Ngành chip quay cuồng trong bão giá: từ hóa chất đến khí gas, cái gì cũng đắt đỏ hơn

Khi hỏi bất kỳ ai trong ngành công nghiệp chip rằng, thứ vật liệu gì đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, câu trả lời mà bạn nhiều khả năng sẽ nhận được nhất là: làm gì có thứ gì như vậy?
Đó là bởi tình trạng khan hiếm nay đã lan đến những ngóc ngách tưởng chừng như không thể bị ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, đẩy giá của những loại hóa chất và vật liệu trọng yếu vốn luôn trong trạng thái sẵn sàng lên cao chưa từng thấy.
Và có vẻ như cơn ác mộng đó sẽ chưa thể sớm chấm dứt.
Vincent Liu, một cựu binh trong ngành chip, chủ tịch của công ty LCY Chemical (Đài Loan) - một nhà cung ứng lớn cho các nhà sản xuất chip toàn cầu - giải thích sự phức tạp của tình hình hiện tại như sau:
Ngành công nghiệp này có mối liên hệ rất chặt chẽ. Tình trạng nghẽn cổ chai và chiến lược định giá động đối với một vật liệu thượng nguồn có thể tác động đến các sản phẩm hạ nguồn quan trọng khác. Nó giống như một phản ứng dây chuyền vậy” - Liu nói.
Ông lấy ví dụ xoay quanh những sản phẩm chính của LCY Chemical: cồn isopropyl alcohol điện tử, hay EIPA.
Ngành chip quay cuồng trong bão giá: từ hóa chất đến khí gas, cái gì cũng đắt đỏ hơn
Nhà máy của LCY Chemical ở Nam Đài Loan
EIPA là hóa chất cơ bản để vệ sinh các tấm wafer và trang thiết bị trong quy trình sản xuất chip, nhưng quá trình sản xuất ra nó lại có mối liên hệ với dầu thô, do đó giá của nó cũng biến động theo.
Dầu thô được dùng để tạo ra dầu mỏ (naphtha), thứ mà sau đó được xử lý thành propylene, một vật liệu quan trọng trong EIPA. Có nghĩa là giá dầu tăng cao sẽ gián tiếp làm tăng chi phí của hóa chất làm chip. Và không may cho các công ty như LCY, giá dầu quả thật đang tăng! Giá dầu thô Brent đã tăng phi mã hơn 70% so với một năm trước đó, tính đến ngày 15/6, hiện duy trì trên 100 USD/thùng kể từ cuối tháng 2, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Chúng tôi nhận thấy xu hướng tăng giá đối với nhiều kim loại và vật liệu kể từ năm 2021, và đã bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đó. Áp lực hơn nữa là chi phí kho vận cũng đang tăng. Chúng tôi không nghĩ rằng tình trạng nghẽn cổ chai trong kho vận sẽ được giải quyết cho đến cuối năm nay, và khó khăn có thể kéo dài sang năm sau” - Liu nói.
Ông cho biết, trên toàn ngành công nghiệp nói chung, chi phí xây dựng một nhà máy mới đã tăng ít nhất 20-30% so với một hoặc hai năm trước.
Sản xuất bán dẫn đòi hỏi hàng trăm hóa chất, khí gas, và vật liệu với độ tinh chế cao, được tổng hợp một cách cẩn thận. Chi phí cho chúng chiếm khoảng 20% tổng chi phí sản xuất chip theo ước tính của các lãnh đạo trong ngành công nghiệp này.
Nhưng từ lâu, bộ phận cốt yếu của chuỗi cung ứng sản xuất chip trị giá 40 tỷ USD - bao gồm wafer, hóa chất, khí gas, cho đến các loại vật liệu không thể thay thế được - đã không nhận được sự chú ý cần thiết, bởi giá của những loại hóa chất và vật liệu đó thường có xu hướng ổn định, và thường trong tình trạng sẵn hàng.
Mọi thứ thay đổi sau đợt bùng phát đại dịch COVID-19, chiến tranh ở Ukraine, và sự bùng nổ bất ngờ về nhu cầu chip trong các ứng dụng như kết nối 5G và ô tô điện. Những yếu tố này đã khiến quan hệ cung - cầu trở nên mất cân bằng nghiêm trọng.
Ngành chip quay cuồng trong bão giá: từ hóa chất đến khí gas, cái gì cũng đắt đỏ hơn
Một lãnh đạo của Wah Lee Industrial, nhà phân phối vật liệu và hóa chất sản xuất chip và điện tử ở Cao Hùng (Đài Loan), nhận định tương tự Chủ tịch LCY: “Ngành công nghiệp này có mối liên hệ rất chặt chẽ”, rằng giá năng lượng leo thang đang đẩy chi phí hóa chất sản xuất chip như acid sulfuric và hydrogen peroxide lên cao.
