5 thiên thạch lớn nhất từng đâm vào Trái đất

Các vụ va chạm giữa Trái đất với thiên thạch xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ. Tạp chí Cosmos ước tính có 17 vụ va chạm xảy ra trên bề mặt Trái đất mỗi…ngày. Tuy nhiên, vì phần lớn hành tinh của chúng ta được bao phủ bởi nước, và vô vàn những dải đất rộng lớn vẫn chưa có người sinh sống, hoặc có dân cư rải rác, do đó chúng ta thường không biết đến những vụ va chạm đó.
Dẫu vậy, đại đa số các vụ việc có liên quan đến những vật thể tương đối nhỏ đi xuyên qua bầu khí quyển. Đến khi chạm được xuống bề mặt, kích cỡ của chúng đã bị thu nhỏ đáng kể bởi lực ma sát và quá trình đốt cháy của khí quyển. Tuy nhiên, không phải lúc nào Trái đất cũng may mắn như vậy. Các nhà khoa học hiện vẫn tin rằng từng có một thiên thạch khổng lồ gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long khi đâm xuống hành tinh của chúng ta.
Trên thực tế, các vụ va chạm thiên thạch diễn ra một cách ngẫu nhiên và với tần suất khó tin. Kết hợp với những vụ va chạm ở cấp độ tuyệt chủng mà các nhà khoa học tin là đã tiêu diệt loài khủng long, có thể hiểu được tại sao các phim về tiểu hành tinh, thiên thạch, và sao chổi, lại phổ biến đến vậy. Tương tự, mới tháng trước, các nhà khoa học NASA đã thành công trong một thử nghiệm được thiết kế nhằm tìm hiểu khả năng làm chệch đường đi của thiên thạch bằng cách cho nó va chạm với vệ tinh (giống như phim!).
Dưới đây là 5 thiên thạch lớn nhất từng đâm vào Trái đất, để lại những tàn tích khổng lồ mà cho đến nay vẫn đang được nghiên cứu.

Thiên thạch Hoba

5 thiên thạch lớn nhất từng đâm vào Trái đất
Thiên thạch Hoba là mảnh vụn không gian lớn nhất hiện có trên bề mặt Trái đất: các nhà khoa học cho rằng nó đã “hạ cánh” khoảng 80.000 năm trước, tại khu vực mà ngày nay là Namibia. Hoba nặng gấp đôi thiên thạch lớn thứ nhì từng được phát hiện ra trên Trái đất, và có hình dạng độc nhất vô nhị, vừa phẳng, vừa mảnh dẻ, chứ không bo tròn và có dạng củ hành như thường thấy trên phim.
Thiên thạch này chưa bao giờ được dịch chuyển khỏi vị trí của nó, và do đó các nhà khoa học không thực sự biết được khối đá này đâm sâu vào mặt đất đến mức nào. Tuy nhiên, họ tin rằng thiên thạch này nhiều khả năng đâm vào Trái đất ở một góc rất xiên, khiến nó nảy trên bề mặt như thể một hòn đá phẳng nảy trên mặt hồ. Điều này cũng giải thích tại sao một vật thể từ vũ trụ cỡ lớn như Hoba lại không tạo ra một cái hố khổng lồ ngay tại điểm va chạm.
Giống như nhiều thiên thạch khác được phát hiện trên toàn thế giới, thiên thạch Hoba được tìm thấy một cách tình cờ. Khối đá 60 tấn, cấu thành chủ yếu bởi sắt, được một người nông dân đang cày ruộng phát hiện ra vào năm 1920. Chuyện kể rằng, người này đang điều khiển một cái cày truyền thống do bò kéo, bỗng nghe thấy tiếng lưỡi cày kim loại va vào khối thiên thạch sắt nói trên. Cuộc khai quật nhằm tìm hiểu thứ gì đang nằm dưới lớp đất được thực hiện, và kết quả là khối thiên thạch lớn nhất từng được loài người biết đến đã lộ diện.

Thiên thạch Mbozi

5 thiên thạch lớn nhất từng đâm vào Trái đất
Thiên thạch Mbozi được khám phá ra ở Tanzania, nặng xấp xỉ 25 tấn. Một số thiên thạch trong danh sách này ẩn mình rất lâu trước khi lộ diện, cho đến những phương pháp khoa học được ứng dụng để định vị và khai quật chúng. Thiên thạch Mbozi là một câu chuyện khác. Vật thể này bị vùi lấp một phần, và do đó đã được tìm thấy nhiều thế kỷ trước khi khoa học đủ tiến bộ để hỗ trợ con người.
Mbozi được các cộng đồng bản địa tôn thờ như một biểu tượng linh thiêng trong nhiều thế hệ, và được gọi là Kimondo. Nó cấu thành từ vật liệu tương tự các thiên thạch lớn khác từng được tìm thấy trên Trái đất, với 90% là sắt và khoảng 8% là nickel. Thiên thạch này được tìm thấy vào năm 1930 bởi các nhà khoa học, nhưng như đã nói ở trên, nó đã quen thuộc với người bản địa từ rất lâu trước đó. Năm 1967, Mbozi được chính phủ Tanzania công nhận là một di tích cần được bảo vệ.
Tanzania là quốc gia với khá nhiều điểm đến du lịch độc đáo, bao gồm đỉnh Kilimanjaro, đảo Zanzibar, và hàng loạt khu săn bắn. Tuy nhiên, di tích thiên thạch Mbozi là một trong những nơi thu hút đông đảo khách du lịch nhất đất nước.

