Từng bị Elon Musk cười nhạo, làm thế nào công ty Trung Quốc này lại bán được nhiều xe điện hơn Tesla?

Kim Chi Ngọc Diệp

Editor
Thành viên BQT
Elon Musk từng cười nhạo BYD vào năm 2011 trong 1 cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Musk châm biếm: “Các anh đã trông thấy chiếc xe của họ chưa? Tôi không thấy nó hấp dẫn gì cả, công nghệ không có gì mới. BYD đang gặp cả đống vấn đề ở thị trường nội địa của họ. Tôi nghĩ trọng tâm của họ trước tiên là sống sót được ở Trung Quốc cái đã.”
Sau hơn 10 năm kể từ cuộc phỏng vấn đó, BYD không những không bị xóa sổ mà còn vừa vượt qua Tesla trong quý 4. BYD đã bán được lượng xe chạy bằng pin nhiều hơn Tesla trong quý cuối cùng của năm 2023, khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng đó có lẽ không phải điều duy nhất họ hướng tới.
Taylor Ogan, Giám đốc điều hành của Snow Bull Capital, nói về tham vọng lâu dài của BYD: “Mục tiêu của họ là trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, đưa ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc lên bản đồ thế giới.” Nếu bạn biết BYD có xuất thân là 1 công ty sản xuất pin cho smartphone, tham vọng đó nghe thật viển vông.

Lịch sử BYD

Trước khi được biết đến là 1 hãng xe điện hàng đầu, BYD đã tham chiến ở nhiều mặt trận khác nhau, từ pin sạc đến khai thác mỏ và chất bán dẫn. Đó cũng chính là lý do chính đằng sau thành công bây giờ.
Từng bị Elon Musk cười nhạo, làm thế nào công ty Trung Quốc này lại bán được nhiều xe điện hơn Tesla?
Nhà sáng lập Vương Truyền Phúc
Năm 1995, nhà hóa học Vương Truyền Phúc đã thành lập BYD tại thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc. Nơi đây được mệnh danh là trung tâm công nghệ lớn của Trung Quốc, tụ hội nhiều tập đoàn công nghệ.
Khởi điểm của BYD khi đó là nhóm 20 nhân viên và số vốn 2,5 triệu Nhân dân tệ tức gần 352.000 USD theo tỷ giá ngày nay. Sau 1 năm, công ty bắt tay vào sản xuất mặt hàng đầu tiên - pin li-ion. Đây là sản phẩm được thương mại lần đầu tiên vào năm 1991 bởi gã khổng lồ Sony, ngày nay đã trở thành công nghệ không thể thiếu của ngành điện tử và nhiều nơi khác.
Cùng thời điểm BYD bắt đầu sản xuất pin, Nokia và Motorola trỗi dậy nhờ sự bùng nổ của điện thoại di động. Nhờ vậy, công ty Trung Quốc kiếm ngay được hợp đồng cung cấp pin cho 2 hãng điện thoại lớn nhất thời điểm ấy. Khoảng đầu những năm 2000, hàng triệu chiếc điện thoại di động được bán ra mỗi năm đã mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho BYD.
Được đà thắng lợi, BYD niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong vào năm 2002, dựa trên thành công đạt được trong lĩnh vực pin lithium-ion.

Từng bị Elon Musk cười nhạo, làm thế nào công ty Trung Quốc này lại bán được nhiều xe điện hơn Tesla?
Pin li-ion được thương mại hóa đầu tiên vào năm 1991 nhờ Sony

Rẽ sang ô tô

Mãi đến năm 2003, BYD mới mua lại một nhà sản xuất ô tô nhỏ tên là Xi’an Qinchuan Automobile.
Hai năm sau, hãng tung ra chiếc xe đầu tiên của mình có tên F3, sở hữu động cơ đốt trong. Sau đó vào năm 2008, hãng đã tung ra tiếp F3DM, dấu chân đột phá đầu tiên trong lĩnh vực xe điện. F3DM là một chiếc xe điện plug-in hybrid tức vừa có pin sạc vừa có động cơ đốt trong. Cùng năm đó, Warren Buffett đã đầu tư 230 triệu USD vào BYD, thúc đẩy tham vọng xe điện của hãng.
Nhờ có nền tảng sản xuất pin li-ion từ trước, công ty Trung Quốc nhanh chóng bắt nhịp với sự tiến bộ của công nghệ xe điện. Vào năm 2020, công ty đã tung ra pin Blade, loại pin mà nhiều người cho rằng đã giúp thúc đẩy sự phát triển của BYD trong lĩnh vực xe điện. Đó là công nghệ pin LFP hay lithium iron phosphate.
Tại thời điểm ra mắt, Blade bị nghi ngờ vì đặc điểm mật độ năng lượng kém, dẫn đến để nạp đủ số năng lượng cần thiết thì cục pin phải tăng trọng lượng. Song, BYD lại đặt cược vào công nghệ này và ca ngợi nó. Công ty cam kết đưa nó vào chiếc sedan thể thao Han ra mắt năm 2020, cạnh tranh thẳng với Tesla Model S.

Từng bị Elon Musk cười nhạo, làm thế nào công ty Trung Quốc này lại bán được nhiều xe điện hơn Tesla?
Người sẽ lật đổ Tesla của Elon Musk
Giám đốc điều hành của Snow Bull Capital đã nhận xét về sự liều lĩnh của BYD: “Mật độ năng lượng ở mỗi cell pin và lẫn cả gói pin thực sự đều cao hơn những gì BYD tiết lộ ban đầu… Mọi người đều rất ngạc nhiên.” Kết quả, trong năm 2020 hãng đã bán được hơn 130.000 xe thuần điện.
Đến năm ngoái, họ đạt doanh số hơn 1,57 triệu xe.

