80% phụ nữ Trung Quốc đều mua đồ lót từ 1 thị trấn, người đàn ông xây nên thủ phủ đồ lót chỉ để chiều lòng vợ

Hoàng Nam

Writer
"Cầm bông trên tay, để may nội y, ở ngay Trần Điếm". Theo The Paper, câu nói nổi tiếng này đang được lưu truyền ở thị trấn Trần Điếm, thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông.
Sán Đầu có truyền thống dệt vải từ thời nhà Đường, phụ nữ ở Sán Đầu không ai là không biết dệt vải. Vào mùa đông, vải được dệt từ sợi bông. Sang hè, người ta dệt vải từ sợi gai.
Kể từ đầu những năm 1980 đến nay, thị trấn Trần Điếm đã có hơn 2.000 xưởng sản xuất nội y lớn nhỏ, với hơn 200.000 lao động tham gia.
Người Trần Điếm thường tự hào nói rằng: "Không có Trần Điếm chúng tôi, 80% phụ nữ Trung Quốc không có nội y". Mặc dù có chút phóng đại nhưng với tư cách là thủ phủ sản xuất đồ nội y lớn nhất Trung Quốc, đồ nội y của Trần Điếm dễ dàng chiếm hơn 60% thị phần xứ tỷ dân.

Manh nha khởi nghiệp

Chiếc áo lót hiện đại đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1914. Nó được thiết kế bởi nhà xuất bản người Mỹ Mary Phelps Jacob với hai chiếc khăn tay và ruy băng.
Vào thời điểm đó, ở bên kia đại dương - Trung Quốc, phụ nữ bắt đầu mặc áo lót có thiết kế tương tự áo gile ngày nay.
Vào cuối những năm 1920 thế kỷ 20, hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào Trung Quốc, bao gồm áo lót thiết kế phương Tây hiện đại.
Nhưng cho đến những năm 1970, đồ nội y của phụ nữ Trung Quốc chủ yếu bao gồm áo khoác cotton và áo lót. Tuy nhiên, cũng có một số nơi, phụ nữ vẫn sử dụng khăn quấn truyền thống không hề thoải mái.
80% phụ nữ Trung Quốc đều mua đồ lót từ 1 thị trấn, người đàn ông xây nên thủ phủ đồ lót chỉ để chiều lòng vợ
Nam giới ở Trần Điếm rất am hiểu về nội y nữ. Ảnh: Xiaoxiangchenbao
Cũng chính vì lý do này mà Thái Tín Khai, người dân ở thị trấn Trần Điếm, Sán Đầu, Quảng Đông, bắt đầu nghiên cứu đồ lót của phụ nữ.
Vợ chồng ông Thái sở hữu một cửa hàng xay xát gạo.
"Vợ tôi mỗi ngày phải vác những bao gạo hàng chục cân, vì mặc nội y không thoải mái nên rất bất tiện khi làm việc". Đây là cơ duyên dẫn Thái Tín Khai bước vào lĩnh vực sản xuất đồ nội y nữ.
Thái Tín Khai vốn chỉ định thiết kế nội y cho vợ nhưng sau đó các thiết kế của ông được nhiều người biết đến và đón nhận.
Vào những năm 1980, Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, thu hút vốn nước ngoài. Thái Tín Khai nhận thấy thời cơ đã đến. Ông nhanh chóng mở xưởng sản xuất nội y nữ.
Nói là xưởng nhưng thực ra công nhân đều là người nhà, máy may cũng không nhiều, vải làm đồ lót đều lấy từ quần áo. Trong những năm đầu tiên, dù không kiếm được nhiều tiền nhưng Thái Tín Khai không bỏ cuộc.
Ông dùng loại vải co giãn chuyên biệt để thay thế loại vải cũ, chế tác mút xốp làm lót đệm nâng ngực hoàn thiện và tìm đầu ra trên toàn quốc.
Năm 1984, thấy doanh số bán đồ lót ở xưởng do Thái Tín Khai mở tăng vọt, dân làng liền đến xưởng của ông học hỏi, rồi mở xưởng gia đình, bắt đầu làm đồ lót.
"Một chiếc áo ngực được bán với giá 1 tệ 20 xu. Đầu những năm 1980, tôi chỉ kiếm được 2 tệ mỗi ngày. Vào thời điểm đó, 80% các gia đình đều làm áo ngực", ông Thái nhớ lại.
Bằng cách này, ngành công nghiệp đồ lót ở Trần Điếm bắt đầu hình thành.

