AI có thực sự thông minh hay chỉ là "diễn viên" kỳ cựu?

Phương Huyền
Phương Huyền
Phản hồi: 0
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến cả thế giới trầm trồ với khả năng học ngôn ngữ và giải quyết vấn đề phức tạp, nhưng liệu đó có phải là trí thông minh thật sự hay chỉ là một màn kịch tài tình?
1743988239709.png

Một nghiên cứu mới trên Transactions on Machine Learning Research vừa tung ra cú sốc dù mạnh mẽ đến đâu, AI vẫn chỉ là kẻ giả vờ thông minh và thiếu đi cốt lõi của tư duy con người.
Nghiên cứu đào sâu vào khả năng lập luận loại suy, thứ mà con người làm một cách tự nhiên như hít thở. Ví dụ, bạn có thể dễ dàng phát hiện và loại bỏ ký tự lặp trong một chuỗi lạ, áp dụng quy tắc chung vào tình huống mới mà không cần ai chỉ dạy. Nhưng với các mô hình ngôn ngữ đỉnh cao như GPT-4, mọi chuyện lại rẽ sang hướng khác. Khi đối mặt với tình huống chưa từng thấy trong dữ liệu huấn luyện, AI liên tục "đơ toàn tập", không thể khái quát hóa hay suy ra logic như con người.
Các nhà khoa học lý giải vấn đề không nằm ở việc AI thiếu dữ liệu, bởi nó đã được nhồi nhét hàng tỷ mẫu thông tin tuy nhiên mấu chốt nằm ở cách nó "nghĩ". Con người sở hữu khả năng lập luận trừu tượng đáng kinh ngạc như hiểu ngữ cảnh, linh hoạt áp dụng kiến thức cũ vào tình huống mới, và tự xây dựng mô hình tư duy về thế giới. Trong khi đó, AI giống như một cỗ máy ghi nhớ siêu phàm, dự đoán bước tiếp theo dựa trên mẫu có sẵn, chứ không thực sự hiểu tại sao đằng sau mỗi quyết định.
Sự khác biệt này không chỉ là vấn đề lý thuyết. Trong các lĩnh vực như y tế, luật pháp hay giáo dục nơi đòi hỏi khả năng nắm bắt sắc thái và suy luận sâu AI có thể gây ra những sai lầm tai hại. Hãy tưởng tượng một AI bỏ qua mối liên hệ giữa hai vụ án chỉ vì cách diễn đạt khác nhau, dẫn đến phán quyết sai lệch, hoặc đưa ra chẩn đoán y khoa thiếu chính xác vì không hiểu ngữ cảnh thực tế. Nó có thể bắt chước lời nói của con người, nhưng không có nghĩa nó nghĩ như chúng ta.
Nghiên cứu đặt ra câu hỏi nhức nhối: Nếu AI chỉ "diễn" thông minh mà không thực sự tư duy, liệu chúng ta có đang quá vội vàng đặt niềm tin vào chúng? Ngay cả những mô hình tiên tiến nhất, như o1-pro của OpenAI, vẫn chỉ là công cụ phụ thuộc, không thể thay thế con người trong sáng tạo hay giải quyết vấn đề ngoài khuôn mẫu. Hơn nữa, khi ngày càng ỷ lại AI, kỹ năng tư duy phản biện của chính chúng ta có nguy cơ mai một – một viễn cảnh đáng lo ngại.
Dù đạt độ chính xác ấn tượng trong các nhiệm vụ quen thuộc, AI vẫn lộ rõ điểm yếu khi đối mặt với những tình huống không được lập trình sẵn. Khi công nghệ này len lỏi sâu hơn vào đời sống, từ phòng xử án đến bệnh viện, ranh giới giữa thông minh giả tạo và tư duy thật sự chưa bao giờ quan trọng đến thế. AI có thể là trợ thủ đắc lực, nhưng đừng vội coi nó là bộ não thứ hai, ít nhất chưa phải bây giờ.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top