Thiên thạch El Chaco

5 thiên thạch lớn nhất từng đâm vào Trái đất
Thiên thạch El Chaco, nặng 37 tấn, được tìm thấy năm 1969, là một phần của cụm thiên thạch Campo del Cielo nằm trong một hố rộng 60 km vuông ở Argentina. Không như thiên thạch Hoba, El Chaco có hình dạng tròn hơn nhiều, và đâm xuống Trái đất ở một góc trực diện hơn, do đó nó bị vùi dưới bề mặt Trái đất đến 5 mét, chỉ được phát hiện nhờ máy dò kim loại. Vì đâm trực diện, El Chaco cùng các mảnh vỡ xung quanh nó tạo nên những hố khá lớn và đều bị vùi lấp ở những độ sâu tương tự nhau.
Một đặc điểm độc đáo của cụm thiên thạch Campo del Cielo là nó thường xuyên bị trộm viếng thăm nhằm đánh cắp các mảnh vỡ của thiên thạch El Chaco và một vài thiên thạch nhỏ hơn. Nhằm giải quyết vấn đề này, chính quyền vùng Chaco đã tuyên bố cụm thiên thạch này là vật thể văn hóa cần được bảo vệ vào năm 1990.
Ngoài ra, vì đâm xuống mặt đất ở góc gần 90 độ, El Chaco hạ cánh với vận tốc xấp xỉ 14.000 km/h cạnh một khu vực rộng lớn chứa đầy các mảnh vụn vương vãi.

Thiên thạch Bacubirito

5 thiên thạch lớn nhất từng đâm vào Trái đất
Thiên thạch Bacubirito được tìm thấy ở Mexico vào năm 1863, cấu thành chủ yếu từ sắt và nặng khoảng 20 tấn. Ngày nay, Bacubirito được đặt trong một nhà trưng bày gọi là Sanctuary ở Sinaloa, Mexico (gần khu vực thiên thạch này “hạ cánh”). Bacubirito là thiên thạch lớn thứ 3 từng được biết đến, và là thiên thạch dài nhất từng được phát hiện ra: nó dài 4,25 mét, cao và rộng gần 2 mét.
Trang Google Arts & Culture cho biết thiên thạch này có thành phần hóa học khác biệt so với các thiên thạch khác từng được phát hiện trên bề mặt Trái đất. Cụ thể, sắt chiếm 89%, nickel chiếm 9,6%, cobalt chiếm 0,87%, và phốt-pho chiếm 0,14%. Ngoài ra trong thiên thạch còn có dấu vết của Iridium, một nguyên tố đất hiếm, và 117 loại sắt chưa được phân loại.
Giống các thiên thạch khác trong danh sách, tỷ lệ sắt trong Bacubirito là hợp lý với kích cỡ của nó, nhưng thành phần địa hóa học đặc biệt của nó thực sự khiến các nhà khoa học bất ngờ. Trang National Geographic nói rằng không phải tất cả các thiên thạch tìm thấy trên Trái đất đều có tỷ lệ sắt cao, nhưng những thiên thạch khổng lồ mà con người từng khai quật hầu như cấu thành chủ yếu từ sắt. Điều này mang lại cho chúng khả năng chống chọi với nhiệt độ cao và những thay đổi về áp suất khi đi qua bầu khí quyển để xuống bề mặt hành tinh.

Thiên thạch Cape York

5 thiên thạch lớn nhất từng đâm vào Trái đất
Thiên thạch Cape York “hạ cánh” xuống Trái đất khoảng 10.000 năm trước, và lịch sử của nó gắn liền với sự phát triển của nền văn minh loài người trong khu vực.
Điểm khác biệt của nó so với các thiên thể khác từng rơi xuống bề mặt Trái đất là nó đã được con người tìm thấy và khai thác trong hàng ngàn năm trước khi được nghiên cứu bởi cộng đồng khoa học. Thiên thạch này nặng khoảng 20 tấn, và có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy đã bị đục đẽo bởi người bản địa để lấy nguyên liệu chế tạo công cụ.
Đó là lý do vì sao lại nói thiên thạch Cape York là một phần không thể thiếu của nền văn minh con người thuở hồng hoang, cũng như lịch sử vĩ đại của cộng đồng người nguyên thủy ở Bắc Mỹ xa xưa. Giống các thiên thạch khác trong danh sách, thiên thạch Cape York cấu thành chủ yếu từ sắt, giúp nó bay qua bầu khí quyển Trái đất mà không bị nát vụn ra.
Tuy nhiên, thiên thạch này vẫn không còn nguyên vẹn, và một số mảnh vỡ của nó rơi rải rác xuống nhiều địa điểm khác ở khắp Bắc Mỹ. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ hiện lưu giữ 3 mảnh của thiên thạch Cape York, đặt tên là The Woman, The Dog, và Ahnighito. Điều thú vị về những mảnh vỡ này là chúng được tìm thấy ở nhiều khu vực va chạm khác nhau, trong đó một mảnh nằm khá xa số còn lại, trên một hòn đảo cách điểm va chạm chính cả một cái vịnh. Mảnh lớn nhất của thiên thạch này đang được trưng bày tại Bảo tàng Địa chất học thuộc Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Tham khảo: SlashGear
>> Phát hiện nhóm thiên thạch cực kỳ hiếm trong vũ trụ, ẩn chứa bí mật sự sống ngoài hành tinh
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top