Gặt hái quả ngọt

Vào cuối những năm 1990, các xưởng gia công đồ lót xuất hiện như nấm mọc sau mưa ở Trần Điếm, âm thanh của máy móc vang từ sáng đến tối không ngừng.
80% phụ nữ Trung Quốc đều mua đồ lót từ 1 thị trấn, người đàn ông xây nên thủ phủ đồ lót chỉ để chiều lòng vợ
Trần Điếm là thủ phủ đồ lót Trung Quốc. Ảnh: QQ
Ngày nay, có hơn 2.000 xưởng sản xuất đồ lót ở Trần Điếm.
Các doanh nghiệp quy mô lớn đã bắt đầu sản xuất tự động hóa, máy dệt thoi, máy dệt kim, máy cắt đang chạy với tốc độ cao, trong xưởng một người có thể đảm nhiệm cùng lúc 13 đến 15 máy.
Một phân xưởng đã giảm từ 300 người ban đầu xuống còn khoảng 200 người, chi phí nhân công giảm 30% nhưng năng lực sản xuất lại tăng 30%.
"Trước đây, để làm ra một lô nội y, từ khâu cắt nguyên liệu đến xuất hàng mất khoảng hai, ba tháng. Hiện nay, chỉ cần chuẩn bị sẵn kiểu dáng, nguyên liệu, hàng có thể được ra lò trong vòng 7 đến 15 ngày".
Giờ đây, nhờ những xưởng sản xuất đồ lót ở Trần Điếm mà các ngành nghề liên quan như vải nguyên liệu, mút xốp dây đeo vai, thêu hoa, nhuộm cùng hội tụ về đây và phát triển, tạo thành một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh. Tất cả các nguyên liệu thô và phụ kiện cần thiết để làm đồ lót đều có thể tìm thấy ở Trần Điếm.

Đàn ông may nội y là chuyện thường thấy

Có lẽ do Thái Tín Khai khai phá nên việc đàn ông tham gia vào sản xuất đồ lót còn là chuyện lạ ở Trần Điếm. Họ có thể thực hiện hàng chục công đoạn, từ vẽ, tạo mẫu, hoàn thiện, cắt, đóng khuy lưng, đính ren… để hoàn thiện một chiếc áo ngực nữ.
Theo số liệu khảo sát năm 2016, 30% số lao động làm đồ lót ở thị trấn Trần Điếm là nam giới.
Nhiều chàng trai trẻ khi mới đến xưởng may đồ lót còn có chút ngại ngùng. Dần dần, sau khi biết rằng xưởng sản xuất đồ lót kiếm được rất nhiều tiền, ngày càng có nhiều nam giới tham gia.
Cảnh tượng chỉ có phụ nữ dệt vải ở Trần Điếm đã trở thành dĩ vãng, giờ đây, đàn ông may đồ lót là chuyện rất bình thường.
Trở lại năm 1984, khi Trần Điếm vẫn còn rất nhiều nhà tranh vách đất thì giờ đây, nhờ ngành công nghiệp gia công đồ lót, gia đình nào cũng xây được nhà từ ba đến năm tầng.
Ngày nay, khi bước vào Trần Điếm, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà gỗ, biệt thự, tòa nhà văn phòng và hàng ngàn nhà máy sản xuất đồ lót dày đặc hai bên đường.
Với 40 năm thăng trầm, Trần Điếm đã phát triển từ một ngôi làng nhỏ bình thường thành một "thị trấn đồ lót" nổi tiếng trong và ngoài Trung Quốc, đóng góp 70% giá trị sản lượng công nghiệp toàn thị trấn.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top