Hạn hán nghiêm trọng giết chết hơn 65.000 con cá hồi, khiến loài cá này chết khi chưa kịp đẻ trứng

N
Giáp Lê
Phản hồi: 0

nhhgiap

Pearl
Hơn 65.000 con cá hồi đã chết trước khi chúng có thể đẻ trứng trong một con suối ở Canada. Thảm họa chết hàng loạt của 2 loài, chủ yếu là cá hồi hồng và một số cá hồi chum, dự báo về một mùa tồi tệ cho loài cá hồi, người dân địa phương và rộng hơn là hệ sinh thái của toàn bộ khu vực.
Hạn hán nghiêm trọng giết chết hơn 65.000 con cá hồi, khiến loài cá này chết khi chưa kịp đẻ trứng
Hơn 65.000 xác cá hồi trương lên và thối rữa ở British Columbia
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Simon Fraser đã phát hiện ra thảm họa cá chết hàng loạt ở sông Neekas, bờ biển miền Trung của British Columbia vào ngày 29/9. Địa điểm là một khúc suối nằm gần cộng đồng Bella Bella, trong lãnh thổ Quốc gia Heiltsuk của người bản địa.
Vào mùa thu mọi năm, cá hồi hồng và cá hồi chum sẽ di cư từ thượng nguồn Thái Bình Dương vào vùng sông nước nơi chúng từng được sinh ra để thực hiện nhiệm vụ cao cả - đẻ trứng. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, lũ cá thường chết do kiệt sức, xác cá sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi hệ sinh thái.
Tuy nhiên số cá được tìm thấy ở Neekas đã chết trước khi kịp đẻ trứng, Allison Dennert, một ứng viên tiến sĩ tại Simon Fraser và là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên đến hiện trường cho biết:
“Nhìn thấy cảnh tượng lũ cá chưa kịp đẻ con khiến chúng tôi rất đau lòng”.
Dù đã quen nhìn những con cá hồi chết nhưng số lượng nhiều như vậy lại là lần đầu tiên của Dennert. Cô cùng các đồng nghiệp đã ngửi thấy mùi của con suối trước khi họ đến nơi, đó là mùi hôi thối nồng nặc của xác cá phân hủy. Nhóm nghiên cứu phải che mặt khi đứng gần con suối.
“Nó đốt cháy mũi và mắt của chúng tôi”, cô nói.
Hạn hán và nắng nóng cuối mùa đã quét qua British Columbia cùng các khu vực khác của Tây Bắc Thái Bình Dương vào mùa thu năm nay. Đồng thời, nhiệt độ cao kỷ lục cùng lượng mưa thấp kỷ lục trong tháng 9 và 10 khiến lượng nước tại nhiều tuyến đường thủy cạn kiệt, một số nơi thậm chí bốc hơi hoàn toàn.

Video cận cảnh nơi phát hiện xác cá hồi
Will Atlas, nhà khoa học đầu nguồn về cá hồi tại Trung tâm Cá hồi Hoang dã phi lợi nhuận, cho biết sự chết chóc được ghi lại ở Neekas có thể chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp tồi tệ khác đang xảy ra trong thực tế. “Hiện có rất nhiều con lạch cạn nước”, ông nói.
Atlas dự đoán thảm họa chết hàng loạt này sẽ tốn ít nhất 5 đến 6 thế hệ (mỗi thế hệ là 2 năm) để quần thể cá hồi hồng phục hồi, giả định rằng những năm sau thời tiết ổn định. Năm 2010 và năm 2018, giữa những đợt hạn hán khác, cá hồi hồng tại khu vực này cũng bị thiệt hại đáng kể. Tổng cộng số lượng cá hồi của biển miền Trung đã giảm khoảng 66% so với hai thập kỷ qua, theo dữ liệu của Tổ chức Cá hồi Thái Bình Dương.