Điều gì làm nên thành công của BYD?

Thành công của BYD dựa trên 2 khía cạnh: chiến lược đầu tư đúng đắn và lĩnh vực kinh doanh nền tảng trải dài.
Nhờ vị thế khởi điểm là 1 công ty cung cấp pin, họ có thể liên tục mài giũa công nghệ pin cốt lõi của mình, đáp ứng yêu cầu của các hãng xe điện khác. Nếu chưa đạt, họ lại tiếp tục cải tiến, từ thiết kế đến kỹ thuật, độ an toàn,... Khi có đủ điều kiện để mua lại 1 thương hiệu xe điện, họ lại có thêm lợi thế để trực tiếp tìm hiểu và nâng cấp 1 phương tiện thực sự sử dụng công nghệ pin của chính họ. Những gì BYD phấn đấu suốt 20 năm qua đã tạo nên kỳ tích trong quý 4 vừa qua.
Khi bắt đầu, BYD không nhảy thẳng vào xe điện thuần túy. Công ty vẫn bán xe hybrid, điều mà Alvin Liu, nhà phân tích tại Canalys, cho rằng chính là chìa khóa thành công ban đầu của BYD. Nói với CNBC, Liu cho biết: “Trong thời gian đầu mới tham gia thị trường, BYD chọn cung cấp cả xe thuần điện (BEV) và xe hybrid (PHEV). Chiến lược này cho phép họ khắc phục hạ tầng sạc còn chưa hoàn thiện, cũng như người dùng vẫn còn mù mờ chưa rõ về lợi ích của xe điện.”

Từng bị Elon Musk cười nhạo, làm thế nào công ty Trung Quốc này lại bán được nhiều xe điện hơn Tesla?
BYD đặt cược vào công nghệ pin LFP
Những xe hybrid có mức giá rẻ hơn, không phải lo lắng về trạm sạc và phạm vi chạy sau mỗi lần sạc, đã giúp huấn luyện người dùng làm quen với công nghệ mới khi chuyển từ xe động cơ đốt trong sang. Từ đó, công ty có thể đánh chiếm được thị trường.

Sự ủng hộ từ nhà nước

Dĩ nhiên, sự trỗi dậy của BYD có phần không nhỏ hậu thuẫn từ các chính sách nhà nước. Bắc Kinh liên tiếp đưa ra các chính sách khuyến khích xe điện, ví dụ những khoản trợ cấp khi người dùng mua xe mới. Rhodium Group ước tính BYD đã nhận được khoảng 4,3 tỷ USD hỗ trợ của nhà nước từ năm 2015 đến năm 2020. Có được hậu thuẫn lớn như vậy, không ngạc nhiên khi họ thành công.
“Nếu không có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, BYD sẽ không trở thành cường quốc toàn cầu như ngày nay” - nhà phân tích cấp cao Gregor Sebastian tại Rhodium nói với CNBC về vai trò của chính phủ Trung Quốc.

Chinh phục thế giới

Tham vọng bây giờ của BYD, không nghi ngờ gì là chinh phục thị trường nước ngoài. Họ bán ô tô ở một số quốc gia bên ngoài Trung Quốc như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thái Lan và Vương quốc Anh. Tại Đông Nam Á, BYD chiếm 43% thị phần xe điện.
Từng bị Elon Musk cười nhạo, làm thế nào công ty Trung Quốc này lại bán được nhiều xe điện hơn Tesla?
Elon Musk từng cười nhạo BYD năm 2011
Nhưng việc mở rộng ra quốc tế của công ty không chỉ dừng lại ở bán ô tô mà còn có sản xuất và vật liệu. Hồi tháng 12, BYD thông báo mở nhà máy đầu tiên tại Châu Âu ở Hungary. Đồng thời tích cực thu mua lithium, nguồn vật liệu quan trọng trong mỗi viên pin.
Tuy vậy, chính quyền Mỹ và Ủy ban Châu Âu đều đang để mắt tới sự vươn lên mạnh mẽ này. Họ phát động các cuộc điều tra nhắm vào xe điện Trung Quốc hòng bảo vệ những hãng sản xuất trong nước. BYD sẽ gặp nhiều thách thức nếu muốn vượt qua những rào cản chính trị.

Lật đổ Tesla?

Theo nhiều nhà phân tích, thậm chí công ty Trung Quốc vẫn chưa đạt tới tiềm năng tối đa của mình. Điều này khá giống với Tesla, trong thời kỳ đầu cũng thường bị xem nhẹ.
Đối thủ lớn nhất của họ - Tesla - cũng đang gặp nhiều thách thức. Nhiều công ty ô tô truyền thống đã đẩy nhanh tốc độ điện khí hóa, tăng thêm áp lực cho Tesla. Theo nhà phân tích cấp cao Daniel Roeska, những tháng tới doanh số của công ty Mỹ khó có đột biến.
Trái lại, BYD có thể bán được nhiều xe hơn nhờ đẩy nhanh các thị trường châu Âu. Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn sáng sủa trong 12 đến 24 tháng tiếp theo.
Ngay cả Elon Musk cũng đã phải nhìn nhận lại sai lầm của mình. Trong 1 bài đăng hồi tháng 5 năm nay, vị tỷ phú viết: “Đó là câu chuyện xảy ra từ nhiều năm trước. Giờ thì xe điện của họ đã có tính cạnh tranh rất cao rồi”.


>>> Thương hiệu Trung Quốc vượt mặt Tesla, trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top