Giá kim loại cũng đang tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu tăng cao từ ngành công nghiệp ô tô điện.
Nhiều khả năng chúng ta sẽ phải trải qua một tương lai đắt đổ hơn. Có lẽ giá kim loại và hóa chất sẽ không bất ngờ giảm xuống đâu” - vị lãnh đạo cho biết.
Chất cản quang, acid phosphoric, wafer, và những loại khí gas quý như neon chỉ là một vài ví dụ về những vật liệu tăng giá kể từ giữa năm 2020 - một số thậm chí đã tăng giá gấp đôi, theo phân tích và các bài phỏng vấn của Nikkei Asia với hơn 10 lãnh đạo và chuyên gia trong ngành chip.
Giá một số kim loại tinh chế cao tối quan trọng cho sản xuất chip - palladium, indium, platinum, đồng, nhôm, và thép không gỉ… - cũng tăng cao. Nhiều trong số này được sử dụng không chỉ trong sản xuất chip và trong cả những thiết bị sản xuất chip, mà còn được trộn lẫn với các hóa chất khác để tạo nên những hợp chất dùng trong quy trình sản xuất chip.
Lần tăng giá này nghiêm trọng hơn lần tăng giá chấp nhận được trước đây xuất phát từ gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị” - theo Liu Chi-tung, CFO của United Microelectronics Corp (UMC).
Ngành chip quay cuồng trong bão giá: từ hóa chất đến khí gas, cái gì cũng đắt đỏ hơn
UMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ tư thế giới, với các khách hàng bao gồm Qualcomm, MediaTek, Panasonic… Liu nói rằng tình hình đang ngày một khó khăn đối với ngành chip nói chung, và công ty của ông sẽ quan sát kỹ để xem liệu có thể chuyển đổi một phần chi phí sang cho khách hàng hay không. “Chắc chắn là chi phí để vận hành các nhà máy sản xuất chip hiện đắt đỏ hơn rất nhiều so với trước đại dịch” - ông nói.
Nhu cầu rất lớn của các nhà sản xuất chip đối với hóa chất và khí gas đồng nghĩa việc tìm kiếm các nhà cung ứng phụ trợ là điều không hề đơn giản. Hầu hết các nhà sản xuất chip đều có những công thức hóa học yêu thích nhằm tối ưu hiệu suất dây chuyền sản xuất chip của riêng mình, và chỉ một số ít các nhà cung ứng có thể cung cấp những hóa chất đó ở một mức độ đủ đáp ứng nhu cầu của họ.
Điều này thể hiện rõ nhất qua cuộc chiến nhằm thu gom khí neon sau khi cuộc chiến nổ ra tại Ukraine, quốc gia được xem là một trong những nguồn khí neon lớn của thế giới. Giá khí neon, được sử dụng trong một quy trình gọi là lithography (in thạch bản), đã tăng hơn gấp đôi từ năm ngoái khi các nhà sản xuất chip chạy đua để đảm bảo nguồn cung - theo Jeffrey Pan, chủ tịch công ty phân phối hóa chất và vật liệu chip Topco Scientific.
Hầu hết các nhà sản xuất chip lớn đang tuyển lựa những nguồn cung mới sau khi đã đảm bảo được nguồn cung khẩn cấp, nhưng quy trình chứng nhận cần ít nhất 6 tháng nhằm đảm bảo chất lượng nguồn cung không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất của họ”. Ngoài ra, Pan còn nói rằng giá của lớp cản quang - một hóa chất quan trọng trong quy trình in thạch bản, trong đó các IC được đặt vào các tấm wafer - sẽ tăng khoảng 20% đối với các hợp đồng mới bắt đầu trong năm nay, so với các hợp đồng trước đây, vì lý do hạn chế nguồn cung và nhu cầu tăng cao.
Hoạt động kho vận cũng là một nguyên nhân khiến chi phí tăng cao - theo các lãnh đạo ngành chip.
Hóa chất, trừ khi được sản xuất trong khu vực, phải được lưu trữ trong những buồng chứa được thiết kế chuyên dụng gọi là bồn ISO và được vận chuyển qua đường biển” - theo một lãnh đạo của một nhà cung cấp trang thiết bị sản xuất chip Nhật Bản. “Nhưng chúng ta đều biết hoạt động chuyên chở hàng hóa qua đại dương đang gặp vấn đề ra sao kể từ khi đại dịch bùng nổ. Không chỉ chi phí kho vận tăng cao, mà thời gian chờ đợi nói chung cũng dài ra, từ một tháng đến ít nhất ba tháng.”
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Vấn đề càng phức tạp khi giá giao dịch đối với hầu hết các loại hóa chất và khí gas cần để sản xuất chip là chưa minh bạch - không như với kim loại - khi mà không có bất kỳ sàn giao dịch tập trung nào để cung cấp giá tham khảo. Có nghĩa là các nhà sản xuất chip phải dựa vào các nhà cung ứng hoặc các nhà phân phối cung cấp giá cho họ.