Không thích nghi kịp với biến đổi khí hậu

Loài cá hồi hồng đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa từ con người, bao gồm nuôi trồng thủy sản, ô nhiễm và đánh bắt quá mức. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu vẫn là yếu tố lớn nhất gây ra sự suy giảm của loài, Atlas cho biết. Một nghiên cứu trước đây chứng minh biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm tăng số lượng và cường độ của các đợt nắng nóng ở British Columbia. Do đó, nguy cơ xuất hiện thêm nhiều trận hạn hán khác trong tương lai sẽ cao hơn.
Theo Atlas, sự sụt giảm dân số đột ngột và hạn hán là những hiện tượng cá hồi thường xuyên gặp phải và chúng có thể thích nghi để vượt qua nhanh chóng. Song những hiện tượng như vậy đang xảy ra quá thường xuyên, và ngày càng khó đoán, dù cá hồi có tiến hóa nhiều đến mức nào để thích nghi với hiểm họa, chúng vẫn không thể theo kịp.
Khi cá hồi bị ảnh hưởng, hậu quả sẽ tác động đến toàn bộ hệ sinh thái khu vực này. Cá là nền tảng của mạng lưới thức ăn. Gấu, sói, đại bàng và các loài ăn thịt khác lấy cá hồi sống từ những dòng sông, sau đó rải rác phần thừa ra xung quanh, mang lại lợi ích cho động vật ăn xác thối, thực vật và nhiều quần thể nhỏ khác.
Toàn bộ hệ thống phụ thuộc vào cá và vòng đời của chúng để phát triển từ năm này sang năm khác. Thêm vào đó, những con cá thối rữa đã làm cạn kiệt hầu hết lượng oxy ở Neekas, khiến con lạch trở thành dòng nước độc với các loài sống nước ngọt khác, bao gồm cá hồi Coho con mới nở vào đầu năm nay.
Dennert cho biết những con cá hồi sống sót duy nhất mà nhóm cô tìm thấy nằm ở dưới một con thác, nơi nước vẫn còn đủ oxy cho quá trình đẻ trứng. Nhưng phía cuối dòng chảy, không có nơi nào để cá hồi đẻ trứng. Atlas nghĩ rằng đây có thể là mùa sinh sản thất bại của cá hồi hồng.

Con người cũng là nạn nhân

Con người cũng chịu tác động của thảm cảnh này. Cá hồi là một trong những loài cá được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Theo dữ liệu của NOAA, ở Mỹ, người ta tiêu thụ nhiều cá hồi hơn bất kỳ loại cá nào khác. Theo báo cáo của Research and Markets, ngành công nghiệp cá hồi toàn cầu đạt giá trị hơn 208,8 tỷ USD vào năm 2021.
Đối với những người sống ở British Columbia và các khu vực khác của Tây Bắc Thái Bình Dương - đặc biệt là các cộng đồng bản địa - thì cá hồi là một loại thực phẩm chính, trung tâm của văn hóa địa phương.
William Housty, quản lý bảo tồn của Heiltsuk First Nation ở Bella Bella, cho biết:
“Cá hồi là động lực cho mọi hoạt động ở địa phương”. Ông cho biết đợt cá chết năm nay sẽ tác động lâu dài đến tất cả mọi người trong cộng đồng, những người sống dựa vào cá hồi để nuôi sống gia đình.
Theo Housty, hạn hán là nguyên nhân cơ bản, nhưng vấn đề thực sự là do có một đợt mưa nhỏ vào vài tuần trước cùng một sự kiện thủy triều đã kéo cá hồi ngược dòng, trong khi lượng nước từ mưa quá ít để lấp đầy các con lạch. Mặc dù điều kiện không tốt nhưng chúng vẫn dựa vào dấu hiệu môi trường để quyết định hướng chuyển động. Sau những đợt mưa rào nhỏ, cá hồi hồng bơi lên cao và nhanh chóng rơi vào đường cạn nước.
“Đây là những con cá dũng cảm nhất mà tôi từng biết”, Dennert nói. Sau khi đối mặt với sự ấm lên độc hại của đại dương, cùng mối đe dọa từ hoạt động đánh bắt cá và bị săn, cuộc hành trình tìm lại nơi chúng từng sinh ra tưởng chừng sẽ rất viên mãn, nhưng cuối cùng lại gặp phải một rào cản không thể vượt qua.
Theo Housty, điều an ủi duy nhất là xác cá hồi khi trôi xuống hạ lưu vào cửa sông sẽ trở thành thức ăn cho loài cua Dungeness.

>>>Shock trước video cá mập trắng bị xẻ thịt, thủ phạm là loài cá đáng sợ nhất đại dương
Nguồn: Gizmodo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top