cảnh báo người dùng “việc dựa vào nó để làm bất kỳ thứ gì quan trọng ngay lúc này là một sai lầm”.
Ông cũng không khuyến khích nhân viên quá tự tin trước thành công của ChatGPT. Vào tháng 12, nhiều ngày sau khi công ty công bố đã có hơn 1 triệu người đăng ký dùng dịch vụ, Greg Brockman, chủ tịch OpenAI, đăng tweet rằng ChatGPT đã có 2 triệu người dùng. Altman lập tức đề nghị Brockman xóa tweet, và cảnh báo rằng “nổ” về một sự tăng trưởng nhanh hoang đường như vậy là không khôn ngoan.
OpenAI là một công ty kỳ lạ, theo mọi tiêu chuẩn tại Thung lũng Silicon. Khởi đầu vào năm 2015 với tư cách một phòng thí nghiệm nghiên cứu phi lợi nhuận, bởi một nhóm các lãnh đạo công nghệ bao gồm Altman, Peter Thiel, Reid Hoffman, và Elon Musk, họ đã tạo nên một công ty con để kinh doanh vào năm 2019 và đạt được một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Microsoft. Từ đó, số nhân viên của OpenAI đã tăng đến khoảng 375 người, chưa tính các nhà thầu được trả tiền để huấn luyện và thử nghiệm các mô hình AI tại những khu vực như Đông Âu và Mỹ Latin.
Ngay từ đầu, OpenAI đã xem mình là một tổ chức có sứ mệnh đảm bảo AI tiên tiến sẽ an toàn và phù hợp với các giá trị nhân đạo. Nhưng trong vài năm trở lại đây, công ty đã chọn một hướng đi cạnh tranh hơn - hướng đi mà một số người chỉ trích rằng đã lệnh khỏi mục tiêu ban đầu.
Những quan ngại đó nổ ra vào mùa hè năm ngoái, khi OpenAI tung ra phần mềm tạo ảnh DALL-E 2, có khả năng biến văn bản thành các tác phẩm hội họa kỹ thuật số. Ứng dụng này cũng trở thành một cú hit, nhưng làm dấy lên nhiều câu hỏi gai góc về khả năng bị lợi dụng để gây hại cho người khác. Nếu việc tạo ra những hình ảnh siêu chân thực trở nên quá đơn giản, chỉ bằng cách gõ vài từ, thì ngành công nghiệp phim người lớn, hay những tổ chức tuyên truyền, cả tôn giáo lẫn chính trị, đang có một công nghệ hết sức mạnh mẽ trong tay hay sao?
ChatGPT đã khởi động cuộc đua AI như thế nào?

ChatGPT đã khởi động cuộc đua AI như thế nào?
Tác phẩm của DALL-E 2
Để giải quyết những nỗi sợ đó, OpenAI tích hợp vào DALL-E 2 nhiều rào cản cũng như ngăn chặn những từ khóa, hay cụm từ, nhất định, ví dụ những thứ liên quan đến bạo lực hình ảnh hay khỏa thân. Họ còn dạy con bot của mình trung lập trước những thiên lệch, thành kiến, trong dữ liệu huấn luyện - như đảm bảo khi người dùng yêu cầu vẽ một bức ảnh về một vị CEO, thì kết quả phải bao gồm phụ nữ trong đó.
Những can thiệp này ngăn chặn được rắc rối xảy ra, nhưng khiến một số lãnh đạo OpenAI bị chỉ trích vì nặng tay và gia trưởng. Một trong số đó là Altman, người từng cho biết bản thân tin rằng các chatbot AI nên được cá nhân hóa theo sở thích của người sử dụng - một người dùng có thể thoải mái hơn với một mô hình nghiêm khắc, yêu gia đình, trong số người khác lại thích phiên bản phóng túng, cáu kỉnh hơn.
OpenAI đã chọn một hướng tiếp cận ít hạn chế hơn với ChatGPT, trao cho con bot này quyền được nói nhiều hơn về các chủ đề nhạy cảm như chính trị, tình dục, và tôn giáo. Dẫu vậy, một số người bảo thủ cánh hữu vẫn cáo buộc công ty đi quá giới hạn. Tờ National Review từng đăng tải bài viết “ChatGPT Goes Woke” vào tháng trước, trong đó khẳng định chatbot này đưa ra nhiều câu trả lời đậm chất cánh tả về các chủ đề như “drag queen” (nam giới có sở thích ăn mặc như nữ giới) và cuộc bầu cử 2020 (nhiều đảng viên đảng Dân chủ Mỹ còn than phiền rằng ChatGPT nói riêng và AI nói chung nên được kiểm soát chặt chẽ hơn).
Trong tình thế đó, Altman phải ra tay để ChatGPT không “vướng vào lao lý”. Ông bay đến Washington vào tuần trước để gặp gỡ nhiều nhà làm luật, giải thích những điểm mạnh và điểm yếu của công cụ này, đồng thời làm rõ những hiểu lầm về cách thức hoạt động của nó.
Quay lại Thung lũng Silicon, ông bắt tay giải quyết những mối quan hệ mới mà OpenAI nhận được sau sự nổi tiếng của ChatGPT. Bên cạnh thỏa thuận 10 tỷ USD với Microsoft, Altman còn gặp các lãnh đạo cấp cao của Apple và Google trong vài tuần trở lại đây. OpenAI cũng ký thỏa thuận với trang BuzzFeed để cho phép họ sử dụng công nghệ AI tạo nên các bài viết trên trang (công bố này đã giúp giá cổ phiếu BuzzFeed tăng hơn gấp đôi!).
Cuộc chạy đua AI đang nóng lên từng ngày. Baidu, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, đang chuẩn bị một chatbot tương tự ChatGTP để kịp ra mắt vào tháng 3 tới. Anthropic, một công ty AI do các cựu nhân viên OpenAI lập nên, được cho là đang thảo luận để gọi vốn 300 triệu USD. Và Google cũng “góp vui” với hơn một chục công cụ AI mới đang thành hình.
Và đừng quên GPT-4 dự kiến ra mắt trong năm nay. Những khả năng đáng kinh ngạc của nó sẽ khiến ChatGPT trở nên không khác gì đồ cổ. Hoặc có lẽ, khi chúng ta đang dần quen thuộc với các công cụ AI và chuẩn bị sẵn tinh thần cho một công cụ AI mới mạnh mẽ hơn, GPT-4 sẽ không gây quá nhiều hứng khởi như ChatGPT trước đây.
Tham khảo: NYTimes
Bí mật đằng sau sức mạnh vô tiền khoáng hậu của ChatGPT
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top