Và tất cả những tin xấu này tác động mạnh mẽ đến thu nhập ròng của các công ty. Các nhà sản xuất chip toàn cầu đã có lợi nhuận biên khá tốt trong thời gian qua, nhưng mây mù đang kéo đến ở chân trời.
Ngành chip quay cuồng trong bão giá: từ hóa chất đến khí gas, cái gì cũng đắt đỏ hơn
Biên lợi nhuận hoạt động của các nhà sản xuất chip lớn
Chúng tôi nhận ra rằng giá của vật liệu, hóa chất, và khí gas cần để sản xuất chip đang tăng nhanh hơn lợi nhuận biên trên toàn ngành công nghiệp” - theo Dylan Patel, giám đốc phân tích tại SemiAnalysis.
Patel nói rằng mọi người chưa chú ý quá nhiều đến vật liệu và hóa chất sản xuất chip cho đến thời điểm hiện tại, bởi chuỗi cung ứng nhìn chung vận hành khá mượt mà, và các công ty có liên quan cũng chưa bao giờ nổi tiếng với những khoản lợi nhuận khổng lồ. “Trước đây mọi người đều tập trung vào những thứ hấp dẫn: nhà máy sản xuất chip và thiết kế chip. Nay, với việc chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy do COVID, chiến tranh, và mức tăng trưởng chưa từng có tiền lệ, mọi người đã chuyển trọng tâm sang những thứ gây áp lực lên đà tăng trưởng, và trong nhiều trường hợp thì đó chính là vật liệu”
Dù giá vật liệu có mức độ biến động lớn, cho đến nay tác động của nó chủ yếu tập trung lên các nhà sản xuất chip quy mô nhỏ.
Ví dụ, một số nhà sản xuất chip nhỏ ở Đài Loan và Trung Quốc phải trả gấp đôi để mua lớp cản quang, trong khi phải chi thêm khoảng 40% để mua slurry. Slurry, hay cụ thể hơn là CMP Slurry, là một loại hóa chất dùng để đánh bóng và làm mịn bề mặt các tấm wafer thông qua sự kết hợp giữa lực hóa học và cơ học.
“Đội ngũ thu mua của chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn bởi sự thiếu hụt những vật liệu quan trọng kia có thể dẫn đến nguy cơ làm gián đoạn tiến độ sản xuất” - theo một lãnh đạo của một nhà sản xuất chip Đài Loan.
Lita Shon-Roy, chủ tịch và CEO của Techcet, một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tập trung vào chuỗi cung ứng vật liệu xử lý, nói rằng các nhà sản xuất chip hàng đầu như Intel, TSMC, và Samsung Electronics thông thường ký kết những thỏa thuận dài hạn với các nhà cung ứng vật liệu của họ, có nghĩa là họ nhiều khả năng không ngay lập tức bị tác động bởi tình hình tăng giá này.
Ngành chip quay cuồng trong bão giá: từ hóa chất đến khí gas, cái gì cũng đắt đỏ hơn
Sản xuất chip là hoạt động cần rất nhiều vật liệu và hóa chất khác nhau
Bạn sẽ ít nghe đến chuyện các nhà sản xuất chip lớn bị ảnh hưởng từ các vấn đề của chuỗi cung ứng. Họ giống như Walmart. Họ có sức mua lớn và nắm quyền kiểm soát chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn” - Shon-Roy nói. “Khi các nhà sản xuất chip lớn đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong các nhà máy chip khổng lồ, thì các công ty chip nhỏ hơn có thể phải đối mặt với đủ loại vấn đề liên quan vật liệu”.
Tình trạng tăng giá chưa từng có tiền lệ này thậm chí còn làm thay đổi cách vận hành của cả ngành công nghiệp.
Hiện nay, khi mối liên hệ giữa các nhà sản xuất chip và các nhà cung ứng hóa chất đã giống như các đối tác hơn nhằm đảm bảo được nguồn cung cần thiết, các nhà sản xuất chip cũng sẵn sàng chia sẻ sớm hơn các kế hoạch mở rộng cũng như lộ trình của họ với chúng tôi” - theo Chủ tịch Liu của LCY Chemical. “Chúng tôi cảm thấy tầm quan trọng của lĩnh vực vật liệu đã được nâng lên đáng kể”
Nhưng cộng tác chặt chẽ hơn và hiểu rõ nhau hơn cũng không thể giúp thay đổi được tình hình lúc này. “Cuối cùng, chi phí sản xuất chip và các thiết bị điện tử đều tăng cao” - Liu nói tiếp. “Và những chi phí đó rồi cũng sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng”
Tham khảo: Nikkei Asia
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top